Phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam 

Nguyễn Văn Nhất
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Phẩm chất chính trị của chính trị viên là phẩm chất chủ đạo, có vai trò định hướng cho các phẩm chất khác hình thành và phát triển. Phẩm chất chính trị của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam là sự phản ánh nhân cách của họ về mặt chính trị. Bài viết làm rõ một số nhân tố cơ bản phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ khóa: Phẩm chất chính trị; chính trị viên; phẩm chất chủ đạo; vai trò định hướng; Quân đội nhân dân Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Phẩm chất chính trị của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam là sự phản ánh nhân cách của họ về mặt chính trị. Cũng giống như phẩm chất khác, phẩm chất chính trị không tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình xây dựng, bồi dưỡng và phát triển lâu dài, phức tạp với sự tham gia của nhiều chủ thể, ở nhiều giai đoạn. Phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên là kết quả của quá trình giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh liên tục trong quá trình họ thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; là quá trình lựa chọn, tiếp thu hạt nhân hợp lý, phù hợp với thực tiễn và loại bỏ những yếu tố lạc hậu, lỗi thời. Nhận thức được vấn đề này làm cơ sở để các chủ thể phát huy trách nhiệm trong các hoạt động nhằm nâng cao, phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên.

2. Quá trình phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Phẩm chất chính trị của chính trị viên được hình thành trong quá trình học tập tại nhà trường và hoạt động thực tiễn của họ trong môi trường chính trị ở đơn vị và môi trường xã hội. Sau khi ra trường, phẩm chất chính trị của chính trị viên đã được hình thành và tương đối ổn định. Tuy nhiên, phẩm chất đó không phải bất biến, hình thành là xong mà ngược lại, phẩm chất chính trị luôn vận động, biến đổi và phát triển theo sự vận động của thực tiễn. 

Trong quá trình hoạt động của mình, mỗi con người luôn tiếp nhận, chuyển hóa những yếu tố khách quan, những điều kiện xung quanh, như: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, môi trường… thành các phẩm chất nhất định, bảo đảm cho họ hoạt động hiệu quả trong môi trường, điều kiện đó. Con người càng tham gia các quan hệ chính trị – xã hội bao nhiêu thì họ lại càng bộc lộ và phát triển phẩm chất chính trị của mình bấy nhiêu. C.Mác và Ph.Ăng ghen chỉ rõ: “Sự phong phú thực sự về tinh thần của cá nhân hoàn thành phụ thuộc vào sự phong phú của những liên hệ thực sự của họ”1.

Quá trình phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên trong Quân đội là sự chuyển hóa những giá trị chung thành giá trị riêng của người chính trị viên về phẩm chất chính trị làm cho phẩm chất chính trị biến đổi và nâng lên một trình độ mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sự phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên là sự đổi mới về chất, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện các yếu tố cấu thành phẩm chất chính trị của họ và mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố đó. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của người chính trị viên mà trực tiếp là quá trình hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, họ tham gia vào các mối quan hệ như quan hệ người chính trị viên với cấp trưởng cùng cấp; quan hệ giữa người chỉ huy với phục tùng chỉ huy; quan hệ lãnh đạo và phục tùng lãnh đạo; quan hệ đồng chí, đồng đội, quan hệ cá nhân với tổ chức; quan hệ cá nhân và chức trách nhiệm vụ được giao; quan hệ cá nhân với điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội và quy định đơn vị…. Thông qua các quan hệ đó các giá trị được truyền tải vào chính trị viên được họ tiếp nhận và cải biến trong đó, dần hình thành những phẩm chất riêng có của người chính trị viên. 

Trong mỗi giai đoạn phát triển, phẩm chất chính trị của chính trị viên luôn thay đổi, các yếu tố cấu thành phẩm chất chính trị luôn được tích lũy về lượng, sâu sắc hơn về chất. Nhưng không phải sự thay đổi nào của các yếu tố cấu thành cũng dẫn đến sự phát triển phẩm chất chất chính trị của họ. Có những thay đổi nhất định nhưng chưa tới độ để chuyển sang giai đoạn khác thì vẫn còn là nó, thể hiện tính ổn định, cân bằng tương đối với những đặc điểm có thể phân biệt với giai đoạn phát triển khác. Tuy rằng, sự ổn định, cân bằng đó “chỉ tương đối tạm thời” nhưng nó lại có một ý nghĩa to lớn là qua đó chứng minh, khẳng định sự tồn tại của phẩm chất chính trị của người chính trị viên ở mỗi giai đoạn nhất định, là điều kiện cho sự phát triển tiếp theo. 

Quá trình phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên vừa mang tính liên tục vừa có tính đứt đoạn. Tính đứt đoạn và liên tục trong sự phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên đó là biện chứng cũ – mới, đó là nguyên lý của sự phát triển. Phẩm chất chính trị “cũ” đó là phẩm chất chính trị được hình thành trong một giai đoạn nhất định, khi hoàn cảnh thực tiễn thay đổi, xuất hiện những điều kiện, yêu cầu mới thì phẩm chất chính trị cũng phải thay đổi theo để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, từ đó hình thành phẩm chất chính trị “mới”. Trong đó, một số giá trị, xu hướng mất đi, một số khác nảy sinh và phát triển. Sự mất đi cái cũ, sự xuất hiện cái mới đều là những nội dung khách quan, phổ biến của quá trình vận động và phát triển của các sự vật hiện tượng. Như vậy, quá trình phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên không phải diễn ra theo đường thẳng hoặc vòng tròn khép kínmà theo đường “xoáy ốc”Cái mới phủ định cái cũ nhưng không phải là phủ định sạch trơn mà là sự phủ định có kế thừa những nội dung phù hợp, có giá trị và tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp theo, đó là quá trình phủ định biện chứng.

Kế thừa trong quá trình phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên là sự kế thừa có chọn lọc phẩm chất con người Việt Nam đã được hình thành, phát triển qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cùng với những giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã được khẳng định trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam và phẩm chất kiên trung của thế hệ đi trước. 

Phẩm chất chính trị của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam có tính lịch sử. Bởi lẽ, về bản chất nó là sự phản ánh nhân cách của chính trị viên về mặt chính trị. Và do đó, nó phụ thuộc vào điều kiện thực tiễn khách quan. Khi điều kiện đó thay đổi thì sự phản ánh cũng thay đổi. Vì thế, sự phát triển phẩm chất chính trị của người chính trị viên không thể thoát ly khỏi điều kiện thực tế của đất nước, truyền thống dân tộc và quân đội ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. Quá trình họ hoạt động trong những điều kiện nhất định đó cũng là quá trình họ tự “sản xuất” ra bản thân họ. Theo C.Mác “con người làm ra lịch sử của mình nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, và do quá khứ để lại”2.

Như vậy, quá trình hoàn thiện và phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam là một quá trình lịch sử, quá trình mà mỗi cá nhân họ sẽ vừa phải khẳng định mình theo những chuẩn mực, giá trị chung, vừa phải tự phủ định mình, phải tự gạt bỏ khỏi mình những chuẩn mực, những giá trị đã lỗi thời, lạc hậu, tiêu cực để vươn lên theo kịp với yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng quân đội trong giai đoạn cách mạng mới.

3. Một số nhân tố quy định phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Một làđược quy định bởi quan hệ biện chứng giữa môi trường chính trị – xã hội với cá nhân.

Con người được sinh ra là một cá nhân song phẩm chất chính trị của họ chỉ được hình thành, phát triển trong quá trình tham gia vào hoạt động và các mối quan hệ chính trị – xã hội nhất định. Trong quan hệ đó, chính trị – xã hội và những mối quan hệ của nó luôn là nhân tố quyết định nội dung, khuynh hướng biến đổi, phát triển của phẩm chất chính trị của chính trị viên. C.Mác viết : “Chỉ có trong cộng đồng cá nhân mới có được những phương tiện để có thể phát triển toàn diện những năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng mới có thể có tự do cá nhân”3. Ngược lại, mỗi sự kiện chính trị – xã hội lại là kết quả hoạt động của cá nhân với phẩm chất chính trị nhất định. Do đó, phẩm chất chính trị của chính trị viên vừa là sản phẩm của môi trường chính trị, xã hội, vừa là sản phẩm của chính họ. 

Triết học Mác – Lênin luôn xem con người là những thực thể xã hội hiện thực, họ sống, hoạt động và phát triển trong một môi trường nhất định, “trong tình hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”4. Như vậy, mối quan hệ chính trị – xã hội của con người chính là yếu tố để hình thành, phát triển phẩm chất trong đó có phẩm chất chính trị của người chính trị viên. 

Môi trường chính trị – xã hội hình thành phẩm chất chính trị của người chính trị viên:

(1) Điều kiện kinh tế, là nhân tố quyết định xét đến cùng mọi biến đổi lịch sử, chi phối sự biến đổi chính trị, văn hoá, quân sự và các mối quan hệ xã hội trong mỗi chế độ xã hội. 

(2) Sự tác động của chính trị – đây là nhân tố tác động trực tiếp và chủ yếu nhất. Chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế, do kinh tế quyết định. Chính trị tác động tích cực trở lại kinh tế. 

(3) Văn hóa là một hiện tượng xã hội lịch sử. Cũng như cá nhân khác trong xã hội, người chính trị viên trong quá trình tham gia vào hoạt động chính trị – xã hội trong và ngoài đơn vị cũng là quá trình văn hóa hóa cá nhânHọ tiếp thu những giá trị văn hóa của dân tộc, của quân đội, của đơn vị, của địa phương đóng quân, của các thế hệ đi trước và chuyển hóa những giá trị đó phù hợp trình độ, năng lực, chức trách nhiệm vụ được giao

(4) Môi trường chính trị ở đơn vị là tổng hòa các mặt, các yếu tố, các mối quan hệ chính trị, là sự phản ánh tổ chức và hoạt động chính trị – quân sự ở đơn vị cơ sở hợp thành một chỉnh thể với không gian và thời gian xác định, thường xuyên tác động đến mỗi cán bộ, chiến sĩ, làm tiền đề cho sự hình thành, phát triển phẩm chất chính trị quân nhân. 

Hai làchịu sự tác động của quan hệ biện chứng giữa quá trình giáo dục – đào tạo và tự giáo dục – đào tạo.

Trong quá trình phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên thì giáo dục, đào tạo luôn giữ vai trò chủ đạoGiáo dục – đào tạo tác động một cách tự giác, có mục đích, có kế hoạch đến con người, quyết định phương hướng, nội dung và mức độ của sự phát triển những phẩm chất, năng lực của con người theo một mô hình cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Giáo dục huấn luyện và đào tạo những con người phát triển về mọi mặt, được rèn luyện về mọi mặt và biết làm mọi việc”5. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người luôn quan tâm tới giáo dục, bởi Người hiểu giáo dục là phương tiện chủ yếu để phát triển con người. Người viết: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện/Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền/Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”6.

Theo đó, phẩm chất chính trị là sản phẩm của quá trình giáo dục, đào tạo thường xuyên, liên tục của xã hội, nhà trường quân đội mà trực tiếp, chủ yếu là đơn vị cơ sở, tổ chức đảng và lãnh đạo, chỉ huy ở đơn vị. Giáo dục, đào tạo giữ vai trò chủ đạo nhưng phải gắn với tự giáo dục, đào tạo của mỗi người chính trị viên. Mục tiêu của giáo dục- đào tạo sẽ không thực hiện được nếu không biến quá trình giáo dục – đào tạo thành quá trình tự giáo dục, đào tạoCon người càng trưởng thành thì vai trò của tự giáo dục, tự rèn luyện, tự tu dưỡng bản thân càng có vai trò quan trọng. Quá trình giáo dục – đào tạo được thực hiện một cách đầy đủ, logic, khoa học sẽ giúp cho người chính trị viên xác định được mục tiêu, lý tưởng sống đúng đắn, nhận thức được yêu cầu của xã hội và thực trạng của bản thân từ đó tích cực, tự giác trong rèn luyện, tự giáo dục. Họ biến phẩm chất chính trị của họ từ chỗ là khách thể thành chủ thể của quá trình tự giáo dục – đào tạo; từ yêu cầu chung, khách quan thành những yêu cầu nhiệm vụ riêng của bản thân. Đồng thời, cần phải kết hợp chặt chẽ các mối quan hệ, các phương pháp giáo dục – đào tạo nhằm thúc đẩy, tác động làm phát triển nhanh phẩm chất chính trị của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Ba làquá trình phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên diễn ra trong hoạt động thực tiễn mà chủ yếu là hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị cấp phân đội.

Hoạt động chủ đạo của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam là tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ, đó là một dạng hoạt động đặc thù – hoạt động lãnh đạo của Đảng trong Quân đội, trực tiếp xây dựng Quân đội về chính trị, phát huy nhân tố chính trị tinh thần của mọi quân nhân góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu của Quân đội, đồng thời trực tiếp đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng. Hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, đó là một hình thức hoạt động thực tiễn sinh động của con người trong lĩnh vực quân sự, buộc phải tập trung, phát huy cao sinh lực, khả năng, trình độ nhận thức, quan điểm tư tưởng, tình cảm, ý chí, tri thức về nhiều mặt; từ kinh nghiệm sống, chiến đấu đến sự rèn luyện thể lực thích nghi với mọi điều kiện khắc nghiệt. Thông qua đó người chính trị viên không ngừng phát triển, hoàn thiện những phẩm chất của mình. Trong đó,họ phải thực sự là những tấm gương tiêu biểu về sự giác ngộ cách mạng, ý chí chiến đấu, tình yêu quê hương đất nước, yêu Đảng, yêu chế độ, yêu nhân dân cũng như ý chí khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thực sự là hạt nhân đoàn kết trong đơn vị.

Mặt khác, quá trình tiến hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cũng là quá trình người chính trị viên tương tác và tham gia các quan hệ chính trị, với các tổ chức chính trị và với các hoạt động chính trị nhằm làm cho các yếu tố này phát huy hiệu quả chức năng nhiệm vụ, bảo đảm cho mọi hoạt động đơn vị đúng định hướng chính trị. Thông qua hoạt động này, họ vừa khẳng định phẩm chất chính trị của mình và “in dấu” những giá trị của bản thân trong hoạt động đó, vừa tiếp nhận những giá trị, đặc điểm của hoạt động này vào cá nhân làm biến đổi và nâng lên tầm cao mới phẩm chất chính trị của họ. Và như vậy, với vai trò là cán bộ chính trị trong quân đội, người chính trị viên trực tiếp tiến hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị từ đó làm cho phẩm chất chính trị của họ được phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở những giai đoạn lịch sử nhất định. 

Ở một góc độ khác, khả năng nhận thức của con người về thế giới khách quan là vô hạn, song bao giờ cũng bị hạn chế bởi điều kiện, hoàn cảnh, trình độ của mỗi người, mỗi thế hệ trong mỗi thời đại quy định. Chính quan hệ biện chứng giữa tính vô hạn và có hạn của nhận thức là một trong những nguyên nhân trực tiếp quy định quá trình phát triển phẩm chất, năng lực của con người gắn liền với quá trình chiếm hữu đối tượng của họ; một quá trình phát triển lâu dài, trong đó có sự thống nhất giữa “tính liên tục” với “tính đứt đoạn”. Năng lực nhận thức và tiến hành hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của chính trị viên cũng bị chi phối bởi trình độ của mỗi người, ở mỗi giai đoạn. Vì vậy, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của người chính trị viên ở mỗi giai đoạn khác nhau có hiệu quả khác nhau và tác động đến việc phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên là khác nhau, làm cho quá trình phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên vừa liên tục, vừa đứt đoạn.

4. Kết luận

Phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam là quá trình giải quyết các mẫu thuẫn bên trong nảy sinh liên tục theo sự vận động của thực tiễn nhằm làm cho các yếu tố cấu thành phẩm chất chính trị cũng như mối quan hệ giữa chúng vận động theo hướng đi lên có nội dung, hình thức phong phú và sâu sắc hơn. Sự phát triển này, chịu sự chi phối bởi các yếu tố khách quan và chủ quan. Biện chứng của quá trình phát triển phẩm chất chính trị của chính trị viên đó là quá trình vận động, biến đổi và phát triển không ngừng; là cuộc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa các mặt đối lập; là quá trình của sự thống nhất giữa cái cũ và cái nhảy vọt, sự kế thừa và phủ định biện chứng. 

Chú thích:
1, 3, 4. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2002, tr. 53, 36, 11.
2. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2002, tr. 145.
6. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 413.
5. V.I.Lênin toàn tập. Tập 41. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 41.