Truyền thông xã hội trong giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu trên thế giới và gợi ý giải pháp cho Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh; Phan Thùy Linh
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
TS. Chu Đức Hà
Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

TS. Trần Văn Tiến; ThS. Lưu Thị Thu Huyền 
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Trước sứ mệnh thực hiện cam kết và nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu của các quốc gia, phương tiện truyền thông xã hội trở thành công cụ trong việc định hình và phổ biến nhận thức, tối ưu hóa hoạt động sáng tạo nội dung nhằm nâng cao khả năng thích ứng, phục hồi của công chúng trước tác động tiêu cực đang ở mức đặc biệt được coi trọng. Bài viết tóm lược một cách toàn diện các kết quả nghiên cứu về truyền thông xã hội với biến đổi khí hậu; tác động của phương tiện truyền thông xã hội tới nhận thức, hành vi, khả năng tiếp nhận, lan truyền thông điệp của công chúng về biến đổi khí hậu; gợi ý một vài định hướng nâng cao hiệu quả truyền thông xã hội về biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Truyền thông xã hội; biến đổi khí hậu; giải pháp; Việt Nam.

1. Truyền thông xã hội

Truyền thông xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Về mặt bản chất công nghệ, khái niệm “truyền thông xã hội” (social media) và “mạng xã hội” (social network) đều cùng chỉ một bản thể (những website dựa trên nền tảng web 2.0)1. Tuy nhiên, thuật ngữ “truyền thông xã hội” mang nghĩa rộng hơn, bao hàm cả phương tiện lẫn nội dung truyền thông. Phương tiện truyền thông xã hội là một công nghệ kỹ thuật số có tính biến đổi, phá bỏ nhiều rào cản thông tin giữa công chúng với công chúng, mở ra các kênh thông tin mới, đa dạng hàm chứa môi trường thảo luận, một không gian công chúng toàn cầu đều hướng đến thông tin về những mối quan tâm chung, đặc biệt là biến đổi khí hậu2. Trên không gian công chúng toàn cầu, phương tiện truyền thông xã hội cho phép tạo và chia sẻ thông tin, ý tưởng và các hình thức biểu đạt khác thông qua cộng đồng và mạng ảo, tối ưu đặc điểm tự tạo nội dung của người dùng (user – generated content – UGC)3 qua công cụ “truyền thông từ đại chúng tới đại chúng” mới (mass self – communication), tự tạo ra dung lượng thông tin lớn và tự lan truyền khối lượng thông tin đó với các nhóm công chúng dị biệt. Thông tin từ truyền thông xã hội dần chiếm giữ vị trí quan trọng trong nhu cầu tiếp nhận tin tức của công chúng toàn cầu. 

Truyền thông xã hội có 6 loại hình, bao gồm: (1) Dự án tương tác; (2) Blogs; (3) Cộng đồng chia sẻ nội dung; (4) Mạng xã hội; (5) Cộng đồng game online; (6) Cộng đồng xã hội online4

Quá trình truyền thông xã hội hàm chứa 5 đặc điểm chính: (1) Tính kết nối cao, vận hành trên nền tảng công nghệ di động và công nghệ internet, nơi cung cấp khối lượng thông tin đa dạng, cập nhật hằng ngày bởi hàng triệu người sử dụng; (2) Truyền thông xã hội mang đến cơ hội tiếp cận và sản xuất thông tin cho nhiều người, ở nhiều địa điểm vào cùng một thời điểm; (3) Tính mở giới hạn, tạo không gian cho khả năng tạo sản phẩm tin tức; (4) Tính cập nhật, cho phép công chúng gửi tin, tạo câu hỏi, tranh luận ngay lập tức. (5) Tính tương tác cao cho công chúng, thúc đẩy hình thành dư luận xã hội về một vấn đề, sự việc, sự vật nào đó5

Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew (2017), gần 2/3 người trưởng thành ở Mỹ (67%) nhận được tin tức từ các kênh truyền thông xã hội, như: Facebook, YouTube và Twitter, con số này tăng từ 62% vào năm 2016. Hay trong khảo sát của Viện Reuters với 36 quốc gia trên toàn cầu, hơn một nửa (54%) người trưởng thành trực tuyến sử dụng mạng xã hội làm nguồn tin tức mỗi tuần. Con số này dao động từ 29% ở Đức và Nhật Bản, 76% ở Chile. Riêng tại Anh, phương tiện truyền thông xã hội đã vượt qua truyền hình, trở thành nguồn tin tức chính cho giới trẻ từ 18 – 24 tuổi6.

Khi nhu cầu thông tin nghiệp dư tăng lên theo thời gian sẽ xuất hiện sự chuyển giao quyền lực mềm, chuyển nội dung từ mô hình truyền thống lấy nhà xuất bản làm trung tâm sang mô hình lấy người dùng làm trung tâm. Trước đây, hình thức giao tiếp chính với một ấn phẩm báo chí từ công chúng đến nhà xuất bản diễn ra qua thư gửi cho biên tập viên. Giờ đây, khi phương tiện truyền thông xã hội tạo môi trường thảo luận, mỗi công chúng đều có thể trở thành “trung tâm tin tức” hoặc tạo ấn phẩm chuyên nghiệp, hấp dẫn cộng đồng công chúng nhận được tin tức, hoặc tiếp nhận thông điệp từ công chúng tới công chúng. 

Hơn một thập kỷ qua, nghiên cứu về biến đổi khí hậu và truyền thông xã hội đã gia tăng7, tập trung vào truyền thông cơ hội, truyền thông rủi ro về biến đổi khí hậu; phương thức thông tin về biến đổi khí hậu và vai trò của tâm lý học trên các khía cạnh lan truyền; đặc điểm thứ bậc của diễn ngôn về biến đổi khí hậu; sự khuếch đại thông điệp cơ hội và thông tin rủi ro… Dù vậy, hoạt động truyền thông về biến đổi khí hậu qua phương tiện truyền thông xã hội gặp thách thức bởi thông điệp mang tính trừu tượng, phức tạp diễn biến chậm và định hướng phát triển bền vững. 

Việc nghiên cứu chiến lược truyền thông về biến đổi khí hậu trên phương tiện truyền thông xã hội mạng xã hội vẫn còn khan hiếm, chủ yếu dựa trên tư duy lý thuyết hoặc nghiên cứu trường hợp8, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biếnđổi khí hậu bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Do đó, bài tổng quan sẽ tóm lược một cách toàn diện các kết quả nghiên cứu về phương tiện truyền thông xã hội với biến đổi khí hậu; tác động của phương tiện truyền thông xã hội tới nhận thức, hành vi, khả năng tiếp nhận, lan truyền thông điệp của công chúng về biến đổi khí hậu; vai trò của công cụ quyền lực mềm tạo động lực thay đổi trong giải quyết các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Qua đó, gợi ý một vài định hướng nâng cao hiệu quả truyền thông xã hội về biến đổi khí hậu, tạo phép nhân công chúng chủ động tham gia giải quyết các vấn đề chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và khuếch tán thông điệp cơ hội tới công chúng mạng ở Việt Nam. 

2. Tác động của truyền thông xã hội tới công chúng trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên thế giới

Biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề được tranh luận nhiều nhất trong vài thập kỷ qua. Mặc dù phần lớn các quốc gia hiện nay đã đồng tình về các ý tưởng cơ bản liên quan đến biến đổi khí hậu, tham gia các sáng kiến ​​quốc tế, như: Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris, nhưng các bước đi toàn diện và hiệu quả vẫn chưa được thực hiện bởi sự trì trệ và cản trở từ những tuyên bố về lợi ích quốc gia9. Trên thực tế, nhân loại đã trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi những tác động của biến đổi khí hậu gây ra do phát thải khí nhà kính, như hệ thống sản xuất cây trồng lương thực, thức ăn chăn nuôi hoặc thức ăn gia súc; ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi; làm gián đoạn tiến trình hướng tới một thế giới không còn nạn đói, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở các khu vực10. Khi phương tiện truyền thông xã hội phá bỏ nhiều rào cản thông tin giữa công chúng với công chúng, mở ra các kênh thông tin mới, đa dạng hàm chứa môi trường thảo luận, không gian mạng nơi công chúng toàn cầu đều hướng đến thông tin về những mối quan tâm chung đã thúc đẩy một dạng quyền lực mềm mới bằng việc cung cấp thông tin đầu vào cho các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, có tác động đến cơ chế chính trị quốc tế hiện nay. Qua đó, vai trò của truyền thông xã hội như một yếu tố kích hoạt hoặc công cụ hỗ trợ cho các sáng kiến ​​từ đại chúng, thể hiện và phản chiếu dư luận xã hội, hình thành thêm lăng kính để phát triển và thực hiện chính sách về biến đổi khí hậu. 

Sự hiểu biết của công chúng về mối liên hệ giữa thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu như một phép cộng để hợp pháp hóa hoạch định chính sách, lập kế hoạch và thực hành giảm nhẹ, thích ứng biến đổi khí hậu từ quá trình trao đổi thông tin liên ngành11. Mặc dù định hướng chiến lược của Thỏa thuận Paris có sự tham gia của 196 quốc gia, được coi như bước tiến quan trọng sau Nghị định thư Kyoto, một phần Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), tuy nhiên, biến đổi khí hậu ở mỗi quốc gia vẫn chưa phải một chủ đề, một mối quan tâm chính của đa số công chúng, bị động tham gia thảo luận12. Trong bối cảnh đó, phương tiện truyền thông xã hội là công cụ phù hợp để thu hút công chúng tham gia thảo luận về biến đổi khí hậu, phát triển cộng đồng kiến ​​thức xung quanh chủ đề biến đổi khí hậu, giúp phổ biến các thông điệp dựa trên rủi ro, khuyến khích các hình thức hành động khác nhau về vấn đề biến đổi khí hậu. Về mặt này, các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Twitter đang kiến tạo không gian quan trọng cho hoạt động giao tiếp, đưa ra chỉ dẫn quan trọng về nhận thức của xã hội về biến đổi khí hậu13. Dư luận xã hội, không gian thảo luận toàn cầu của công chúng trên phương tiện truyền thông xã hội về biến đổi khí hậu sẽ tạo ra tệp dữ liệu và mỗi công chúng trở thành đối tượng phù hợp của các nghiên cứu thực nghiệm.

Kết quả từ cuộc khảo sát đa quốc gia trong một nghiên cứu cho thấy, 66% người trưởng thành dùng internet tiếp nhận tin tức từ các nền tảng mạng xã hội. Phương tiện truyền thông xã hội là một trong những nguồn thông tin chính về biến đổi khí hậu cho thanh niên trong độ tuổi 18 – 24 (với 17% )14. Sự gia tăng của các nhân vật có sức ảnh hưởng tới công chúng và các sản phẩm văn hóa đại chúng tập trung vào nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu thông qua các chiến dịch truyền thông đã tạo môi trường thảo luận và chia sẻ ý kiến với các mạng lưới xuyên biên giới rộng lớn.

Nghiên cứu của Alexandra O. & Carlos C. & Nicholas D. & Karl A. (2015) đã sử dụng một tập hợp các thuật ngữ cụ thể về biến đổi khí hậu (Kclimate= 230) để tổng hợp các mẫu thông tin về biến đổi khí hậu trên nền tảng Twitter. Theo đó, có 482.615 tweet, trung bình khoảng 28.000 tweet/ tháng (mẫu 1%), ước tính các tweet trong mẫu đại diện cho bộ lớn khoảng 2,8 triệu tweet /tháng liên quan đến biến đổi khí hậu15. Số lượng các tweet liên quan đến biến đổi khí hậu xuất hiện với tần suất lớn giúp cung cấp thông tin nguồn cho các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, tác động đến cơ chế chính trị quốc tế hoặc thúc đẩy tiến độ thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu tại Thỏa thuận Paris lịch sử hay COP. Vì thế, phương tiện truyền thông xã hội được xem như quyền lực mềm bởi sự tác động sâu rộng, có hiệu quả tới hành vi của công chúng và của mỗi quốc gia về biến đổi khí hậu. 

Khi phương tiện truyền thông xã hội trở nên phổ biến từ việc lan rộng các nền tảng truyền thông xã hội, tiếp nhận sự đổi mới công nghệ đã thay đổi cách sử dụng “quyền lực mềm”. Sự tham gia tích cực của công chúng vào các diễn ngôn xã hội và chính trị thông qua kênh trực tuyến đã vượt qua kênh truyền thông truyền thống. Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu với diễn biến ở các khu vực trên thế giới là khác nhau nên việc hình dung về những hậu quả của công chúng vẫn còn là một khái niệm khá trừu tượng. Trong khi đó, những nghiên cứu học thuật về biến đổi khí hậu lại cản trở sự tiếp cận của công chúng bởi văn phong hàn lâm, hạn chế hiểu sâu hơn về các vấn đề cơ bản và kết quả có thể xảy ra. Bởi vậy, phương tiện truyền thông xã hội dần chiếm ưu thế do sử dụng thông điệp trực quan, dễ hiểu, tiếp cận hàng triệu người mỗi giờ qua việc tìm kiếm, truy cập và chia sẻ thông tin liên quan. 

Khảo sát xu hướng nội dung về biến đổi khí hậu trên nền tảng TikTok, thông tin được các cá nhân thu thập thông qua phương tiện truyền thông truyền thống (báo chí, truyền hình) và phi truyền thống như các nền tảng truyền thông xã hội cho kết quả: nguồn tin tức phi truyền thống được sử dụng phổ biến nhất bởi các cá nhân ở độ tuổi 18 – 24 với tần suất gấp 3 lần so với những người trên 55 tuổi16. Diễn ngôn công khai trên các nền tảng như Facebook và Twitter tăng đột biến xung quanh các sự kiện hoặc bài báo nhất định. Dư luận đã dao động trong suốt những năm qua, thường xoay quanh các sự kiện cụ thể, chẳng hạn như việc phát hành bộ phim An Inconvenient Truth năm 2007 (coi biến đổi khí hậu là một điều tiêu cực đối với xã hội), thu hút lượng phương tiện truyền thông nhiều hơn gấp 10 lần. Điển hình, diễn ngôn của nhân vật có sức ảnh hưởng – Leonardo DiCaprio Lễ trao giải Oscar (2016) về mối tương quan chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên thế, giá trị tìm kiếm tương đối đã tăng 25% trong khoảng thời gian 5 năm liên quan đến từ khóa “biến đổi khí hậu”, lượt tìm kiếm đã tăng 261% một ngày sau bài phát biểu. Khi so sánh với từ khóa “COP” và “Ngày Trái đất”, lượng tìm kiếm lần lượt cao hơn 3,8 và 4,3 lần so với mức trung bình hàng ngày trong các sự kiện trước đó17. Quyền lực mềm của phương tiện truyền thông xã hội phát huy giá trị khi tác động đến đại đa số công chúng đứng lên hành động đẩy lùi tác động của biến đổi khí hậu. 

Song hành với các cam kết về biến đổi khí hậu và nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu của các quốc gia, việc nỗ lực nâng cao khả năng thích ứng, phục hồi của công chúng trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đặc biệt được coi trọng. Khả năng phục hồi của công chúng đối với những thách thức sinh thái xã hội phức tạp liên quan đến biến đổi khí hậu yêu cầu sự thể hiện rõ hơn của truyền thông nói chung và truyền thông xã hội nói riêng, với nhiệm vụ tạo sự chuyển biến nhận thức trong công chúng về tính hành động vì biến đổi khí hậu18. Cụ thể, thông tin về biến đổi khí hậu được chia sẻ bởi những người dẫn đầu dư luận/nhân vật nổi tiếng có khả năng định hình nhận thức của công chúng về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến hành vi, kích thích sự đóng góp vào quy trình hoạch định chính sách. Nhu cầu của công chúng được đo lường dựa trên mức độ phủ sóng tổng thể trên phương tiện truyền thông xã hội, tác động đến sự gia tăng của các chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu. Dư luận và nhu cầu của công chúng về nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến phạm vi của các chính sách được thông qua, mức độ toàn diện của hoạt động lập pháp về biến đổi khí hậu19.

Những kỳ vọng kết quả thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và nhận thức về nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến phản ứng của công chúng đối với biến đổi khí hậu theo hai cách: (1) Nhóm công chúng có kỳ vọng tiêu cực về kết quả của biến đổi khí hậu (nhận thức rủi ro cao) và những người tin vào tiềm năng tập thể của nhân loại trong việc giảm thiểu mối đe dọa sẽ phát triển niềm tin, thúc đẩy mặt cảm xúc, động cơ liên quan đến biến đổi khí hậu. (2) Nhóm công chúng đặt niềm tin vào nhà lập pháp sẽ phản ứng tích cực với hoạt động tích cực của công dân (hiệu quả phản hồi cao) và có khả năng tham gia trực tiếp vào các sự kiện, hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu (tính tự tin vào năng lực cao), nâng cao khả năng chuyển hóa thành hành động20. Từ góc độ nhận thức xã hội, khi tiếp nhận thông tin mang tính đe dọa, công chúng sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng, tính nhạy cảm. Nếu ở mức thấp, quá trình xử lý mối đe dọa sẽ bị đình trệ và dầnkhông có động cơ hành động. Ngược lại, khi nhận thức của công chúng về mức độ nghiêm trọng và tính dễ bị tổn thương tăng lên sẽ thúc đẩy việc đánh giá tính hiệu quả và tính khả thi của các phản ứng được khuyến nghị nhằm giảm thiểu mối đe dọa – tức là hiệu quả ứng phó và tính tự tin vào năng lực của công chúng. 

Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Bão, áp thấp nhiệt đới dịch chuyển về phía Nam và có quỹ đạo phức tạp, khó dự báo; hiện tượng nắng nóng có xu hướng gia tăng cả về cường độ, tần suất và độ dài các đợt; số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng mức độ khắc nghiệt và kéo dài có dấu hiện gia tăng. Biến đổi khí hậu đã làm gia tăng những hiện tượng cực đoan, dẫn đến sự gia tăng các thiên tai có nguồn gốc khí tượng, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội và môi trường21. Theo đó, chiến lược thích ứng với sự biến đổi này cần phải xây dựng các kế hoạch dài hạn, được lồng ghép vào các phương án quy hoạch phát triển và phương tiện truyền thông xã hội như một công cụ quyền lực mềm để thúc đẩy việc thực hiện nhanh chóng.

3. Gợi ý giải pháp truyền thông xã hội trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng thông tin về biến đổi khí hậu trên phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội.

Biến đổi khí hậu là một vấn đề liên ngành, đòi hỏi kiến thức tổng hợp, do đó khó truyền đạt với những thông tin về nguyên nhân, hậu quả phức tạp phần lớn nằm ngoài tầm hiểu biết của con người. Bởi vậy, phương tiện truyền thông xã hội được xác định như một tác nhân đặc biệt quan trọng trong việc hình thành kiến ​​thức chung về biến đổi khí hậu. Tác giả đưa ra định hướng nâng cao chất lượng thông tin về biến đổi khí hậu trên phương tiện truyền thông xã hội bằng cách tạo độ phủ trang mạng xã hội của các tờ báo chính thống. Các tờ báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay đều đang bước vào công cuộc chuyển đổi số báo chí mạnh mẽ, mở rộng thêm nhiều ấn phẩm điện tử trên các nền tảng mạng xã hội và có biên độ công chúng riêng. Các trang mạng xã hội của một tờ báo cần chuyển hóa thông tin thông tấn sang dạng thông tin sử dụng cách diễn giải thân thiện, gần gũi, chuyển ngôn ngữ văn bản chính sách sang ngôn ngữ đời sống của công chúng, tăng cường các yếu tố đa phương tiện như hình ảnh, âm thanh, video sinh động. Mặt khác, việc gia tăng độ phủ các trang mạng xã hội của một tờ báo giúp nâng cao mức độ thông tin chính xác về biến đổi khí hậu, tạo một không gian đáng tin cậy để công chúng mạng xã hội đối chiếu, so sánh với những thông tin của công chúng, của nhân vật có sức ảnh hưởng khi đưa ra nhận định về các vấn đề xoay quanh biến đổi khí hậu. 

Thứ hai, thiết lập một cơ chế truyền thông tương tác dư luận và công chúng về biến đổi khí hậu trên phương tiện truyền thông xã hội nhằm tăng cường các kênh phản hồi của dư luận và công chúng.

Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng, Nhà nước nói chung cần quan tâm đầy đủ đến sự tham gia trực tuyến của công chúng, thiết lập một hệ thống giám sát dư luận xã hội lành mạnh, khuyến khích và tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào quá trình hoạch định và giám sát việc thực hiện các nỗ lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Công tác truyền thông xã hội về biến đổi khí hậu cần nhận diện, phân tích và quản lý được các dòng chảy thông tin, những dấu hiệu mở rộng của truyền thông, bao gồm cả các dòng chảy thông tin trên nền tảng truyền thông và thông tin trên các nền tảng công nghệ. 

Tăng cường đổi mới sự liên kết, tích hợp và tương tác của phương tiện truyền thông xã hội về biến đổi khí hậu, qua đó tạo động lực để tối ưu hóa mô hình truyền thông của các tổ chức, cơ quan nhà nước về môi trường nói chung và biến đổi khí hậu nói riêng. Khi tạo được khả năng liên kết giữa phương tiện truyền thông xã hội và mô hình truyền thông của các tổ chức, cơ quan nhà nước sẽ giúp tăng cường sức mạnh, sức ảnh hưởng của các phong trào hành động bảo vệ môi trường, tạo môi trường hợp tác, chia sẻ kiến thức, góp phần vào việc xây dựng và thực hiện các giải pháp hiệu quả giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Kết luận

Từ việc tổng quan các nghiên cứu truyền thông xã hội về biến đổi khí hậu đã cho thấy, phương tiện truyền thông xã hội là một trong những loại hình truyền thông có vai trò quan trọng, thể hiện chức năng thông tin và lan toả thông điệp như phương tiện truyền thông truyền thống cùng khả năng thu hút, tương tác với công chúng cao. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống nghiên cứu chất lượng thông điệp về biến đổi khí hậu trên phương tiện truyền thông xã hội, so sánh hiệu quả sự phân mảnh của đối tượng người dùng trên các nền tảng khác. Trong tương lai, phương tiện truyền thông xã hội về biến đổi khí hậu cần đẩy mạnh quá trình dịch chuyển sang công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tạo ra các chiến dịch tương tác, sử dụng nội dung đa phương tiện, phát triển công cụ phân tích dữ liệu lớn để tối ưu hóa việc phân phối nội dung, hướng đến đạt được hiệu quả truyền thông cho đối tượng mục tiêu. 

Chú thích:
1. Nguyễn Khắc Giang. Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến môi trường báo chí Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, tập 31, số 1, tr. 12 – 19 (năm 2015).
2. Warren Pearce & Suay Melisa Özkula & Sabine Niederer & Natalia Sánchez Querubín, 2018, The social media life of climate change: Platforms, publics, and future imaginaries, WIREs Climate Change, p. 6 – 13. 
3, 4. Phạm Hải Chung & Bùi Thu Hương, 2016, Truyền thông xã hội. H. NXB Thế giới, tr. 8 – 31. 
5. Đặng Thị Thu Hương, 2015, Truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và dư luận xã hội, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 2(12), tr. 64.
6. Keith A. Quesenberry, 2019, Social Media Strategy: Marketing, Advertising, and Public Relation in The Consumer Revolution, The Rowman & Littlefied, p. 6 – 22. 
7, 17. Alekasandrina V. Mavrodieva & Okky K. Rachman & Vito B.Harahap & Rajib Shaw, 2019, Role of Social Media as a Soft Power Tool Raising Public Awareness and Engagement in Addressing Climate Change, Climate. p. 2 – 15.
8, 10. Tim Wheeler & Joachim von Braun, 2013, Climate Change Impacts on Global Food Security, American Association for the Advancement of Science, p. 508 – 513.
9, 11. Peter Berglez & Walid AI-Saquaf, 2021, Extreme weather and climate change: social media results(2008 – 2017), Environmental Hazards, p. 382 – 299.
12. Kim Ngọc & Lê Thị Thuý, 2017, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu: Cơ hội, thách thức và giải pháp đối với Việt Nam. Tạp chí Khoa học Việt Nam, số 3 (112), tr. 14 – 20. 
13, 19. Annalisa Savaresi, 2016, The Paris Agreement: a new beginning?, Journal of Energy & Natural Resources Law, p. 16 – 26.
14. Bienvenido León & Michael Bourk & Wiebke Finkler & Maxwell Boykoff & Lloyd S Davis, 2021, Strategies for climate change communication through social media: Objectives, approach, and interaction, Media International Australia, p. 1 – 16.
15, 18. Napawan N. Claire; Simpson Sheryl-Ann; Snyder Brett, 2017, Engaging Youth in Climate Resilience Planning with Social Media: Lessons from #OurChangingClimate, Urban Planning, 2(4), p. 51 – 63. 
16. Corey H. Basch & Bhavya Yalamanchili & Joseph Fera, 2022, Climate Change on TikTok: A Content Analysis of Videos, Journal of Community Health, p. 163 – 167. 
20. Connie Roser-Renouf & Edward W. Maibach & Anthony Leiserowitz & Xiaoquan Zhao, 2014, The genesis of climate change activism: from key beliefs to political action, Climatic Change, p. 163 – 178. 
21. Phan Văn Tân & Ngô Đức Thành, 2013, Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Một số kết quả nghiên cứu, thách thức và cơ hội trong hội nhập quốc tế. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Các khoa học Trái đất và Môi trường, Tập 29, số 2, tr. 42 – 55.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Thanh Tâm. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức về biến đổi khí hậu của nông dân trồng lúa tỉnh Sóc Trăng. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 2017.
2. Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường. Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam. NXB. Khoa học và Kỹ thuật, 2010.     
3. Kathie M. d’I. Treen & Hywel T. P. Williams & Saffron J. O’Neil, 2020, Online misinformation about climate change, WIREs Climate Change, 11:e665.
4. Tong Jiang & Xiaojia He & Buda Su & Peni Hausia Havea & Ke Wei & Zbigniew W. Kundzewicz & Dong Liu, 2024, COP 28: Challenge of coping with climate crisis, The Innovation 5(1), 100559.