ThS. Lê Trung Thành
PGS.TS. Nguyễn Văn Sự
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng là một yêu cầu tất yếu đặt ra đối với Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, những năm qua, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, trực tiếp thay đổi diện mạo Thủ đô ngày càng đổi mới, văn minh, hiện đại.
Từ khóa: Kinh tế tư nhân; Thủ đô Hà Nội; động lực phát triển; kinh tế – xã hội.
1. Chủ trương của thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế tư nhân
Ngày 03/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết đã thể hiện một quyết tâm chính trị mới của Đảng và Nhà nước nhằm khuyến khích, tạo đà cho kinh tế tư nhân thật sự phát triển lành mạnh cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nòng cốt để phát triển kinh tế độc lập, tự chủ.
Với vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước và khu vực phía Bắc, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã quán triệt nghiêm túc và thực hiện Nghị quyết hiệu quả, xuyên suốt tạo sức lan tỏa rộng trong toàn xã hội. Ngày 01/9/2017, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chương trình xác định mục tiêu1:
Một là, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô nhanh và bền vững.
Hai là, phát triển kinh tế tư nhân bền vững về cả mặt số lượng và chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành mô hình doanh nghiệp hiện đại, gắn kết vào mạng sản xuất toàn cầu và chuỗi giá trị quốc tế; tạo dựng và phát triển các sản phẩm có thương hiệu mạnh, các doanh nghiệp, tập đoàn mạnh, các cụm ngành có lợi thế cạnh tranh của Thủ đô.
Ba là, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân phải cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Bốn là, tạo môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh bình đẳng để các thành phần kinh tế cùng phát triển. Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất – kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.
Năm là, hằng năm có khoảng 30-35% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; năng suất lao động tăng 4-5%/năm; phấn đấu thành lập mới 200.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 – 2020.
Sáu là, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời, Chương trình cũng xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để thực hiện 6 mục tiêu trên.
Để triển khai và cụ thể hóa Chương trình số 18-CTr/TU ngày 02/3/2018 của Thành uỷ thành phố Hà Nội, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 53/KH-UBND để tổ chức thực hiện, trong đó đặt ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân và giao cho các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, các ban, ngành, sở và chính quyền các cấp đã chú trọng đến công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển, coi doanh nghiệp là động lực và chìa khóa phát triển bền vững kinh tế của Thủ đô.
Xác định cải thiện môi trường đầu tư là một trong những chính sách quan trọng cho phát triển kinh tế tư nhân, UBND Thành phố cùng với các sở, ngành đã xây dựng nhiều giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, ban hành nhiều đề án, kế hoạch và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và cộng đồng doanh nghiệp, như: hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh; tổ chức công tác tài chính, kế toán; cung cấp thông tin; hướng dẫn quản trị doanh nghiệp và tư vấn pháp luật; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ngân hàng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, mặt bằng sản xuất; tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu, các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại trong nước và quốc tế…
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đẩy mạnh việc khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm lực, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước. UBND Thành phố cùng với các sở, ngành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để khoa học công nghệ thực sự là động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, phát triển kinh tế tri thức, tiếp tục triển khai Đề án Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội. Thiết lập sàn giao dịch công nghệ Thành phố và tổ chức thành công nhiều hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, thiết bị chuyên ngành như chợ công nghệ và thiết bị Hà Nội (Techmart), diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội…
Nhằm rà soát các quy định về thủ tục hành chính, UBND Thành phố đã yêu cầu các cấp, các ngành tập trung rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện; ưu tiên thủ tục hành chính phục vụ khởi sự doanh nghiệp, đời sống dân sinh… Thành phố đã duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đồng thời bảo đảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan trong vòng 3 ngày (trừ giải thể doanh nghiệp), tiếp tục duy trì thực hiện đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 2 ngày làm việc (trước 1 ngày so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp) đối với quá trình giao dịch trên mạng và trả kết quả sau 2 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ bằng bản giấy tại cơ quan đăng ký kinh doanh… Đến năm 2023, tỷ lệ hồ sơ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng (hầu hết ở mức độ 3 và 4) đạt 100%2.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, lãnh đạo Thành phố luôn chủ động lắng nghe, tìm hiểu tình hình và sẵn sàng đối thoại, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu làm giàu chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn 2020 – 2022 là thời điểm giãn cách xã hội kéo dài, dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân gặp không ít khó khăn.
2. Kinh tế tư nhân góp phần hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng của Thủ đô
(1) Đóng góp của kinh tế tư nhân vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.
Số lượng doanh nghiệp tư nhân được đăng ký mới và đang hoạt động tiếp tục tăng mạnh. Trong sự phục hồi kinh tế chung của cả nước, Hà Nội có 29.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021; tổng số vốn đăng ký mới đạt 328,4 nghìn tỷ đồng, giảm 5%. Bên cạnh 3.600 doanh nghiệp giải thể, 16.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thì cũng có 9.800 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp năm 2022 đạt khoảng 15 tỷ đồng/doanh nghiệp3.
15 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, với 30 đơn vị hành chính, tổng diện tích gần 3.400km2, Hà Nội đứng thứ 2 về dân số và quy mô GRDP, xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 30 về tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022. Hà Nội hiện đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP và 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng4. Trong sự đóng góp ấy thành phần kinh tế tư nhân luôn là lực lượng đi đầu, chiếm tỷ lệ đóng góp cao nhất trong các thành phần kinh tế của Thủ đô.
(2) Đóng góp của kinh tế tư nhân vào thu ngân sách nhà nước.
Đóng góp cho ngân sách nhà nước của kinh tế tư nhân của Thủ đô liên tục tăng qua các năm. Nếu như năm 2010 chỉ đạt 32.432 tỷ đồng, thì đến năm 2022, đóng góp cho ngân sách nhà nước đã tăng gấp hơn 9 lần (298.673 tỷ đồng), cao hơn rất nhiều so với Hải Phòng (103.176 tỷ đồng), Đà Nẵng (23.654,8 tỷ đồng) nhưng vẫn kém hơn TP. Hồ Chí Minh (401.163 tỷ đồng)5.
(3) Kinh tế tư nhân góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, như: tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân.
Các đơn vị kinh tế tư nhân đã giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động lớn của Thủ đô. Các doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu nhập ổn định. Trước năm 2010 thu nhập bình quân của lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chỉ là 1.150.000 đồng/người/tháng nhưng đến năm 2015 đạt gần 5.000.000 đồng/người/tháng và năm 2020 đạt gần 10.000.000 đồng/người/tháng. Thu nhập tăng nhanh đã góp phần cải thiện và nâng cao mức sống của toàn xã hội nói chung và người dân Thủ đô nói riêng6.
Thành phố hiện có 511.459 hộ với gần 1 triệu lao động. Số vốn đăng ký kinh doanh của các đơn vị kinh tế cá thể không ngừng tăng lên: năm 2010 đạt 1.424 tỷ đồng; năm 2015 đạt 6.564 tỷ đồng đến năm 2020 tăng lên 14.750 tỷ đồng. Đặc biệt, kinh tế trang trại của Hà Nội hiện nay phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố có hơn 2.800 trang trại các loại, trong đó, có 70 trang trại trồng trọt, gần 2.000 trang trại chăn nuôi, hơn 400 trang trại nuôi trồng thủy sản và khoảng 300 trang trại tổng hợp. Các chủ trang trại đã quan tâm đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, do vậy doanh thu đạt khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm, thu hút lao động thường xuyên hơn 11.000 người. Kinh tế trang trại đã trực tiếp góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Hà Nội, tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn: năm 2015 đạt 33 triệu đồng/người/năm; năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm, gấp 1,6 lần năm 20157.
Cùng với những lợi ích về kinh tế, kinh tế tư nhân của Hà Nội đã đóng góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đã tạo ra áp lực tích cực, buộc các doanh nghiệp nhà nước phải đổi mới để tồn tại; thu hút, sử dụng lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giảm sức ép cho xã hội. Các doanh nghiệp tư nhân đã gắn chặt với cộng đồng dân cư, giữ vai trò quan trọng trong xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội, trong xoá đói giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 chỉ còn 1,16%, về đích trước hai năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020), giải quyết việc làm còn là nhân tố nòng cốt xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở.
Đại hội đại biểu lần thứ XVII (10/2020) Đảng bộ thành phố Hà Nội đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015 – 2020 khẳng định: kinh tế tư nhân phát triển mạnh ở các ngành dịch vụ và công nghiệp làm cho cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng, khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09%. Môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển, giải quyết khoảng 83% lao động xã hội8.
So với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, nhưng thành phố đóng góp tới 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước9. Kinh tế thành phố Hà Nội xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là một động lực phát triển quan trọng của đất nước. Từ năm 2008 đến nay, kinh tế Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của cả nước. Trong sự đóng góp đó thì thành phần kinh tế tư nhân có vai trò rất quan trọng đã phát huy vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế, đưa Hà Nội ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế – động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Chú thích:
1. Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 01/9/2017 của Thành uỷ về thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Cục Thống kê thành phố Hà Nội. Số liệu thống kê kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội năm 2022.
3,5,6,7,8,9. Thành ủy Hà Nội. Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025. H. NXB Thông tấn, 2020.
4. Kinh tế Hà Nội sau 15 năm mở rộng và những vấn đề đặt ra. https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kinh-te-ha-noi-sau-15-nam-mo-rong-va-nhung-van-de-dat-ra-745125.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 377-BC/TU ngày 20/11/2018 của Thành ủy Hà Nội về tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển tổ chức đảng, đảng viên ở các đơn vị kinh tế ngoài khu vực kinh tế nhà nước.
2. Cục Thống kê thành phố Hà Nội. Kết quả điều tra doanh nghiệp thành phố Hà Nội (2010 – 2016). H. NXB Thống kê Hà Nội, 2016.
3. Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 03/6/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.