Xây dựng lối sống văn hoá cho sĩ quan trẻ Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp hiện nay

Lương Cao Giang 
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng 

(Quanlynhanuoc.vn) –  Hiện nay trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 việc xây dựng lối sống văn hóa cho sĩ quan trẻ ở Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp có vai trò quan trọng trong hoàn thiện nhân cách của người sĩ quan Tăng thiết giáp, góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo của Nhà trường. Bài viết khái quát thực trạng, đề xuất một số giải pháp xây dựng lối sống văn hóa cho sĩ quan trẻ ở Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thời gian tới.

Từ khóa: Lối sống văn hóa; sĩ quan trẻ; Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp.

1. Đặt vấn đề

Xây dựng lối sống văn hóa là một trong những nội dung cơ bản, cốt lõi để xây dựng, hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Trong điều kiện hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư các thế lực thù địch đang đẩy mạnh sử dụng Internet, mạng xã hội để thực hiện “diễn biến hòa bình”, kích động tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, tư tưởng bạo lực để phá hoại mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, làm mờ nhạt hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, làm cho cán bộ, chiến sĩ bi quan, chán nản, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, sống buông thả. Những biểu hiện này thường tập trung vào đội ngũ sĩ quan trẻ, tuổi đời, tuổi quân chưa nhiều, chủ yếu trưởng thành trong điều kiện thời bình nên kinh nghiệm hoạt động chính trị – xã hội còn hạn chế.

2. Xây dựng lối sống, nếp sống mới được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ở Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp

Ngay từ Đại hội IV (1976), Đại hội V (1982) khái niệm “lối sống”, “nếp sống mới” đã được Đảng ta sử dụng trong các văn kiện và việc xây dựng lối sống, nếp sống mới đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Khái niệm “lối sống có văn hóa” bắt đầu được Đảng ta sử dụng trong văn kiện Đại hội VI (1986) để chỉ rõ những yêu cầu cơ bản trong chiến lược xây dựng con người mới ở nước ta. Vấn đề lối sống có văn hóa còn được Đảng ta tiếp tục đề cập rõ hơn trong Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) và các Đại hội IX (2001), Đại hội X (2006), Đại hội XI (2011), Đại hội XII (2016) và Đại hội XIII (2021) của Đảng. 

Lối sống là khái niệm phản ánh các hoạt động sống cơ bản của chủ thể (cộng đồng, nhóm xã hội hoặc cá nhân) trong quá trình thích nghi và biến đổi hoàn cảnh. Các hoạt động này được xem xét trong mối quan hệ với những điều kiện khách quan của một hình thái kinh tế – xã hội và thể hiện ra thông qua các hành vi, thói quen hoạt động, sinh hoạt, ứng xử của con người. Vì thế có thể quan niệm: lối sống là tổng hòa các hoạt động sống cơ bản của con người (cộng đồng, nhóm xã hội, cá nhân) được vận hành theo một hệ thống các chuẩn mực, giá trị trong mối quan hệ với những điều kiện của một hình thái kinh tế – xã hội.

Sĩ quan trẻ ở Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp là những cán bộ, giảng viên có tuổi đời dưới 35 tuổi đang công tác trong Nhà trường. Đây là lực lượng xung kích trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục – đào tạo của Nhà trường. Hiện nay, trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặt ra nhiều vấn đề phức tạp và những khó khăn trong xây dựng lối sống văn hóa cho sĩ quan trẻ ở Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp hiện nay. 

Những năm qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu, các cơ quan, khoa giáo viên Nhà trường đã luôn chú trọng xây dựng lối sống văn hóa cho sĩ quan trẻ trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua đó, đội ngũ sĩ quan trẻ đã tích cực, chủ động, tự giác, học tập, tu dưỡng, rèn luyện, có lối sống trong sạch lành mạnh; chủ động đấu tranh chống ảnh hưởng của văn hoá xấu, độc, các tệ nạn xã hội xâm nhập vào đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn còn một số ít sĩ quan trẻ còn có biểu hiện dao động về tư tưởng, chưa thật sự yên tâm công tác, thiếu ý thức tự giác rèn luyện, cá biệt có đồng chí còn vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống và kỷ luật Quân đội. 

3. Một số giải pháp xây dựng lối sống văn hóa cho sĩ quan trẻ ở Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thời gian tới

Một lànâng cao nhận thức, trách nhiệm của các lực lượng trong xây dựng lối sống văn hóa cho sĩ quan trẻ

Cần phát huy vai trò của tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và các tổ chức quần chúng trong xây dụng lối sống văn hóa cho sĩ quan trẻ. Đẩy mạnh xây dựng văn hóa nhà trường, tạo phong trào tự giác rèn luyện cho sĩ quan trẻ theo những chuẩn mực văn hóa; không ngừng củng cố mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh, hành vi ứng xử có văn hóa trong đơn vị; giải quyết mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, đồng chí, đồng đội, giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân. Trên cơ sở nhận thức đúng, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc “xây” gắn liền với “chống”, nói đi đôi với làm; khắc phục triệt để mọi biểu hiện lệch lạc về nhận thức, tư tưởng, làm không đến nơi đến chốn, hiệu quả thấp. 

Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường xác định rõ mục tiêu, chủ trương, biện pháp lãnh đạo để xây dựng lối sống văn hóa cho sĩ quan trẻ. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp, các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị cần quán triệt thực hiện nghiêm túc. Trong đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng lối sống văn hóa với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong đội ngũ sĩ quan trẻ. 

Gắn kết giữa thực hiện các chuẩn mực con người Việt Nam mới, “Đơn vị văn hóa” cho sĩ quan trẻ với đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, xây dựng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”; giữa bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị với xây dựng lối sống văn hóa, tinh thần, cảnh quan môi trường, nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật.

Hai là, Nhà trường cần xây dựng “quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường” để là cơ sở xây dựng lối sống văn hóa cho sĩ quan trẻ

Xây dựng “quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường” để xác định hệ thống giá trị, chuẩn mực đạo đức của Nhà trường trên cơ sở pháp luật Nhà nước, Điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của Quân đội sẽ tạo ra chuẩn mực văn hóa để sĩ quan trẻ học tập và làm theo. Bên cạnh đó, cần tạo dựng và nuôi dưỡng bầu không khí cởi mở, dân chủ, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau để sĩ quan trẻ hiểu rõ trách nhiệm, luôn có ý thức chia sẻ trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị. Xây dựng mối quan hệ ứng xử, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau trong Nhà trường. Tuyệt đối không để xảy ra những biểu hiện tiêu cực, không lành mạnh (phi văn hóa) trong nhà trường, như: thiếu sự tôn trọng; sự buộc tội, đổ lỗi cho nhau; sự kiểm soát quá chặt chẽ đánh mất quyền tự chủ của cá nhân; quan liêu, nguyên tắc một cách máy móc; không có sự tiến bộ của người học; thiếu sự động viên khuyến khích; thiếu sự cởi mở, thiếu sự tin cậy; thiếu sự hợp tác, thiếu sự chia sẻ học hỏi lẫn nhau; mâu thuẫn nội bộ…

Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các câu lạc bộ, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động thực tế cho sĩ quan trẻ góp phần xây dựng nếp sống và hành xử văn minh, lịch sự, hiểu biết, đoàn kết, từ đó hạn chế các vụ việc vi phạm kỷ luật phải xử lý. 

Ba là, chủ động phòng ngừa và đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ sĩ quan trẻ.

Tuyên truyền, giáo dục cho sĩ quan trẻ nhận thức sâu sắc, nhận dạng đầy đủ về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội; giáo dục nâng cao cảnh giác, nắm vững và chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, pháp lệnh, các quy định về bảo đảm bí mật quốc gia, bí mật quân sự, bí mật nhiệm vụ.

Tăng cựờng đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, phản bác những quan điểm, thông tin luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội, phản động, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội; thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời thông tin định hướng tư tưởng, dư luận trong tập thể, nhất là trước những sự kiện phức tạp, nhạy cảm.

Nâng cao chất, lượng xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú, gắn với các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi từ xa, từ sớm mọi biểu hiện tiêu cực bên ngoài xâm nhập vào sĩ quan trẻ; chủ động phát hiện, nhận diện và đấu tranh có hiệu quả mọi biểu hiện, dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như: chệch hướng trong xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo; lười học chính trị, nói và làm không đúng nghị quyết, nói một đằng làm một nẻo; vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, làm xấu hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, nội bộ mất đoàn kết; vi phạm nguyên tắc, mất dân chủ; tham ô, tham nhũng, lãng phí; bệnh thành tích, không trung thực, báo cáo sai; thờ ở, vô cảm trước những khó khăn của bộ đội và Nhân dân; nắm không chắc nhiệm vụ; làm lộ bí mật quân sự, bí mật quốc gia… với một thái độ kiên quyết và triệt để. 

Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện, xây dựng phẩm chất chính trị gắn chặt chẽ với bồi dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng, làm cho mọi quân nhân nói chung, đội ngũ sĩ quan trẻ nói riêng luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, nói, viết và làm đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh với mọi biêu hiện tiêu cực, sai trái; đoàn kết nội bộ, đoàn kêt quân dân tốt, sẵn sàng nhận và thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giác tự học tập, rèn luyện lối sống văn hóa của sĩ quan trẻ, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới

Tự học tập, rèn luyện là công việc suốt đời của mỗi con người, giúp họ không ngừng tiến bộ, trưởng thành. Tinh thần tự giác, ham học tập, rèn luyện suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho mỗi cán bộ, đảng viên và quân nhân noi theo. Do đó, tích cực, chủ động tự giáo dục, rèn luyện luôn được coi là một phẩm chất tốt của người quân nhân. Dù được đơn vị quan tâm giáo dục, rèn luyện, nhưng sĩ quan trẻ không có thái độ cầu thị tiến bộ, không tự giác học tập, rèn luyện, thì khó có thể đạt được những phấm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. 

Sĩ quan trẻ phải thường xuyên giáo dục, xây dựng động cơ đúng đắn, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự học, tự rèn luyện của học viên; biến quá trình giáo dục, rèn luyện của Nhà trường thành quá trình tự học tập, tự rèn luyện. Sĩ quan trẻ cần xác định rõ phương hướng, mục tiêu, yêu cầu đạt được trong tự học tập, tự rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác. Quan tâm xây dựng môi trường giáo dục tại Nhà trường, bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần để đội ngũ sĩ quan trẻ yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ được giao.. 

4. Kết luận

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại nhiều động lực tích cực đối với phát triển kinh tế – xã hội, song các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chống đối chính trị cũng lợi dụng cuộc Cách mạng này để chống phá cách mạng nước ta. Vì vậy, xây dựng lối sống văn hóa cho sĩ quan trẻ ở Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Nhà trường.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng ủy Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ (khóa XIII) tại Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
2. Nguyễn Thị Ngọc Phương, Đỗ Đình Thái. Một số vấn đề lý luận về phát triển văn hóa nhà trườngTạp chí Giáo dục, số tháng 8/2018, tr.72-76.
3. Trần Hồng Quân, Vũ Đức Bộ. Phát triển lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan ở các học viện, nhà trường quân đội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 497, tháng 5/2022.