Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc

PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuận
TS. Khúc Đại Long 
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Kinh doanh xăng dầu là hoạt động kinh doanh thương mại có điều kiện, chịu sự quản lý trực tiếp của Nhà nước về giá bán. Hoạt động kinh doanh xăng dầu vừa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường vừa bảo đảm ổn định kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng của các đối tượng trong xã hội. Bài viết phân tích những khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, từ đó, đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu của các địa phương này.

Từ khoá: Quản lý nhà nước; kinh doanh xăng dầu; các tỉnh miền núi phía Bắc.

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sản xuất – lưu thông hàng hóa ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng xăng dầu trong sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng và đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu thuận tiện, chuyên môn hóa, hiện đại, an toàn, vệ sinh môi trường… Là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và cũng là nguồn vật tư đầu vào của rất nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất – kinh doanh khác nhau, trong khi giá xăng dầu chịu tác động rất mạnh bởi nhiều yếu tố của thị trường quốc tế. Vì vậy, hoạt động kinh doanh xăng dầu ở hầu hết các quốc gia đều được quản lý chặt chẽ. 

Tại Việt Nam nói chung và tại các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng, hoạt động kinh doanh xăng dầu mặc dù đã được quản lý, song trong thực tế vẫn còn khá nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh cả về điều kiện kinh doanh, quy hoạch mạng lưới cũng như chất lượng sản phẩm. Vẫn tồn tại tình trạng gian lận thương mại về số lượng và chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn cháy nổ luôn tiềm ẩn những nguy cơ cần được kiểm soát, đặc biệt tại các tỉnh miền núi, các địa phương ở vùng sâu, vùng xa.

Thực tế, những năm qua, mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, như: Sơn La, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang… đã được chú trọng phát triển và đóng góp một phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện điều kiện sống của Nhân dân. Tuy nhiên, mạng lưới xăng dầu ở những địa phương này hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, như: mạng lưới cửa hàng phân bố chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của các ngành sản xuất và các phương tiện vận tải trong những năm tới; trình độ kỹ thuật và thiết bị của các cửa hàng xăng dầu thấp… Hiện nay, mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu mới chỉ được xây dựng ở một số địa bàn trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa không đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Nhiều cửa hàng có mặt bằng hẹp, chưa bảo đảm khoảng cách phòng cháy, chữa cháy theo tiêu chuẩn thiết kế cửa hàng xăng dầu; trang thiết bị còn lạc hậu, có nhiều nguy cơ mất an toàn cháy nổ và vệ sinh môi trường; chất lượng dịch vụ bán hàng không bảo đảm. 

Chính vì vậy, để bảo đảm cung ứng xăng dầu ổn định lâu dài, các cơ quan quản lý cần tiến hành nhiều biện pháp phù hợp nhằm xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kinh doanh xăng dầu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, từ đó, góp phần bảo đảm ổn định hoạt động cung ứng xăng dầu, hỗ trợ các hoạt động kinh tế của địa phương, bảo vệ môi trường và quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế tối đa các hành vi gian lận thương mại, bảo đảm nâng cao văn minh thương mại trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

2. Nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu

Công tác quản lý nhà nước (QLNN) đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các địa phương cấp tỉnh được tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:

(1) Hoạch định chính sách và quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu.

Đây là một nội dung quan trọng, xuyên suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Doanh nghiệp phải dựa vào các văn bản pháp quy, luật kinh doanh xăng dầu và các nghị định, thông tư hướng dẫn mới hoạt động đúng hướng, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội. QLNN tại địa phương về công tác quy hoạch, kế hoạch và chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, bao gồm: việc triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của trung ương và xây dựng, tổ chức thực hiện, đánh giá quy hoạch, kế hoạch, chính sách liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của địa phương. Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách của trung ương và việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách phù hợp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa phương có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa phương.  

Việc hoạch định chính sách và quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu cấp tỉnh cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau: phát triển mạng lưới kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan; phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, hợp lý về số lượng và quy mô các điểm kinh doanh tại các địa bàn trong tỉnh phát triển ổn định thị trường xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Mạng lưới phân phối phải bảo đảm tính hợp lý giữa nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và khả năng dự trữ, cung ứng trong trường hợp khẩn nguy, bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; phát triển các cơ sở kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về mặt hàng kinh doanh có điều kiện, bảo đảm an toàn, hiện đại, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ cung ứng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của sản xuất và tiêu dùng.

(2) Quản lý thương nhân và điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp muốn kinh doanh trong lĩnh vực này phải đáp ứng được các điều kiện quy định của Nhà nước. Để quản lý có hệ thống và kiểm soát chặt chẽ các chủ thể kinh doanh xăng dầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu. Hiện nay, thực hiện theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, kinh doanh xăng dầu được vận hành theo cơ chế thị trường đã tạo ra môi trường kinh doanh đa dạng, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Mặt khác, xăng dầu là nhiên liệu của nhiều ngành kinh tế và dân sinh, song đây lại là mặt hàng dễ cháy nổ, nếu không bảo đảm các điều kiện an toàn. Thực tế đang diễn ra là hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đều hình thành hệ thống các tổng đại lý và đại lý bán lẻ riêng của mình. Trong khi họ vẫn là nhà cung cấp cho các đại lý tư nhân khác. Điều này dễ dàng dẫn đến tình trạng triệt tiêu cạnh tranh về giá giữa các đại lý bán lẻ xăng dầu vì nếu họ cạnh tranh trực tiếp với các đại lý của doanh nghiệp nhập khẩu cung cấp xăng dầu cho họ thì dễ gặp phải những bất lợi trong việc mua xăng dầu từ các doanh nghiệp nhập khẩu. Thêm vào đó, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng thường lập các đại lý ở những địa điểm có lợi thế về địa lý để kinh doanh, trong khi đó các doanh nghiệp, đại lý tư nhân thường chỉ có thể tiến hành kinh doanh ở những khu vực xa trung tâm và được coi là những thị trường mà các doanh nghiệp nhập khẩu chưa quan tâm đến. Điều này một lần nữa lại hạn chế cạnh tranh và sự phát triển của thị trường này.  

Các hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước đối với các chủ thể kinh doanh xăng dầu: cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu; nhập khẩu xăng dầu; xuất khẩu, tạm nhập tái xuất xăng dầu; quản lý các điều kiện đối với phương tiện vận tải xăng dầu. Việc quy định chi tiết hơn về các đối tượng, yêu cầu thiết kế, địa điểm kinh doanh cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho thấy, yêu cầu đặt ra ngày càng cao đối với các điều kiện kinh doanh xăng dầu nhằm tạo ra một thị trường xăng dầu gồm các đối tượng kinh doanh từ quy mô nhỏ, đến quy mô tài sản lớn đều phải có trình độ kỹ thuật tiên tiến, cơ sở vật chất kỹ thuật kinh doanh phải bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn và sức khỏe để thực thi nhiệm vụ.

(3) Quản lý danh mục và chất lượng sản phẩm xăng dầu.

Sự không bảo đảm về số lượng, chất lượng sản phẩm xăng dầu không chỉ làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng, mà còn làm tổn hại lợi ích xã hội. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chức năng của Nhà nước. Vai trò của các cơ quan nhà nước trong quản lý đo lường chất lượng xăng dầu: Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm định các thiết bị đo lường theo quy định hiện hành của pháp luật về đo lường và việc bảo đảm chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Tiêu chuẩn công bố áp dụng; phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu để điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu chất lượng, phương pháp thử phù hợp với tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và quốc tế; chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước; tiến hành thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài để bảo đảm đáp ứng yêu cầu kịp thời, nhanh chóng, chính xác và thuận lợi cho công tác kiểm tra. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm xăng dầu hiện do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đảm nhiệm với các Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Các trung tâm tiến hành kiểm tra sản phẩm xăng dầu nhập ngoại hoặc pha chế, sản xuất trong nước, sở Công Thương hoặc sở Khoa học và Công nghệ ở các tỉnh có chức năng QLNN về chất lượng sản phẩm xăng dầu trên địa phương mình quản lý. 

Trong thực tế, Nhà nước đã từng bước tăng cường công tác quản lý chất lượng xăng dầu trong lưu thông bằng nhiều biện pháp khác nhau. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều có đầy đủ thủ tục pháp lý kinh doanh, như: đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; hợp đồng đại lý, hóa đơn… Việc thực hiện các quy định về đo lường, chất lượng đã có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Về đo lường, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu có 100% cột đo đang sử dụng được kiểm định. Về tiêu chuẩn chất lượng, phần lớn các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã ghi rõ những thông tin cụ thể trên cột đo theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu điezen và nhiên liệu sinh học. Nếu như trước đây, tình trạng không ghi hoặc ghi không đúng tên hàng hóa, tiêu chuẩn áp dụng, thông tin cảnh báo an toàn còn khá phổ biến thì đến nay, đã có 97,82% số cửa hàng kinh doanh xăng dầu thực hiện ghi đúng, đủ các thông tin cảnh báo an toàn.  

Đội ngũ quản lý thị trường cũng đã được quan tâm, trở thành một lực lượng chuyên trách, được tổ chức thành hệ thống từ trung ương đến các địa phương. Ở trung ương là Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương, ở các tỉnh thành là các chi cục Quản lý thị trường. Cục quản lý thị trường là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng QLNN và tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước. Các chi cục quản lý thị trường giúp giám đốc sở Công Thương thực hiện chức năng QLNN và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh, thành phố. Lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã chủ trì và triển khai tích cực các hoạt động chống buôn bán xăng dầu kém phẩm chất, đong sai, đong thiếu xăng dầu, bán không đúng giá niêm yết. 

(4) Thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Công việc chủ yếu của công tác này là thanh tra, kiểm tra vấn đề cấp phép kinh doanh (có đúng quy định của pháp luật không, có phù hợp với định hướng và mục tiêu phát triển kinh tế – thương mại và xã hội không…); thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu, việc vận hành kinh doanh thực tế của mỗi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, xã hội đối với Nhà nước. Quản lý, kiểm soát chất lượng xăng dầu, công bố hợp chuẩn, hợp quy. Chất lượng sản phẩm hàng hóa liên quan đến nhiều khâu trong quá trình sản xuất, chế biến, phân phối và thậm chí cả khâu tiêu dùng, tiếp tục giới thiệu sản phẩm sau khi tiêu dùng. Đối với mặt hàng xăng dầu thì chất lượng được nhìn nhận qua 2 khía cạnh là: chất lượng của sản phẩm xăng dầu và chất lượng của quá trình cung ứng sản phẩm. Công việc của Nhà nước trong kiểm soát và quản lý chất lượng sản phẩm là để đảm bảo chất lượng của sản phẩm ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm thực tế đúng với tiêu chuẩn đăng ký và được công nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Đơn vị thực hiện việc thanh tra, kiểm tra có thể riêng biệt, chuyên ngành hay liên ngành hoặc cũng có thể hình thành theo từng sự vụ. Hoạt động thanh tra có sự phối hợp lực lượng chức năng của trung ương và địa phương trong những trường hợp cần thiết và cần quan tâm phối hợp liên ngành tại địa phương. Sau các hoạt động thanh tra, kiểm soát, các cơ quan phải lập báo cáo, đề xuất hướng điều chỉnh, giải quyết và công bố thông tin về các vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tham gia/ nhà phân phối cũng như đưa ra các cảnh báo đối với người tiêu dùng – khách hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

3. Khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc 

Hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trên địa bàn một số tỉnh miền núi phía Bắc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt sản xuất của Nhân dân, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, lưu thông thông hàng hóa. Nhìn chung, các thương nhân kinh doanh xăng dầu ở khu vực này đã cơ bản chấp hành các yêu cầu, điều kiện theo quy định của Chính phủ. Thực hiện nghiêm túc việc đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất trong kinh doanh xăng dầu, chỉ thực hiện nhập xăng dầu của các thương nhân bảo đảm các điều về phân phối xăng dầu đạt đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, công tác QLNN đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh miền núi phía Bắc cũng gặp không ít khó khăn. 

Một là, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu  quy mô nhỏ. Số lao động chưa qua đào tạo chuyên ngành về kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh xăng dầu trong các doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Những vấn đề này làm hạn chế về quy mô và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Bên cạnh đó, trong hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay, phương thức kinh doanh chính của các doanh nghiệp xăng dầu nói chung và ở khu vực các tỉnh miền núi nói riêng là đại lý bán hàng dưới hình thức đại lý bao tiêu. Nếu xem xét dưới các yếu tố như điều kiện thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, tính chất nguồn cung, quy mô doanh nghiệp thì đây là phương thức kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, khi điều kiện thị trường thay đổi, quy mô doanh nghiệp và các chủ thể cung ứng xăng dầu tăng lên cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng sẽ kéo theo sự đa dạng hoá các phương thức kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Quy mô cầu về các mặt hàng xăng dầu trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc còn chưa cao.

Hai là, hạn chế trong quản lý các cửa hàng kinh doanh xăng dầu do điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường. Trong điều kiện cầu về các mặt hàng xăng dầu trên địa bàn còn hạn chế, sự gia tăng số lượng doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong những năm vừa qua hầu như chỉ tập trung ở khu vực đô thị và các điểm nút giao thông quan trọng, điều này có ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả kinh doanh, đồng thời, không đáp ứng đủ nhu cầu cho Nhân dân ở các huyện, đặc biệt là các xã vùng xa, làm nảy sinh các cơ sở kinh doanh xăng dầu trái quy định, không những không bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, sự quản lý của Nhà nước đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện này mà còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho người dân. 

Trong các yếu tố về điều kiện tự nhiên, xã hội và điều kiện kinh tế có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay, thì ảnh hưởng các tuyến giao thông là quan trọng nhất và mức độ ảnh hưởng tăng dần từ các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ và quốc lộ. Tình hình thực tế của mạng lưới cửa hàng kinh doanh trên địa bàn được thể hiện qua số lượng cửa hàng xăng dầu chủ yếu tập trung dọc các tuyến quốc lộ, hoặc các điểm giao nhau giữa quốc lộ và tỉnh lộ. Mặc khác, các huyện có tuyến quốc lộ đi qua là các huyện có nhiều cửa hàng hơn, mức tiêu thụ bình quân và công suất phục vụ bình quân của các cửa hàng cao hơn, lưu lượng khách hàng bình quân cao hơn, khoảng cách trung bình thực tế giữa các cửa hàng thấp hơn. Tuy nhiên, khi các tuyến quốc lộ, huyện lộ được nâng cấp, những quy định về khoảng cách và quy mô các điểm kinh doanh xăng dầu theo tuyến quốc lộ được ban hành cũng sẽ có ảnh hưởng lớn đến mạng lưới kinh doanh xăng dầu hiện nay. Mạng lưới các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hiện có trên địa bàn về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Mạng lưới cửa hàng xăng dầu tại các khu vực vùng sâu còn thiếu do chi phí đầu tư lớn, trong khi đó mức độ tiêu thụ nhiên liệu chưa cao, chưa thu hút được các nhà đầu tư. Do đặc thù địa hình đồi núi dốc, giao thông phức tạp nhiều khúc cua, sông suối, vực sâu quỹ đất bảo đảm các điều kiện để đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh hiện nay không nhiều.

Ba là, việc phân bố hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa hợp lý. Thực tế cho thấy, mật độ các cửa hàng xăng dầu đang được phân bổ tương đối dày ở khu vực thành phố, trên các tuyến quốc lộ, nhưng lại quá thưa trên địa bàn một số khu vực, đặc biệt là ở các xã và các tuyến giao thông mới mở. Nhiều cửa hàng có quy mô nhỏ, cả về quy mô xây dựng cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật. Hiện vẫn chưa có nhiều các trạm dừng nghỉ cung cấp nhiên liệu với việc cung ứng các loại dịch vụ thương mại khác. Việc phát triển mạng lưới bán lẻ chưa tuân thủ theo một quy hoạch thống nhất, có nguy cơ ảnh hưởng đến giao thông, môi trường, phòng,chống cháy nổ và cảnh quan chung. Một số địa điểm có trong quy hoạch, danh mục thu hút đầu tư, tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát thực tế, vị trí nhà đầu tư lựa chọn lại không bảo đảm điều kiện về cự ly khoảng cách với cửa hàng xăng dầu liền kề hoặc trùng với quy hoạch địa điểm của dự án khác. Do chạy theo lợi nhuận, giá trị đầu tư ban đầu của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có sự chênh lệch khá lớn giữa khu vực thành phố, tuyến quốc lộ với các cửa hàng trên khu vực huyện và huyện lộ. Đồng thời, trong giá trị đầu tư, các cửa hàng thường chủ yếu tập trung vào công trình xây dựng và thiết bị bán hàng, trong khi các loại tài sản khác, như: kho dự trữ, các phương tiện vận chuyển xăng dầu, các thiết bị phòng chống cháy nổ, đảm bảo về vệ sinh môi trường… vẫn ở mức khiêm tốn.

4. Một số đề xuất 

Thứ nhất, hoàn thiện công tác quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu. Trước hết, cần tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầuquy hoạch hệ thống kho chứa, kho dự trữ xăng đầu trên địa bàn. Các tỉnh miền núi phía Bắc do không có điều kiện thuận lợi về hệ thống cảng biển để tiếp nhận nguồn xăng dầu nhập khẩu trực tiếp nên trong thời kỳ quy hoạch cần tiếp tục phát triển xây dựng, củng cố các kho cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, như các kho của các công ty hiện đang cung cấp xăng dầu cho mạng lưới bán lẻ trên địa bàn. 

Trong thời kỳ quy hoạch, số lượng và dung tích của loại kho này sẽ cần được tăng lên để bảo đảm lưu thông và an ninh xăng dầu. Các cơ sở sản xuất lớn như các khu, cụm công nghiệp… cũng sẽ cần mở rộng hoặc xây dựng thêm các kho tiêu thụ xăng dầu. Đối với các kho tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng, địa điểm xây dựng kho chứa là trong phạm vi của cửa hàng, nhưng phải bảo đảm cự ly khoảng cách với các công trình khác trong cửa hàng theo quy định. Chủ đầu tư chỉ được phép triển khai các thủ tục đầu tư sau khi nhận được văn bản phê duyệt và quyền sử dụng đất của chính quyền cấp tỉnh duyệt cho phép đầu tư. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch hệ thống vận tải xăng dầu trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc cũng cần chú trọng hoàn thiện theo cả ba loại hình là vận tải bằng đường ống, vận tải bằng đường thuỷ và vận tải bằng đường bộ.

Thứ hai, hoàn thiện các chính sách quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Các nhóm chính sách cần hoàn thiện bao gồm: (1) Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng kinh doanh (các cửa hàng và kho xăng dầu) phù hợp với xu hướng gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, đáp ứng yêu cầu bảo đảm hiệu quả kinh doanh và các điều kiện về phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường. (2) Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp các cửa hàng, kho chứa và mua sắm các thiết bị, phương tiện vận tải xăng dầu, phù hợp với xu hướng gia tăng quy mô kinh doanh, nâng cao trình độ phục vụ khách hàng và bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, bảo vệ môi trường. (3) Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tăng khả năng tích luỹ và huy động vốn cổ phần để đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. (4) Các chính sách phát triển doanh nghiệp, thương nhân. Để phát triển nhanh số lượng các doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch, chính quyền địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, sáp nhập hoặc mua lại để nâng quy mô và mở rộng mạng lưới kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả kinh doanh, tăng khả năng tích luỹ và tái đầu tư của doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thuộc khu vực kinh tế tư nhân tìm kiếm các đối tác liên doanh, các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở đại lý bán lẻ xăng dầu để hiện đại hoá cơ sở kinh doanh.

Thứ ba, tăng cường quản lý về điều kiện kinh doanh và thương nhân. Để quản lý tốt các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp và thương nhân, trước hết cần thực hiện các nội dung, như: phân loại cửa hàng xăng dầu (phân loại theo quy mô của cửa hàng xăng dầu hoặc phân loại theo chức năng của cửa hàng xăng dầu); hoàn thiện các quy định về quy mô, không gian, kiến trúc cửa hàng xăng dầu. Quy mô và quy cách thiết kế, xây dựng cửa hàng xăng dầu phải tuân theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành và bảo đảm đầy đủ các chức năng chủ yếu, như: hệ thống bơm, bồn chứa xăng, dầu, hệ thống nạp kín, bể chứa nước cứu hoả, vòi nước áp lực rửa xe, nhà bán hàng, nhà quản lý, nhà làm việc, quầy hàng dịch vụ, bãi đỗ xe, công trình vệ sinh, các thiết bị phòng, chống cháy nổ…

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát về danh mục và chất lượng sản phẩm, các hành vi gian lận thương mại. Xuất phát từ đặc điểm, quy mô và thực tế kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, việc tăng cường công tác QLNN của các sở, như: sở Công Thương, sở Khoa học – Công nghệ, sở Tài nguyên – Môi trường, sở Xây dựng… cần tập trung vào các vấn đề, đó là: củng cố, tăng cường vai trò quản lý của các ngành, các cấp bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển mạng lưới xăng dầu trên địa bàn theo đúng quy hoạch được duyệt; Tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp lý quy định về các điều kiện kinh doanh xăng dầu, bảo đảm mọi hoạt động kinh doanh xăng dầu của các chủ thể kinh tế tuân thủ quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu và các quy định khác có liên quan của pháp luật; tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và an toàn cháy nổ; phổ biến kịp thời các văn bản pháp lý về sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh xăng dầu cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn; thường xuyên thực hiện công tác chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, quy định trách nhiệm liên đới của các chủ thể kinh doanh doanh nghiệp xăng dầu trong cả hệ thống từ doanh nghiệp đầu mối đến tổng đại lý và các đại lý. 

Thứ năm, tăng cường quản lý về môi trường và an toàn cháy nổ. Các cơ quan QLNN cần đưa ra những yêu cầu chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn về môi trường và phòng, chống cháy nổ. Cụ thể như: yêu cầu đối với hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh môi trường; hệ thống điện; trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Tại các cửa hàng xăng dầu phải có nội quy phòng cháy, chữa cháy; hiệu lệnh biển cấm lửa. Các cửa hàng xăng dầu phải được trang bị phương tiện chữa cháy để dập tắt các đám cháy khi mới phát sinh và tham gia chữa cháy khi đám cháy phát triển. 

5. Kết luận      

Xăng dầu là mặt hàng năng lượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đối với nước ta, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu có tính chiến lược trong việc phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh – quốc phòng. Mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu là cơ sở vật chất hạ tầng quan trọng không thể thiếu của mỗi địa phương cũng như của quốc gia nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ nhiên liệu cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Các giải pháp tăng cường QLNN đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ góp phần giúp các địa phương bảo đảm ổn định hoạt động cung ứng xăng dầu, hỗ trợ các hoạt động kinh tế của địa phương, bảo vệ môi trường và quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế tối đa các hành vi gian lận thương mại, bảo đảm nâng cao văn minh thương mại trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. 

Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Ngọc Bảo. Vai trò của Petrolimex trong vận hàng kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Tạp chí Thị trường Giá cả, năm 2010.  
2. Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
3. Nghị quyết số 49/2014/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X).
4. Thân Danh Phúc. Giáo trình quản lý nhà nước về thương mại. H. NXB Thống kê, 2012.
5. Hà Văn Sự. Giáo trình kinh tế thương mại đại cương. H. NXB Thống kê, 2015.
6. Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu.  
7. Thông tư số 36/2009/TT-BCT ngày 14/12/2009 của Bộ Công Thương ban hành Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu