ThS. Nguyễn Khánh Hoàng
Thành đoàn Long xuyên, tỉnh An Giang
(Quanlynhanuoc.vn) – Đờn ca tài tử – loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Là một thực thể phản ánh quan điểm nhân sinh của người Nam Bộ, đờn ca tài tử luôn khẳng định là đại diện cho đặc trưng văn hóa Nam Bộ. Thông qua việc khảo cứu cách thức và nội dung của đờn ca tài tử, bài viết làm rõ hơn sự biểu hiện của triết lý trọng nghĩa – một trong những quan điểm nhân sinh nổi bật của người dân Nam Bộ.
Từ khóa: Đờn ca tài tử; người dân Nam Bộ; triết lý trọng nghĩa; quan điểm nhân sinh; văn hóa Nam Bộ.
Đặt vấn đề
Đờn ca tài tử với vị thế là loại hình nghệ thuật không chỉ là bức tranh tái hiện quá trình khai hoang, mở cõi và phát triển của vùng đất phương Nam mà còn phản ánh quan điểm sống của con người Nam Bộ. Với vai trò như vậy nên những quan điểm nhân sinh của người dân nơi đây thường được lồng ghép, tái hiện một cách sinh động trong những câu đờn, lời ca để qua đó trở thành những bài học về giáo dục đạo đức, bồi dưỡng nhân cách con người. Trong đó, quan điểm “trọng nghĩa” là một trong những triết lý hàm chứa rất nhiều trong Đờn ca tài tử; và, qua đờn ca tài tử để lưu truyền đến các vùng đất khác và những thế hệ mai sau.
Trên cơ sở phân tích các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố cùng với sự tìm hiểu trực tiếp thông qua các bài ca và phương thức sinh hoạt, bài viết sẽ góp thêm góc nhìn mới về triết lý nhân sinh trong loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại dưới góc nhìn của ngành khoa học triết học.
Triết lý trọng nghĩa của người dân Nam Bộ
Triết lý nhân sinh là những quan điểm của con người được đúc kết từ quá trình suy ngẫm, tìm hiểu, tác động vào cuộc sống và có tác dụng định hướng cho suy nghĩ, hành động của con người trong cuộc sống hằng ngày. Là một ý thức xã hội, triết lý nhân sinh có khởi nguyên từ thực tại đời sống cư dân của vùng đất. Vì vậy, khởi nguồn của triết lý nhân sinh trọng nghĩa của người dân Nam Bộ cũng gắn liền với những đặc điểm vùng đất và quá trình sinh sống của người dân nơi đây.
Về nguồn gốc của triết lý “trọng nghĩa” xuất phát từ “truyền thống của dân tộc Việt nhưng ta dễ dàng nhận thấy nó đậm nét hơn trong triết lý sống, trong cách ứng xử, trong tính cách của con người phương Nam”1. Những đặc trưng của triết lý trọng nghĩa của người Nam Bộ thể hiện ở việc ăn, ở cho phải đạo làm người, sống là phải biết trước biết sau, biết nhớ ơn người đã giúp đỡ mình, biết tương trợ người gặp khó khăn, hoạn nạn, sa cơ, thất thế2…
Triết lý này được vận dụng hầu hết các mặt trong đời sống xã hội; trong tình làng, nghĩa xóm; mọi người sống chan hòa, thân tình, nhà ai có tiệc vui mừng đám cưới, mừng vụ mùa thắng lợi đều mời cả làng đến chung vui, không câu nệ quà cáp, chỉ cần đến uống chén rượu, chén trà là gia chủ đã rất vui mừng. Ngược lại, khi gia đình có chuyện buồn, như tang ma, thiên tai,… cũng không phân biệt quen lạ mà mọi người lại cùng nhau đến giúp đỡ gia quyến. Nếu ai có thiếu thốn về vật chất thì cả làng quyên góp ít gạo, con cá,… tuy không nhiều nhưng đầy ắp tình người. Trong cuộc sống và sinh hoạt, nếu kẻ thân cô, thế yếu gặp chuyện trắc trở, hay thấy chuyện bất bình người dân sẵn sàng ra tay tương trợ.
Người dân nơi đây xem trọng những người trọng nghĩa, vì vậy cũng cực lực lên án, thậm chí khinh bỉ những kẻ hư danh, hám tiền, vì lợi quên nghĩa, như: hình tượng vợ chồng Việt gian Tư Mắm trong Đất rừng phương Nam hay Trịnh Hâm, Bùi Kiệm trong Lục Vân Tiên. Hay những câu ca dao răn đe, chấn chỉnh nhân cách con người: Đứa nào được Tấn quên Tần/ Xuống sông sấu ních, lên rừng cọp tha… Có thể thấy, triết lý trọng nghĩa trong đời sống cư dân Nam Bộ được đánh giá là triết lý sống và là thước đo giá trị con người được xem là đặc trưng ở vùng đất này.
Sự biểu hiện triết lý trọng nghĩa của người dân Nam Bộ trong đờn ca tài tử
Là một bộ phận cấu thành của văn hóa – nghệ thuật cũng nằm trong mối quan hệ khăng khít và biện chứng với triết lý nhân sinh và là một trong những phương tiện thể hiện rõ nét nhất triết lý nhân sinh của dân tộc, nhóm người hay cá nhân. Đờn ca tài tử với tư cách là một loại hình nghệ thuật nảy sinh từ trong lòng xã hội Nam Bộ cũng không nằm ngoài xu thế đó. Điển hình là trong loại hình nghệ thuật này hàm chứa nhiều quan điểm nhân sinh của người dân nơi đây, như: triết lý bình dị, triết lý linh hoạt, triết lý âm dương ngũ hành,… Trong đó, sự biểu hiện của triết lý trọng nghĩa là một trong những thành tố quan trọng để kết hợp với một số triết lý khác hình thành nên nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật này.
Xuất phát từ triết lý sống trọng nghĩa của người dân vùng đất Nam Bộ nên các ban nhạc hoặc các Câu lạc bộ đờn ca tài tử thường được hình thành trên cơ sở những người đồng điệu trong âm nhạc, họ có thể xuất thân từ nhiều tầng lớp trong xã hội nhưng đến với nhau vì niềm đam mê, gắn kết nhau bằng cái tình, cái nghĩa chứ không vì danh, lợi. Một ban nhạc tài tử được xem như một làng, xóm thu nhỏ khi trong ban nhạc có thể có người giàu, kẻ nghèo, có người quen, người lạ, có người có trình độ về âm nhạc nhưng cũng có thể có những người chỉ học “lỏm” ngón đàn từ người khác, thế nhưng, tuyệt nhiên không có sự chê bai, ai đàn sai thì người khác sẵn sàng sửa chữa, ai có kỹ thuật hát hay thì truyền dạy lại. Trong thời kỳ thịnh hành, mỗi làng, xóm đều thành lập các ban nhạc tài tử để phục vụ trong các lễ hội, đám cưới, đám giỗ,… Sau khi kết thúc buổi biểu diễn, tuy người trình diễn không đòi hỏi lễ vật nhưng chủ nhà hoặc trưởng làng, xóm thường mời ban nhạc một bữa cơm dân dã, ly rượu, ly trà hoặc ít trái cây, nhờ đó, tạo nên sự hòa nhã, gắn kết cộng đồng.
Trọng nghĩa còn thể hiện ở lối trình diễn xem trọng mối quan hệ giữa những tài tử với nhau. Trong thực hành đờn ca tài tử nguyên gốc thì thường tài tử đàn rất ít khi độc tấu mà thường là song tấu, tam tấu hay hòa tấu và luôn có sự thay đổi luân phiên giữa người đàn lót và đàn chính tùy theo sở trường của từng thành viên, nhờ vậy mà tiếng đàn, câu hát tài tử luôn chứa đựng sự ngọt ngào, tha thiết. Dù Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian bình dân, xem trọng tính thoải mái trong cách thức tổ chức và cách chơi nhưng không phải dễ dãi mà cũng phải theo khuôn khổ được gọi là “phép tài tử”.
Phép tài tử nghĩa là, dù không câu nệ địa vị, danh phận nhưng người chơi cũng cần hiểu lễ, nghĩa, kính trên, nhường dưới và đặc biệt là biết đàn, ca trả lễ – một quy tắc giao tiếp thường được sử dụng trong các loại hình nghệ thuật thể hiện thái độ trọng thị, kính mến người đã nhường mình thể hiện trong lúc hòa đờn, hòa ca. Bên cạnh quy tắc đàn, ca trả lễ thể hiện lễ nghi kính trọng, thì người chơi tài tử cũng từng có tục ngầm là quy tắc “bấm đứt dây đàn” để phản đối những người có thái độ ngạo mạn, đề cao mình là trên hết không xem trọng nghĩa khí của người tham gia.
Ngoài mối quan hệ ứng xử cùng với kết cấu ban nhạc thì triết lý trọng nghĩa được biểu hiện nổi bật nhất chính là trong lời các bài ca. Con người Nam Bộ khi khẩn hoang ở vùng đất mới chủ yếu sống nương tựa vào nhau, họ sống gần gũi, xem “họ hàng xa không bằng láng giềng gần”. Chữ “Nghĩa” trong đạo đức Nho giáo được người dân vùng đất này đặc biệt đề cao. Chính vì vậy, chữ “Nghĩa” luôn được xem trọng và khắc họa rõ nét trong nội dung các bài ca.
Tình cảm của cha – mẹ đối với con cái được người dân Nam Bộ xem là tình cảm thiêng liêng, cao cả nhất. Nhiều bản nhạc tài tử khắc họa hình ảnh mẹ, cha sớm hôm tần tảo để nuôi con khôn lớn nên người. Những hình ảnh này tuy bình dị nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình yêu bao la, vô bờ bến của cha mẹ đối với con cái.
Mẹ là người không quản sớm hôm để chăm lo cho con: “Tháng năm dài lặng lẽ nuôi con từng đêm khắc lụn canh tàn” (Mẹ – Trần Ngọc Thạch)/ “Mẹ đã bắt ốc hái rau tảo tần hôm sớm quản chi thân góa bụa cơ hàn” (Nhớ mẹ – Viễn Châu). Tình cha cũng cao tựa Thái Sơn: “Cha ra đứng ngóng con đò/Chờ con về tròn câu hiếu nhi” (Ngày giỗ cha – Viễn Châu). Hay “Tình của cha vô cùng cao cả, vất vả nuôi con nhưng không mong được đáp đền” (Bóng hình người cha – Tuyết Lan).
Các soạn giả cũng thay lời người con gửi đến cha mẹ chữ hiếu nghĩa, trả ơn cha mẹ đã nuôi dưỡng con nên người: “Phận làm con phải giữ tròn hiếu đạo/ Không sỗ sàng, không thô lỗ nghênh ngang/ Phải nên nói năng nhã nhặn/ Biết vâng lời giáo huấn của Mẹ Cha”(Công cha, nghĩa mẹ – Thích Minh Giới)
Từ đó, những người con hiếu thảo mong muốn cha mẹ sống lâu trăm tuổi để con cái được phụng dưỡng: “Chấp tay khấn vái Phật trời/ Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con”(Công cha, nghĩa mẹ – Thích Minh Giới). Để đến mỗi mùa Vu Lan, mọi người lại nhắc nhau rằng: “Trong đời người ai cũng cần cài một bông hồng trên áo, ai còn mẹ thì đóa hoa kia sẽ nhắc nhở những giây phút hiện tiền quý báu mà khó giữ được dài lâu” (Bông hồng cài áo – Trần Thế Mỹ, Loan Thảo).
Đồng thời, các tác giả cũng muốn nhắc nhở những ai chưa tròn chữ Hiếu, hãy quan tâm đến cha, mẹ mình hơn, sống trọn nghĩa, trọn tình cha, mẹ – con đừng để đến khi mất đi rồi mới nuối tiếc tháng ngày đã qua: “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Ai ơi hãy nhớ năm xưa những ngày còn thơ, công ai nuôi dưỡng/ Công đức sinh thành, người ơi đừng quên. Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”(Ơn nghĩa sinh thành – Dương Thiệu Tước). Và cuối cùng, khẳng định về triết lý chữ Hiếu, trọng ân nghĩa mẹ cha của người dân Nam Bộ: “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”(Tu là cội phúc – Viễn Châu).
Tình yêu đôi lứa là đề tài được nhiều soạn giả sáng tác, qua đó thể hiện tính cách và triết lý sống của con người vùng đất này. Trong việc dựng vợ, gả chồng cho con cái, cũng như lựa chọn bạn đời, người Nam Bộ thường có quan điểm xem trọng tính nết, lựa chọn người có tính tình chân thật, hồn hậu, chất phác chứ không chọn người cộc tính, gian xảo,…
Chẳng hạn, “Chúng tôi yêu nhau đã sáu năm rồi mà chưa thành chồng thành vợ. Cha thì gật đầu, Mẹ thì quay ngang rồi bảo: thằng Tâm có cái tính cộc cằn sợ sau này con Hồng bị nó ăn hiếp”. (Chợ Mới – Trọng Nguyễn). Trong bài Bánh Bông Lan, cái tính bộc trực, thẳng thắn của chàng trai khi đề cập vấn đề muốn làm quen với cô gái bán bánh đã làm nên hình ảnh con người Nam Bộ chân chất : “Cô Hai ơi, cái Bông lan nhụy vàng cánh trắng, còn Bánh Bông Lan cánh vàng nhụy cũng vàng luôn. Vậy mà hễ vắng lâu thì trong bụng thấy buồn, chắc là mai mốt tui về ở luôn nơi này” (Bánh Bông Lan – Quế Chi).
Có thể nói, từ triết lý về tình yêu đôi lứa của người dân Nam Bộ đã phát triển thành đạo lý về trọng nghĩa vợ – chồng, thể hiện trong các bản nhạc tài tử. Người Nam Bộ rất đề cao tình nghĩa vợ chồng, họ xem một khi đã là vợ, là chồng thì phải cùng sẻ chia đau khổ, cùng hưởng phú quý. Hình tượng người trọng tình, trọng nghĩa phu thê được sử dụng rất nhiều trong các bản Đờn ca tài tử. Tuy đa phần mang vẻ đượm buồn, kể về những nỗi buồn, trái ngang trong hôn nhân nhưng mang nhiều ý nghĩa nhân văn, qua đó, nói lên triết lý trọng nghĩa phu thê của người dân Nam Bộ.
Soạn giả Cao Văn Lầu trong bản Dạ cổ hoài lang đã khắc họa hình ảnh một thiếu phụ – được cho là người vợ của Cao Văn Lầu vì gia đình ngăn cách mà phải lìa xa người chồng thương yêu. Tuy xa cách, nhưng hai người vẫn nhớ về nghĩa vợ – chồng, hằng ngày vẫn thương nhớ về nhau: “Từ là từ phu tướng/Báu kiếm sắc phong lên đàng/Vào ra luống trông tin chàng/Năm canh mơ màng/Em luống trông tin chàng/Ôi gan vàng quặn đau… (Dạ cổ hoài lang – Cao Văn Lầu). Hay hình tượng Nguyệt Nga thương nhớ Vân Tiên: “Chàng có thấu cho/Thiếp thệ với lòng, thủy chung tròn nghĩa/Tượng này hỡi chàng Vân/Thiếp giữ cho đến cùng/Sống thác cũng có nhau”(Nguyệt Nga họa tượng Vân Tiên – Cao Hoài Sang)…
Triết lý trọng nghĩa trong mối quan hệ giữa người với người còn được thể hiện ở nhiều bản nhạc tài tử khác như trọng nghĩa đồng chí: “Dù áo có sờn vai nắng mưa sương gió vai vẫn kề vai và lòng vẫn chung lòng” (Tình đồng chí – Thanh Vũ); tình nghĩa huynh đệ, anh em đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau: “Nhắc chuyện xưa nặng tình huynh – đệ/Mong người đời, giữ nghĩa đệ – huynh” (Nghĩa đệ huynh– Trần Ngọc Thạch). Hay thương xót cho bạn bè, bằng hữu lúc gặp hoạn nạn: “Nhị ca ơi! ôm thây anh máu thắm nhuộm chinh y, lòng tiểu đệ thêm nghẹn ngào chua xót!” (Tần Quỳnh khóc bạn – Viễn Châu).
Việc hình tượng người anh hùng hiệp nghĩa, cũng như những người có tình có nghĩa, xuất hiện thường xuyên trong nghệ thuật dân gian Nam Bộ, trong đó có đờn ca tài tử đã nói lên phần nào triết lý trọng nghĩa của con người vùng đất này. Bên cạnh đó, việc khắc họa cái yếu hèn, cái gian manh, xảo trá của bọn ham lợi danh, phú quý mà quên mất tình bạn bè, nghĩa vợ chồng, cũng có hàm ý nhằm đề cao tầm quan trọng của cái nghĩa, qua đó, lấy hình tượng nhân vật nghĩa hiệp, người có tình có nghĩa để giáo dục đạo đức cho con cháu, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, không tham lợi danh, phú quý mà quên mất cái nghĩa vẹn toàn, trước sau của con người vùng đất Nam Bộ.
Triết lý sống hào hiệp, hiếu khách, dùng nhân nghĩa đối nhân nghĩa, không tham phú quý, giàu sang của người Nam Bộ được thể hiện rất rõ trong nội dung các bản nhạc tài tử. Đó là hình tượng những con người hiền lành, chân chất nhưng sẵn sàng ra tay tương trợ khi thấy chuyện bất bình. Hình tượng nghĩa hiệp này trong đờn ca tài tử thường được lấy từ văn học dân gian như hình tượng Lục Vân tiên: “Bỗng đâu dân chúng/Hãi hùng vì giặc cướp tung hoành/Đang đốt phá tan tành/ Mạng con người thật mong manh… Vân Tiên ra tay nghĩa hiệp/Giết sạch loài phá phách lương dân/Cứu giai nhân thoát cơn hiểm họa/Nàng chính là Kiều Nguyệt Nga” (Vân Tiên cứu Nguyệt Nga – Trần Ngọc Thạch).
Hay mượn hình ảnh những người nông dân Nam Bộ với khí phách ngang tàng mang chút hơi hướng nghĩa khí giang hồ, ra tay trừng trị bọn thực dân tham tàn cướp đất của dân nghèo: “Giết nó ngay trả thù rửa hận/Đừng để cho nó thoát đi đâu/Anh em ơi này mác này dao/Sợ chi quân mặt ngựa đầu trâu”(Máu thắm đồng Nọc Nạn – Phạm Ngọc Truyền).
Cái tính hào phóng, hiệp nghĩa dường như chảy vào trong máu của mỗi người dân vùng đất này. Mượn hình ảnh ông lão chèo đò “Cơm hẩm canh rau một ngày hai buổi, manh áo tồi tàn lão dãi nắng, dầm mưa”, soạn giả Viễn Châu đã khắc họa tính cách hào phóng của người Nam Bộ, dù cho đó chỉ là người lái đò đưa khách sang sông: “Tiền bạc trả công chẳng nệ ít hay nhiều, lão chỉ cần ngày hai bữa mà thôi/Sang giàu mặc kẻ đua bơi, công danh như thể bèo trôi giữa dòng” (Ông lão chèo đò – Viễn Châu)…
Kết luận
Cái tình, cái nghĩa trong cách thức tổ chức hay tiếng đàn, lời ca của đờn ca tài tử là hiện thân rõ nét cho tính cách hào sảng và quan niệm trọng nghĩa của người dân. Triết lý trọng nghĩa không chỉ được xem là cái gốc vững chắc để đờn ca tài tử tồn tại và phát triển mà còn là chất xúc tác, là điểm nhấn độc đáo để đưa loại hình nghệ thuật dân gian đến gần với công chúng và sau đó trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong đờn ca tài tử, chữ Nghĩa sẽ được mỗi người Nam Bộ gìn giữ và phát huy để từ đó hồn cốt tính cách Nam Bộ lại được lưu truyền và lan tỏa.