Xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội

ThS. Đào Ngọc Thủy
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh tác động ngày càng lớn của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt là vấn đề được các nhà khoa học, nhà quản lý, chính quyền các cấp và người dân quan tâm khi một số di tích đang bị xuống cấp và tình trạng xâm hại di tích ngày một nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề trên cần những giải pháp xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt.

Từ khóa: Kế hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị, di tích quốc gia đặc biệt, Hà Nội.

Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Theo thống kê của Cục Di sản, tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 24 di tích quốc gia đặc biệt. So với vùng đồng bằng sông Hồng, số lượng di tích quốc gia đặc biệt của thành phố chiếm 44,6%, với 24/47 di tích. So với cả nước thì thành phố có số lượng di tích quốc gia đặc biệt chiếm 16,4%. Các di tích quốc gia đặc biệt phân bố tại 15 quận, huyện trong thành phố. Loại hình di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố khá đa dạng, với 6 loại hình, đó là: di tích kiến trúc nghệ thuật, chiếm số lượng lớn nhất: 10 di tích; di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật: 5; di tích lịch sử: 4; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh: 2; di tích lịch sử và khảo cổ: 1; di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ: 2. Sự đa dạng các loại di tích quốc gia đặc biệt cho thấy giá trị đặc sắc, tiêu biểu của các di tích quốc gia đặc biệt trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Việc xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt mang ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của thành phố trong bối cảnh tác động ngày càng lớn của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ và đang là một thách thức lớn khi một số di tích quốc gia đặc biệt đang bị xuống cấp, tình trạng xâm hại di tích ngày một nghiêm trọng.

Thực trạng xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt

Những năm qua, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch bằng cách xác định nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trong các chương trình, quy hoạch phát triển văn hóa, du lịch, như: Chương trình số 04-Ctr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”, trong đó xác định trong 5 năm (2016 – 2020): ưu tiên đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa thế giới, triển khai bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di tích Cổ Loa; Nghị quyết số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội thực hiện “Chương trình phát triển văn hoá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”, trong đó, xác định chỉ tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đó là: (1) Bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; (2) Tăng cường quản lý nhà nước, phát huy giá trị các di tích; (3) Ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử cách mạng có giá trị tiêu biểu. Trên cơ sở Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó có nhóm chỉ tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đó là: (1) Xếp hạng 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố; (2) Tăng cường quản lý nhà nước, phát huy giá trị các di tích, ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt; (3) Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám gắn với phát triển du lịch bền vững.

Công tác lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích là một trong những nhiệm vụ đầu tiên sau khi di tích được xếp hạng. Hiện nay, thành phố có 4 di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là: (1) Khu di tích Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội; (2) Khu di tích thành Cổ Loa; (3) Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; (4) Di tích Chùa Hương. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc và các sở, ban, ngành liên quan thực hiện lập, trình duyệt và triển khai kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các hạng mục di tích, như: chương trình giới thiệu, đề cương trưng bày, lựa chọn hiện vật để khai thác, phát huy giá trị của Khu di tích phục vụ học tập, nghiên cứu, tham quan, du lịch…; kế hoạch cải tạo, trùng tu các di tích chính trên trục chính tâm, như: Kỳ Đài, Đoan Môn, Nền, thềm điện Kính thiên, Hậu Lâu, Bắc Môn…; chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, chuyển đổi chức năng các công trình cho phù hợp với công năng sử dụng mới của khu di sản, xây dựng đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên; đề án nghiên cứu phục dựng lễ hội đèn Quảng chiếu; nghiên cứu các nghi lễ trong cung đình và các hoạt động văn hóa phi vật thể…

Đối với các khu di tích do cấp huyện quản lý: trong quá trình thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, các địa phương sẽ lập kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích từ khi lập hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, lập kế hoạch thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo các di tích và tổ chức các chương trình lễ hội, phát triển sản phẩm du lịch để đề xuất thành phố xét duyệt. Cụ thể: di tích Chùa Hương, UBND huyện Mỹ Đức đã lập các kế hoạch thực hiện các dự án tu bổ cấp thiết nhà Tăng – Ni khu vực chùa Thiên Trù và ngoài động Hương Tích thuộc quần thể Hương Sơn. Ở đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, trước khi điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội, đền thờ Hai Bà Trưng đãđược UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt các dự án đầu tư, quy hoạch, tôn tạo và xây dựng khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng từ năm 2002. Năm 2008, huyện Mê Linh được điểu chỉnh địa giới hành chính về thành phố Hà Nội, di tích đền Hai Bà Trưng được điều chỉnh quy hoạch năm 2011. Di tích đền thờ Hai Bà Trưng (Đền thờ Đồng Nhân, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng), ngoài các kế hoạch thực hiện bảo tồn di tích, UBND quận thực hiện lập kế hoạch xây dựng điểm, tuyến du lịch trọng điểm kết nối của 3 di sản đền thờ Hai Bà Trưng, bao gồm: đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), đền Mê Linh (huyện Mê Linh) và đền Đồng Nhân để phát triển các loại hình du lịch du lịch văn hóa và du lịch văn hóa tâm linh, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí. Di tích chùa Tây Phương, UBND huyện Thạch Thất đã có tờ trình UBND thành phố Hà Nội về việc đề xuất danh mục đầu tư các dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Thạch Thất giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có các nội dung liên quan đến di tích chùa Tây Phương…

Ban quản lý di tích cấp huyện đã tham gia thực hiện xây dựng các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở các mức độ, vai trò khác nhau. Theo kết quả khảo sát của tác giả tại ban quản lý di tích của 15 quận, huyện (150 phiếu) trên địa bàn thành phố cho thấy: 

(1) Trong lập kế hoạch triển khai quy hoạch, bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị di tích, số ý kiến trả lời “tham gia” cho kế hoạch của cấp trên chiếm tỷ lệ cao nhất, với 130/150 ý kiến, chiếm 86,7%; số ý kiến trả lời “không biết” là 20/150 ý kiến, chiếm 13,3%;  không có ý kiến trả lời “chủ trì” kế hoạch.

(2) Đối với việc ban hành quy chế nội quy bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ý kiến trả lời “tham gia” cho kế hoạch cấp trên cũng chiếm số lượng lớn nhất, với 80/150 ý kiến, chiếm 53,3%, đáng chú ý có 50/150 ý kiến, chiếm 33,3%; trả lời “chủ trì” kế hoạch; tuy nhiên, có 20/150 ý kiến trả lời “không biết”, chiếm 13,3%. 

(3) Về tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ý kiến trả lời “chủ trì” kế hoạch chiếm số lượng khá lớn, với 80/150 ý kiến, chiếm 53,3%; ý kiến trả lời “tham gia” cho kế hoạch cấp trên có 50/150 ý kiến, chiếm 33,3% và có 20/150 ý kiến trả lời “không biết”, chiếm 13,3%. 

(4) Về huy động nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ý kiến trả lời “tham gia” cho kế hoạch cấp trên số lượng lớn nhất, với 100/150 ý kiến, chiếm 66,7%;  ý kiến tham trả lời “chủ trì” kế hoạch có 20/150 ý kiến, chiếm 33,3%, nhưng có 30/150 ý kiến trả lời “không biết”, chiếm 20%. 

(5) Đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ý kiến trả lời “tham gia” cho kế hoạch cấp trên có tỷ lệ lớn nhất, với 130/150 ý kiến, chiếm 86,7%; không có ý kiến trả lời “chủ trì”;  ý kiến trả lời “không biết” có  20/150, chiếm 13,3%. 

(6) Đối với việc khen thưởng và giải quyết khiếu nại, có sự đồng nhất trong các ý kiến trả lời, tương ứng là ý kiến trả lời “tham gia” cho kế hoạch cấp trên chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 110/150 ý kiến, chiếm 73,3%, không có ý kiến trả lời “chủ trì” và  40/150 ý kiến trả lời “không biết”, chiếm 26,7%.

Có thể thấy, những nội dung trong chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt được các ban quản lý di tích trên địa bàn thành phố thực hiện với vai trò tham gia xây dựng kế hoạch cấp trên là chủ yếu, đáng chú ý có một số nội dung được các ban quản lý chủ động với vai trò chủ trì lập kế hoạch trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích, như: việc xây dựng nội quy quy chế bảo tồn, tổ chức hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích… Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ ý kiến trả lời “không biết” lại khá phổ biến ở một số ban quản lý di tích. Điều đó cho thấy thiếu sự chủ động và quan tâm lập kế hoạch ở một số ban quản lý di tích trên địa bàn thành phố.

Giải pháp trong xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Thứ nhất, thiết lập kế hoạch chuyên biệt bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt.

Thiết lập kế hoạch chuyên biệt là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách bảo tồn phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các kế hoạch bảo tồn và phát huy di tích quốc gia đặc biệt của thành phố mới chỉ được lồng ghép trong các chương trình phát triển văn hóa, phát triển du lịch, trong khi đó, các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố có tính đặc thù về loại hình, quy mô, đặc biệt là sự phân bố theo điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội khác nhau. Chính vì vậy, chủ thể thực hiện chính sách trên địa bàn thành phố Hà Nội cần xây dựng những chương trình, kế hoạch chuyên biệt đối với việc thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, góp phần phát huy sự đặc thù nhưng bảo đảm tính hệ thống và thống nhất trong quản lý di tích. Đặc biệt, với việc triển khai chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích riêng sẽ đánh giá đúng tiềm năng và lợi thế so sánh của mỗi địa phương và tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt.

Thứ hai, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở trong lập kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Chính quyền cơ sở có vai trò rất quan trọng trong thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt. Chính quyền cơ sở là đơn vị quản lý tổng hợp lãnh thổ và liên quan chặt chẽ tới bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và trật tự, an toàn xã hội xung quanh di tích. Chủ thể cấp thành phố cần phát huy vai trò của chính quyền cơ sở trong việc tham gia đóng góp ý kiến đối với các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, đặc biệt là những kế hoạch bảo vệ trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị di tích và các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường và bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa bàn có di tích. 

Chính quyền cấp trên cần giao cho chính quyền cơ sở chủ động trong việc lập kế hoạch thực hiện chính sách bảo đảm an ninh, trật tự an toàn, tránh sự xâm chiếm, vi phạm không gian di tích, tránh sự thụ động dựa vào kế hoạch của các ban, ngành cấp trên. Đồng thời huy động cộng đồng địa phương tham gia việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trong đó có các kế hoạch phát triển du lịch của địa phương gắn với di tích.

Thứ ba, chú trọng kế hoạch đào tạo đội ngũ, nhân lực tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Nâng cao năng lực và tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tham mưu thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản là yêu cầu cấp thiết. Thực tế, cán bộ tham mưu bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn hạn chế, nhất là ở cấp huyện và cấp xã. Trong bối cảnh quản lý ngày càng phức tạp, đòi hỏi việc quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di tích đòi hỏi yêu cầu khoa học, cần có những chương trình, mục tiêu đào tạo cho cán bộ cấp huyện và cấp xã theo hướng đa bồi dưỡng kiến thức quản lý bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.  

Xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực tham gia ban quản lý di tích và cộng đồng. Nguồn nhân lực các ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt là lực lượng tham gia trực tiếp trong thực hiện các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Nếu nhân lực có chuyên môn sâu sẽ chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động cần hơn nữa về bảo tồn và quản lý di tích để chủ động đề xuất và đề nghị với cấp cao hơn trong việc thực hiện các chính sách. Ngoài ra, cộng đồng địa phương cũng được đào tạo, đặc biệt là việc phát huy giá trị di tích trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Thứ tư, đổi mới hình thức lập kế hoạch thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Đổi mới hình thức, phương pháp lập kế hoạch là hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng kế hoạch và tạo sự đồng thuận của cộng đồng và đem lại hiệu quả cao trong quá trình thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Việc xây dựng kế hoạch cần được tiếp cận đa chiều, từ dưới lên nhưng vẫn bảo đảm sự thống nhất, tránh sự áp đặt ý chí chủ quan từ trên xuống trong việc lập kế hoạch dễ dẫn đến sự thiếu bền vững trong quá trình thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích. 

Phát huy vai trò của cộng đồng trong xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Cộng đồng vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng, chịu sự tác động trong thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Do đó, những ý kiến của chủ thể có vai trò rất quan trọng đối với các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích của địa phương. Đặc biệt, các ý kiến của người cao tuổi có vai trò rất quan trọng đối với các kế hoạch trùng tu tôn tạo di tích. Ngoài ra, sự tham gia ý kiến của các tổ chức đoàn thể ở địa phương có vai trò quan trọng trong các kế hoạch trùng tu tôn tạo di tích và các tổ chức đoàn thể ở địa phương.

Tham vấn chuyên gia, nhà khoa học về các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đối với những kế hoạch thực hiện các dự án, chương trình bảo tồn di tích luôn đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính khoa học trong công tác bảo tồn. Do đó, những ý kiến tham gia phản biện của các chuyên gia về bảo tồn góp phần bảo đảm tính khoa học, tránh sự sai lệch và suy giảm giá trị khi triển khai các kế hoạch bảo tồn di tích. Đối với các kế hoạch phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, ngoài ý kiến của chính cộng đồng, doanh nghiệp thì những đóng góp ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học cho kế hoạch, đề án phát triển du lịch địa phương sẽ gắn kết lý luận và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi cao. 

Xây dựng tiêu chí và trách nhiệm của các bên liên quan trong các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Việc xây dựng tiêu chí, đặc biệt là trách nhiệm pháp lý bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quá trình triển khai theo kế hoạch bởi kết quả của thực hiện kế hoạch có tác động trực tiếp trong triển khai thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt. Nếu các nội dung của kế hoạch không chỉ cụ thể hóa mục tiêu, tiến độ triển khai và trách nhiệm pháp lý sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu sự kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện và không phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội thực hiện “Chương trình phát triển văn hoá; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”.
2. Quyết định số 1647/QĐ-TTg  ngày 01/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (tỷ lệ 1/500).
3. Quyết định số 1004/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2.000).
4. Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
5. Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 13/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương), huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
6. Quyết định số 4014/QĐ-UBND ngày 06/8/2018 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030.