Vai trò công tác dân vận đối với xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố

NCS. Nguyễn Văn Phương
NCS. Nguyễn Đức Thuận
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết làm rõ vai trò công tác dân vận đối với xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, đề xuất một số biện pháp nhằm phát huy vai trò của công tác dân vận đối với nhiệm vụ này.

Từ khóa: Công tác dân vận; khu vực phòng thủ tỉnh; thành phố; chính trị; tinh thần; xây dựng tiềm lực.

Phần mở đầu

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ở trong xã hội muốn thành công phải có 3 điều kiện là: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa. Nhân hòa là thế nào? Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí. Nhân hòa là quan trọng hơn hết”1. Như vậy, nhân hòa là do công tác vận động Nhân dân mà có được. Do đó, việc xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ là một nội dung cốt lõi trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, trực tiếp quyết định việc thực hiện thắng lợi đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là tổng thể các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, Nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương của tỉnh trong tạo lập, phát triển các yếu tố tạo thành tiềm lực chính trị, tinh thần; đồng thời phát huy vai trò và khả năng về chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự quốc phòng và an ninh của tỉnh, thành phố. Để xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, đòi hỏi phải phát huy tốt vai trò công tác dân vận: “việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”2.

Vai trò công tác dân vận đối với xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố

Một là, công tác dân vận góp phần truyền bá sâu rộng và thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương về công tác quân sự quốc phòng địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ; xây dựng, củng cố lòng tin của Nhân dân trên địa bàn,góp phần tạo nên tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ.

Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địaphương về công tác quân sự quốc phòng địa phương, khu vực phòng thủ và xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ sau khi hoàn thiện, vấn đề quan trọng là phải đưa và tổ chức thực hiện thắng lợi trong thực tiễn. Thông qua công tác dân vận, các chủ thể sẽ tiến hành truyền bá một cách sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp cho Nhân dân trên địa bàn nhận thấy, hiểu được tính đúng đắn trong đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, tính nhất quán trong đường lối quốc phòng, an ninh xây dựng khu vực phòng thủ nói riêng. Trên cơ sở đó, tổ chức thực hiện thắng lợi trong thực tiễn cuộc sống.

Để tác động toàn diện, mạnh mẽ vào tư duy, nhận thức, tình cảm, thái độ, lòng tin của Nhân dânđối với xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ là cả một quá trình không đơn giản, cần sự kết hợp của nhiều mặt công tác, nhiều hình thức tác động trực tiếp và gián tiếp. Trong tổng thể các công tác đó, công tác dân vận có vai trò nổi bật và tác động trực tiếp và gián tiếp đến tư tưởng, nhận thức. Công tác dân vận của các chủ thể xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ không chỉ hướng đến việc truyền bá và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quân sự, quốc phòng địa phương mà còn góp phần nâng cao sự tin tưởng, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ bền chặt, mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương với Nhân dân, trên cơ sở đó, huy động có hiệu quả tiềm lực chính trị, tinh thần trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc.

Hai là, công tác dân vận góp phần ngăn ngừa từ sớm, từ xa những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động.

Các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam luôn có tham vọng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, mưu đồ làm chệch hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn; thủ đoạn hướng Việt Nam đi theo chế độ tư bản chủ nghĩa, điều này tác động đến tư duy, nhận thức của một số bộ phận, tổ chức ở địa phương. Tham vọng đó đã hiện thực hóa bằng những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Để đấu tranh hiệu quả với âm mưu, hành động của các thế lực thù địch, một trong những nguyên tắc, yêu cầu cơ bản là phải chủ động phát hiện, ngăn ngừa từ sớm, từ xa những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động. 

Thực tiễn cho thấy, công tác dân vận vừa là một nhiệm vụ, vừa là một biện pháp đòi hỏi các tổ chức, lực lượng trên địa bàn tỉnh, thành phố phải thường xuyên tiến hành nhằm xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ. Thông qua công tác dân vận, các tầng lớp nhân dân nhận rõ bản chất thù địch, phản động của kẻ địch; từ đó nhận thức sâu sắc con đường cách mạng của dân tộc, đoàn kết, tạo thành một khối thống nhất xung quanh cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong khu vực phòng thủ. Công tác dân vận góp phần tăng cường sự hiểu biết, tăng tính đồng thuận, hạn chế mức thấp nhất những bất đồng, mâu thuẫn và sự phân hóa, từ đó đẩy lùi nguy cơ, điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng. Một khi tinh thần yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng của Nhân dân trên địa bàn được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sẽ trở thành bức tường thành vững chắc ngăn chặn “từ sớm, từ xa” những âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.

Ba là, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái, tích cực tham gia xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “phải biết dựa vào dân, khi Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thắng lợi nhiều, giúp đỡ ta ít thì thắng lợi ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”3. Điều đó khẳng định vai trò của Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ nói riêng. Để huy động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, từ đó phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, từng bước tạo “thế trận lòng dân” vững chắc trong xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần của khu vực phòng thủ thì công tác dân vận đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. 

Củng cố và tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong hệ thống chính trị và Nhân dân về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ (Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ). Khơi dậy lòng tự hào, tự tôn, truyền thống, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc, hình thành mặt trận chính trị rộng lớn của Nhân dân trên địa bàn, chung sức, đồng lòng bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ và bảo vệ địa phương trong mọi tình huống, góp phần tăng cường xây dựng các tiềm lực, lực lượng, thế trận của khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc. 

Bốn là, công tác dân vận góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xóa bỏ tận gốc những hủ tục lạc hậu, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội.

Quá trình tiến hành công tác dân vận, các chủ thể, lực lượng tiến hành cần chủ động, tích cực tham gia hướng dẫn, hỗ trợ các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể, như: tham gia phổ biến các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước và địa phương về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình xóa đói, giảm nghèo… Cùng với các cơ quan, ban, ngành chức năng hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất – kinh doanh, xây dựng các công trình công cộng của địa phương; xây dựng cảnh quan môi trường, thiết chế văn hóa; tu sửa đường làng, ngõ xóm… từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tạo cơ sở vững chắc huy động mọi nguồn lực trong dân xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ. Thông qua công tác dân vận, các chủ thể, lực lượng tham gia vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, tốt đẹp của Nhân dân. Đồng thời, góp phần đấu tranh loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, các sản phẩm văn hóa xấu độc và phản động khác, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội…

Một số biện pháp đẩy mạnh công tác dân vận đối với xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố 

Thứ nhất, thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, phương pháp tiến hành công tác dân vận cho chủ thể và lực lượng tiến hành.

Để có hành động đúng và trách nhiệm cao thì nhận thức đúng là yêu cầu quan trọng, trước tiên trong mọi hoạt động và công tác dân vận xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnhcũng không ngoại trừ. Vì vậy, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải coi trọng việc giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức trách nhiệm cho chủ thể và lực lượng tiến hành, xem đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong tiến hành công tác dân vận, khắc phục được tư tưởng thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với công tác dân vận trong xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần của khu vực phòng thủ. Thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng nâng cao kiến thức toàn diện mọi mặt cho chủ thể và lực lượng tiến hành trước hết là phẩm chất cách mạng; kiến thức về: quốc phòng – an ninh; khu vực phòng thủ; vị trí, vai trò xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong khu vực phòng thủ; kinh tế; pháp luật; văn hóa – xã hội; về chính sách dân tộc, tôn giáo… các kỹ năng giao tiếp, thuyết phục quần chúng, phong cách, tác phong dân vận.

Thứ hai, nắm chắc nội dung xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ để xác định nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác dân vận sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn cụ thể.

Muốn phát huy được vai trò của công tác dân vận trong tất cả các nhiệm vụ nói chung và đối với xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ nói riêng, đòi hỏi các chủ thể tiến hành phải nắm chắc nội dung xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ để xác định nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác dân vận phù hợp. Trên thực tế, ở đâu, lúc nào, cơ quan, đơn vị nào công tác dân vận bám sát, nắm chắc nội dung nhiệm vụ chính trị cần tiến hành dân vận, để xác định cụ thể nội dung, hình thức, biện pháp dân vận phù hợp thì ở đó, thời điểm đó, cơ quan, đơn vị đó công tác dân vận đạt kết quả tốt, chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả cao và ngược lại.

Thứ ba, cần có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và các lực lượng liên quan

Tiến hành công tác dân vận xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang địa phương tỉnh… Để phát huy được sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong khu vực phòng thủ, đòi hỏi cần phải thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể. Có như vậy mới bảo đảm tính kế hoạch, khoa học, tránh được sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm.

Bốn là, coi trọng và tiếp tục phát huy vai trò những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, các cộng đồng dân cư để tiến hành công tác dân vận xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.

Với sự đan xen, sinh sống và hoạt động của rất nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau trên cùng một địa bàn. Việc phát huy vai trò, ảnh hưởng tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các cộng đồng dân cư, tranh thủ vai trò, ảnh hưởng của các chức sắc, chức việc tôn giáo để tiến hành công tác dân vận là một vấn đề có ý nghĩa thiết thực đối với xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ. Hoạt động của người có uy tín đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo,cộng đồng dân cư, thật sự là cầu nối giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, làm cho mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nói riêng đến được với người dân. Giúp Nhân dân hiểu, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và củng cố quốc phòng trong khu vực phòng thủ.

Năm là, duy trì nghiêm và tổ chức thực hiện tốt chế độ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm thường xuyên công tác dân vận xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.

Mục đích của sơ kết, tổng kết công tác dân vận để nhìn nhận đánh giá những thuận lơi, khó khăn, những thành tựu, bất cập, hạn chế, tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục, đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến đối với cách làm và mô hình hay trong tiến hành công tác dân vận xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.

Kết luận

Vai trò của công tác dân vận đối với xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền địa phương trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Tiến hành công tác dân vận xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ là trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị,… cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, thành phố. Nhằm vận động quần chúng nhân dân, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ địa phương “từ sớm, từ xa” trong mọi tình huống.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr, 594.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 234. 
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 270.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ.
2. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.