Hội đồng giáo dục nghề nghiệp: mô hình liên kết hữu cơ giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp – thực tiễn tại Thừa Thiên Huế 

ThS. Nguyễn Hữu Phước
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế
TS. Hoàng Bảo Hùng
Trường Cao đẳng Huế
ThS. Nguyễn Đình Quý
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực miền Trung

(Quanlynhanuoc.vn) – Mô hình Hội đồng giáo dục  nghề nghiệp cấp tỉnh ra đời được kỳ vọng là “lời giải” cho bài toán tuyển sinh – tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Hội đồng đóng vai trò là cầu nối liên kết giữa Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp cũng như các bên liên quan để có được những tham mưu chất lượng cho việc triển khai chiến lược, chính sách, chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp và nguồn nhân lực có tay nghề cao, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Từ khóa: Giáo dục nghề nghiệp; Hội đồng giáo dục nghề nghiệp; mô hình liên kết hữu cơ; Nhà nước; doanh nghiệp; nhà trường.

1. Thực tiễn hoạt động liên kết trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Thừa Thiên Huế được định hướng phát triển là trung tâm giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của quốc gia và khu vực theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đến nay, chất lượng lao động có việc làm, đặc biệt là lao động có tay nghề, trình độ cao trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với những lợi thế của địa phương trong công tác đào tạo cũng như tương hợp với kỳ vọng của tỉnh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng khả năng thu hút, xúc tiến đầu tư trên địa bàn. 

Những năm gần đây, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạt 22,7%, gần bằng mức trung bình chung của cả nước (23,03%), cũng chỉ tương đương với các tỉnh lân cận là Quảng Bình (21,7%), Quảng Trị (23%) và thấp hơn nhiều so với thành phố Đà Nẵng (44,6%)1.

Kết quả đánh giá năm 2022 của VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) miền Trung – Tây Nguyên, chỉ số đào tạo lao động của Thừa Thiên Huế đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố và kết quả điểm số PCI của tỉnh xếp thứ 6/63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo VCCI miền Trung – Tây Nguyên, so với năm trước đào tạo lao động là một trong 5 chỉ số thành phần PCI của tỉnh giảm cả về điểm và vị thứ; tỷ lệ “lao động tại địa phương đáp ứng hoàn toàn/phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp” cũng giảm từ 55% xuống còn 41%. Ngoài ra, trong công tác tuyển dụng lao động tại doanh nghiệp, chỉ có 61% doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng lao động phổ thông tại tỉnh là dễ dàng (giảm 10% so với năm 2021); tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật dễ dàng là 31% (giảm 10% so với năm 2021).

Trước thực trạng về cung – cầu lao động, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay đòi hỏi cần cơ chế gắn kết giữa nhà quản lý, nhà trường và doanh nghiệp trong triển giáo dục nghề nghiệp; giữa nhà cung cấp và thị trường lao động; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vai trò, lợi ích, quyền và trách nhiệm của các bên trong phát triển giáo dục nghề nghiệp giúp đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh cho tỉnh trong tình hình mới.

2. Sự cần thiết có cơ chế nhằm gắn kết các bên liên quan trong phát triển giáo dục nghề nghiệptại Thừa Thiên Huế

Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở bốn trụ cột là: văn hóa  du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ (nhất là chú trọng đến vai trò chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong cách mạng công nghiệp hiện nay). Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động tại Thừa Thiên Huế qua đào tạo đạt 70 – 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30 – 35%.

Thừa Thiên Huế đã xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành kinh tế mũi nhọn cần tập trung như: văn hóa du lịch, nghệ thuật, bảo tồn di sản, thể thao; y tế chất lượng cao; khoa học -công nghệ; công nghệ thông tin; giáo viên, giảng viên tại các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông; cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa hoàn thiện, còn thiếu cơ chế, chính sách gắn kết nhà trường và doanh nghiệp; thông tin về nhu cầu đào tạo, việc làm, tuyển dụng, sử dụng lao động chưa đầy đủ và hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được đầu tư đúng mức; hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao, doanh nghiệp thiếu thông tin về cơ chế, chính sách đào tạo nghề; các chương trình hợp tác đã ký kết nhưng chưa phát huy hiệu quả. Doanh nghiệp gặp khó khăn đáng kể trong việc tuyển dụng lao động có trình độ đắp ứng được sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, trong đó có cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số hay chuyển dịch năng lượng… 

Việc thiếu hụt thông tin thị trường lao động chính xác và tin cậy là một nguyên nhân chính dẫn đến việc các cơ sởgiáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đào tạo sát với nhu cầu doanh. Cùng với đó là việc phân cấp quản lý đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhiều đầu mối chủ quản như: đoàn thể, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, UBND cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội…, gây ra khó khăn trong việc thực hiện sắp xếp và đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp được xây dựng dựa trên kinh nghiệm quốc tế và trong nước được gọi là mô hình “Hội đồng kỹ năng”. Tại Việt Nam, một số văn bản luật đã nhắc đến mô hình này. 

Lần đầu tiên “Hội đồng kỹ năng nghề” được đưa vào trong văn bản quy phạm pháp luật là Bộ luật Lao động năm 2019 tại mục 2 khoản b Điều 59 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề. Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới cũng đã giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, thí điểm thành lập Hội đồng kỹ năng ngành hoặc nghề. Cùng với đó là Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó một trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là “Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động”. 

Trong thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều công tác thiết thực trong triển khai các hoạt động để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký kết chương trình phối hợp trong hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với Bộ Giáo dục Đan Mạch triển khai Dự án Hỗ trợ kỹ thuật giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam để thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành địa phương theo mô hình đào tạo của Đan Mạch tại 16 trường cao đẳng tham gia Dự án (chia thành 2 giai đoạn); phối hợp với Bộ Hợp tác Kinh tế và phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) triển khai Chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” (TVET) nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho cơ chế Hội đồng kỹ năng các cấp cùng phối hợp. Thông qua các hoạt động cùng kinh nghiệm chia sẻ đến từ các đơn vị chuyên môn, nhận thức, sự ủng hộ và sự tham gia của các doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức ngành, chính quyền địa phương và đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho mô hình hội đồng kỹ năng  từng bước được phát huy vai trò, góp phần tạo dựng hiệu ứng cũng như giá trị kết nối trong quá trình triển khai thực tiễn.

Ở quy mô địa phương, với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức GIZ cùng với Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã được thành lập theo Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 17/01/2023 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc thành lập Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Trong một năm hoạt động mô hình cho thấy, tính hiệu quả trong việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và các bên liên quan trong giáo dục nghề nghiệp. Kế hoạch hoạt động của hội đồng cũng như các tiểu ban cho các lĩnh vực ưu tiên trọng điểm đã được xây dựng dựa trên sự đồng thuận của các bên. Các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế đã được tổ chức. Dự kiến các hoạt động nghiên cứu dự báo nhu cầu kỹ năng và năng lực đào tạo cho các ngành trọng điểm sẽ được đưa vào kế hoạch.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới”. Hoạt động nhận được hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) và trường đối tác Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Mô hình Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp đã được giới thiệu chi tiết và cụ thể như một giải pháp nhằm nâng tầm kỹ năng trên địa bàn tỉnh. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn đến từ các chuyên gia cùng nhiều khuyến nghị liên quan đến công tác truyền thông, đặc biệt là sự cần thiết của việc hình thành Hội đồng giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh nhằm tạo mô hình liên kết hữu cơ giữa Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, Hội đồng giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động để tư vấn cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc tổ chức các hoạt động và tham mưu cho UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh về về xây dựng và triển khai chiến lược, chính sách giáo dục nghề nghiệp nhằm thúc đẩy tăng cường gắn kết mối quan hệ Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Với vai trò là đơn vị gắn kết giữa “Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp”, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp sẽ bảo đảm các chương trình đào tạo được thiết kế với sự chuyên sâu và linh hoạt, dựa trên  sự chia sẻ từ doanh nghiệp về nhu cầu thực tế, khả năng đào tạo của nhà trường và mức độ sẵn sàng đáp ứng của sinh viên, học viên.

Hội đồng giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh góp phần quan trọng trong việc đào tạo và phát triển chương trình học phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Hội đồng với vai trò là cầu nối, cung cấp thông tin và dữ liệu chính xác về thị trường lao động qua đó doanh nghiệp có thể tham gia và đóng góp cho việc xây dựng các chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu, đánh giá và tuyển dụng lực lượng lao động chất lượng cao, tạo ra môi trường thuận lợi, hiệu quả khích lệ hợp tác với nhiều bên đặc biệt với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đẩy mạnh các giải pháp đào tạo và phát triển kỹ năng.

Những vấn đề chính mà Hội đồng giáo dục nghề nghiệp có thể giải quyết, đó là hiểu được nhu cầu kỹ năng trong tương lai, đồng thời, giải quyết những lỗ hổng và thiếu hụt kỹ năng. Từ đó, Hội đồng sẽ cung cấp cho các bên liên quan đến giáo dục nghề nghiệp các thông tin về cơ chế, chính sách, năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các cơ quan, doanh nghiệp, dự báo kỹ năng nghề đối với các ngành kinh tế trọng điểm để định hướng cho việc đào tạo và sử dụng lao động của địa phương nhằm đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về thị trường lao động, chẳng hạn như: tự động hóa, chuyển đổi số, xanh hóa… 

Việc thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp là một công tác quan trọng, làm nổi bật cam kết của cộng đồng giáo dục đối với sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành nghề nghiệp, từng bước đưa người học tiến vào thời kỳ mới của nền giáo dục chất lượng và đảm bảo về mặt đáp ứng tiêu chuẩn nguồn lao động.

4. Khuyến nghị

Trong bối cảnh hiện nay, việc thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh càng trở nên bức thiết, là bước tiến đáng kể để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng đúng với đòi hỏi của thị trường lao động. Việc gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước – Nhà trường – nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp là hướng đi tất yếu để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quan tâm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình gắn kết này, tạo đà cho giáo dục nghề nghiệp bứt phá. Có thể xem xét đến các vấn đề cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, cụ thể là:

Thứ nhất, tạo sự kết nối giữa Nhà nước, Nhà trường và doanh nghiệp một cách chính thống thông qua Hội đồng giáo dục nghề nghiệp, đây là chìa khóa để xây dựng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Cam kết và hợp tác chặt chẽ từ tất cả các bên là vô cùng quan trọng để đạt được mục tiêu sau cùng là nâng cao tỷ lệ người có việc làm và chất lượng lao động ngày càng đáp ứng được nhu cầu của hầu hết các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ hai, nghiên cứu lựa chọn các nhóm lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh một cách khoa học và có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chú ý phát triển nhóm lĩnh vực về phát triển công nghệ “xanh” theo định hướng của tỉnh.

Thứ ba, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín đào tạo trên địa bàn tỉnh để đề xuất các nhóm nghiên cứu xây dựng mã ngành, chương trình, hình thức đào tạo tiên tiến để hướng đến việc hình thành trung tâm đào tạo nghề bậc cao cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, tạo đà cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh, phân luồng và tìm kiếm thị trường nhân lực đầu ra cho các doanh nghiệp.

Chú thích:
1, 2. Quyết định số 1071/QĐ-UBND ngày 11/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”, tr. 7.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Lao động năm 2019.
2. Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
3. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
4. Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

5. Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.