Giải pháp về phát triển TP. Hồ Chí Minh

TS. Phan Hải Hồ
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đang được tập trung triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị Thành phố. Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương và có sự kết hợp đa dạng về nội dung, cách thức triển khai thực hiện, Thành phố kỳ vọng các kết quả mang lại là tối ưu nhất trong mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo cơ chế, chính sách đặc thù được thí điểm. Bài viết nghiên cứu theo hướng phân tích, luận giải các vấn đề cốt lõi tại Nghị quyết số 31-NQ/TW và cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 98/2023/QH15; nêu những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai các nghị quyết và đề xuất các khuyến nghị phát triển Thành phố. 

Từ khóa: Nghị quyết số 31-NQ/TW; Nghị quyết số 98/2023/QH15; thực hiện nghị quyết; hiệu quả; TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Nghị quyết số 31-NQ/TW đã đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng để Quốc hội xây dựng và ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 với “hành lang pháp lý mở” cho TP. Hồ Chí Minh phát triển. Đồng thời, với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn từ Nghị quyết số 31-NQ/TW, Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã tạo ra thời cơ, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong thời gian tới1. Theo đó, với các cơ chế, chính sách đặc thù được thí điểm, nếu được triển khai nhanh chóng, khoa học, phát huy được lợi thế, khắc phục được những khó khăn, thách thức, Thành phố sẽ phát triển xứng tầm đô thị “đầu tàu” của cả nước.

2. Thực tiễn triển khai tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW và cơ chế, chính sách đặc thù củaNghị quyết số 98/2023/QH15

Thứ nhấtmột số vấn đề định hướng của Nghị quyết số 31-NQ/TW và cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Nghị quyết số 31-NQ/TW với những phân tích, đánh giá sâu sắc về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) đã đưa ra 3 quan điểm, 2 mục tiêu, tầm nhìn và 6 nhiệm vụ, giải pháp để phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2045. 

Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã được ban hành với 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó, có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án luật đang trình Quốc hội và 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng Thành phố được áp dụng. Theo đó, các nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 98/2023/QH15 gồm: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố. Các nội dung mới được quy định như sau:

(1) Thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố.

(2) Chính sách miễn thuế, việc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố.

(3) Chính sách về phí, lệ phí. HĐND Thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn về phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo.

(4) Các vấn đề về công tác cán bộ và tổ chức bộ máy:

– Hội đồng nhân dân Thành phố có thẩm quyền quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách…; quyết định bố trí ngân sách để chỉ thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách…; quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của Thành phố…

– UBND Thành phố có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập…; quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Ðức.

Thứ hai, nội dung và cách thức triển khai thực hiện.

Triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 là cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW. Trên cơ sở này, hệ thống chính trị Thành phố đã triển khai theo cách thức sau:

Về chỉ đạo chung: thành lập tổ chức bộ máy (ban chỉ đạo, ban điều hành, tổ tư vấn, tổ giúp việc…), đồng thời trên cơ sở chức năng, thẩm quyền để phân công thực hiện các nội dung tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Về triển khai các nhiệm vụ cụ thể: HĐNDUBND Thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức và toàn thể người dân sẽ triển khai thực hiện theo đúng quy trình, tiến độ, nội dung được phân giao. Trên cơ sở đó, các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 được triển khai theo các nội dung:

(1) Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 08/7/2023; Quyết định số 1519-QĐ/TU ngày 17/8/2023 của Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và Tổ giúp việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15. 

(2) HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 10/7/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15; thông qua ba nghị quyết về nâng trần trung hạn 2021 – 2025, bố trí vốn ngân sách của Thành phố cho công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ công tác xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; hai nghị quyết về tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức (một nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức và một nghị quyết về cơ cấu tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức)2.

(3) UBND Thành phố tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 do Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo; ban hành Quyết định số 2856/QĐ-UBND ngày 11/7/2023 của UBND Thành phố về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15.

(4) Thành phố Thủ Đức3 và các sở, ban, ngành của hệ thống chính trị TP. Hồ Chí Minh, UBND các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 đúng tiến độ và lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được phân công trên cơ sở kế hoạch, chương trình của Trung ương và Thành phố, báo cáo các vướng mắc, khó khăn để cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý.

(5) Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân Thành phố phải nâng cao nhận thức, có sự thống nhất, đồng thuận, phát huy mạnh mẽ truyền thống năng động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

3. Những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết

Một là, việc Trung ương giao cho Thành phố thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù là vấn đề mới, nhiều thử thách, chưa có tiền lệ. Nội dung và cách thức triển khai phải thực hiện thận trọng, nghiên cứu kỹ, bảo đảm quy trình và thẩm quyền. Quá trình triển khai sẽ mất nhiều thời gian, công sức; năng lực thực thi công vụ trong cơ chế, chính sách đặc thù còn hạn chế, phải thực hiện theo cách thức “vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm”. Ví dụ, trong lĩnh vực quản lý đô thị, Thành phố được dùng đầu tư công để triển khai dự án, giải phóng mặt bằng theo hình thức TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông). Đây là hình thức mới, được áp dụng lần đầu trên địa bàn Thành phố, dự báo có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, thể chế quản lý, kinh nghiệm và năng lực thực thi. Do vậy, nếu triển khai không đúng quy trình, nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan4 thì hiệu quả sẽ không đạt được như kỳ vọng (phát sinh các vấn đề quy hoạch, giao thông, tắc nghẽn về phát triển, quản lý và sử dụng các nguồn lực) và ngược lại. 

Hai là, khối lượng công việc nhiều (44 cơ chế, chính sách đặc thù), việc tổ chức triển khai thực hiện gấp, thách thức lớn cho Thành phố vì phải thực hiện đúng quy định, có chất lượng và bảo đảm tiến độ theo từng loại công việc đặt ra.

Sau khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 được ban hành, cả hệ thống chính trị của Thành phố đã vào cuộc, cụ thể: Thành ủy triệu tập hội nghị, ban hành chỉ thị để thống nhất chỉ đạo, lãnh đạo triển khai, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và Tổ giúp việc; HĐND Thành phố họp, ban hành các nghị quyết có liên quan; UBND Thành phố đã ban hành các quyết định phân công, phân định chức năng, thẩm quyền, cụ thể hóa và giao trách nhiệm cho các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, với số lượng công việc đồ sộ, không phân định rõ giữa thẩm quyền chung, riêng, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương nên việc phân định phạm vi thẩm quyền, chức năng cũng gặp khó khăn, thách thức (thẩm quyền giữa chủ tịch với UBND trong từng loại việc; loại việc nào UBND cần phải có ý kiến của tất cả ủy viên, loại việc nào cần phải có ý kiến liên ngành, loại việc nào cần đánh giá tác động chính sách, loại việc nào có thể tách ra một tổ chức có thể thực hiện độc lập…). Những vấn đề này đang là thách thức thực tiễn, tác động đến trách nhiệm pháp lý và thời hạn triển khai trên địa bàn Thành phố.

Ba là, yếu tố con người gây khó khăn, thách thức lớn cho Thành phố về công tác nhân sự trong quá trình triển khai. Hiện nay, 6 lĩnh vực trọng yếu tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 đều liên quan đến các yếu tố: con người; tổ chức bộ máy; cách thức triển khai; nội dung triển khai; thời gian triển khai; các yếu tố khác, như: sự đồng thuận của người dân Thành phố, sự chỉ đạo của Trung ương, sự thống nhất trong hệ thống chính trị Thành phố… Trong các yếu tố này thì yếu tố con người là quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của quá trình triển khai. Tuy nhiên, thực tiễn yếu tố con người vẫn chưa có gì thay đổi, đội ngũ cán bộ, công chức của hệ thống chính trị Thành phố chưa được bổ sung “nhân tài” vì vướng cơ chế tuyển dụng, sử dụng, chế độ, chính sách thu hút. Mặt khác, do phải triển khai gấp việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, Tổ giúp việc, thành viên kiêm nhiệm, chủ yếu theo “cơ cấu hình thức” nên chưa có thời gian để phát hiện, bổ sung nhân tố mới.

Bốn là, hệ thống thể chế và cách thức vận dụng, áp dụng chưa hoàn thiện. Thực tế hiện nay, có những “độ vênh pháp lý” về cơ chế, chính sách đặc thù, các quy định về mô hình chính quyền đô thị5 với pháp luật về ngành, lĩnh vực, cụ thể:

(1) Mô hình chính quyền đô thị chưa hoàn thiện để đồng bộ với các vấn đề, lĩnh vực được thí điểm tại Nghị quyết số 98/2023/QH15. Hiện nay, Thành phố gặp nhiều khó khăn khi đồng thời phải triển khai một lúc nhiều nhiệm vụ, ví dụ: vừa triển khai các nội dung của Nghị quyết số 98/2023/QH15, vừa xây dựng cơ cấu tổ chức và hoạt động của mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 (thành phố Thủ Đức từ lúc thành lập đến nay gần như chưa có cơ chế hoạt động, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Thủ Đức phải cùng lúc ban hành nhiều quyết định thành lập các tổ chức trực thuộc theo Nghị quyết số 98/2023/QH15).

(2) Hành lang pháp lý chưa phù hợp vì phải thực hiện rất nhiều nội dung theo Nghị quyết số 131/2020/QH14, có sự xung đột pháp lý về thẩm quyền, phạm vi, đối tượng trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị, cụ thể: khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 131/2020/QH14 quy định UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều thuộc thẩm quyền tập thể UBND. Vấn đề đặt ra là thực tiễn giải quyết như thế nào về thẩm quyền ký: chủ tịch ký thay mặt tập thể UBND quận hay ký trực tiếp chức danh cá nhân chủ tịch? Mặc dù đã có Nghị định số 33/2021/NĐ-CP nhưng các vướng mắc này vẫn không được giải quyết, cụ thể:

Tại Điều 14, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn thuộc về UBND quận, chủ tịch quận ký ban hành với tư cách là người đứng đầu cơ quan ban hành6 nên không có gì khác biệt về thẩm quyền ký, không phát huy được cơ chế thủ trưởng theo quy định của Nghị quyết số 131/2020/QH14.Nghị định này không hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo chế độ thủ trưởng nên thẩm quyền ký chưa được giải thích rõ ràng. Các vấn đề trên là khoảng trống pháp lývề thẩm quyền ký khiến các quận còn lúng túng khi triển khai, cần có các quy định hoặc hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ năm, Nghị quyết số 98/2023/QH15 tạo hành lang pháp lý cho việc huy động các nguồn lực xã hội để Thành phố phát triển nhưng số lượng “dự án treo” quá nhiều, cơ sở hạ tầng yếu, tạo ra rất nhiều khó khăn, thách thức về cách thức huy động vốn, cơ chế vận hành các nguồn vốn; nguồn lực bảo đảm năng lực thực thi; cách tổ chức triển khai các dự án theo cơ chế, chính sách đặc thù; cách áp dụng vào thực tiễn bảo đảm đúng quy trình, quy định…

Thứ sáu, công tác kiểm tra, giám sát vẫn chủ yếu theo các quy định pháp luật chung, chưa có các hướng dẫn hoặc quy định đặc thù theo cơ chế, chính sách đặc thù nên gây nhiều khó khăn cho việc triển khai công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn Thành phố.

Thứ bảy, việc tuyển dụng, đãi ngộ nhân tài cho Thành phố chưa được quy định thành chế định riêng biệt (chỉ mới là ưu tiên về chế độ, chính sách cho một số vị trí trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc quy định về số lượng cán bộ, công chức ở một số đơn vị hành chính) nên thực tế Thành phố chưa thể thu hút nhân tài để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH157

4. Các giải pháp thực hiện hiệu quả các nghị quyết

Một là, Quốc hội cần xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm tiếp theo (2024, 2025, 2026…). Dự thảo sửa đổi các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) có liên quan đến thẩm quyền của chính quyền đô thị, như: chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ theo hướng mở “trừ trường hợp thẩm quyền của UBND các cấp theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị…” để dễ áp dụng trên thực tế, tương đồng với cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Dự thảo Đề án xây dựng Luật Tổ chức chính quyền đô thị với điểm nhấn quan trọng là có thể xây dựng mô hình Hội đồng thành phố – thị trưởng thay thế mô hình HĐND và UBND đối với chính quyền đô thị.

Dự thảo sửa đổi Luật Tố tụng hành chính với nội dung mới: khởi kiện vụ án hành chính đối với tất cả quyết định hành chính, hành vi hành chính, thay thế Luật Khiếu nại năm 2011 (không còn việc khiếu nại).

Dự thảo Luật Chuyển đổi số vì các lý do: (1) Trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phải xây dựng thành công Chính phủ số để phục vụ Nhân dân; (2) Mô hình chính quyền đô thị phải có hành lang pháp lý quy định phù hợp để giản tiện thủ tục hành chính, giảm tải dịch vụ công, xóa bỏ khoảng cách địa lý (thành phố Thủ Đức rộng, người dân đi đến các cơ quan nhà nước rất xa, giao thông khó khăn…).

Hai là, trên tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW, Chính phủ cần có tổng kết Nghị định số33/2021/NĐ-CP, trong đó phân tích những “điểm vênh” với pháp luật chuyên ngành, với Nghị quyết số 98/2023/QH15 để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; chỉ đạo các bộ, ngành tích cực phối hợp với Thành phố triển khai thực hiện các đề án có liên quan; căn cứ đề xuất cụ thể của Thành phố trên từng nội dung, lĩnh vực, Chính phủ xem xét, sớm điều chỉnh hoặc ban hành nghị định có liên quan8 theo hướng giao Thành phố chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn của Thành phố trên cơ sở hành lang pháp lý của Nghị quyết số 98/2023/QH15

Ba là, Thành phố cần tập trung thời gian để rà soát, xây dựng các quy định, quy chế về cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 98/2023/QH15,  như: cách thức huy động vốn, thu hút nguồn lực, đầu tư và triển khai các dự án theo TOD, cơ chế vận hành các nguồn vốn…, để triển khai đồng bộ với mô hình chính quyền đô thị Thành phố. 

Bốn là, với cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Hồ Chí Minh từ bài học kinh nghiệm sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, theo tinh thần của Nghị quyết số 31-NQ/TW và lộ trình của quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, cần chủ động đề xuất: (1) Thử nghiệm mô hình Thị trưởng – Hội đồng Thành phố; (2) Cách thức tạo ra cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác kiểm tra, giám sát; (3) Xây dựng chế định riêng về cơ chế tuyển dụng, thu hút nhân tài cho mô hình chính quyền đô thị Thành phố; (4) Phạm vi, thẩm quyền của cơ chế, chính sách đặc thù (giá trị về hiệu lực, hiệu quả của cơ chế, theo hướng luật hóa cơ chế, chính sách mới, vượt trội) để có đủ hành lang pháp lý phát triển Thành phố thời gian tới. 

5. Kết luận

Qua bước đầu triển khai, mặc dù còn gặp những khó khăn, thách thức song với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo từ trung ương đến Thành phố, sự quyết tâm, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, sự nỗ lực và đồng thuận của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân Thành phố, tin tưởng rằng quá trình triển khai Nghị quyết số 31-NQ/TW và các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 98/2023/QH15, Thành phố sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích, khắc phục được khó khăn, vượt qua thách thức, bảo đảm đúng quy trình, tiến độ và mang lại hiệu quả cao nhất cho tiến trình xây dựng và phát triển Thành phố, bảo đảm tiêu chí “Thành phố vì cả nước, cùng cả nước”.

Chú thích:
1. Thành phố Hồ Chí Minh dồn lực thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. https://nhandan.vn, ngày 10/7/2023.
2. Giữ nguyên 5 phòng: Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Thanh tra, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường; tổ chức lại và đổi tên 5 cơ quan chuyên môn: Phòng Tài chính, Phòng Kinh tế – Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Phòng Khoa học – Công nghệ và Thông tin, Phòng Quy hoạch – Xây dựng. Thành lập 3 tổ chức hành chính mới trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức: Phòng Giao thông công chính; Thanh tra Xây dựng; Trung tâm Hành chính công; thành lập 3 đơn vị sự nghiệp công: Trung tâm An sinh, Trung tâm Xúc tiến thương mại – đầu tư, Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng.
3. Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức đã quyết định thành lập Ban Đô thị.
4. Xem thêm: Luật Đầu tư bằng hình thức hợp tác công tư (PPP), Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý tài sản công…
5. Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội; Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14) cho phép thành lập thành phố Thủ Đức; Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội.
6. Điểm b khoản 5 Điều 14 Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
7. Khoản 2, Điều 9 Nghị quyết số 98/2023/QH15 chỉ quy định tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Điều 9 chỉ quy định về việc quyết định số lượng đội ngũ cán bộ, công chức mà chưa nói đến chế độ, chính sách thu hút nhân tài cho Thành phố.
8. Chính phủ thời gian tới có trách nhiệm ban hành Nghị định hướng dẫn quy định tại điểm d khoản 5 Điều 4; điểm a điểm b khoản 1 Điều 8 và khoản 3 Điều 9 của Nghị quyết số 98/2023/QH15.
9. Nghiên cứu mô hình Thị trưởng của một số nước và giá trị tham khảo đối với Việt Nam. https://moha.gov.vn, ngày 21/12/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (2020). Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.
2. Chỉ thị số 27-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực nhiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
4. Luật Đất đai năm  2013.
5. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
6. Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 10/7/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
8.  Quyết định số 2856/QĐ-UBND ngày 11/7/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.