Trung tá, ThS. Lê Thế Phong
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Nhằm thuyết phục các luận chứng, luận cứ, đồng thời, phòng, chống biểu hiện giáo điều, rập khuôn, máy móc trong đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên ở các nhà trường quân đội đòi hỏi phải tăng cường tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Bài viết làm rõ sự cần thiết, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên ở các nhà trường quân đội hiện nay.
Từ khóa: Đấu tranh tư tưởng; lý luận; nhà trường; thực tiễn; tính thống nhất; giảng viên; quân đội.
1. Đặt vấn đề
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đấu tranh tư tưởng, lý luận, Đảng đã chỉ rõ: “Khi các thế lực thù địch ra sức tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm đẩy chúng ta đi chệch hướng thì đấu tranh để bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng là vấn đề quan trọng, trở thành nhiệm vụ hàng đầu trong công tác chính trị, tư tưởng và lý luận của toàn Đảng, toàn dân ta”1. Giảng viên ở các nhà trường quân đội hiện nay không chỉ là nhà sư phạm, nhà khoa học mà còn là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận của Đảng. Để hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên ở các nhà trường quân đội đạt được mục tiêu, yêu cầu, tăng tính luận chiến, tính thuyết phục và hiệu quả, đòi hỏi, giảng viên phải quán triệt và thực hiện thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận.
2. Sự cần thiết tăng cường tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên ở các nhà trường quân đội
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một trong những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng”2. Như vậy, mặc dù về bản chất lý luận và thực tiễn là khác nhau nhưng chúng luôn có mối quan hệ thống nhất, chặt chẽ với nhau. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, có giá trị không chỉ về mặt nhận thức luận mà còn là phương pháp luận khoa học trong hoạt động thực tiễn ở một lĩnh vực cụ thể, nhất là trong đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên ở các nhà trường quân đội hiện nay.
Đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay đang diễn ra vô cùng cam go, quyết liệt, phức tạp với nhiều nội dung, hình thức và biểu hiện mới, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng. Vì vậy, để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này tất yếu phải có lực lượng, bộ phận với năng lực, trình độ, chuyên môn để đấu tranh tư tưởng, lý luận chống lại các quan điểm, tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Trong số các chủ thể đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay, giảng viên ở các nhà trường quân đội được xác định là một trong những lực lượng tiên phong, nòng cốt trực tiếp tham gia “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”3.
Những năm qua, giảng viên ở các nhà trường quân đội thông qua giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đấu tranh trên không gian mạng, tham gia cuộc thi viết chính luận đã “kịp thời nhận diện, kiên quyết vạch trần và đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”4. Tuy nhiên, tính sắc bén, luận chiến, thuyết phục về mặt lý luận, tính tích cực, tự giác tham gia và tính điển hình về thực tiễn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận một số nội dung bài giảng, bài viết, bài nói, công trình khoa học của giảng viên chưa cao; nội dung đấu tranh còn có biểu hiện chung chung, nặng về hô hào khẩu hiệu, sơ cứng về mặt lý luận, thiếu những số liệu, dữ kiện hiện thực để minh họa, chứng minh; hình thức, phương pháp đấu tranh còn biểu hiện rập khuôn, cứng nhắc, thiếu tính linh hoạt, sáng tạo, chưa phát huy tối đa hiệu quả của khoa học và công nghệ hiện đại trong đấu tranh tư tưởng, lý luận; kỹ năng viết tin, bài, bình luận đấu tranh trên không gian mạng còn hạn chế, sa vào lý luận, thiếu sức thuyết phục. Vì vậy, chất lượng đấu tranh “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”5.
Xuất phát từ yêu cầu cao ngày càng cao về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các nhà trường quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận và đòi hỏi cao về phẩm chất, năng lực của giảng viên ở các nhà trường quân đội… đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên, đó là phải sắc xảo về lý luận, thuyết phục về thực tiễn, đa dạng về hình thức; hiệu quả về phương pháp nhằm tăng sức mạnh chiến đấu về các luận cứ, luận chứng trong các các bài giảng, bài nói, bài viết, công trình khoa học của giảng viên.
3. Một số giải pháp tăng cường tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên ở các nhà trường quân đội
Một là, giáo dục nâng cao nhận thức cho giảng viên về sự cần thiết phải tăng cường thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận.
Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho giảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận. Đồng thời, giáo dục cho giảng viên hiểu rằng: “Đấu tranh tư tưởng, lý luận phải nhằm khẳng định và bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”6. Để nâng cao tính thuyết phục, hiệu quả trong đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc đưa ra hệ thống tri thức lý luận khoa học, cách mạng hay những sự kiện thực tiễn vụn vặt để chứng minh cho các quan điểm, luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị là sai trái, là phản khoa học mà quan trọng hơn, trước những luận điệu thù địch, sai trái, giảng viên cần phải đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa duy vật mácxít, bình tĩnh, sáng suốt để nhận diện, phân tích, đánh giá chính xác âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Trên cơ sở đó, cân nhắc, lựa chọn hệ thống những tri thức lý luận khoa học cùng những tư liệu, dữ kiện thực tiễn điển hình phù hợp, mang tính lôgíc, chặt chẽ, thống nhất để chỉ ra bản chất phản động, phản khoa học của các quan điểm, luận điệu cần đấu tranh.
Tăng cường thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay, các nhà trường quân đội cần giáo dục cho giảng viên nhận thức rằng, mặc dù trong lịch sử đã có rất nhiều quan điểm thù địch, đối lập công kích, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin và đã được C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đấu tranh, bảo vệ, phát triển quan điểm, học thuyết, nhưng đến nay vẫn những quan điểm đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục khai thác, sử dụng vào những mục tiêu khác nhau đòi hỏi giảng viên tuyệt đối không được lảng tránh và cũng không được sao chép nguyên xi những luận cứ, luận chứng các nhà kinh điển mácxít đã sử dụng mà cần phải tiếp tục nhận thức và luận giải trên cơ sở lý luận đã được bổ sung, phát triển bởi thực tiễn mới. Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học để vạch trần bản chất các quan điểm sai trái, thù địch, chỉ ra tính chất ngụy biện, mị dân, chứ không phải phê phán theo kiểu tư biện, võ đoán, hô hào khẩu hiệu, chung chung, đơn thuần về mặt lý luận.
Tăng cường thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay còn đòi hỏi các nhà trường giáo dục cho giảng viên nhận thức rõ và đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, có tư duy phản biện khoa học, có nhãn quan chính trị nhạy bén, biết phân biệt quan điểm sai trái và thù địch. Đồng thời, phân biệt rõ những quan điểm “mới” xuất hiện trong xã hội với mục đích trong sáng, rõ ràng, vì sự phát triển chung của cách mạng với các quan điểm tỏ ra “kiên định” nhưng thực chất là bảo thủ, trì trệ hay “đổi mới” nhưng thực chất là “chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, “đổi màu”7, để từ đó có phương pháp đấu tranh cho phù hợp, hiệu quả.
Hai là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ tư duy lý luận và năng lực thực tiễn đấu tranh tư tưởng, lý luận cho giảng viên.
Cần coi trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận khoa học cho giảng viên. Khi khẳng định vai trò của lý luận khoa học trong đấu tranh tư tưởng, lý luận, VI.Lênin khẳng định: “Nếu không có một cơ sở triết học vững vàng thì tuyệt nhiên không có khoa học tự nhiên nào hay chủ nghĩa duy vật nào có thể tiến hành đấu tranh chống được sự lấn bước của những tư tưởng tư sản và sự phục hồi của thế giới quan tư sản”8. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với các nhà trường quân đội cần tổ chức tốt các lớp học lý luận chính trị, giúp cho giảng viên nắm vững chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, thường xuyên tổ chức thông tin chuyên đề, thông báo thời sự nhằm cập nhật kịp thời những thông tin chính thống, những kiến thức mới ở các lĩnh vực nhằm nâng cao sự hiểu biết toàn diện cho giảng viên.
Hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên xét đến cùng được đánh giá bằng việc thuyết phục quần chúng, thường xuyên và trực tiếp nhất là học viên, bảo đảm họ luôn tuyệt đối tin tưởng vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng; nhận rõ bản chất phản động, phản khoa học và kiên quyết tẩy chay, lên án, loại bỏ những tư tưởng sai trái, thù địch. Do đó, các nhà trường cần tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn, nhất là thực tiễn sư phạm để bồi dưỡng cho giảng viên những kỹ năng cơ bản, như: kỹ năng nhận diện chính xác âm mưu, thủ đoạn và phương pháp đấu tranh tư tưởng, lý luận; kỹ năng đấu tranh tư tưởng, lý luận trong giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học và trong đấu tranh trên không gian mạng; kỹ năng truyền tải tri thức cách mạng và định hướng tư tưởng cho người học.
Ba là, bảo đảm sự phù hợp giữa lý luận và thực tiễn trong xây dựng luận chứng, luận cứ đấu tranh trong các bài giảng, bài viết, bài nói, công trình khoa học.
Chức trách, nhiệm vụ của giảng viên ở các nhà trường quân đội là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Do đó, đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên ở các nhà trường quân đội hiện nay chủ yếu được thực hiện thông qua giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hiện nay, kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy, nghiên cứu khoa học với đấu tranh tư tưởng, lý luận là một trong những yêu cầu đặt ra đối với giảng viên. Do đó, để nâng cao chất lượng giảng dạy và đấu tranh tư tưởng, lý luận đòi hỏi giảng viên phải quán triệt và thực hiện thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Nhằm tăng cường thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận đòi hỏi gắn với từng bài giảng, bài nói, bài viết hay công trình khoa học, khi xây dựng các luận chứng, luận cứ đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch, giảng viên cần đưa ra được cơ sở lý luận khoa học với những dữ kiện thực tiễn điển hình, phù hợp.
Đồng thời, nhằm tăng tính luận chiến và tính thuyết phục của các luận chứng, luận cứ đấu tranh trong các bài giảng, bài nói, bài viết, công trình khoa học, đòi hỏi giảng viên cần sử dụng tổng hợp hệ thống các kiến thức với kỹ năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo bảo đảm khái quát, rõ ràng, trong sáng và dễ hiểu, diễn đạt mạch lạc, lập luận mang tính hệ thống, chặt chẽ, lôgíc và hiệu quả. Thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa biểu cảm trong giảng dạy, tuyên truyền, thuyết phục người học, người đọc, người nghe bằng lý lẽ khoa học, bằng thực tiễn cuộc sống, bằng lẽ phải và bằng cả lý tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức, lối sống của chính bản thân giảng viên. Thực hiện thống nhất giữa đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch với bảo vệ, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sao cho phù hợp với yêu cầu mới của thực tiễn đặt ra.
Bốn là, kiên quyết đấu tranh phòng, chống những biểu hiện giáo điều, dập khuôn, máy móc trong đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên.
Bản chất của đấu tranh tư tưởng, lý luận là cuộc đấu tranh về ý thức hệ, một bộ phận của đấu tranh giai cấp. Khi giảng viên đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, cũng như bảo vệ phát triển lý luận cách mạng rất dễ vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Do đó, trong quá trình đấu tranh tư tưởng, lý luận thường có xu hướng tự phát dẫn đến phê phán quan điểm sai trái, thù địch hay bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách chung chung theo kiểu lý thuyết suông, hô hào khẩu hiệu hoặc rập khuôn máy móc, thiếu cơ sở và chưa bám sát những yêu cầu, đòi hỏi mới đặt ra từ thực tiễn.
Vì vậy, để phòng, chống biểu hiện giáo điều trong đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên đòi hỏi phải bắt đầu từ những vấn đề đặt ra của thực tiễn cuộc sống. Quá trình đấu tranh tư tưởng, lý luận phải bám sát thực tiễn cuộc sống và kết quả đấu tranh phải có giá trị cho thực tiễn cuộc sống, gắn với chức trách, nhiệm vụ của giảng viên. Khi phát hiện những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, phản động, phản khoa học thì giảng viên cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh, tránh rơi vào chủ nghĩa giáo điều mà thiếu đi những cơ sở thực tiễn xác đáng để làm tăng tính thuyết phục của các luận chứng, luận cứ khoa học.
Trong đấu tranh, cần có những đột phá trong tư duy lý luận, tăng tính phản biện khoa học; không chỉ chống “diễn biến hòa bình” với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch mà cần cảnh giác đối với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đối với các quan điểm chống đối của các thế lực thù địch, giảng viên cần kiên quyết chống lại bằng tất cả lý lẽ, luận chứng, luận cứ khoa học. Đối với các quan điểm lệch lạc, sai trái trong nội bộ cần phải nghiêm túc phê phán với tinh thần chia sẻ, góp ý thẳng thắn, hướng tới lợi ích chung vì sự phát triển bền vững của đất nước. Đối với những vấn đề “nóng” đang diễn ra trên thế giới, khu vực, trong nước, nhất là những vấn đề khó khăn hay sai lầm trong công tác lãnh đạo, quản lý, xây dựng phát triển đất nước, cần phải tuân thủ và đứng vững trên nguyên tắc tính đảng vô sản, tính khách quan, khoa học để phân tích làm rõ đúng, sai; chỉ ra nguyên nhân bằng cơ sở lý luận và thực tiễn sắc bén, thuyết phục để phản bác có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đang khai thác, lợi dụng chống phá.
4. Kết luận
Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” với những phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Điều đó làm cho cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận diễn ra vô cùng cam go, quyết liệt và ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Do đó, chúng ta cần phải tăng cường tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên ở các nhà trường quân đội nhằm góp phần tích cực trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa hình, ổn định để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chú thích:
1. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 18/02/1995 của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay.
2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 95.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.183.
4. Báo cáo số 2620-BC/BCĐ ngày 23/8/2023 của Ban Chỉ đạo 35 sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 222.
6. Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.
7. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2022, tr. 264.
8. V.I.Lênin toàn tập. Tập 45. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2006, tr. 35.