Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận

ThS. Đỗ Văn Chung
Ban Kinh tế – Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận
(Quanlynhanuoc.vn) – Tổ chức bộ máy thực hiện chức năng giám sát, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Bài viết tập trung phân tích những kết quả chủ yếu và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận hiện nay.

Từ khóa: Tổ chức bộ máy, chức năng giám sát, Hội đồng nhân dân, tỉnh Bình Thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu quả hoạt động.

Đặt vấn đề

Giám sát là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (HĐND) và đại biểu HĐND, thể hiện tính quyền lực nhà nước ở địa phương. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát phụ thuộc rất lớn vào cơ cấu tổ chức và chất lượng bộ máy thực hiện chức năng giám sát của HĐND cấp tỉnh. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện triệt để pháp chế trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, hoàn thiện tổ chức bộ máy là một vấn đề quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực giám sát của cơ quan đại diện – dân cử ở địa phương. Trên cơ sở phân tích các kết quả thực hiện chức năng giám sát của HĐND tỉnh Bình Thuận thời gian qua, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chức năng giám sát của HĐND trong thời gian tới.

Thực trạng thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận trong những năm qua

Một là, đã thực hiện phân định rõ trách nhiệm, chức năng giám sát các bộ phận trong cơ cấu bộ máy giám sát của HĐND tỉnh theo nguyên tắc phân quyền đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Nguyên tắc phân quyền về mặt kỹ thuật tổ chức thực hiện quyền lực, suy cho cùng là phân công chức năng, phân định một cách rành mạch thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước trung ương và cơ quan nhà nước địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương nhằm chống lạm dụng quyền lực và có khả năng kiểm soát quyền lực. Theo quy định tại Điều 87 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, giám sát của HĐND bao gồm: giám sát của HĐND tại kỳ họp, giám sát của Thường trực HĐND, giám sát của các ban của HĐND, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND1, trên nguyên tắc đó xác định rõ chức năng như sau:

(1) HĐND tỉnh: hoạt động giám sát của HĐND tỉnh gồm giám sát trực tiếp bằng cách ban hành các nghị quyết giám sát chuyên đề và giám sát tại kỳ họp. Giám sát tại các kỳ họp, bao gồm một số nội dung chính như xem xét báo cáo của Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, chất vấn, nghe trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn… Giám sát tại kỳ họp với đối tượng thuộc phạm vi giám sát của HĐND 2.

(2) Thường trực HĐND: theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tập trung vào Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và các nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh có thể thành lập Đoàn giám sát trong trường hợp cần thiết. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, Thường trực HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết, kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, xem xét trách nhiệm, xử lý vi phạm.

(3) Các ban của HĐND: hình thức giám sát của các ban chuyên môn chủ yếu được thực hiện giữa hai kỳ họp HĐND. Các ban của HĐND không chỉ giám sát tính hợp pháp với những văn bản, báo cáo, đề án mà còn tập trung vào việc tổ chức các đoàn giám sát thực tế tại cơ sở, phát hiện những vấn đề để kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc trình HĐND quyết định. Các kiến nghị của từng ban có giá trị bắt buộc các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các cơ quan hữu quan xem xét và thực hiện. Kết quả phải báo cáo lại cho ban đó biết. Ngoài ra, các ban của HĐND thực hiện giám sát theo chuyên đề3.

(4) Đại biểu HĐND cấp tỉnh: xét về mặt cơ cấu tổ chức thì đại biểu HĐND không phải là một cơ cấu riêng biệt thực hiện chức năng giám sát. Tuy nhiên, hoạt động của đại biểu HĐND có tính độc lập nhất định. Họ là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trong đó có nhiệm vụ giám sát. 

Hai là, thông qua hoạt động giám sát nhằm đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật và các nghị quyết của HĐND các cấp đề ra.

Giám sát là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phươngLuật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thông qua hoạt động giám sát nhằm đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật và các nghị quyết của HĐND các cấp đề ra. Bộ máy giám sát của HĐND tỉnh Bình Thuận được thể hiện rõ trong sơ đồ dưới đây:

(1) Về tổ chức bộ máy giám sát: HĐND tỉnh Bình Thuận (nhiệm kỳ 2021 – 2026) có 53 đại biểu, trong đó đại biểu nữ chiếm 28,3%, đại biểu tái cử chiếm tỷ lệ 49,06%. Thường trực HĐND tỉnh gồm 3 người (Chủ tịch, phó chủ tịch và Ủy viên thường trực HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách). Hiện nay, việc bố trí cán bộ chủ chốt của Đảng giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động giám sát của HĐND, nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức này trong thực hiện các chức năng giám sát được pháp luật quy định. 

Để tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát, HĐND tỉnh Bình Thuận đã thành lập 4 ban, gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế – Ngân sách, Ban Văn hóa – Xã hội, Ban Dân tộc. Mỗi ban có từ 7 đến 9 thành viên. Lãnh đạo các Ban gồm có 01 Trưởng ban và 01 Phó ban hoạt động chuyên trách5.

(2) Về hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, bao gồm: hoạt động xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp được thực hiện theo định kỳ tại các kỳ họp HĐND. Thông qua hoạt động này, HĐND tỉnh Bình Thuận đã kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập trong công tác của các cơ quan chịu sự giám sát; từ đó, thảo luận, kiến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương. Đồng thời, hoạt động giám sát tại kỳ họp là cơ sở đảm bảo cho HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế – xã hội và các nghị quyết chuyên đề đúng chính sách, pháp luật, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.

Từ đầu nhiệm kỳ (từ năm 2021 đến nay), Thường trực HĐND tỉnh dành thời gian để điều hòa hoạt động của HĐND tỉnh, trọng tâm là các kỳ họp thường kỳ và bất thường của HĐND. Chỉ riêng năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát các nội dung như xem xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; thực hiện dự toán thu, chi ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển; báo cáo kết quả thực hiện nội dung trả lời chất vấn của đại biểu; báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và các báo cáo khác của Ủy ban nhân dân tỉnh. Xem xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo; báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh6.

Ba là, nâng cao chất lượng đại biểu và hoạt động tổ đại biểu trong công tác giám sát.

Thời gian qua, các đại biểu dự kỳ họp đầy đủ và tích cực hơn trong việc tham gia thảo luận các báo cáo. Đồng thời, đã có nhiều ý kiến phát biểu và thảo luận một cách dân chủ, thiết thực hơn. Bình quân mỗi kỳ họp có từ 10 – 12 lượt đại biểu chất vấn, đề cập những vấn đề trọng tâm, bức xúc, dư luận quan tâm7. Các đại biểu đã vận dụng đường lối, chính sách, pháp luật nhà nước, hoàn cảnh thực tế ở địa phương để phân tích đánh giá các bản báo cáo một cách khách quan, khoa học, có căn cứ cụ thể. Nhiều đại biểu đã thể hiện được trình độ am hiểu pháp luật, kiến thức chuyên sâu, kỹ năng phản biện, cũng như năng lực dự báo, năng lực xây dựng chính sách. Từ đó, đã giúp cho HĐND tỉnh ban hành được những nghị quyết phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật nhà nước và sát với thực tế địa phương.

Đánh giá về tổ chức bộ máy hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Bình Thuận cho thấy, số lượng, chất lượng đại biểu HĐND tỉnh đã được nâng lên, cơ cấu đại biểu được bố trí hợp lý là cơ sở để HĐND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trong đó có chức năng giám sát. Việc tăng cường đại biểu chuyên trách cho các Ban HĐND tỉnh đã tạo thuận lợi để bảo đảm tính thường xuyên, liên tục và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban. Vai trò của Thường trực HĐND tỉnh, các trưởng, phó Ban HĐND tỉnh chuyên trách cũng đã thể hiện rõ nét, góp phần tích cực, có hiệu quả vào các hoạt động giám sát của HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của đại biểu và tổ đại biểu HĐND tỉnh còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, như: số lượng, quy mô, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu và tổ đại biểu HĐND tỉnh mới chỉ đáp ứng được một phần của yêu cầu, nhiệm vụ. Số lượng đại biểu thực hiện quyền chất vấn tại các kỳ họp còn ít. Công tác quy hoạch nguồn đại biểu chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ đại biểu trong các cơ quan hành chính còn cao, nhiều đại biểu kiêm nhiệm, trong khi tỷ lệ đại biểu chuyên trách còn thấp, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả giám sát có mặt chưa cao. Một số đại biểu kiêm nhiệm nhiều chức danh dẫn tới chồng chéo trong việc thực hiện chức năng giám sát và chức năng quản lý hành chính nhà nước.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức bộ máy thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận

Thứ nhất, tiếp tục phân định rõ trách nhiệm giám sát các bộ phận trong cơ cấu bộ máy giám sát của HĐND tỉnh.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về nguyên tắc phân quyền là phù hợpvới quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, cần bổ sung ghi rõ thành một mục riêng trong Luật về chủ thể giám sát của HĐND là các đại biểu HĐND, từ đó, tạo cơ sở pháp lý cho các đại biểu hoạt động cũng như để họ phát huy tinh thần, trách nhiệm của mình. Bởi thực tế đã chứng minh rằng đại biểu HĐND là nhân tố quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng.

Trên cơ sở quy định rõ trách nhiệm giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, trong đó đặc biệt là đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh, cần thực hiện hoạt động giám sát thông qua các hoạt động chủ yếu sau:

(1) Tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của HĐND tỉnh, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND. Trong kỳ họp, họ có quyền đề nghị ghi vào chương trình nghị sự những vấn đề mà đại biểu xét thấy cần thiết để HĐND xem xét và quyết định; thảo luận, phát biểu ở tổ và tại hội trường; biểu quyết các nghị quyết và kết luận của kỳ họp; chất vấn Chủ tịch và các thành viên của Ủy ban nhân dân, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân và Viện thưởng Viện kiểm sát nhân dần cùng cấp8.

(2) Thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc với cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND. Bên cạnh đó, đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri tại đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động giám sát và của HĐND, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.

(3) Đại biểu HĐND tiếp công dân nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị; giải thích, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nội dung nổi bật của tiếp công dân chính là hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nhận đơn thư của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Sau đó, đại biểu theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết, trả lời của cơ quan chức năng để có thông tin phản hồi, trả lời cho cử tri rõ.

(4) Hoạt động giám sát trực tiếp. Đại biểu có thể tham gia cùng đoàn giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND nếu được mời hoặc khi đại biểu biết thông tin và liên hệ với Thường trực HĐND, các ban HĐND đề nghị được tham gia với tư cách thành viên. Trong trường hợp nội dung giám sát phù hợp với kiến thức chuyên môn, chuyên ngành của đại biểu hoặc giám sát trên địa bàn đại biểu ứng cử, hoặc các nội dung mà đại biểu cũng đang theo dõi và quan tâm. Cùng với đó, đại biểu có quyền đơn phương việc giám sát với tư cách cá nhân thông qua việc tự liên hệ với các đơn vị và yêu cầu được thông tin rõ về các vấn đề mình quan tâm.

Thứ hai, nâng cao năng lực hoạt động giám sát của các thiết chế thuộc HĐND tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, trước hết, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, lựa chọn để nhân dân bầu được những đại biểu có phẩm chất, có năng lực, trình độ. Sau khi bầu cử cần phải tổ chức bồi dưỡng cho các đại biểu về kiến thức cần thiết trong quá trình hoạt động, đặt biệt là các kiến thức về pháp luật để các đại biểu có thể thực hiện quyền giám sát một cách có hiệu quả cao. Thực hiện tốt việc đổi mới cơ cấu đại biểu theo hướng giảm tỷ lệ đại biểu là cán bộ quản lý ở cơ quan nhà nước, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Thực hiện tốt cơ chế giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của đại biểu nhằm bảo đảm cho hoạt động của đại biểu thực sự phục vụ lợi ích của nhân dân.

Đối với thường trực HĐND, cần tăng số lượng thành viên Thường trực cho HĐND cấp tỉnh. Thành viên của Thường trực HĐND phải hoạt động chuyên trách, không được giữ một chức vụ nào trong cơ quan nhà nước khác. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả giám sát, các thành viên của các ban phải đầy đủ về số lượng, chất lượng và điều kiện làm việc, phải là những đại biểu hoạt động chuyên trách để tập trung cho công việc giám sát của HĐND.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đại biểu và hoạt động tổ đại biểu trong công tác giám sát.

Để nâng cao chất lượng giám sát, đại biểu và tổ đại biểu HĐND cần tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với thường trực, các ban HĐND cấp tỉnh, không có sự trùng lắp về đơn vị chịu sự giám sát. Thông qua hoạt động giám sát, các đại biểu và tổ đại biểu chủ động phát hiện và đề xuất các kiến nghị về những vấn đề cần điều chỉnh, sửa đổi, góp phần khắc phục những hạn chế trong chấp hành pháp luật và quản lý nhà nước của các cơ quan chịu sự giám sát. Xây dựng cơ chế để tổ đại biểu và các đại biểu khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để chấm dứt hành vi vi phạm; yêu cầu cơ quan thẩm quyền xử lý.

Kết luận

Tổ chức bộ máy thực hiện chức năng giám sát ở HĐND cấp tỉnh chịu sự chi phối, điều chỉnh của hệ thống pháp luật về tổ chức nhà nước và tổ chức chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào tổ chức bộ máy hoàn thiện, thì hoạt động giám sát của HĐND tỉnh mới đạt hiệu quả cao. Thông qua việc nghiên cứu vấn đề giám sát của các cơ quan, tổ chức trong HĐND tỉnh Bình Thuận, có thể thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động này, cần thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền; đồng thời, bố trí nguồn lực tương xứng với chức năng, nhiệm vụ; nâng cao trình độ, năng lực của các đại biểu. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ cấu đại biểu hợp lý, nâng cao tỷ lệ đại biểu chuyên trách, tăng cường đội ngũ giúp việc là biện pháp chủ yếu để nâng cao hiệu lực giám sát của HĐND cấp tỉnh hiện nay.

Chú thích:
1, 8. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
2, 3. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. 
4, 5, 6, 7. Một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh. https://hdnd.binhthuan.gov.vn, truy cập ngày 12/12/2023.