Tăng cường công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới

ThS. Nguyễn Chí Trung
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo trong quân đội được ban hành, khẳng định giáo dục và đào tạo trong quân đội là một trong những nhiệm vụ chính trị trung tâm, quan trọng hàng đầu của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Để Nghị quyết đi vào thực tiễn, cần hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế, chính sách trong giáo dục – đào tạo; đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giáo dục và đào tạo trong quân đội hiện nay.

Từ khóa: Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW; giáo dục và đào tạo; quân đội; tình hình mới.

Ảnh minh họa (chinhphu.vn).
Đặt vấn đề

Với vị trí vai trò đặc biệt quan trọng, công tác giáo dục và đào tạo được các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, hệ thống nhà trường trong toàn quân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Các nghị quyết chuyên đề, các chương trình hành động thực hiện công tác giáo dục và đào tạo được triển khai thực hiện đồng bộ. Qua một năm thực hiện nghị quyết, Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo” được Bộ Quốc phòng phê duyệt, triển khai thực hiện; chất lượng giáo dục và đào tạo của các học viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục được nâng cao.

Tình hình thực hiện Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo

Nghị quyết ra đời đã “gắn nhà trường với chiến trường và đơn vị; gắn đào tạo với bồi dưỡng và sử dụng, coi chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị; gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn để nâng cao chất lượng giáo dục và đạo tạo; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và đào tạo trong nhà trường với bồi dưỡng tại đơn vị và tự học, tự rèn trong quá trình công tác… Nghị quyết cũng đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong đó có nhiều giải pháp mang tính đột phá, như: xây dựng phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo; chuẩn hóa chương trình đào tạo; xây dựng hệ thống nhà trường quân đội tinh, gọn, mạnh, chuyên sâu, hiện đại”1. Hệ thống nhà trường trong quân đội đã tiên phong điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung; tích cực đổi mới tổ chức, phương pháp dạy học theo hướng tinh giản, thiết thực, sát với đối tượng đào tạo; giảm tỷ lệ lý thuyết, tăng tỷ lệ thực hành. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý thường xuyên được kiện toàn, bồi dưỡng, tập huấn, luân chuyển. Công tác nghiên cứu khoa học có bước phát triển, nhiều đề tài, sáng kiến được công nhận ở các cấp; công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng được ứng dụng vào dạy học; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, nâng cấp…

Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục và đào tạo, cũng như chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn còn một số hạn chế, bất cập đó là: “quy trình đào tạo một số đối tượng chưa phù hợp, thời gian đào tạo còn dài. Một số chương trình đào tạo chưa tích hợp, chưa gắn với yêu cầu sử dụng cán bộ theo hướng linh hoạt sau khi ra trường, nhất là đào tạo theo chức vụ. Xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo chưa kịp thời, chưa đồng bộ và thống nhất. Tỷ lệ các khối kiến thức trong các chương trình đào tạo chưa cân đối, nội dung còn dàn trải, quá tải. Số lượng và tỷ lệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt trình độ tiến sỹ, đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú còn thấp, chưa đồng đều giữa các nhà trường; năng lực ngoại ngữ, tin học và kiến thức thực tiễn còn hạn chế. Hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chưa cao. Học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội tốt nghiệp ra trường một số đồng chí chưa thích ứng nhanh với điều kiện, môi trường công tác mới. Cán bộ đào tạo cấp trung đoàn, sư đoàn và tương đương kiến thức về quản lý nhà nước, kinh tế – xã hội, pháp luật, động viên, tuyển quân có nội dung còn hạn chế2.

Nguyên nhân của những hạn chế chủ yếu là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đổi mới công tác giáo dục và đào tạo; công tác quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục, đào tạo của một số cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị chưa sâu, kỹ; vai trò, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tham mưu đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn có nội dung chưa chủ động, chưa đồng bộ; một số cán bộ, giảng viên chưa thực sự tâm huyết; nội dung, phương pháp quản lý, giáo dục, dạy học chậm đổi mới; khả năng tự học, tự nghiên cứu, tự hoàn thiện trình độ chuyên môn chưa cao; chưa mạnh dạn dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; cơ chế, chính sách còn thiếu chặt chẽ; đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Thời gian tới, mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; các nước lớn cạnh tranh gay gắt. Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ vừa tạo thời cơ, vừa là thách thức đối với hoạt động giáo dục, đào tạo. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng cao, trong khi đó, quân đội tiếp tục thực hiện điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh tiến lên hiện đại… Vì vậy, đòi hỏi toàn quân nói chung, các đơn vị, cơ quan chức năng, nhà trường Quân đội nói riêng cần tiếp tục tổ chức quán triệt Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW bám sát thực tiễn, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo một cách toàn diện, thực chất, không ngừng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một số giải pháp

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng, có tính chỉ đạo xuyên suốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp quyết định toàn bộ chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục và đào tạo. Vì vậy, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi cần phải được tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, liên tục.

Chú trọng bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học viên. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng của cấp ủy, tổ chức đảng; gắn xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì phù hợp với tổ chức hệ thống nhà trường quân đội. Kết hợp xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng nhà trường, cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy và quản lý giáo dục; thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên. Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật…

Hai là, chú trọng xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giáo dục và đào tạo.

Đây là giải pháp căn cơ quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp là điều kiện để công tác giáo dục và đào tạo có hướng đi đúng đắn, là cơ sở để hệ thống nhà trường, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân xác định đúng phương thức, cách thức sắp xếp tổ chức và hình thức, phương pháp, biện pháp tiến hành, quy trình, đặc điểm, nhiệm vụ, quy định… trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giáo dục và đào tạo. Tích cực nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chú trọng đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, quan tâm xây dựng tài năng quân sự, nghiên cứu khoa học, tạo nguồn xây dựng Nhà giáo ưu tú, nhà giáo giỏi, cán bộ quản lý, huấn luyện giỏi. Xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút và cơ chế sử dụng nguồn lực các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài quân đội tích cực đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ ở các học viên, nhà trường quân đội.

Ba là, đổi mới toàn diện và đồng bộ quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Đây là giải pháp hết sức quan trọng trong thời đại hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của quân đội các nước trong khu vực và trên thế giới. Để thực hiện được yêu cầu này, cần phải xây dựng một lộ trình cụ thể, khoa học; sự lãnh đạo tập trung, quyết liệt của các cấp, các ngành; sự tổ chức thực hiện, tham mưu đề xuất của hệ thống nhà trường và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo…, nhưng phải bảo đảm tính cách mạng, khoa học, liên tục, kế thừa, tích hợp, sát với thực tế và phát triển, phù hợp với nguyên lý, quy luật tự nhiên-xã hội và nhận thức của đối tượng đào tạo. Việc liên thông, tích hợp các chương trình đào tạo cùng trình độ, nhóm ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu sử dụng linh hoạt cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật khi tốt nghiệp ra trường là vô cùng hiệu quả và rất cần thiết, vừa bảo đảm nội dung chương trình đào tạo, vừa bảo đảm thời gian công tác và trưởng thành từ thực tế đơn vị của cán bộ. Tích cực phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, coi trọng thực tiễn, lấy thực hành làm chính. Đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng hiện đại. Thực hiện dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất kết quả dạy và học, chống bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục và đào tạo. Kế thừa có chọn lọc tri thức nhân loại trong quá trình giáo dục và đào tạo.

Bốn là, xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác giáo dục và đào tạo.

Đây là giải pháp đặc biệt cần thiết trong công tác giáo dục và đào tạo. Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, bảo đảm về chất lượng có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới. Các cơ quan, đơn vị, hệ thống nhà trường trong toàn quân cần thường xuyên tổ chức quán triệt sâu kỹ và thực hiện hiệu quả Đề án theo Quyết định số 3525/QĐ-BQP, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật tốt; có trình độ cao, kiến thức tiên tiến, năng lực toàn diện; tác phong, phương pháp giảng dạy và làm việc chuyên nghiệp, khoa học… Đổi mới và tăng cường chế độ luân phiên đi thực tế, tăng số đợt và số lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đi thực tế tại đơn vị. Thực hiện tốt quy trình, kế hoạch tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhất là cán bộ chủ trì, người đứng đầu các nhà trường.

Kết luận

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là hệ thống nhà trường Quân đội cần thường xuyên quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hệ thống, chặt chẽ các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, phúc tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến và phê bình, xử lý nghiêm các tập thể cá nhân thực hiện chưa tốt công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Triển khai Nghị quyết 1657 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo trong Quân đội. https://baoquankhu7.vn, ngày 09/3/2023.
2. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Quyết định số 3525/QĐ-BQP ngày 03/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo”.