Thượng tá, TS. Hoàng Gia Khánh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Nhân dịp Hội nghị chính trị viên tháng 3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Hội nghị, nội dung bức thư chứa đựng những quan điểm, tư tưởng hết sức cơ bản và khoa học mà chính trị viên phải nắm vững để thực hành đúng, từ đó phát huy vai trò chủ trì về chính trị tại đơn vị, giữ vững bản chất, cách mạng của quân đội ta.
Từ khóa: Chính trị viên; người kiểu mẫu; tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đặt vấn đề
Chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam là người chủ trì về chính trị ở đại đội, tiểu đoàn và tương đương, có vai trò quan trọng giữ vững định hướng chính trị trên tất cả nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động, cả tổ chức và con người nhằm xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Để phát huy vai trò chủ trì về chính trị, là hạt nhân, trung tâm đoàn kết trong chi ủy, chi bộ và đơn vị, đòi hỏi “Chính trị viên phải là người kiểu mẫu trong mọi việc”1.
Nội dung nghiên cứu
Với cương vị là người chủ trì về chính trị, chính trị viên phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu, rèn luyện tác phong công tác, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”2. Đó không chỉ là tiêu chí, mục tiêu xây dựng đội ngũ chính trị viên mà còn là phương pháp, cách thức để chính trị viên hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình. Những hành động kiểu mẫu của chính trị viên là bài học sinh động có tác dụng giáo dục thuyết phục trực tiếp, mạnh mẽ đến cán bộ, chiến sĩ; là điều kiện quan trọng để đoàn kết đơn vị thành một khối thống nhất về ý chí và hành động.
Quán triệt tư tưởng “Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần 80 năm qua, đội ngũ chính trị viên luôn nêu cao tinh thần tích cực tiến công, chiến đấu anh dũng, ngoan cường, chỉ huy mưu trí, linh hoạt; lập nên những chiến công vĩ đại trong lịch sử xây dựng, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”3; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới… thể hiện rõ vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị nói chung, chính trị viên nói riêng thực sự quan trọng và cấp thiết trong yêu cầu mới và có sự phát triển mới ở tầm cao hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, trước tác động tiêu cực cực mặt trái nền kinh tế thị trường, lối sống buông thả, thích hưởng thụ, sự chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị, tư tưởng… dẫn đến, một bộ phận chính trị viên chưa thực sự tự giác và đề cao trách nhiệm trong tự học, tự rèn, tự đổi mới phong cách làm việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thiếu sâu sát với bộ đội, không nhất quán giữa lời nói và việc làm; trong xử lý công việc còn dập khuôn máy móc, thụ động và thiếu quyết đoán; giải quyết mối quan hệ với người chỉ huy có việc chưa đúng chức trách, quyền hạn… Những hạn chế trên đã trở thành lực cản không nhỏ, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ và hình ảnh, uy tín của chính trị viên ở đơn vị. Do vậy, “Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong tình hình hiện nay. Để học theo Bác và thực hiện đúng lời dạy của Người, chính trị viên cần quyết tâm cao vào một số nội dung sau:
Một là, chính trị viên phải tiêu biểu về phẩm chất, bản lĩnh chính trị.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo của chính trị viên là phải có sự thống nhất giữa tính Đảng, tính nguyên tắc với sự năng động, sáng tạo, nhạy cảm với cái mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ điều chủ chốt trong phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo là: “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”4. Theo đó, người chính trị viên phải có sự vững vàng về quan điểm, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có bản lĩnh chính trị cao, dựa trên sự giác ngộ sâu sắc về thế giới quan, niềm tin cộng sản, có kinh nghiệm đấu tranh chính trị. Trong mọi tình huống, chính trị viên đều phải trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân, có ý chí chiến đấu cao thể hiện ở phẩm chất kiên trì, dũng cảm, ngoan cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Trong thực hiện nhiệm vụ phải biết phân tích và xử lý tình huống một cách đúng đắn, theo nhiều hình thức, phương pháp, biện pháp khác nhau và phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể; có sự định hướng tư tưởng đúng đắn trong đơn vị, bảo đảm cho mỗi quân nhân có khả năng “miễn dịch” trước mọi âm mưu chống phá về tư tưởng chính trị của các thế lực thù địch.
Hai là, chính trị viên phải là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: nêu gương sáng là một vấn đề rất quan trọng trong phong cách lãnh đạo của người cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu gương của chính trị viên với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mình phụ trách. Sự mẫu mực về đạo đức, lối sống là phẩm chất nhân cách quan trọng của người chính trị viên. Vì vậy, đòi hỏi người chính trị viên phải thực sự gương mẫu trong sinh hoạt và công tác, nêu gương sáng về “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”; về “nhân, lễ, trí, dũng, liêm, trung”; đề cao tinh thần và thực hiện chặt chẽ “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, đặc biệt là nêu gương đoàn kết nhất trí trong tập thể lãnh đạo chỉ huy, không cá nhân bè phái.
Hiện nay, sự gương mẫu của chính trị viên không chỉ thể hiện ở hiệu quả thực hiện chức trách nhiệm vụ, có lối sống trong sạch, không tham ô, không mắc vào các tệ nạn xã hội mà phải gương mẫu đi đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện phản giá trị khác ở ngay trong đơn vị mình; phải có phong cách quang minh chính đại, thấy việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh, kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không vì tập thể chỉ lo lợi ích cá nhân.
Ba là, chính trị viên phải luôn gần gũi, sâu sát với bộ đội.
Theo Hồ chí Minh, với bộ đội, chính trị viên phải luôn quan tâm đến sinh hoạt vật chất: từ ăn, mặc, ở, đi lại, đến nghỉ ngơi, luyện tập, công tác, và sức chiến đấu của họ; về mặt tinh thần, phải săn sóc để nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa và đường lối chính trị trong bộ đội; phải thực sự gần gũi, sâu sát, hiểu rõ họ như những người thân trong gia đình. Người căn dặn: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”5. Với Nhân dân, “Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn như thế, thì phải đốc thúc bộ đội siêng giúp dân, hăng đánh giặc”6. Trong mọi công tác của Đảng, của đoàn thể đơn vị, khi làm việc chính trị viên cần tổng hợp các ý kiến cá nhân của từng người để phân tích, nghiên cứu, sắp đặt thành những ý kiến có hệ thống, sau đó tuyên truyền, giải thích cho bộ đội, trở thành ý kiến chung của đơn vị và làm cho bộ đội giữ vững, thực thi ý kiến đó, nhất là phải tập trung những ý kiến hay, tích cực của bộ đội, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích cho bộ đội.
Bốn là, chính trị viên cần kết hợp chặt chẽ tính cách mạng, khoa học và tập thể lãnh đạo với quyết đoán cá nhân phụ trách.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, đòi hỏi chính trị viên phải thực sự am hiểu công việc, tinh thông nghiệp vụ công tác đảng, công tác chính trị theo cương vị, chức trách, nhiệm vụ của mình. Tính khoa học trong làm việc của chính trị viên phải được bảo đảm bằng sự hiểu biết, bằng tri thức khoa học chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học – kỹ thuật.
Là người giữ trọng trách chủ trì về chính trị ở đơn vị, chính trị viên càng cần phải rèn luyện phong cách làm việc dân chủ, tập thể; phải kiên trì, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hành tác phong này với tính chất là một chế độ làm việc; giải quyết tốt mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, thực hành dân chủ rộng rãi trong đơn vị. Bởi lẽ có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến, “Phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng đều do quần chúng đảng viên tập trung kinh nghiệm và ý kiến lại mà thành. Rồi lại do các cuộc hội nghị của Đảng thảo luận giải quyết, chứ không ai được tự ý độc đoán”7. Phải chống tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, chống những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức.
Tuy nhiên, có ý thức tập thể cao, biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể, đồng thời phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo khi kết hợp chặt chẽ giữa cách làm việc dân chủ tập thể với tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể đơn vị, kịp thời đưa ra những quyết sách đúng. Trên cương vị chủ trì về chính trị, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, người chính trị viên cần thực hiện theo tinh thần “7 dám”: “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.
Kết luận
Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc”, đòi hỏi chính trị viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tận tâm, tận lực với công việc. Có như vậy, mỗi chính trị viên mới ngày càng hoàn thiện phẩm chất, nhân cách, trình độ, năng lực, tác phong làm việc khoa học và có hiệu quả, để thực sự là hạt nhân đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo đơn vị, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Chú thích:
1, 2, 5, 6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 485, 484, 484, 485.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 157 – 158.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. “Đạo đức cách mạng” (1958). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 603.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 286.