Bàn về sự hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ ở Việt Nam

ThS. Dương Thanh Phong
Viện Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực

(Quanlynhanuoc.vn) – Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng về nguồn lực cho phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tiềm năng về tinh thần doanh nghiệp khởi nghiệp và chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu cao. Bài viết bàn về thực trạng và đề xuất một số giải pháp hình thành, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam.

Từ khóa: Doanh nghiệp; khoa học công nghệ; doanh nghiệp tiềm năng; nghiên cứu khoa học; phát triển công nghệ; sản xuất, kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Việt Nam coi phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ là một trong những mục tiêu cấp quốc gia nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tính đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ là 816 doanh nghiệp, so với mục tiêu đặt ra đây là con số hết sức khiêm tốn, đòi hỏi Nhà nước cần quan tâm đến định hướng khởi nghiệp, nguồn lực phát triển, cơ sở pháp lý, chính sách dành cho sự phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong thời gian tới.

2. Đặc điểm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (Điều 58), quy định: “Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Theo quy định này, doanh nghiệp khoa học và công nghệ khác với doanh nghiệp thông thường là có khả năng tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng, doanh thu, lợi nhuận… dựa trên nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh dựa trên thành quả của nghiên cứu và phát triển mới, hàm chứa năng lực đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải bảo đảm các điều kiện sau: (1) Là những doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp; (2) Có năng lực thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; (3) Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt theo mức tỷ lệ quy định trong các văn bản pháp luật.

Doanh nghiệp khoa học công nghệ có các vai trò cơ bản: thương mại hóa kết quả nghiên cứu; khuyến khích nghiên cứu phát triển và thu hút nhân lực có trình độ cao; quyết định sự phát triển của thị trường công nghệ.

Xuất phát từ vai trò đặc biệt của doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ngoài những đặc điểm giống các doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp khoa học và công nghệ có những đặc điểm riêng biệt, xét ở cả hai khía cạnh: 1) Doanh nghiệp sản sinh công nghệ (nghiên cứu, phát triển công nghệ và chuyển giao cho doanh nghiệp khác khai thác, ứng dụng); 2) Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ (doanh nghiệp tiếp thu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh của mình).

Dù xét ở khía cạnh nào thì doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng có 5 đặc điểm nổi bật sau:

Một là, quy mô doanh nghiệp khoa học và công nghệ là quy mô nhỏ và vừa, có lợi thế về động lực kinh doanh, linh hoạt về tổ chức và nhân sự, dễ thay đổi để phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau, hướng đến các mục tiêu phát triển sản phẩm mới, dễ thích nghi và dễ đổi mới.

Hai là, có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm có chất lượng từ kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Việc áp dụng các tri thức công nghệ mới làm cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ luôn được đổi mới sản phẩm và dịch vụ.

Ba là, nguồn nhân lực tham gia vào hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ là những người có năng lực, trí tuệ về tinh thần khởi nghiệp, tinh thần của người tiên phong đi đầu trong nắm bắt cơ hội theo đuổi mục đích và sản sinh ra hệ tri thức ngầm, công nghệ mới đem ứng dụng vào sản phẩm.

Bốn là, hoạt động của doanh nghiệp khoa học và công nghệ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, phải đối mặt với một số rủi ro về công nghệ và những biến động của thị trường.

Năm là, hoạt động của doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải gắn với năng lực thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và năng lực tiếp nhận, ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ. Năng lực thực hiện nhiệm vụ được định lượng bằng các chỉ số, như: số lượng và trình độ đội ngũ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp; trang thiết bị để nghiên cứu, ươm tạo công nghệ; năng lực thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ.

 3. Thực trạng về sự hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại Việt Nam

Thực tế ở các nước tồn tại hai dạng doanh nghiệp tiềm năng, đó là: doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up); doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off).

Doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) nằm trong các vườn ươm công nghệ, công viên công nghệ, dựa trên nền tảng công nghệ (technology-based enterprise) có hoạt động gắn nhiều với đổi mới, chuyển giao công nghệ là các doanh nghiệp có tiềm năng lớn để phát triển thành doanh nghiệp khoa học công nghệ. Vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp là thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu và cung cấp những sản phẩm công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off), là các tổ chức thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, sau tách ra trở thành một tổ chức riêng, là các doanh nghiệp tiềm năng để phát triển thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Các doanh nghiệp khởi nguồn này được hình thành dựa trên cơ sở áp dụng, khai thác, hiện thực hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ các nghiên cứu, sáng chế được tạo ra bởi cá nhân, tổ chức, các trường đại học, viện nghiên cứu.

Mỗi một quốc gia có đặc điểm kinh tế – xã hội khác nhau thì có con đường hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ khác nhau. Ở Việt Nam, trên cơ sở phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cùng với đúc rút bài học kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Theo đó, Việt Nam có nhiều con đường để hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Một là, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hình thành từ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up) ở Việt Nam hiện nay là nguồn tiềm năng vô cùng lớn cho hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” để cụ thể hóa Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, theo đó, kết quả khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được khởi sắc. 

Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) mới công bố vào tháng 10/2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 48 lên 46 trên 132 quốc gia xếp hạng. Hiện nay, Việt Nam có gần 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp; có trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Một số ngành đã có sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, như: ngành công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính, du lịch, bất động sản… 

Hai là, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hình thành từ các tổ chức khoa học và công nghệ.

Các tổ chức khoa học và công nghệ công lập chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Học tập mô hình chuyển đổi từ các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang doanh nghiệp khoa học và công nghệ là khá phổ biến ở các nước tiên tiến. Tại Việt Nam, theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 sau đó được thay thế bằng Nghị định số 54/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập bắt buộc phải chuyển đổi sang mô hình tự chủ kinh phí hoặc mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ. 

Việt Nam có số lượng đông đảo các tổ chức khoa học và công nghệ đã có sẵn các nguồn lực tiềm năng cao phục vụ cho nghiên cứu và phát triển, như: các nhà khoa học trình độ cao; nguồn thông tin, tri thức dồi dào; nguồn tài chính và điều kiện vật chất sẵn có phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. Ví dụ như, phát triển “vườn ươm công nghệ”, đầu tư cho thương mại hóa các kết quả khoa học và công nghệ là có thể hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. 

Một số viện nghiên cứu đã trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, bước đầu đã có thành công nhất định trong nghiên cứu phát triển, cải tiến công nghệ và thương mại hóa các kết quả khoa học và công nghệ. Ví dụ điển hình như: Viện Thuốc lá – Bộ Công thương chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Viện Thuốc lá; Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp chuyển đổi thành Công ty TNHH Viện máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI). 

Bên cạnh đó, sự hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) được tách ra từ các trường đại học, viện nghiên cứu tư nhân, các nhóm nghiên cứu. Các doanh nghiệp khởi nguồn thường được bắt đầu từ năng lực nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Khi các lực lượng này có năng lực và được tạo môi trường, sẽ tách ra và đi theo hướng của doanh nghiệp khoa học và công nghệ. 

Một số doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã được cấp giấy chứng nhận hoạt động được hình thành từ ý tưởng của những nhóm các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu; các nhóm sinh viên và giảng viên ở các trường đại học trong và ngoài nước. Ví dụ như, Công ty Robot Tosy do một sinh viên đã giành ngôi vô địch cuộc thi Robocon năm 2003 sáng lập. Sản phẩm robot công nghiệp dịch vụ do Công ty Robot Tosy chế tạo đã gây bất ngờ cho các chuyên gia từ các cường quốc có trình độ công nghệ cao phát triển tại triển lãm tự động hóa lớn nhất thế giới Automatica được tổ chức vào tháng 6/2010 tại CHLB Đức. Tại cuộc triển lãm đồ chơi lớn nhất thế giới diễn ra tại Nuremberg – Đức tháng 2/2010, Tosy đã ký được 10 hợp đồng đưa đồ chơi Việt Nam đi Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Pháp… Ngoài Việt Nam, hiện Tosy đã có văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, Đức và đang chờ cấp bằng tại 50 quốc gia khác. Tosy cũng đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2014. Ngoài ra, còn có các công ty tiêu biểu khác, như: Lạc Việt, Vietsoftpro, CMC, SYSTECH, MK MECH, LUMI, TECHPAL,… đều xuất phát từ ý tưởng của nhóm các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu. 

Ba là, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hình thành từ các doanh nghiệp thông thường đang hoạt động.

Các doanh nghiệp chế tạo sản xuất đã có bề dày phát triển, tạo lập được chỗ đứng nhất định trên thương trường, có tiềm lực tốt, có tiềm năng để phát triển thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ có bản quyền, nếu doanh nghiệp có đủ các điều kiện theo quy định thì làm thủ tục chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ví dụ: Công ty Giống cây trồng trung ương 1 có trụ sở chính tại Hà Nội nhưng hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, sở hữu và sử dụng hợp pháp 39 giống cây trồng, đã chuyển đổi thành công sang hình thức doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BUSADCO); Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (doanh nghiệp tư nhân tại tỉnh Ninh Bình), Công ty Vật tư Thú y Hanvet (Hưng Yên), Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình.

Theo số liệu thống kê, số lượng các doanh nghiệp ở Việt Nam hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ đến năm 2020 có khoảng 3.000 doanh nghiệp, đây là các doanh nghiệp tiềm năng, đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ so với số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2020 còn rất khiêm tốn (27,2%). 

Theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 sẽ hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, tính đến năm 2020, mới có 538 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (đạt 10,76% so với kế hoạch đặt ra) và đến năm 2023, chỉ có 816 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (đạt 16,3% so với kế hoạch). Thực tế cho thấy, trong số 816 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đa phần các doanh nghiệp đều chuyển đổi từ các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và có ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ.

Bên cạnh các kết quả đạt được, còn có một số hạn chế trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiềm năng có thể được đăng ký trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải kể đến các nguyên nhân sau: 1) Hành lang pháp lý cho phát triển các doanh nghiệp tiềm năng chưa đầy đủ, còn thiếu một số quy định đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp và khởi nguồn; 2) Việc đầu tư cho phát triển, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, rủi ro còn nhiều hạn chế, vì vậy có thể mất nhiều cơ hội để chuyển hóa tiềm năng thành hiện thực; 3) Thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn còn nhiều điểm nghẽn; 4) Công tác truyền thông, hỗ trợ chính sách, thành lập và quản lý các quỹ hỗ trợ đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm còn nhiều hạn chế; 5) Các doanh nghiệp tiềm năng còn chưa đủ ý chí và năng lực để trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. 

4. Một số giải pháp hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam

Một là, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến con đường hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, theo đó tạo động lực, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, tinh thần nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh. 

Hai là, xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo của các chủ thể hệ sinh thái, xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia, làm rõ vai trò của các chủ thể hệ sinh thái: Nhà nước, nhà trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để xây dựng chính sách hỗ trợ mạng lưới khởi nghiệp, khởi nguồn sáng tạo: kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các trường đại học, các viện nghiên cứu, chuyên gia tư vấn vườn ươm khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, quỹ đầu tư mạo hiểm. 

Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệtạo điều kiện thuận lợi, phù hợp hơn về quy định tiêu chuẩn để được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn trong việc huy động các nguồn lực, trong tổ chức thực hiện chính sách để các doanh nghiệp tiềm năng, khởi nghiệp và khởi nguồn được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước về thuế, tín dụng, thuê đất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. 

Bốn là, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ các tổ chức tiềm năng với lộ trình cụ thể, có tính khả thi ở cấp quốc gia và phù hợp với từng địa phương để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiềm năng yên tâm đầu tư phát triển trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Có cơ chế khuyến khích khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội như: công nghệ thông tin, nông nghiệp, y tế, giáo dục, du lịch,… tạo điều kiện để các tổ chức tiềm năng trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ có điều kiện tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Năm là, để nâng cao năng lực cho các tổ chức tiềm năng đủ điều kiện trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Nhà nước và các tổ chức có nhu cầu cần có kế hoạch hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại, kỹ năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kỹ năng chuyên môn sâu ở từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để họ có đủ năng lực, tự tin và đủ tiêu chuẩn trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. 

5. Kết luận

Việt Nam luôn có một lực lượng nhân lực khoa học và công nghệ vô cùng dồi dào trong các tổ chức khoa học và công nghệ (khoảng gần 20 nghìn người), bao gồm: giảng viên trường đại học, nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, các sinh viên tài năng ở các trường đại học. Các nguồn lực này chưa được phát huy hết hiệu quả để thúc đẩy sự hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ do còn thiếu môi trường pháp lý, văn hóa và còn tồn tại một số điểm nghẽn khác để có thể tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiềm năng trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Vì vậy, Nhà nước cần có giải pháp kịp thời nhằm tạo môi trường, cơ hội để gieo mầm và ươm tạo giá trị khoa học và công nghệ cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển cả về số lượng và chất lượng. 

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội năm 2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ (khóa XIV) và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ (khóa XIII) về hộ hỗ trợ khởi nghiệp.
2. Báo cáo của Viện IMI tại Hội nghị: “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức khoa học và công nghệ”. Tháng 12/2011.
3. Báo cáo của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, năm 2023.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
5. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.