Lào Cai đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp

ThS. Lê Thị Thanh Hương
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc, có vị trí chiến lược cả về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nhận thức rõ điều này, nhiều năm qua, tỉnh vừa quan tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nói chung vừa không ngừng nỗ lực cải cách hành chính hướng tới phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Từ khóa: Cải cách hành chính; thủ tục hành chính; chuyển đổi số; chỉ số hiệu quả; tỉnh Lào Cai.

1. Đặt vấn đề

Theo đánh giá, trong hai năm (2021 – 2022), tỉnh Lào Cai có chỉ số hiệu quả hành chính công (PAPI) thuộc nhóm thấp trong các tỉnh, thành phố của cả nước. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao đạo đức trong thực thi công vụ nhằm phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của năm 2023, gồm: 1 nghị quyết; 33 kế hoạch; 17 quyết định; 1 chỉ thị; 7 kết luận; 54 công văn1 chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố theo dõi, cập nhật kết quả, đôn đốc việc thực hiện Bộ Chỉ số chỉ đạo điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian trên môi trường điện tử. Lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp quán triệt, chỉ đạo triển khai và đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính tại cuộc họp thường kỳ hằng tháng và tại các buổi kiểm tra, làm việc với các sở, ngành, địa phương. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính được kiện toàn. Các thành viên Ban Chỉ đạo được phân công, cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện.

2. Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai 

Thứ nhất, cải cách thể chế.

Năm 2023, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành 137 văn bản quy phạm pháp luật. 100% văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND được xây dựng, ban hành bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh: thực hiện 6 cuộc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; 4 cuộc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về trợ giúp pháp lý2.

Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được quan tâm: tổ chức các hội nghị tuyên truyền; biên soạn, in và cấp phát tài liệu; đăng tải tin, bài, ảnh về công tác cải cách hành chính trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Lào Cai; Xây dựng nội dung chuyên mục: “Nhà nước và pháp luật” trên sóng truyền hình; “Phổ biến kiến thức pháp luật” phát thanh bằng tiếng dân tộc, chuyên mục “Chính sách pháp luật” trên sóng phát thanh và sóng truyền hình của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh. Thực hiện chuyên mục: “Giới thiệu văn bản mới”,“Pháp luật và đời sống” trên Báo Lào Cai và Báo Lào Cai online.

Cùng với đó, chú trọng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do UBND cấp tỉnh, huyện ban hành. Các văn bản cơ bản đúng thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung. Đồng thời, kịp thời công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ và một phần bảo đảm thời gian quy định. 

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính.

UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 977/1.917 thủ tục hành chính thực hiện cắt giảm, giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết so với quy định; 100%  thủ tục hành chính nội bộ đã được rà soát3. Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức liên thông được đẩy mạnh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia với các thủ tục, như: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí… tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. 

Tỉnh đã xây dựng kho quản lý dữ liệu điện tử trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để đáp ứng yêu cầu tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính. Các cơ quan trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ được phân công đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính theo quy định. 100% phản ánh kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công khai kết quả giải quyết phản ánh kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin điện tử.

Thứ ba, cải cách tổ chức bộ máy.

Tỉnh đã rà soát, sắp xếp, tổ chức lại, hoàn thiện các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương. Ban hành quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức đối với 14 sở, ban, ngành, chi cục. Năm 2023, UBND tỉnh Lào Cai đã sáp nhập, giảm 2 đơn vị sự nghiệp công lập, 4 đơn vị trường học cấp huyện; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với 33 đơn vị sự nghiệp công lập4. Việc quản lý, giao và sử dụng chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo các quy định của pháp luật. Việc phân cấp ở một số lĩnh vực trọng điểm được các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã thực hiện nghiêm túc và đúng quy định. 

Thứ tư, cải cách chế độ công vụ.

Tập trung xây dựng, ban hành các quy định về vị trí việc làm của công chức, viên chức. Năm 2023, tỉnh đã tổ chức tuyển dụng với 48 chỉ tiêu công chức và 251/654 chỉ tiêu viên chức; tiếp nhận vào làm công chức đối với 55 người5. Việc quy hoạch và luân chuyển cán bộ, điều động, bổ nhiệm,thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng về thẩm quyền, quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của trung ương và của tỉnh. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức luôn được quan tâm. Đặc biệt, tỉnh thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút người có tài năng vào làm việc tại các cơ quan nhà nước theo Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh Lào Cai về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo, nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2025.

Thứ năm, cải cách tài chính công.

Đối với công tác kê khai, đăng ký tài sản công; công tác mua sắm tài sản; công tác quản lý, sử dụng tài sản… đã thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Bộ Tài chính và hạch toán theo dõi theo quy định về quản lý tài sản. Triển khai kịp thời việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước. UBND tỉnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc ngân sách tỉnh. Triển khai một số nội dung thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. 

Thứ sáu, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

Năm 2023, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, trọng tâm, như: Chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh… Hạ tầng viễn thông, internet phát triển rộng khắp với 2.936 trạm BTS lắp đặt tại 1.336 vị trí, 956 tuyến truyền dẫn bảo đảm 99% trung tâm các thôn, tổ dân phố được phủ sóng di động 3G, 4G5. Về phát triển hạ tầng công nghệ – thông tin: 100% các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện duy trì hệ thống mạng LAN đạt chuẩn, kết nối internet và thiết bị đầu cuối phục vụ công việc, nhiệm vụ chuyên môn.

Duy trì, triển khai các hệ thống thông tin dùng chung tập trung, thống nhất, tích hợp, như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành; thư điện tử, ký số, hệ thống báo cáo trực tuyến, cổng thông tin điện tử, hệ thống thông tin địa lý (GIS), cổng du lịch thông minh… Tỉnh đã cung cấp, tích hợp 1.315/1.320 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (99,62%); tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến 59,44%6 . Tập trung xây dựng, phát triển đô thị thông minh với các lĩnh vực, như: bộ phần mềm du lịch thông minh; phần mềm bệnh án điện tử (EMR); triển khai môi trường học tập trực tuyến (e-learning); phần mềm quản lý bến xe… Hệ thống quản lý văn bản, điều hành, tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng đạt 95,42%. Duy trì, áp dụng, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015 vào hoạt động của 193/193 cơ quan, đơn vị hành chính.  

Đánh giá chung

Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi mới về chỉ đạo, điều hành, phương thức tổ chức hoạt động của các cơ quan, đơn vị, trên cơ sở khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ – thông tin, truyền thông, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Các nội dung của kế hoạch cải cách hành chính được triển khai theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Tỉnh ban hành đầy đủ cơ chế, thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong triển khai các hoạt động. Thực hiện sắp xếp, kiện toàn các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, chỉ tiêu số lượng người làm việc, chỉ tiêu lao động hợp đồng được thực hiện theo đúng các quy trình, thủ tục theo quy định. Thực hiện cải cách chế độ công vụ bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức theo vị trí việc làm được phê duyệt. Việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính được chú trọng và đi vào chiều sâu với nhiều hình thức đa dạng thiết thực phù hợp. 

Tuy vậy, trong quá trình triển khai công tác cải cách hành chính tịa tỉnh cũng còn gặp không ít những khó khăn, như: (1) Một số văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, thông tư) đã ban hành từ lâu, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để phù hợp với tình hình thực tế dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. (2) Địa phương chưa có căn cứ pháp lý để xây dựng giá, đơn giá làm cơ sở thực hiện đấu thầu theo quy định (Bộ Thông tin và Truyền thông chưa ban hành văn bản hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giấy tờ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính). (3) Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế do đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này trên địa bàn tỉnh chủ yếu là kiêm nhiệm. (4) Việc triển khai các nền tảng số, quy hoạch dữ liệu, xây dựng dữ liệu dùng chung còn hạn chế; một số phần mềm dùng chung, chuyên ngành còn chưa đồng bộ, tích hợp dẫn đến khó khăn cho công tác triển khai, ứng dụng. 

3. Một số kiến nghị, đề xuất

Một là, đối với Chính phủ

Cần sửa đổi Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 theo hướng cho phép duy trì hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư có dưới 15 người làm việc. Sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 và Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu phương án bãi bỏ các thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ; không có thời gian giải quyết, không có kết quả giải quyết, như: thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại…

Hai là, đối với các bộ, cơ quan ngang bộ.

Bộ Thông tin và Truyền thông sớm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giấy tờ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương theo điểm a khoản 4 mục V Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021.

Văn phòng Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thanh toán trực tuyến theo hướng hiện đại, đơn giản hóa quy trình, thuận tiện đối với người sử dụng.  

Ba là, đối với tỉnh Lào Cai.

(1) Tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ; Đề án số 14-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai; Chỉ thị số 14 /CT-UBND ngày 26/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh… Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác cải cách hành chính đối với các cơ quan, địa phương trong tỉnh. 

(2) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham gia ý kiến, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian theo quy định. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. 

(3) Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện triển khai có hiệu quả việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tập trung rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. 

(4) Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, bảo đảm theo quy định của Chính phủ.

(5) Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc; rà soát, bố trí phân công công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức hợp lý, phát huy được năng lực, sở trường, tính tự giác, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, tận tụy, tận tâm trong công việc. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra, thanh tra đột xuất tại các cơ quan, đơn vị có biểu hiện không dám làm, làm việc cầm chừng; xử lý nghiêm trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy trách nhiệm, né tránh, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm

(6) Tiếp tục phân cấp ngân sách, tạo sự chủ động, năng động sáng tạo cho các cấp chính quyền. Chỉ đạo các cơ quan đơn vị tiếp tục xây dựng đề án sử dụng tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết; xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công; điều chỉnh, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực (nếu có).

(7) Nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án số 08-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025; Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung: thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng mạng di động, hạ tầng kết nối internet băng rộng; phát triển trung tâm dữ liệu; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Thúc đẩy phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực (du lịch, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu,…);  tăng cường hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý đầu tư, mua sắm, thẩm định giá, quản lý sau đầu tư đối với các dự án công nghệ – thông tin.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6. Báo cáo số 543/BC-UBND ngày 18/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính tỉnh Lào Cai năm 2023.
Tài liệu tham khảo: 
1. Đề án số 14-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 – 2025.
2. Kế hoạch số 419/KH-UBND ngày 28/12/2022 của UBND tỉnh  về triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính tỉnh Lào Cai năm 2023.
3. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.