Nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân vận trong bối cảnh mới

TS. Nguyễn Hữu Công
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
(Quanlynhanuoc.vn)  – Công tác dân vận luôn gắn chặt với công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền nhà nước. Công tác dân vận đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn đan xen đang là những thách thức lớn đối với công tác dân vận. Vì vậy, cần phải có các giải pháp cụ thể, đồng bộ để nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân vận trong bối cảnh mới.

Từ khóa: Công tác dân vận; chất lượng; hiệu quả; giải pháp; bối cảnh mới.

Ảnh minh họa (danvan.vn).
Nhiệm vụ, ý nghĩa, mục tiêu của công tác dân vận

Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng. Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà đoàn thể và Chính phủ đã giao cho”1. Đây chính là tinh thần chủ đạo của công tác dân vận, có như vậy mới tạo được sức mạnh tập thể để cùng nhau thực hiện có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong mỗi giai đoạn, công tác dân vận có nội dung, phương thức khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu: tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; thi đua yêu nước, phát triển kinh tế – xã hội, khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, an sinh xã hội được bảo đảm, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu chung của đất nước.

Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, nếu không xuất phát từ lợi ích của Nhân dân thì các chủ trương, chính sách sẽ không được Nhân dân ủng hộ và thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”2. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong sự nghiệp cách mạng của nước ta, là xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân; đồng thời là chỉ dẫn cụ thể về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. 

Phát huy hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thiện, bổ sung nhiều nội dung mới về lãnh đạo đối với công tác dân vận, như: 

(1) “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”3.

(2) “Phát huy vai trò, sự tham gia của Nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân, giữa các vùng, địa phương; quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội…”4.

(3) “Tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ trong công tác dân vận, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu… Phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”5.

Nhờ chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận của hệ thống chính trị ngày càng được khẳng định trong quá trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, trong bối cảnh mới, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ, đảng viên cán bộ làm công tác dân vận phải thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Kết quả thực hiện công tác dân vận

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến cơ sở đã thực hiện công tác dân vận một cách đồng bộ, toàn diện, phù hợp với thực tiễn, tạo hiệu ứng mạnh mẽ và có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Cụ thể:

Thứ nhất, vận động, khuyến khích Nhân dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội.

Sau gần 38 năm đổi mới, những thành tựu về kinh tế – xã hội có được là nhờ sự đóng góp lớn của công tác dân vận với việc vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường các hoạt động khởi nghiệp, tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, … Đặc biệt, công tác vận động Nhân dân tham gia phong trào thi đua “dân vận khéo” để phát triển kinh tế – xã hội, khuyến khích Nhân dân làm giàu chính đáng đã được triển khai trong tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị của cả nước và đã thu được các kết quả khích lệ. Một số mô hình “dân vận khéo” thành công đã làm thay đổi diện mạo đời sống Nhân dân, như: 

(1) Thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái đã xây dựng được 131 mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và cho thu nhập ổn định từ 45-50 triệu đồng/người/năm6

(2) Thực hiện công tác “dân vận khéo”, tỉnh Vĩnh Long  đã thể hiện vai trò tích cực của cả hệ thống chính trị góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh: thu nhập bình quân đầu người đạt 56,6 triệu đồng (tăng 1,1 triệu đồng so với năm 2020). Công tác giảm nghèo bền vững trong năm 2021 giảm 0,53% (năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo 1,16%), hiện toàn tỉnh có 61/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 70,11%), trong đó có 19 xã nông thôn mới nâng cao và có 01 đơn vị cấp huyện (thị xã Bình Minh) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới7.

Bên cạnh đó, triển khai mô hình dân vận khéo cũng đã làm thay đổi diện mạo về kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp đời sống của đồng bào dân tộc được nâng lên. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2-3%/năm; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 -4%/ năm; các huyện nghèo giảm 4 – 5%… Vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 27 huyện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (chiếm 6%) đạt chuẩn nông thôn mới8

Thứ hai, vận động toàn xã hội quan tâm, chăm lo giúp đỡ người nghèo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp tích cực vận động toàn xã hội quan tâm, chăm lo, giúp đỡ người nghèo, địa phương nghèo, không chỉ tạo động lực để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc mà còn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như: 

(1) Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội đã phối hợp với tỉnh Điện Biên và các cơ quan đã triển khai hỗ trợ làm 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó 4.830 căn nhà đã hoàn thành và bàn giao sử dụng; vận động hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo qua chương trình Mái ấm nghĩa tình, an sinh xã hội từ nguồn xã hội hóa; thực hiện chương trình giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các dự án thu hút đầu tư 9.

(2) Năm 2022, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 8.981 tỷ đồng; trong đó, quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 2.204 tỷ đồng (ở trung ương tiếp nhận số tiền trên 57 tỷ đồng; ở địa phương tiếp nhận số tiền trên 2.146 tỷ đồng); chương trình an sinh xã hội: Mặt trận tổ quốc các cấp đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 6.777 tỷ đồng10.

Thứ ba, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho Nhân dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi thực hiện, từ đó tạo nên sự đồng thuận và thống nhất hành động của xã hội. Bên cạnh đó, còn vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Với phương châm hướng về cơ sở, các cấp, các ngành, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội luôn tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Một số phong trào thi đua nổi bật, như: phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” của huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trong huyện. Nhiều gia đình, đoàn viên, hội viên tự nguyện hiến đất, đóng góp cơ sở vật chất, ngày công lao động góp phần xây dựng nông thôn mới11; phong trào xây dựng “Khu dân cư đô thị văn minh kiểu mẫu” tại khu phố 2 phường Ba Đồn Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã làm diện mạo khu phố thay đổi, tình hình an ninh trật tự luôn được bảo đảm12.

Với các kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, công tác dân vận đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn thách thức, các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội tác động ngày càng đa chiều, các phần tử xấu chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt; sự phân hóa giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn còn phức tạp đã tác động đến tư tưởng, tình cảm, cuộc sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những vấn đề đó đang là những thách thức lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân vận. Vì vậy, cần phải có các giải pháp cụ thể, đồng bộ để nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân vận trong bối cảnh mới.

Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong bối cảnh mới

Một là, đổi mới công tác dân vận theo hướng gần dân, trọng dân với phương thức linh hoạt, thực tiễn, phải đi vào vấn đề cụ thể, rõ ràng, khúc chiết, có trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nói, dễ làm. Đặc biệt là công tác vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng, xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới… để phát triển kinh tế – xã hội; giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn phải gắn với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ sở; tổ chức biểu dương khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu để lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo. Từ đó, tạo ra được sức lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội.

Hai là, luôn lắng nghe, giải đáp thấu đáo, triệt để những khúc mắc từ Nhân dân, đồng thời, quan tâm chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân. Từ đó mới tạo sự đồng thuận, sự ủng hộ, sự gắn kết của Nhân dân với Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện cho Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia giám sát các lĩnh vực của đời sống xã hội và đóng góp ý kiến trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí; củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Ba là, phải đặc biệt coi trọng công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó cần phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo. Họ chính là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, vận động đồng bào chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bốn là, cần phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, cần tuyền truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ, ý thức bảo vệ tổ quốc, giữ gìn biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, chú trọng công tác đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Các cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời phòng, chống âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và kích động gây chia rẽ dân tộc, chống Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân.

Năm là, cần thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác dân vận cho cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận các cấp, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý tình huống công tác dân tộc, tôn giáo ở cơ sở; nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ dân vận cho cán bộ làm công tác dân vận để luôn có đạo đức cách mạng trong sáng, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, được Nhân dân tin yêu, ủng hộ.

Chú thích:
1. Bài viết  “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Sự thật với bút danh X.Y.Z, ngày 15/10/1949.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6.  H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 232 – 234.
3, 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.191, 191 – 192, 192 – 193.
6. Nghĩa Lộ: “Dân vận khéo” phát triển kinh tế. http://danvan.vn, ngày 31/3/2022.
7. Vĩnh Long: “Dân vận khéo” khơi dậy sức dân, tạo đồng thuận xã hội. http://danvan.vn, ngày 05/02/2022.
8. Phát huy vai trò công tác vận động quần chúng ở cơ sở. https://baodantoc.vn,  ngày 09/12/2023.
9. Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân vận năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. http://danvan.vn, ngày 08/01/2024.
10. Tiếp tục vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội. https://dangcongsan.vn, ngày 09/02/2023.
11. Kim Bôi: Công tác Dân vận gắn với phong trào thi đua yêu nước góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. https://tinhuyhoabinh.vn, ngày 27/6/2022.
12. Thị xã Ba Đồn: Phát huy vai trò của ban công tác mặt trận ở khu dân cư. https://badontv.vn, ngày 09/11/2022.
Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
2. Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa đối với công tác dân vận của Đảng hiện nay. https//:www.tapchicongsan.org.vn, ngày 29/01/2021.