Trà Vinh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị

ThS. Phạm Thị Thanh Băng
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Là tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp với tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Biển Đôngcách TP. Hồ Chí Minh 130 km theo quốc lộ 60 và thành phố Cần Thơ 80 km theo quốc lộ 54Trà Vinh có lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển. Hiện nay, dân số toàn tỉnh trên 1,1 triệu người với các dântộc chủ yếu là người Kinh, Khmer, Hoa. Nhờ vào những điều kiện khí hậu thuận lợi, là vùng có nét văn hóa đa sắc tộc đã tạo cho Trà Vinh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và khu du lịch nghỉ dưỡng. 

Từ khoá: Phát triển du lịch; kinh tế mũi nhọn; giải pháp; Nghị quyết 08-NQ/TW; tỉnh Trà Vinh.

Trà Vinh có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch.
Đặt vấn đề

Hơn 5 năm qua, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy (trong đó có Kế hoạch số 48-KH/TU ngày 02/6/2017 về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 918/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 để triển khai kế hoạch này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các tỉnh, thành phố của cả nước nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng đã phải vượt qua nhiều khó khăn thách thức của đại dịch Covid-19, với sự quyết tâm, đồng lòng của chính quyền, của toàn quân, toàn dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Một số kết quả thực hiện triển khai Nghị quyết số 08/NQ-TW trong 5 năm qua

Việc đẩy mạnh Kế hoạch số 48-KH/TU và Quyết định số 918/QĐ-UBND trong thời gian qua cho thấy, tốc độ phát triển ngành Du lịch của tỉnh Trà Vinh đã có sự chuyển biến rõ tích cực. Tổng doanh thu và lượt khách du lịch tăng, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh du lịch, nhất là các doanh nghiệp lữ hành kết nối các tuyến điểm du lịch. Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW thì tổng thu du lịch tăng hằng năm. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành Du lịch tỉnh đã vượt qua khó khăn, xây dựng được sản phẩm mới, như: du lịch cộng đồng tại Côn Hô(huyện Càng Long); du lịch đường sông (sông Long Bình, tuyến du lịch sông Láng Thé); điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim cấp tỉnh; hỗ trợ người dân về nâng cao chất lượng du lịch tại Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh. Kết quả cụ thể như sau:

Thứ nhất, UBND các cấp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị kinh tế – xã hội, môi trường, qua đó,cộng đồng dân cư và khách du lịch nâng cao ý thức, trách nhiệm và nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Thứ hai, công tác quy hoạch gắn với phát triển du lịch được chú trọng. Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình hạ tầng khu du lịch biển Ba Động. Đặc biệt là giai đoạn năm 2021 – 2024, tiến hành hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch tại khu du lịch biển Ba Động và khu du lịch Hàng Dương, huyện Cầu Ngang; đầu tư điểm du lịch cộng đồng (huyện Châu Thành và huyện Càng Long thị xã Duyên Hải): 6 mô hình du lịch sinh thái – văn hóa: dừa sáp, cù lao Tân Quy, homestay (huyện Cầu Kè); chế tác mặt nạ, may trang phục truyền thống Khmer, đặc sản quê (huyện Trà Cú), 9 nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp với  đặc sản, hàng lưu niệm tại thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh; đầu tư sửa chữa làng Văn hóa – Du lịch Khmer, khu du lịch sinh thái Nông trường 22/12 (xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải); trùng tu, tôn tạo các di tích, tổ chức lễ hội, nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm, vui chơi, giải trí… tạo thêm sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch1

Thứ banâng cao chất lượng về các loại hình, sản phẩm du lịch. Mở rộng quan hệ hợp tác về du lịch, liên kết phát triển du lịch nhất là các thị trường du lịch trọng điểm, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long thông qua ký kết các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch,… về tổ chức thẩm định cơ sở đăng ký hồ sơ cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ du lịch, tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Hiện đang tiếp tục vận động các cơ sở ăn uống, mua sắm, lưu trú thực hiện hồ sơ đăng ký cơ sở đạt chuẩn phục vụ du lịch.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp UBND huyện Cầu Ngang tổ chức Tuần lễ Hội chợ Thương mại, ẩm thực gắn với lễ hội Cúng biển (Nghinh Ông) Mỹ Long với quy mô cấp tỉnh, gồm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, ẩm thực… để kích cầu du lịch, từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, vui chơi, giải trí trở lại bình thường. Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh cũng rất đa dạng, phong phú với nhiều đặc sản, món ngon nổi tiếng để du khách trải nghiệm và thưởng thức. Qua khảo sát tài nguyên du lịch và lấy ý kiến của người dân địa phương về việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, từ đó tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Thứ tư, hiện tỉnh đã có 8 dự án điện gió được thực hiện với tổng công suất là 570 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 27.336 tỷ đồng và đã có nhiều Dự án điện gió hòa lưới điện quốc gia, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách tỉnh và là các địa điểm tham quan du lịch cho du khách trong và ngoài nước2.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương, tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức khảo sát tour du lịch kích cầu. Hiện nay, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống cũng là thế mạnh của tỉnh. Khách du lịch quốc tế được tham gia vào các hoạt động lao động nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất chế tác ở các làng nghề truyền thống cùng với người dân.

Thứ năm, xây dựng môi trường du lịch và phát triển du lịch có ý thức, trách nhiệm cao. Từ đó, UBND tỉnh đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch cho cộng đồng dân cư, học sinh, sinh viên, khách du lịch hằng năm. Vận động đoàn viên, học sinh, thanh niên, tiểu thương, người dân và du khách làm vệ sinh môi trường tại các điểm đến du lịch… nhằm tạo cảnh quan, bảo đảm môi trường xanh – sạch – đẹp.

Mở rộng điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia sự kiện lớn của đất nước, của địa phương để tổ chức các hoạt động trưng bày triển lãm, quảng bá các tour, tuyến du lịch, đặc biệt là du lịch đường sông; tổ chức triển khai tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn tỉnh, nhất là việc tuyên truyền Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại khu du lịch sinh thái, tuyên truyền cho cộng đồng dân cư và khách du lịch các quy tắc ứng xử văn minh khi đến du lịch. Đồng thời, chú trọng công tác quảng bá xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch, tổ chức họp báo giới thiệu tuyến du lịch đường sông kết hợp khu du lịch sinh thái và giới thiệu với khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho địa phương.

Thực hiện quảng bá, thông tin hình ảnh các điểm đến du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, các điểm mua sắm trên địa bàn tỉnh, đồng thời thể hiện sơ đồ chỉ dẫn đường đi của điểm đến, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong quá trình tìm hiểu về du lịch.

Thứ sáu, tỉnh tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2025, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.

Triển khai thực hiện Đề án phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Kết quả thực hiện công nhận 80 sản phẩm OCOP (trong đó: 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 9 sản phẩm đạt 4 sao; 66 sản phẩm đạt 3 sao) thuộc 49 chủ thế, gồm: 8 hợp tác xã, 9 công ty, 2 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh; hỗ trợ sản phẩm tiêu thụ xuất nhập khẩu qua Nhật Bản và trên sàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ)3.

Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện Chương trình khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp năm 2019; ban hành đề án khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn từ năm 2020 – 2022 và định hướng đến năm 2025. Tiếp cận nguồn ngân sách tài trợ của Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (SME Trà Vinh) để xây dựng chuỗi giá trị du lịch, quảng bá, xúc tiến và hỗ trợ các hộ kinh doanh du lịch.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch. Trong đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở Du lịch tổ chức các lớp tập huấn du lịch về kỹ năng giao tiếp phục vụ du lịch, du lịch cộng đồng cho các doanh nghiệp…, kịp thời cập nhật, bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực du lịch, tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Du lịch và các văn bản liên quan cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, cũng chú trọng nâng cao kỹ năng bán hàng cho các tiểu thương kinh doanh dịch vụ du lịch và các ngành nghề có liên quan.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh, trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cho các cơ sở đào tạo, giáo dục và dạy nghề xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Thứ tám, chú trọng đến năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Để đạt được hiệu quảcủa công tác quản lý nhà nước về du lịch, UBND các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong quá trình hoạt động. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, trong giai đoạn năm 2017 – 2021: đã thanh tra lĩnh vực du lịch 26 cuộc, 368 cơ sở, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 13 cơ sở4.

Những bất cập, hạn chế trong triển khai

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Du lịch Trà Vinh cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trước hết, nhận thức về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh có nâng lên nhưng chưa toàn diện. Hiện nay, tỉnh chủ yếu tập trung khai thác tài nguyên tự nhiên sẵn có và các yếu tố văn hóa, tâm linh để thu hút khách mà chưa có nhiều dịch vụ gia tăng đi kèm; công tác thông tin, xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch còn thiếu, sản phẩm du lịch còn ít và chưa hấp dẫn khách du lịch, nhất là khách quốc tế.

Nguồn lực đầu tư và kinh phí phân bổ cho du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành Du lịch của tỉnh. Một số dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch triển khai còn chậm tiến độ, như dự án đầu tư khu du lịch tham quan nghỉ dưỡng biển Ba Động, dự án Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh; thiếu các khu vui chơi, dịch vụ giải trí quy mô lớn, hiện đại để giữ chân du khách. Công tác thông tin, xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch còn hạn chế về phương thức hoạt động cũng như việc hỗ trợ địa phương quảng bá du lịch5.

Nguồn nhân lực được quan tâm đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghiệp vụ trong phục vụ khách còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách…

Các giải pháp để phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh

Một là, xác định mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, theo đó, đòi hỏi ngành Du lịch của tỉnh phải thực sự chuyên nghiệp, cần có hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có tính thương mại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là: tập trung xây dựng điểm đến, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch văn hóa – lễ hội, du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái miệt vườn, trong đóxây dựng loại hình du lịch văn hóa dân tộc là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm đủ khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô vùng và cấp quốc gia. 

Hai là, nâng cao công tác quản lý nhà nước về du lịch, cần  chú trọng công tác thanh, kiểm tra các loại hình kinh doanh du lịch (lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên…) nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Rà soát, quy hoạch, hình thành các bến tàu, điểm dừng chân du lịch, các khu vui chơi giải trí, chợ đêm, phố ẩm thực, công viên, bãi đậu xe,… đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách, cần bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ du lịch; đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về kinh doanh du lịch… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch, chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương trong việc xây dựng, triển khai, thực hiện chương trình phát triển du lịch và các kế hoạch cụ thể phát triển du lịch, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển du lịch của tỉnh và của quốc gia. Có chính sách hỗ trợ xây dựng cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ khách tham quan. Kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân lớn, như: Vingroup, Sun Group, BRG, FLC,… đầu tư vào hạ tầng cơ sở du lịch.

Ba là, chủ động tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao nhằm bảo đảm cho phát triển du lịch, nhất là đào tạo, nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, du lịch cộng đồng. Muốn làm được điều này, ngành Du lịch cần có chính sách đãi ngộ tốt; đào tạo kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số; chủ động kết nối với các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch; nâng cao năng lực quản trị; chủ động kết nối tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các hệ thống đào tạo quốc tế… Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo phải thu hút đầu tư vào hệ thống đào tạo, đội ngũ giảng dạy có chất lượng và cần có chương trình đào tạo các kiến thức mới về các loại hình du lịch mới.

Bốn là, đầu tư nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích và bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể, nâng cấp các lễ hội để phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Phát triển các làng nghề truyền thống, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm; hướng dẫn, tập huấn, đào tạo người dân các xã nằm trong khu du lịch làm nghề dịch vụ, sản xuất hàng lưu niệm, tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương phục vụ khách du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu trải nghiệm của du khách. 

Năm là, tăng cường đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống khách sạn, nhà nghỉ bảo đảm tiêu chuẩn; phương tiện vận chuyển khách du lịch là phương tiện tàu thủy. Để bảo đảm đón khách hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động kiểm tra, rà soát chất lượng và đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách, đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn hiện hành. Tạo quỹ đất sạch mời gọi các dự án đầu tư du lịch, quan tâm đến nhà đầu tư có tiềm lực để tạo động lực đột phá phát triển du lịch.

Sáu là, cần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhiều phân khúc thị trường du lịch. Tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch, thành lập Quỹ Xúc tiến du lịch quốc gia để tăng cường hơn nữa việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Trà Vinh tới bạn bè quốc tế. Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý về môi trường du lịch, trong đó việc tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải cần bảo đảm đạt tiêu chuẩn quy định. Xây dựng quy chế về xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường; tuyên truyền giáo dục cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái trong sạch để làm tăng thêm giá trị của cảnh quan môi trường nhằm phục vụ phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu phục vụ và giữ chân khách du lịch.

Kết luận

Để triển khai hiệu quả các chính sách phát triển du lịch, nhất là Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 10/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 – 2025, trong đó nhấn mạnh kế hoạch hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, nhằm phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, tỉnh Trà Vinh tiếp tục khẳng định vai trò khai thác có hiệu quả tiềm năng về lợi thế tài nguyên văn hóa trong việc phát triển du lịch của tỉnh nói riêng và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung.

Chú thích:
1, 2, 3, 4. Báo cáo số 298-BC/TU ngày 12/8/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
5. Du lịch Trà Vinh – Giải pháp phát triển. https://www.baotravinh.vn, ngày 14/02/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 48-KH/TU ngày 02/6/2017 về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 
2. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025.
3. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2025.
4. Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 10/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 – 2025.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh. Báo cáo tổng kết năm 2019 và Chương trình công tác năm 2020 về tình hình thực hiện Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
6. Bùi Thị Hải Yến. Du lịch cộng đồng. H. NXB Giáo dục Việt Nam, 2012.