Giải pháp phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội

ThS. Đào Ngọc Thủy
Học viện Hành chính quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích nói chung và di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng đóng vai trò quan trọng trong quy trình thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia. Bài viết đề xuất giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Từ khóa: Phổ biến; tuyên truyền; chính sách; bảo tồn và phát huy giá trị, di tích quốc gia đặc biệt; thành phố Hà Nội.

1. Thực trạng phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt

Phổ biến, tuyên truyền chính sách là công đoạn tiếp theo sau khi chính sách đã được ban hành. Thông qua công tác tuyên truyền, các đối tượng thụ hưởng và chịu sự tác động, điều chỉnh chính sách có hiểu biết đầy đủ chính sách, từ đó, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình thực hiện chính sách.

Trong quá trình thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội, các chủ thể thực hiện chính sách không chỉ phổ biến, tuyên truyền những nội dung của chính sách cho đối tượng thụ hưởng và chịu sự điều chỉnh chính sách mà còn phổ biến, tuyên truyền đến các bộ phận tham gia quản lý di tích trên địa bàn.  Đối tượng thụ hưởng và chịu sự điều chỉnh chính sách trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt rất đa dạng, có thể khái quát thành hai đối tượng, đó là: cộng đồng địa phương có di tích và khách tham quan di tích. 

Với cộng đồng địa phương có di tích, thành phố đã thực hiện phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các thông tin về quy hoạch di tích theo đúng Luật Quy hoạch trên các phương tiện truyền thông và tại trụ sở ban quản lý di tích. Năm 2015, UBND thành phố đã tổ chức công bố về Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa. Năm 2016, đã tổ chức công bố Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội. Các di tích quốc gia đặc biệt do cấp huyện quản lý, sau khi được phê duyệt đồ án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích, chính quyền cấp huyện đã phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng thực hiện công bố quy hoạch. Năm 2011, UBND huyện Mê Linh tổ chức công bố và bàn giao Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử – văn hóa Đền thờ Hai Bà Trưng… Ngoài ra, thành phố và các quận, huyện cũng đã phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật để nâng cao quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng địa phương có di tích quốc gia đặc biệt. 

Đối với khách du lịch, trong những năm qua, các cơ quan chức năng của thành phố phối hợp với cơ quan, đơn vị truyền thông ở trung ương và thành phố Hà Nội thực hiện xây dựng các chương trình, tiết mục trên các kênh và website của đài phát thanh truyền hình nhằm giới thiệu giá trị đặc trưng di tích quốc gia đặc biệt của thành phố đến khán thính giả trong và ngoài nước. Đặc biệt là thông qua hoạt động xúc tiến phát triển du lịch, các cơ quan của thành phố đã liên kết với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cả nước và quốc tế xây dựng các tour, tuyến du lịch góp phần quảng bá hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt đến đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. 

Các ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt đã trực tiếp thực hiện phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo tồn và phát huy giá trị của di tích đến cộng đồng địa phương và khách tham quan di tích thông qua các hoạt động lễ hội và hướng dẫn khách tham quan di tích. Khi khách tham quan thực hành sinh hoạt tín ngưỡng ở di tích vào các dịp lễ hội sẽ được thông báo, nhắc nhở tuân thủ những quy định đối với hiện vật của di tích, qua đó, nâng cao ý thức bảo tồn di tích. Ngoài ra, ban quản lý các di tích cũng đã in thành các tập gấp bỏ túi giới thiệu tóm tắt giá trị của các di tích quốc gia đặc biệt để du khách hiểu rõ hơn về các di tích. Đặc biệt, di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố đã góp phần giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động chương trình tìm hiểu lịch sử – văn hóa địa phương, tham quan học tập ở di tích. 

Qua khảo sát tại 15 ban quản lý di tích ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố, cho thấy: 

(1) Trong phổ biến tuyên truyền quy hoạch bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị di tích, ý kiến trả lời phổ biến, tuyên truyền “thường xuyên” chiếm số lượng cao nhất, với 80/150 ý kiến, chiếm 53,3,7%; ý kiến trả lời “thỉnh thoảng” với  60/150 ý kiến, chiếm 40%, đặc biệt có 1 ý kiến trả lời “không”, chiếm 6,7%. 

(2) Tuyên truyền các quy định nội quy bảo tồn và phát huy di tích, ý kiến trả lời “thường xuyên” cũng chiếm số lượng cao nhất, với 120/150 ý kiến, chiếm 80%; ý kiến trả lời “thỉnh thoảng” với 20/150 ý kiến, chiếm 13,3% và có 1 ý kiến trả lời “không phổ biến”, chiếm 6,7%. 

(3) Trong các chương trình, hoạt động bảo tồn và phát huy di tích, mức độ phổ biến “thường xuyên” chiếm số lượng lớn nhất, với 130/150 ý kiến, chiếm 86,7%; mức độ tuyên truyền phổ biến “thỉnh thoảng” có 10/150 ý kiến trả lời ở ban quản lý di tích ở huyện Ba Vì, chiếm 6,7% và mức độ “không phổ biến” 10 có ý kiến trả lời thuộc ban quản lý di tích ở huyện Đan Phượng, chiếm 6,7%. 

(4) Với nội dung huy động nguồn lực bảo tồn và phát huy di tích, mức độ tuyên truyền phổ biến “thỉnh thoảng” có 150/150 ý kiến trả lời, chiếm 100%. 

(5) Với nội dung đào đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy di tích, mức độ phổ biến “thỉnh thoảng” chiếm số lượng cao nhất, với 130/150 ý kiến, chiếm 86,7%; mức độ “không phổ biến” có 20/150 ý kiến thuộc ban quản lý di tích ở huyện Ba Vì và ban quản lý di tích huyện Đan Phượng, chiếm 13,3%.

(6) Đối với nội dung phổ biến chính sách khen thưởng, xử phạt vi phạm trong bảo tồn và phát huy di tích, mức độ “thỉnh thoảng” chiếm số lượng cao nhất, với 120/150 ý kiến, chiếm 80%, đáng chú ý, mức độ “thường xuyên” có 10 ý kiến trả lời, chiếm 6,7% thuộc Ban quản lý di tích ở huyện Đông Anh, tuy nhiên số ý kiến trả lời không phổ biến tuyên truyền có 20/150 ý kiến, chiếm 13,3%, trong đó 1 ý kiến thuộc ban quản lý di tích ở huyện Ba Vì và 1 ý kiến thuộc ban quản lý di tích ở huyện Đan Phượng. 

(7) Đối với phổ biến chính sách giải quyết khiếu nại liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di tích, ý kiến trả lời thỉnh thoảng chiếm số lượng lớn nhất, với 130/150 ý kiến, chiếm 86,7, số ý kiến trả lời không có 20/150 ý kiến, chiếm 13,3%, trong đó 10 ý kiến thuộc ban quản lý di tích ở huyện Ba Vì và 10 ý kiến thuộc ban quản lý di tích ở huyện Đan Phượng. 

Từ những số liệu phân tích cho thấy, các ban quản lý di tích có vai trò rất quan trọng đối với việc trực tiếp phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, mức độ phổ biến tuyên truyền có sự khác nhau giữa các khu vực trên địa bàn thành phố, đáng chú ý, một số mẫu khảo sát ban quản lý di tích chưa thực sự quan tâm phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo tồn và phát huy di tích cho các đối tượng thụ hưởng và chịu sự điều chỉnh của chính sách.

Hình thức phổ biến tuyên truyền được ban quản lý di tích khá phong phú. Kết quả khảo sát tại các di tích trên 15 quận, huyện trên địa bàn thành phố cho thấy, hình thức kết hợp văn bản in, hội họp, truyền thanh, các nền tảng mạng xã hội… được sử dụng phổ biến trong phổ biến, tuyên truyền ở các ban quản lý di tích với 130/150 ý kiến trả lời, chiếm 86,7%, chỉ có 20/150 ý kiến trả lời, chiếm 13,3% sử dụng hình thức hội họp. 

Đánh giá mức độ khó khăn trong phổ biến, tuyên truyền chính sách ở các ban quản lý di tích cho thấy, khó khăn về tài chính có tỷ lệ trả lời “cao” chiếm tỷ lệ khá lớn, với 100/150 ý kiến, chiếm 66,7%; mức “rất cao” có 20/150 ý kiến, chiếm 13,3%; mức độ trung bình có 30/150 ý kiến, chiếm 20%; khó khăn về nguồn nhân lực có tỷ lệ trả lời “cao” cũng chiếm tỷ lệ khá lớn, với 80/150 ý kiến, chiếm 53,3%, đồng thời mức “rất cao” có 20/150 ý kiến, chiếm 13,3%, mức thấp có 40/150 ý kiến 26,7% mức độ trung bình có 10/150 ý kiến, chiếm 6,7%; hạ tầng thông tin, có tỷ lệ trả lời “trung bình” có tỷ lệ cao nhất, với 120/150 ý kiến, chiếm 80%, mức “rất cao” có 20/150 ý kiến, chiếm 13,3%, mức thấp có 10 có 10/150 ý kiến, chiếm 6,7%.

Hoạt động phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt đã đạt được những kết quả nhất định. Các cấp chủ thể thực hiện chính sách đã thường xuyên phổ biến, tuyên truyền các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, nâng cao nhận thức của cộng đồng, góp phần ngăn ngừa và bảo vệ di tích khỏi các hành vi xâm phạm di tích. Đặc biệt, thông qua chương trình giáo dục di sản ở một số di tích đã chuyển những nội dung phổ biến tuyên truyền thành nhận thức, nâng cao ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ, tiêu biểu là di tích Hoàng Thành Thăng Long, di tích Cổ Loa, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích đền Hai Bà Trưng… 

2. Một số giải pháp

Một là, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Cần tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân về chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt. Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin sẽ góp phần chuyển từ hình thức phổ biến, tuyên truyền một chiều sang phương thức tương tác hai chiều, tăng cường sự chủ động tiếp cận thông tin của người dân thông qua bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, từ đó, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước với công dân trong thực hiện chính sách.

Để bảo đảm tiếp cận thông tin của người dân, các chủ thể cần đa dạng các phương thức và hình thức phù hợp nhất có thể với từng đối tượng. Đặc biệt là, các chủ thể thực hiện chính sách công bố các kế hoạch bằng nhiều hình thức và phương pháp phổ biến, tuyên truyền theo hướng đa dạng, hiện đại và phù hợp với từng đối tượng dân cư, từng địa bàn để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tinCần đổi mới về nội dung, phương thức và hình thức truyền thông chính sách gắn với hiện đại hóa công nghệ thông tin truyền thống là yếu tố có tính quyết định nâng cao hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Việc tăng cường công nghệ thông tin đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất, công nghệ cho đến kinh phí và nhân lực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt.

Ba là, nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách

Trước hết người tuyên truyền, phổ biến chính sách cần phải có sự nhiệt tình, phải có quan niệm lập trường đúng đắn, phải học tập nâng cao trình độ kiến thức và chuẩn bị chu đáo trước khi nói. Cần rèn luyện phương pháp diễn đạt hấp dẫn, trình bày đơn giản dễ hiểu và đặc biệt là biết cách tạo ấn tượng cho người nghe bằng các dẫn chứng cụ thể thuyết phục, gắn với tâm lý người nghe. Cần tránh những buổi tuyên truyền sáo rỗng, thiếu nội dung. 

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định phê duyệt số 1004/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2.000).
2. Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
3. Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử – văn hóa Đền thờ Hai Bà Trưng và Khu vực Thành cổ Mê Linh tỉ lệ 1/500.