Ý nghĩa của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp với sự nghiệp xây dựng hậu phương miền Bắc giai đoạn 1954 – 1975

Thiếu tá Đỗ Văn Quân
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được Đảng ta phát động, tổ chức xây dựng, củng cố ở nông thôn miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975) đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện với xây dựng nông thôn miền Bắc, với việc củng cố vai trò, vị trí là căn cứ địa cách mạng của cả nước, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hậu phương lớn cho tiền tuyến đánh Mỹ thắng lợi.

Từ khóa: Hợp tác xã nông nghiệp; hậu phương miền Bắc; giai đoạn 1954 -1975.

Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được Đảng ta phát động, tổ chức xây dựng, củng cố ở nông thôn miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975)
Đặt vấn đề

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975), nông thôn là địa bàn chiến lược rộng lớn nhất của căn cứ địa miền Bắc, xây dựng nông thôn miền Bắc, trong đó “hợp tác hóa nông nghiệp là công tác trung tâm trước mắt của ta ở nông thôn”1, là nhiệm vụ quan trọng, quyết định để miền Bắc hoàn thành vai trò là hậu phương lớn với cách mạng miền Nam, căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Từ mốc khởi đầu năm 1958 đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1975), phong trào hợp tác hóa nông nghiệp diễn ra ở nông thôn miền Bắc có thể phân chia thành hai giai đoạn là xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp trong thời bình (1954 – 1964) và 10 năm trong thời chiến (1965 – 1975). Quá trình phát triển của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của cả hai giai đoạn đã làm biến đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn miền Bắc vốn chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh và những tàn dư của chế độ cũ để lại.

Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, những yếu tố bất cập về cơ chế quản lý sản xuất, tổ chức mô hình hợp tác hóa nông nghiệp trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975) đã được nhiều nghiên cứu chỉ rõ, nhất là dưới góc nhìn kinh tế học. Đồng thời, vai trò to lớn không thể phủ nhận của nó với sự nghiệp xây dựng miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ, tay sai ở miền Nam để đi đến hoà bình, thống nhất nước nhà đã được khẳng định. Bài viết đề cập đến khía cạnh đóng góp của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới ở miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975).

Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp góp phần quan trọng vào ổn định tình hình chính trị – xã hội nông thôn miền Bắc

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954) kết thúc thắng lợi, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng và định hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế (1955 – 1957) đã bước đầu khắc phục được những hậu quả nặng nề do chính sách “đốt sạch, phá sạch, cướp sạch” của thực dân Pháp thực hiện trong chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2 (1945 – 1954), tạo ra những chuyển động kinh tế – xã hội quan trọng ở miền Bắc2, song nông thôn miền Bắc vẫn đứng trước những khó khăn rất lớn.

Dân số ở nông thôn chiếm trên 90% tổng dân số miền Bắc, dân cư ở miền núi thưa thớt (có nơi 13 người/km2)3, đời sống khó khăn, lạc hậu, biên giới đất liền, biên giới biển hàng ngàn km cần bảo vệ trước sự xâm nhập, phá hoại của biệt kích, gián điệp… nhiệm vụ củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cần có sự tham gia của toàn bộ cư dân nông thôn. Cùng với đó, sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nổi lên là “bọn phản cách mạng, tay sai của Mỹ – Diệm, đang lén lút phá hoại cách mạng. Đó là bọn gián điệp, đặc vụ, thổ phỉ, biệt kích, đã công khai hoặc ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp cách mạng của chúng ta”4 hay chính là “phản ứng của những phần tử phản động trong tôn giáo”5.

Hơn nữa, những xáo trộn trong đời sống nông thôn miền Bắc sau cải cách ruộng đất để lại như hiện tượng mâu thuẫn, mất đoàn kết, suy giảm của tình làng nghĩa xóm (do đấu tố tràn lan để đạt được chỉ tiêu 5% địa chủ mỗi làng…) càng làm cho tình hình chính trị, xã hội ở nông thôn miền Bắc thêm phức tạp. Trong khi đó, từ năm 1964, chiến tranh leo thang ra cả nước đã gây ra những biến đổi lớn trong nông thôn và phá hoại nghiêm trọng sức sản xuất. Giải quyết mối quan hệ về nhu cầu sức người cho sản xuất và chiến đấu, phục vụ chiến đấu (cả miền Bắc lẫn miền Nam) là một trong những vấn đề bức thiết nhất của nông thôn miền Bắc. Trong những năm tháng ấy, miền Bắc đã huy động 3 triệu lao động trẻ, khỏe trong tổng số 9 triệu lao động đi chiến trường chiến đấu và phục vụ chiến đấu (trong đó 1,9 triệu người vào lực lượng vũ trang), 80% lực lượng vũ trang có mặt ở miền Nam là từ miền Bắc vào6.

Việc phải rút 2 triệu lao động trẻ, khỏe có trình độ để cung cấp cho quân đội, thanh niên xung phong và các nhu cầu khác của cuộc kháng chiến gây nên một sự hụt hẫng lớn về lao động trong nông thôn. Trong khi đó việc phân công lao động, cân đối lao động thời chiến chủ yếu dựa vào lực lượng lao động ở nông thôn. Vì vậy, để bảo đảm được sự ổn định chính trị, xã hội ở nông thôn miền Bắc là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược sâu sắc.

Nhận thức sớm ý nghĩa đó, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc được xác định là “công tác trung tâm trước mắt của ta ở nông thôn”7, “là một cuộc vận động cách mạng sâu sắc và triệt để nhất từ trước đến nay ở nông thôn nước ta”8. Đó là cuộc vận động cải tạo quan hệ sản xuất (trọng tâm là đưa quan hệ sản xuất tập thể thay thế dần cho quan hệ sản xuất cá thể, xóa bỏ sự bóc lột về kinh tế của phú nông), cải tiến kỹ thuật (thay đổi công cụ và phương pháp sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp); giáo dục tư tưởng sâu rộng ở nông thôn (ý thức lao động tập thể, khắc phục tư tưởng tư bản chủ nghĩa tự phát, thay đổi tư tưởng tập quán cũ, xây dựng tư tưởng mới, con người mới ở nông thôn). Qua phong trào hợp tác hóa nông nghiệp để “tăng cường đoàn kết nông thôn, củng cố khối liên minh công nông, củng cố cơ sở của chính quyền dân chủ nhân dân và của Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố dân quân và xây dựng lực lượng hậu bị, củng cố chi bộ đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở nông thôn”9.

Phong trào đã phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Đến cuối năm 1960, trên phạm vi toàn miền Bắc, căn bản hoàn thành xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp, thu hút 2,4 triệu hộ nông dân, chiếm 85,8% tổng số hộ với 76% tổng diện tích canh tác nông nghiệp, đồng thời đã có 3.643 hợp tác xã nông nghiệp bậc cao10. Từ năm 1965 trở đi, số hộ nông dân tham gia hợp tác xã ngày càng cao. Đến năm 1970, tỷ lệ nông dân vào làm ăn tập thể lên 95,5%. Năm 1975, có 97,4% số hộ xã viên tham gia hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, số hộ xã viên bình quân của một hợp tác xã từ 68 hộ (năm 1960) lên 199 hộ; số hợp tác xã quy mô toàn xã năm 1975 chiếm 11% tổng số hợp tác xã (riêng ở đồng bằng Bắc Bộ trong năm 1975 số hợp tác xã có quy mô trên 300 hộ chiếm tới 60,1%)11.

Với “độ phủ” của phong trào xuyên suốt lịch sử phát triển của nông thôn miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp giúp khẳng định vai trò của hợp tác xã nông nghiệp không chỉ là đơn vị sản xuất kinh tế mà còn là một đơn vị quản lý hành chính chặt chẽ, hiệu quả, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, xã hội ở nông thôn miền Bắc.

Hợp tác xã nông nghiệp giúp quản lý chặt chẽ lao động, quản lý chặt chẽ con người: công tác giáo dục, học tập chủ trương đường lối; phòng gian giữ bí mật; phòng chống gián điệp, biệt kích, thám báo; duy trì nề nếp việc tính công, chấm điểm; tổ, đội sản xuất là đơn vị chính tổ chức quản lý lao động… ngăn ngừa việc cài cắm để lọt vào miền Bắc các lực lượng phản động, chống phá cách mạng. Do đặc thù của chiến tranh nên nhiều nơi ban chủ nhiệm hợp tác xã đảm nhận cả một số chức năng của chính quyền xã như vấn đề tổ chức và chu cấp kinh phí cho các hoạt động từ văn hóa xã hội, y tế, giáo dục đến tuyển quân, tổ chức dân quân trực chiến và mạng lưới an ninh nông thôn. Đội trưởng sản xuất gần như đảm đương cả chức vụ trưởng thôn, trưởng xóm.

Mặt khác, khi chiến tranh càng ác liệt thì người nông dân càng gắn bó hơn với hợp tác xã. Vì vậy, hợp tác xã trở thành chỗ dựa của họ, nơi mọi gia đình chung hoàn cảnh, cùng đùm bọc, gắn bó với nhau trong ý thức cộng đồng “chia ngọt sẻ bùi” vốn là truyền thống sâu rễ bền gốc ở làng quê. Trên cơ sở đó, hợp tác xã góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội, thực hiện chính sách với người có công trong hoàn cảnh ngặt nghèo của chiến tranh, nhất là với gia đình thương binh, liệt sỹ, bảo đảm “mức thu nhập của anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ không bị sút kém so với những hộ xã viên lao động trung bình có nhân khẩu tương đương”12 trong hợp tác xã nông nghiệp. Thực hiện triệt để nguyên tắc phân phối bình quân (tối thiểu 13, tối đa 18) trong hợp tác xã nông nghiệp13. Từ đó, tạo ra sự ổn định cần thiết cho nông thôn miền Bắc.

Các phong trào thi đua yêu nước “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang” được phát động và hưởng ứng sôi nổi, sâu rộng nhất là ở nông thôn. Các phong trào đó, cùng với phong trào “tay cày, tay súng”, “thi đua đạt 3 mục tiêu”… trong nông nghiệp đã thổi vào nông thôn một bầu không khí mới, một hiện tượng mới, cách mạng sôi nổi; phong trào thi đua vươn lên tiên tiến và sự xuất hiện của nhiều hợp tác xã tiên tiến. Địa bàn 5 tấn thóc trên một ha ruộng hai vụ lúa ngày càng mở rộng, năm 1965, có 7 huyện, 640 hợp tác xã (chiếm 4,8% tổng số hợp tác xã); năm 1967: 30 huyện, 2.628 hợp tác xã, năm 1968: 8 huyện, 1.121 hợp tác xã; năm 1972: 53 huyện, 3.763 hợp tác xã và năm 1974: 107 huyện, 4.226 hợp tác xã (chiếm 25,5% số hợp tác xã) với diện tích 398.500 ha (chiếm 50,6% tổng diện tích ruộng cấy 2 vụ lúa)14.

Sự ổn định của nông thôn miền Bắc về mặt chính trị – xã hội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đối lập với cơ sở vật chất ít ỏi cho sự ổn định đó – khu vực kinh tế gia đình với diện tích không quá 5% mà hợp tác xã để lại cho gia đình xã viên trồng rau ăn, chăn nuôi gia súc, gia cầm; làm thêm một vài nghề phụ. Từ sự giàu có, phồn vinh hơn của nông thôn, đời sống cư dân nông thôn hôm nay, chúng ta thấy nổi lên những thực trạng không ít nhức nhối, như: “tệ nạn xã hội nhiều nơi gia tăng, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc”15; tình làng nghĩa xóm có phần không bằng với thời kỳ khó khăn trong những năm kháng chiến, phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng. Để thấy sự phát triển của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đã góp phần tạo sự ổn định tình chính trị – xã hội nông thôn miền Bắc trong giai đoạn khó khăn đó.

Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp góp phần xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật ban đầu cho nông thôn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Chính sách kinh tế bóc lột hà khắc của thực dân Pháp và hậu quả của chiến tranh tàn phá đã khiến cơ sở vật chất – kỹ thuật của toàn miền Bắc nói chung, nông thôn nói riêng vốn nghèo nàn, lạc hậu càng trở nên xơ xác, kiệt quệ sau hậu chiến (1/7 ruộng đất bị bỏ hoang, 1/3 ruộng đất không có nước tưới để cày cấy, các công trình thủy lợi đều bị phá hủy, ¼ số trâu bò bị giặc bắn chết16). Tiếp đó, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lại tiếp tục tàn phá nặng nề nông thôn miền Bắc vốn mới “khởi sắc” trong điều kiện hòa bình ngắn ngủi (1954 – 1964) khi có tới 4.000 xã trong số 5.788 xã bị đánh phá, trong đó 300 xã bị hủy diệt, trên 1.600 công trình thủy lợi, hơn 1.000 quãng đê xung yếu bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng, 4 vạn con trâu, bò bị giết; hàng chục hecta ruộng vườn bị tàn phá; hơn 5 triệu m2 nhà ngói và hàng vạn ngôi nhà bị phá hủy17.

Trong bối cảnh của miền Bắc lúc đó, Đảng ta chủ trương thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc với mục đích “không ngừng nâng cao đời sống về vật chất và văn hóa, xây dựng đời sống mới ở nông thôn: hòa bình, tự do, hạnh phúc và tươi đẹp”18. Giai đoạn 1960 – 1965, đầu tư lớn nhất của Nhà nước cho nông nghiệp là khâu thủy lợi (chiếm từ 45 – 60% vốn đầu tư cho nông nghiệp), gần 1500 công trình thủy lợi loại vừa, 33 công trình loại lớn được xây dựng, bảo đảm tưới tiêu cho khoảng 70 – 80% diện tích trồng lúa và hơn 20% diện tích trồng màu19; điện phục vụ nông nghiệp tăng 9 lần (31 triệu kw), trạm máy kéo tăng 3 lần, máy kéo tiêu chuẩn tăng 11,5 lần, máy bơm nước tăng 10 lần20. Chỉ trong khoảng 20 năm (1955 – 1975), chúng ta đã đắp 198 triệu m3, bình quân đắp gần 9,5 triệu m3, gấp 5 lần khối lượng đắp đê bình quân hàng năm dưới thời thuộc Pháp; việc trang bị cơ khí cho nông nghiệp có chuyển biến rõ rệt: năm 1975 so với năm 1960, số máy kéo (quy ra máy kéo tiêu chuẩn) gấp 24,4 lần, diện tích gieo trồng được cày bừa bằng máy gấp 65.2 lần; số hợp tác xã nông nghiệp trang bị cơ khí nhỏ tăng từ 2,9% năm 1960 lên 52,4% năm 197521.

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ hành động cách mạng với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai”, hàng triệu ngày công của nhân dân miền Bắc được động viên cho các đại công trường xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội (làm thủy lợi, khai hoang, lập vùng kinh tế mới, xây dựng trường học, bệnh viện, di dân,…). Chưa bao giờ, sức mạnh chính trị tinh thần của nhân dân, nhất là nông dân được phát huy cao độ như vậy trong lịch sử dân tộc. Những tiền đề cơ sở vật chất – kỹ thuật ban đầu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nông thôn góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Nhìn vào thực trạng nông thôn hiện nay tuy khang trang hơn, to đẹp hơn nhưng cách huy động sức dân có nơi còn vượt quá khả năng; tâm trạng cư dân nông thôn có nơi chưa thực sự hài lòng (nhất là các vụ việc liên quan đến thu hồi đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng…).

Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp góp phần chăm lo đời sống của dân cư nông thôn miền Bắc xã hội chủ nghĩa

Kế thừa và phát huy những kết quả phát triển, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân đã đạt được ngay sau Cách mạng Tháng Tám (1945) trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), với vị trí của hợp tác xã nông nghiệp (1954 – 1975) vừa là tổ chức kinh tế, sản xuất, vừa mang những chức năng quản lý hành chính, quản lý xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của xã viên, gia đình xã viên trong hợp tác xã. Đảng ta chủ trương “tổ chức hợp tác xã trước hết nhằm mục đích nâng cao đời sống của nông dân”22.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với sự đồng sức, đồng lòng, nỗ lực cố gắng các cấp, các ngành, nhất là sự hỗ trợ của hợp tác xã nông nghiệp trong điều kiện chiến tranh, thu nhập thuần túy bình quân đầu người của gia đình xã viên năm 1975 đã gấp 1,7 lần so với năm 1960; nhiều gia đình nông dân lao động có đồng hồ, xe đạp, máy thu thanh, giường gỗ, tủ áo23

Bên cạnh những biến đổi về đời sống vật chất, các thành tựu về giáo dục, văn hóa, y tế đạt được cũng đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân. Đến cuối năm 1958, miền Bắc đã căn bản hoàn thành xóa nạn mù chữ; tổng số người đi học (vỡ lòng, phổ thông, bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp, đại học) tăng đều qua các năm (1955 – 1956 là 1,28 triệu người, 1965 – 1966 là 4,96 triệu người, 1974 – 1975 là 6,6 triệu người)24; xây dựng trường học, cơ sở phòng bệnh và chữa bệnh, hệ thống thư viện công cộng, số sách xuất bản, hệ thống thông tin truyền thanh, hoạt động chiếu bóng, sân khấu đều tăng qua các năm. Trong thời gian 20 năm, từ năm 1956 – 1975, sản xuất nông nghiệp hằng năm tăng với nhịp độ 2,8%, trong đó trồng trọt 2,3%, chăn nuôi 5%. Đời sống nông dân từng bước được cải thiện. Nông thôn miền Bắc đến năm 1975 đã có 34% số hộ có nhà ngói, hàng nghìn xã số hộ có nhà ngói chiếm từ 80 đến 90%25. Suốt thời kỳ chiến tranh không có nạn đói và không bị dịch bệnh tràn lan là một minh chứng hùng hồn về sự ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân.

Nhân tố con người mới xã hội chủ nghĩa được Đảng quan tâm chăm lo xây dựng. Trong thời kỳ này, việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền Bắc là nhiệm vụ trung tâm, giúp hình thành nên một bộ phận, tầng lớp cư dân nông thôn mới (người nông dân mới có tư tưởng tập thể xã hội chủ nghĩa). Thông qua hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, người nông dân giác ngộ sâu sắc lý tưởng cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, chấp nhận hy sinh vì sự nghiệp chung, gạt bỏ tư lợi, lợi ích của cá nhân, hộ gia đình mình, tất cả phục vụ sự nghiệp đấu tranh hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà (trong điều kiện chiến tranh phá hoại, miền Bắc trở thành chiến trường, mỗi người dân là một chiến sỹ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nếu như họ chỉ chăm lo cho lợi ích ruộng đồng của gia đình mình thì nghĩa vụ, trách nhiệm với làng, xã trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu ai sẽ đảm nhiệm). Như vậy, tuy người xã viên không có động lực kinh tế nhưng họ luôn có động lực chính trị, tinh thần sâu sắc.  

Tuy còn hạn chế như tư duy kinh tế hàng hóa, tính tích cực tự giác, phẩm chất “một nắng hai sương” của người nông dân bị cơ chế quan liêu, bao cấp khỏa lấp, thui chột…(người nông dân đi làm lấy ngày công theo sự điều hành của Ban quản trị hợp tác xã, còn Ban quản trị hợp tác xã lại điều hành sản xuất theo kế hoạch của trên), nhưng có thể thấy rằng, đời sống của cư dân nông thôn miền Bắc đã có sự thay đổi lớn lao trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Tại Hội nghị chính trị đặc biệt tháng 3/1964, Hồ Chủ tịch đã khẳng định thắng lợi của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc, Người nói: “Làng xóm ta xưa kia lam lũ quanh năm mà vẫn quanh năm đói rách. Làng xóm ta nay bốn mùa nhộn nhịp cảnh làm ăn tập thể. Đâu đâu cũng có trường học, nhà gửi trẻ, nhà hộ sinh, câu lạc bộ, sân và kho của hợp tác xã, nhà mới của xã viên. Đời sống vật chất ngày càng ấm no, đời sống tinh thần ngày càng tiến bộ”26.

Nhìn vào thực trạng nông thôn hôm nay, với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đời sống vật chất, tinh thần nâng lên nhưng có mặt lại không còn như lúc khó khăn. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tổ chức quần chúng ở nông thôn có phần “teo lại”. Hiện nay nhiều nơi sẽ phải mất nhiều công sức và thời gian hơn mới tạo lập được một nền nếp vững chắc, cách tổ chức đời sống nông thôn lành mạnh, phong phú như đã từng đạt được trong thời kỳ trước.

Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp với tính chất tập thể hóa cao độ được xây dựng, củng cố và phát triển mạnh mẽ ở nông thôn miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975) đã có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn của cách mạng miền Nam, căn cứ địa cách mạng của cả nước, củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với địa bàn chiến lược nông thôn rộng lớn, tạo sự thay đổi toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của bộ mặt nông thôn, chuẩn bị những tiền đề ban đầu để cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội sau năm 1975. Tuy còn những hạn chế, nhất là về mô hình đồng nhất giữa hợp tác hóa với tập thể hóa cao độ, song phải thừa nhận rằng những thành tựu mà phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, nền nông nghiệp hợp tác hóa đạt được trong những năm chiến tranh là những biểu hiện rực rỡ của chế độ xã hội mới, đồng thời cũng là những biểu hiện rực rỡ của lòng yêu nước và sự trưởng thành của giai cấp nông dân miền Bắc nước ta.

Ngày nay, với sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về kinh tế tập thể, sự hội nhập sâu rộng của đất nước ta với thế giới, mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục được quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển ngày càng hoàn thiện hơn. Những kinh nghiệm quý có được trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chắc hẳn sẽ vẫn còn là bài học có giá trị sâu sắc với thực tiễn xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Chú thích:
1, 4, 5, 7, 8, 9, 12, 18, 22. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 20. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 343, 295, 304, 343, 311, 312, 824, 312, 752.
2, 10, 13, 20. Chử Văn Lâm, Nguyễn Thái Nguyên, Phùng Hữu Phú, Trần Quốc Toán, Đặng Thọ Xương. Hợp tác hóa nông nghiệp Việt Nam – Lịch sử vấn đề triển vọng. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1992, tr. 12,16, 27, 23.
3. Viện Sử học. Việt Nam những sự kiện 1945 – 1986. H. NXB Khoa học xã hội, 1990, tr. 135.
6. Nguyễn Xuân Tú. Hậu phương miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2009, tr. 217.
10, 17, 21, 23, 24. Tổng cục Thống kê. 30 năm phát triển kinh tế và văn hóa của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1978, tr. 16, 177, 25-26, 43, 151.
14, 19. Đinh Thu Cúc. Những bước chuyển biến đầu tiên của giai cấp nông dân trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Số 4. 1985, tr. 33, 45.
15. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng. Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) (dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022, tr. 142.
16, 26. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 273, 276.
25. Đào Văn Tập (chủ biên). 45 năm kinh tế Việt Nam (1945 – 1990). H. NXB Khoa học xã hội, 1990, tr. 387.