Quán triệt quan điểm Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) về “dân là gốc” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Thượng tá, ThS Bùi Xuân Tuấn
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã xác định: phát huy dân chủ của Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với phương châm “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể; khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, ý chí kiên cường, bất khuất, văn hóa tốt đẹp, sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, “thế trận lòng dân” là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại về vai trò của quần chúng nhân dân, nghiên cứu vận dụng sát điều kiện thực tiễn nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Từ khóa: Dân là gốc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Hội Nghị Trung ương 8 (khóa XIII).

Mở đầu

Phát huy vai trò của Nhân dân trong dựng nước và giữ nước là bài học sống còn qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong từng giai đoạn khác nhau của cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) của Đảng họp từ ngày 02/10 – 08/10/2023 đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24 /11/2023 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, khẳng định quan điểm: giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước, phát huy vai trò to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện hiệu quả đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân với phương châm dựa vào dân, “dân là gốc”; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm thể hiện sự kế thừa bài học truyền thống tốt đẹp về phát huy vai trò của Nhân dân trong dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng, nghiên cứu nắm chắc, vận dụng sát điều kiện thực tiễn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. 

Quán triệt quan điểm lấy dân là gốc

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong dựng nước và giữ nước.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là những trang sử hào hùng về chiến đấu và chiến thắng sự xâm lược của những thế lực hùng mạnh hàng đầu thế giới. Một trong những bài học đặc sắc của quá trình dựng nước, giữ nước và trở thành truyền thống tốt đẹp, đó là bài học về phát huy vai trò to lớn của Nhân dân. Thời nhà Lý, trong “Chiếu rời đô”, Lý Công Uẩn đã viết: trên vâng mệnh trời, dưới hợp lòng dân. Như vậy, lòng dân cần phải được hiệu triệu khi mưu sự việc lớn, được xem là điều kiện không thể thiếu để xây dựng và làm cho đất nước trở nên hưng thịnh.

Với tư tưởng “Chúng chí thành thành”, Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần không chỉ để bàn việc nên đánh hay đầu hàng mà còn có ý nghĩa là để khích lệ, kêu gọi toàn dân cùng đánh, tướng sĩ đồng lòng, triệu người như một. Những tiếng hô “quyết đánh” của các bô lão là tiếng hô của cả dân tộc, quyết tâm của cả dân tộc, lòng dân trở thành thành lũy vững chắc nhất trước sự xâm lược của kẻ thù hùng mạnh nhất thời đại lúc bấy giờ. Để phát huy được sức mạnh lòng dân cần phải biết chăm lo, khoan thư sức dân. 

Sau chiến thắng quân Mông – Nguyên năm 1285, Trần Quốc Tuấn đã khuyên tấu vua Trần Nhân Tông: “Việc sửa lại thành trì không cần kíp lắm. Việc cần kíp của triều đình phải làm ngay không thể chậm trễ là việc úy lạo nhân dân”1. Trước khi ông lâm chung đã hiến kế sách giữ nước với vua Trần Anh Tông: “khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Trong lịch sử nước ta, hai triều đại Trần, Hồ kế tiếp nhau đã nêu hai bài học về dựa vào dân hay dựa vào thành quách, quan quân, vũ khí để giữ nước. Hồ Quý Ly không phải không biết “lòng dân là một sức mạnh cực lớn”, nhưng do chính sách chính trị và kinh tế chứa đựng nhiều yếu tố xa dân nên khi đất nước bị xâm lược, dù có hệ thống thành quách kiên cố, quân sĩ đông hàng trăm vạn, rốt cuộc cũng phải cam chịu thất bại, mất nước. Đúng như Hồ Nguyên Trừng khẳng định: “Thần không sợ đánh mà chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Nguyễn Trãi đề cao “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, ông đã ví dân như nước, còn triều đại phong kiến như con thuyền. Trong quan hệ đó dân giữ vai trò số một, ông tiếp tục khẳng định chân lý “chở thuyền là dân, lật thuyền là dân. Lật thuyền mới biết dân như nước”. Như vậy, trong chiều dài lịch sử của dân tộc đã chứng minh lòng dân, vận nước luôn gắn liền với nhau, hễ để mất lòng dân, thì vận nước suy yếu, lâm nguy.

Quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng.

Vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng được các nhà kinh điển, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới nhìn nhận là vô cùng to lớn. Theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo nên lịch sử, là chủ thể tạo ra mọi của cải vật chất, đồng thời, bảo đảm cho chủ quyền, sự tồn tại và phát triển của xã hội, của một triều đại hay một nhà nước. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen (1843), Mác đã viết: “Chủ quyền của nhân dân không phải là cái phát sinh từ chủ quyền của nhà vua, mà ngược lại, chủ quyền của nhà vua dựa trên chủ quyền của nhân dân…”2 và “không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”3.

Đối với cuộc cách mạng vô sản, không có lực lượng nhân dân, Đảng Cộng sản không thể thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình. Trong tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ 1848 đến 1850, C.Mác viết: “Ở nơi nào mà vấn đề đặt ra là phải cải tạo hoàn toàn chế độ xã hội, thì bản thân quần chúng phải tự mình tham gia công cuộc cải tạo ấy, phải tự mình hiểu rõ vì sao phải tiến hành đấu tranh, vì sao mình phải đổ máu và hy sinh tính mạng”Nhưng muốn cho quần chúng hiểu rõ cần phải làm gì, thì cần phải tiến hành một công tác lâu dài và kiên nhẫn, tức là phải tiến hành công tác dân vận.  

Kế thừa và phát triển sáng tạo lý luận Mác – Ăngghen về vai trò của quần chúng nhân dân trong điều kiện thực tiễn cách mạng nước Nga, V.I.Lênin cho rằng: “Nếu không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được”5. Và, những người cộng sản chỉ như những giọt nước trong đại dương Nhân dân, nếu “chỉ trông vào bàn tay những người cộng sản để xây dựng xã hội cộng sản, đó là một tư tưởng hết sức ngây thơ”6. Không chỉ vậy, Lênin lưu ý những người cộng sản: “quần chúng lao động ủng hộ chúng ta, sức mạnh của chúng ta là ở đó. Nguồn gốc khiến chủ nghĩa cộng sản thế giới trở thành vô địch cũng là ở đó”7.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lênin ở một tầm cao mới, Người khẳng định chân lý: Nhân dân là “gốc” của nước, “gốc” của cách mạng. Người chỉ rõ: “Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”8. Như vậy, lòng dân chính là “vận nước”. Theo Hồ Chí Minh, “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”9, và do đó  “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”10.

Lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; quần chúng nhân dân suy đến cùng là lực lượng quyết định vận động của lịch sử, nhưng quần chúng đó phải được giáo dục, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thông qua công tác dân vận. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay dựa vào dân, lấy “dân làm gốc” chính là tiếp thu những tinh hoa sâu sắc đó.

Tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá của các thế lực thù địch.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được tiến hành trong điều kiện thế giới, khu vực “có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức”11; xung đột lợi ích giữa các nước, các khối kinh tế – chính trị – quân sự mà điển hình như cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraina; bao vây, cấm vận; lôi kéo nước này để chống nước kia ngày càng quyết liệt… Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động và tiếp tục trở thành trọng điểm cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn, các khối. Tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột… khiến cho việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải giải quyết nhiều thách thức hơn. 

Tình hình trong nước, bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo vẫn còn hiện hữu, có mặt sẽ còn diễn biến phức tạp và gay gắt hơn, làm ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, cán bộ, đảng viên. Biển Đông, vùng biển Tây Nam và một số vùng chiến lược, địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định, nhất là vấn đề dân tộc, tôn giáo, “dân chủ”, nhân quyền… tác động không nhỏ đến ổn định, quốc phòng – an ninh.

Lợi dụng những khó khăn, thách thức của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước cấu kết, tăng cường chống phá công khai và trực diện, ngày càng quyết liệt với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm chia rẽ mối quan hệ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, chia rẽ mối quan hệ máu thịt quân – dân. Với chiêu bài kêu gọi thành lập xã hội dân sự, đòi quyền tự trị, đòi biểu tình, tự do tôn giáo, đặc biệt khoét sâu vào những sai trái của một số cán bộ, cơ quan, chính quyền địa phương… để bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, kích động, dụ dỗ, lôi kéo làm cho Nhân dân xa rời, chống đối Đảng, Nhà nước, chia rẽ mối quan hệ máu thịt quân – dân nhằm thực hiện mục tiêu phi chính trị hóa quân đội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trước tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều thách thức, đặc biệt trước các hoạt động chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, việc quán triệt và thực hiện hiệu quả quan điểm của Đảng dựa vào dân, “dân là gốc”… trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là hết sức cấp thiết.

Một số giải pháp quán triệt, thực hiện quan điểm dựa vào dân, “dân là gốc” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Một là, dựa vào dân để xây dựng Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân.

Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định trong việc phát huy vai trò to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Bởi vì, sức mạnh của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, cả hệ thống chính trị và chế độ xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ sức mạnh và sự ủng hộ của Nhân dân, của mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân với Nhân dân. 

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”12. Để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh cần thực hiện tốt và có hiệu quả hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Làm cho Nhân dân nhận thức và phát huy được thực chất quyền làm chủ, tích cực, chủ động và tự giác tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang. 

Bảo đảm: Đảng Cộng sản Việt Nam ngoài lợi ích của Nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác; đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: nước ta là nước dân chủ, nghĩa là Nhân dân làm chủ, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân; một trong tám đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Là xã hội do Nhân dân làm chủ” và đúng với Khoản 2 Điều 2 của Hiến pháp năm 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. 

Trong xây dựng lực lượng vũ trang, phải dựa vào dân để xây dựng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh; Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự là Quân đội của dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp đủ sức bảo Tổ quốc trong mọi tình huống. 

Để Nhân dân tự giác tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang có chất lượng, hiệu quả, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền làm chủ, ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang. Bảo đảm trong mọi hoạt động phải thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thực sự thực chất; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, bảo đảm tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có kế hoạch và cơ chế đối thoại, bàn bạc và lắng nghe ý kiến của nhân dân để xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Dựa vào dân để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. 

Hai là, chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân”.

Đây là giải pháp then chốt nhằm phát huy vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vì bản chất “thế trận lòng dân” là lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang Nhân dân, là hạt nhân của nhân tố chính trị – tinh thần trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội XIII chỉ rõ: “Xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”13.

Để chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc thì điều tiên quyết phải: tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị toàn diện, bảo đảm tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đó chính là nhân tố quyết định để xây dựng lòng tin của Nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích tối cao của Nhân dân; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đề cao tự tôn dân tộc, phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Ba là, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đảng ta luôn luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân. Thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phát huy toàn diện, mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của Nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam ở trong và ngoài nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; chú trọng nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo giữa các bộ phận dân cư, giữa các vùng, miền; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp về quốc phòng – an ninh. 

Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực của cả nước trong xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, chuẩn bị nguồn lực quốc gia; thực hiện tốt phương châm: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị quốc phòng, an ninh; công trình phòng thủ, hệ thống phòng thủ dân sự đồng bộ, thống nhất; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, kích động “ly khai”, “tự trị”, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện tốt đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực quốc phòng, nhất là ở các vùng biên giới trên bộ, trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Kết luận

Phát huy vai trò to lớn của Nhân dân, dựa vào dân, “dân là gốc” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quan điểm kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại về vai trò của quần chúng nhân dân; nghiên cứu, vận dụng sát thực tiễn, đặc biệt trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, việc quán triệt và thực hiện quan điểm trên là vấn đề cấp thiết, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chú thích:
1. Mấy nét về tư duy giữ nước truyền thống của dân tộc Việt Nam (phần V): “Chúng chí thành thành” – một quan điểm giữ nước của dân tộc Việt Nam. https://mod.gov.vn, ngày 23/8/2023.
2, 3. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 347, 350.
4. C.Mác và Ăngghen. Toàn tập. Tập 22. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr. 775.
5. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 39. NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr. 251.
6. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 45. NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 117.
7. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 39. NXB Tiến bộ, Mátxcơva,1977, tr. 257 – 258.
8. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 501 – 502.
9. Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học Nhân dân Việt Nam (08/12/1956). https://tennguoidepnhat.net, ngày 14/5/2012.
10. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bài báo “Dân vận”, đăng trên Báo Sự thật (ngày 15/10/1949).
11, 12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 27, 173 – 174, 44.