Kinh nghiệm quản lý tài sản công tại Quốc hội của một số nước – những gợi mở cho Việt Nam

ThS. Lương Thị Thu Hà
Văn phòng Quốc hội

(Quanlynhanuoc.vn) – Tài sản công tại Quốc hội là một bộ phận của tài sản công quốc gia, được quản lý, sử dụng nhằm phục vụ hoạt động của Quốc hội. Việc tham khảo, áp dụng kinh nghiệm quản lý tài sản công tại Quốc hội của một số nước sẽ là những gợi mở để Việt Nam nâng cao hiệu suất quản lý và tận dụng tối đa các nguồn lực quốc gia, đặc biệt giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công tại Quốc hội.

Từ khóa: Tài sản công; quản lý; Quốc hội; kinh nghiệm quốc tế.

1. Kinh nghiệm quản lý tài sản công tại Quốc hội một số nước 

1.1. Quản lý tài sản công tại Canada

Năm 1993, Ủy ban Tài chính quốc gia đã thông qua chính sách quản lý tài sản của Chính phủ, đặt mục tiêu quản lý tài sản công phải bảo đảm tối đa hóa lợi thế kinh tế trong dài hạn. Từ năm 1995, Canada đổi mới công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, phương tiện vận tải theo hướng không giao cho các cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý tài sản công, mà thành lập đơn vị chuyên quản lý tài sản, đó là Công ty bất động sản Quebec – doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Chính phủ thực hiện quản lý toàn bộ nhà đất, văn phòng chuyên dùng.

Cơ quan nhà nước thuê trụ sở làm việc, phương tiện đi lại theo tiêu chuẩn định mức hoặc sử dụng theo nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng mục đích, dựa trên hợp đồng thuê tài sản. Khi các cơ quan này có nhu cầu thay đổi hoặc hết nhu cầu sử dụng thì ký lại hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng thuê tài sản. Đối với các loại máy móc, trang thiết bị, dụng cụ làm việc, có bộ phận chuyên trách mua sắm tài sản cho các cơ quan theo định kỳ 3 năm/lần. Việc mua sắm xuất phát từ đề nghị của cơ quan quản lý, sử dụng và phải được Bộ Tài chính thẩm định, cho ý kiến. Các đơn vị được giao tài sản công có trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng và sử dụng theo tiêu chuẩn định mức. Việc bán tài sản và thanh lý tài sản công do các đơn vị quản lý sử dụng tài sản đề nghị với bộ phận chuyên trách mua sắm tài sản xem xét và ra quyết định (Phạm Thị Phương Hoa, 2016; Nguyễn Thị Hồng Gấm, 2016; Tưởng Quốc Công, 2021). 

Quản lý tài sản công tại Quốc hội: Quốc hội Canada có toàn quyền quyết định đối với các vấn đề liên quan đến Tòa nhà Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện cùng nắm quyền kiểm soát, quản lý. Do Tòa nhà Quốc hội Canada vừa là nơi làm việc của Nghị viện và Hạ viện, vừa là di sản quốc gia, nên Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch dài hạn để vừa bảo tồn Tòa nhà, vừa nâng cấp, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Thượng viện và Hạ viện. Kế hoạch này được thực hiện thông qua các chương trình cụ thể 5 năm và do Cơ quan Công trình và dịch vụ công cộng Chính phủ Canada (PWGSC) chủ trì. Các sự kiện đông người muốn được tổ chức tại khu vực công cộng trên Đồi Quốc hội phải có sự cho phép của Ủy ban Quản lý Đồi Quốc hội. Ủy ban này gồm các đại diện của Thượng viện, Hạ viện, Bộ phận an ninh Quốc hội (PPS), Cảnh sát hoàng gia Canada (RCMP), Ủy ban Thủ đô quốc gia (NCC), Văn phòng Hội đồng cơ mật và Cơ quan PWGSC1

Sử dụng tài sản công của nghị sĩ: nghị sĩ không được bố trí xe công mà được thanh toán 30.240 đôla Canada/năm tiền chi phí đi lại, ăn nghỉ và các khoản chi khác để thực hiện nhiệm vụ; được thanh toán bổ sung tối đa 3% chi phí văn phòng…  Ngoài ra, chi phí văn phòng được bổ sung đối với các nghị sĩ ở khu vực bầu cử rộng, số cử tri đông theo các mức diện tích và số cử tri khác nhau, hoặc các khu vực ứng cử đặc biệt như các địa hạt ngoài lãnh thổ. Nghị sĩ Canada không có nhà ở trong khu vực Thủ đô sẽ được nhận trợ cấp về nhà ở tạm thời thứ hai để thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, ngoài lương, nghị sĩ được nhận một mức cố định là 358.200 đôla Canada/năm để trang trải cho các khoản lương nhân viên giúp việc, hợp đồng dịch vụ, liên hệ với khu vực bầu cử, đi lại và các khoản chi phí khác có liên quan2.

1.2. Quản lý tài sản công tại Australia

Chính phủ Australia đề ra nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công phải bảo đảm hiệu quả, hữu ích, trách nhiệm giải trình và đạo đức. Việc đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công do đơn vị sử dụng ngân sách tự quyết định, nhưng đối với tài sản công có giá trị từ 10 triệu đô la Australia trở lên hay nhà đất thì phải được cơ quan tài chính thẩm định và do các tổ chức dịch vụ mua sắm chuyên nghiệp tiến hành. Việc thanh lý tài sản công cũng áp dụng tương tự như trên, được đấu giá công khai thông qua tổ chức dịch vụ thanh lý chuyên nghiệp, kết quả thanh lý được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Số tiền thu được sẽ nộp ngân sách nhà nước hoặc tùy theo thỏa thuận giữa đơn vị với Bộ Tài chính, đơn vị có thể được giữ lại toàn bộ hoặc một phần để tái đầu tư tài sản. 

Quản lý tài sản công tại Quốc hội: Tòa nhà Quốc hội Australia khánh thành năm 1988, có chức năng hiện đại, với chi phí xây dựng khoảng 1,1 tỷ đô la Australia và tuổi thọ dự kiến 200 năm. Việc quản lý Tòa nhà khá phức tạp, với khuôn viên rộng 35 ha, tổng diện tích sàn 250.000 mét vuông, khoảng 4.500 phòng, khu vực công cộng, cửa hàng bán lẻ trên bốn tầng và 32 ha không gian mở có cảnh quan. Tòa nhà Quốc hội có hơn 100.000 tài sản các loại và một số di sản có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa. Chức năng chính của Tòa nhà là nơi làm việc và nghị sự của Quốc hội Australia, nhưng cũng được sử dụng để tổ chức các nghi lễ cấp quốc gia, các sự kiện chính trị và xã hội khác, mở cửa cho công chúng tham quan. Việc quản lý tài sản công tại Quốc hội Australia do Ban Dịch vụ Nghị viện thuộc Quốc hội liên bang (DPS) đảm nhiệm. Ban được điều hành đồng thời bởi Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện. Tổng Thư ký Quốc hội chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện về hoạt động của Ban. 

Quốc hội Australia đặt kế hoạch luôn duy trì tiêu chuẩn của Tòa nhà ở mức 90% so với lúc mới khánh thành; theo đó, trong 20 năm sử dụng đầu tiên, Tòa nhà không cần tiến hành các sửa chữa, thay đổi kỹ thuật lớn, sau khoảng 20 – 30 năm sử dụng, Tòa nhà sẽ cần tiến hành duy tu, bảo trì, sửa chữa lớn với mức kinh phí đáng kể. Để quản lý Tòa nhà Quốc hội và các tài sản công, DPS triển khai theo quy trình: lập kế hoạch mua sắm và thay thế tài sản; vận hành và bảo trì; theo dõi và báo cáo tình trạng tài sản. DPS ký nhiều hợp đồng dịch vụ với các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài để vận hành, bảo trì Tòa nhà Quốc hội. Cụ thể, trong năm tài chính 2013 – 2014, DPS quản lý khoảng 190 hợp đồng, chi khoảng 62,8 triệu đôla cho các hoạt động bảo trì, cải tạo và nâng cấp tòa nhà; bảo vệ; viễn thông và tiện ích; dịch vụ vệ sinh…; đồng thời, DPS cũng cấp phép cho một số nhà cung cấp dịch vụ được hoạt động trong không gian Tòa nhà Quốc hội, như: dịch vụ ăn uống, ngân hàng và bưu chính, chăm sóc trẻ em và vật lý trị liệu…

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán chỉ ra một số tồn tại trong quản lý Tòa nhà Quốc hội và tài sản công tại Quốc hội Australia, như: do số lượng hợp đồng DPS ký kết quá lớn, việc thực hiện các hợp đồng chưa bảo đảm thống nhất trong toàn hệ thống; tài liệu hướng dẫn về việc ký kết và theo dõi triển khai các hợp đồng chưa được cập nhật theo tình hình mới; nhân viên chưa được đào tạo đầy đủ; việc lưu giữ hồ sơ kém; chưa có đủ cơ chế giám sát việc thực hiện hợp đồng... Bên cạnh đó, một số tài sản chưa được đăng ký vào Cơ sở dữ liệu tài sản tại Tòa nhà Quốc hội, nên chưa được quản lý phù hợp3.

Sử dụng tài sản công của nghị sĩ: ngoài lương, các thượng nghị sĩ được nhận phụ cấp hoạt động 32.000 đôla Australia, hạ nghị sĩ nhận phụ cấp tính trên diện tích của khu vực bầu cử tương ứng (dưới 2.000 km2 là 32.000 đôla/năm; từ 2.000km2 đến 4.999 km2 là 38.000 đôla/năm; từ 5.000km2 là 46.000 đôla/năm). Nếu nghị sĩ không sử dụng xe công thì nhận thêm khoản phụ cấp 19.500 đôla/năm cho việc di chuyển giữa Thủ đô và khu vực bầu cử. Nghị sĩ còn được nhận các chi phí khác, như: tiền thuê văn phòng tại đơn vị bầu cử; trang thiết bị văn phòng; các dịch vụ bưu chính và chuyển phát thư; chi phí trang bị điện thoại bàn… Các quy định về chế độ chi tiêu cho nghị sĩ nói riêng và các chức vụ cao cấp trong bộ máy nhà nước được đăng tải trên website của Quốc hội và của các cơ quan nhà nước Australia. DPS và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định về chế độ, chính sách đối với nghị sĩ4.   

1.3. Quản lý tài sản công tại Vương quốc Anh

Chính phủ Anh đã thành lập Cơ quan Dịch vụ mua sắm công trực thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu, đề xuất giải pháp và tổ chức thực hiện nhằm quản lý, nâng cao hiệu quả mua sắm và tiết kiệm chi phí mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ nguồn ngân sách nhà nước. Cơ quan có khoảng 400 nhân viên, trong đó khoảng 80% là các chuyên gia mua sắm tài sản, đặt trụ sở chính tại thành phố Liverpool và 4 chi nhánh trải rộng khắp nước Anh. Trong 2 năm 2012 và 2013, Cơ quan đã thực hiện mua sắm tài sản công tập trung với giá trị là 24 tỷ bảng Anh, tiết kiệm được 3,6 tỷ bảng Anh. Năm 2012, tiết kiệm được 1,2 tỷ bảng Anh, tỷ lệ tiết kiệm/tổng giá trị mua sắm đạt 11%; năm 2013, tiết kiệm được khoảng 2,4 tỷ bảng Anh, đạt 18% (Phạm Thị Phương Hoa, 2016; Nguyễn Thị Hồng Gấm, 2016;Tưởng Quốc Công, 2021).

Về quản lý tài sản công tại Quốc hội: Cung điện Westminster là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, là trụ sở của Thượng viện và Hạ viện Anh, nơi làm việc của hơn 3.000 nhân viên. Năm 1992, Quốc hội Anh thông qua một đạo luật chuyển quyền quản lý Cung điện Westminster và một số tòa nhà khác của Quốc hội từ một cơ quan thuộc Chính phủ sang Thượng viện và Hạ viện. Lưỡng viện thành lập các cơ quan trực thuộc để thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành và duy tu, bảo dưỡng, xây mới các tòa nhà; giao các Ủy ban khác giám sát hoạt động này. Theo đó, Ủy ban Hạ viện chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện các dịch vụ của Hạ viện, bao gồm việc bảo trì Cung điện Westminster và phần còn lại của Khu vực Nghị viện. Ủy ban họp khoảng một tháng một lần và giao quyền quản lý các hoạt động hàng ngày cho Ban điều hành. Người đứng đầu Ban điều hành là Tổng Thư ký Hạ viện, có trách nhiệm ký kết các hợp đồng và nắm giữ quyền quản lý toàn bộ tài sản của Hạ viện. Cục Thương mại nghị viện (PCD) chịu trách nhiệm mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho cả Thượng viện và Hạ viện. Ở Quốc hội Anh, Đơn vị Dịch vụ Thương mại và Mua sắm Quốc hội (PPCS) có trách nhiệm thiết lập quy trình và hướng dẫn quản lý hợp đồng trong toàn Quốc hội; Giám đốc Tài chính của Thượng viện, Hạ viện có quyền sửa đổi tài liệu này. 

Hiện nay, việc quản lý tài sản công tại Quốc hội Anh đang đối mặt với thách thức rất lớn liên quan đến trụ sở làm việc. Tòa nhà là Di sản Thế giới được xây dựng từ rất lâu và đang xuống cấp nghiêm trọng, chưa có phương án khôi phục. 

Sử dụng tài sản công của nghị sĩ: ngoài lương, nghị sĩ được nhận phụ cấp và các chi phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, trong đó tiền thuê văn phòng ở đơn vị bầu cử tối đa là 26.100 bảng/năm ở London và 23.450 bảng/năm ở khu vực khác. Từ sau vụ bê bối tài chính năm 2009, Cơ quan độc lập về quy chuẩn nghị viện (IPSA) được thành lập với chức năng tham mưu cho Nghị viện, xác định, hướng dẫn định mức và thực hiện chi trả các khoản chi phí đối với nghị sĩ. Các nghị sĩ có quyền yêu cầu IPSA thanh toán lương và các khoản chi phí theo hóa đơn để hoạt động theo quy định. Số liệu chi phí cho từng cá nhân nghị sĩ cùng các chứng từ có liên quan được công khai trên website của Quốc hội. Cử tri có thể trực tiếp giám sát mức chi tiêu tài chính của từng nghị sĩ, nhất là nghị sĩ đại diện ở khu vực bầu cử5.   

1.4. Quản lý tài sản công tại Hoa Kỳ

Theo Luật Tài sản liên bang và Dịch vụ hành chính năm 1949, Cơ quan Dịch vụ công (GSA) trực thuộc Chính phủ Liên bang Mỹ được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 cơ quan: Cục Công trình, Cục Quản lý kiến trúc công cộng, Bộ Tài chính thuộc Cục Cung ứng liên bang và Văn phòng giải quyết tranh luận hợp đồng. GSA đại diện cho Chính phủ liên bang thực hiện quản lý tập trung tài sản do Chính phủ liên bang sở hữu, cung ứng cho các cơ quan thuộc Chính phủ Liên bang về dịch vụ nhà, trụ sở làm việc, văn phòng phẩm, xe ô tô, thiết bị làm việc… Tuy nhiên, các cơ quan thuộc Chính phủ Liên bang không bắt buộc phải mua dịch vụ từ phía GSA, mà có thể lựa chọn mua sản phẩm và dịch vụ từ các cơ quan thương mại khác. Tính đến năm 2015, tài sản do GSA quản lý lên tới 500 tỷ đôla Mỹ (bao gồm tài sản tại 8.600 trụ sở do Chính phủ liên bang sở hữu hoặc cho thuê, 208.000 phương tiện vận chuyển, 425 địa điểm là di tích lịch sử). Ngân sách hoạt động hằng năm của GSA lên tới 24 tỷ đô la Mỹ, gồm cả ngân sách xây mới, mua sắm, sửa chữa tài sản, nhưng trong đó chỉ có khoảng 1,9% ngân sách từ Chính phủ liên bang cấp sau khi Quốc hội phê chuẩn, còn lại là số tiền thu được từ các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho cơ quan thuộc Chính phủ liên bang. 

Đối với tài sản là nhà, đất của Chính phủ liên bang, GSA có quyền sở hữu và quản lý việc sửa chữa, duy tu tài sản. Căn cứ dự toán ngân sách được Quốc hội phê chuẩn và nhu cầu sử dụng, các cơ quan thuộc Chính phủ ký hợp đồng sử dụng tài sản nhà đất với GSA, xác định thời gian, số tiền thuê, thời hạn trả tiền thuê (tiền thuê bao gồm phí sử dụng, phí quản lý tu sửa và thường thấp hơn so với giá thị trường). Đối với những tài sản khác, như: xe ô tô, máy tính, máy photo…, cơ quan sử dụng tài sản lập dự toán mua sắm, trang bị trong tổng dự toán hoạt động của mình và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, GSA thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức mua sắm tập trung, giá mua thường thấp hơn so với giá thị trường từ 20% – 30%, do đó, sẽ bảo đảm tiết kiệm ngân sách mua tài sản.Việc xử lý tài sản nhà, đất và xe ô tô cũng do GSA phụ trách, xe ô tô đến thời hạn thanh lý sẽ được GSA thực hiện ủy thác bán đấu giá, số tiền thu được nộp vào ngân sách nhà nước. Trên phương diện dịch vụ mua bán, duy tu, xử lý tài sản, Chính phủ liên bang Mỹ đã đưa ra một cơ chế cạnh tranh thị trường, thúc đẩy GSA cải thiện dịch vụ quản lý tài sản của mình (Phạm Thị Phương Hoa, 2016;Nguyễn Thị Hồng Gấm, 2016; Tưởng Quốc Công, 2021).

Sử dụng tài sản công của nghị sĩ: mỗi thượng nghị sĩ được sở hữu một văn phòng của tiểu bang tại Tòa nhà Quốc hội thuộc sở hữu liên bang đặt ở các bang. Trường hợp không có văn phòng thích hợp, nghị sĩ có thể được thuê văn phòng ở địa điểm khác, nhưng giá thuê không vượt quá quy định của GSA. Các nghị sĩ được hưởng trợ cấp hằng năm để trang trải các chi phí liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Cụ thể, chi phí cho hạ nghị sĩ dao động từ 1.251.177 – 1.433.709 đôla Mỹ/năm, chi phí cho thượng nghị sĩ khoảng từ 3.192.760 – 5.052.317 đôla Mỹ/nghị sĩ/năm6. Tất cả các chi phí cho các nghị sĩ được công bố công khai trên ấn phẩm của Hạ viện xuất bản định kỳ hằng quý và đăng tải trên website của Hạ viện; chi phí cho Thượng nghị sĩ được công bố công khai trong báo cáo định kỳ 6 tháng và hằng năm, được đăng tải công khai trên Website của Thượng viện. 

1.5. Tại Nhật Bản

Về quản lý tài sản côngNhật Bản ban hành Luật Tự chủ địa phương quy định chính quyền địa phương gồm hai cấp: cấp tỉnh và cấp hạt, theo đó, cấp cơ sở và cấp trung gian giữa cơ sở với trung ương có quyền tự quyết các chính sách công theo sáng kiến riêng một cách tương đối tự do. Tuy nhiên, cả chính quyền trung ương và địa phương đều có xu hướng giảm chế độ mua sắm, trang bị tài sản cho các cơ quan nhà nước mà chuyển sang hình thức thuê tài sản.

Đối với tài sản là trụ sở làm việc, tại trung ương, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện tập trung (Bộ Xây dựng quản lý việc đấu thầu xây dựng), sau khi xây dựng xong thì các bộ, ngành được giao quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa (trường hợp sửa chữa lớn phải thông qua Bộ Xây dựng).

Đối với tài sản là phương tiện đi lại, tại trung ương, áp dụng cơ chế mua sắm phân tán trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước ban hành. Các bộ, ngành tự mua sắm xe ô tô, nhưng nếu không tuân thủ đúng quy định về mua sắm thì cơ quan tài chính sẽ không thanh toán. Hiện nay, Chính phủ có xu hướng giảm dần việc trang bị xe ô tô công, hạn chế tiêu chuẩn, định mức, không cho phép các đơn vị tự mua xe để dần chuyển sang cơ chế thuê, thuê mua phương tiện.

Đối với máy móc, thiết bị văn phòng, tại các bộ, ngành trung ương không mua sắm mà thực hiện cơ chế thuê, thời hạn thuê trong 10 năm, bao gồm cả dịch vụ bảo trì, bảo hành, bảo dưỡng trong thời gian thuê. Các bộ, ngành tự tổ chức đấu thầu thuê tài sản là máy móc, thiết bị văn phòng; đối với tài sản là công cụ, dụng cụ tiêu hao như giấy, bút thì áp dụng theo phương thức mua sắm tập trung (Phạm Thị Phương Hoa, 2016; Nguyễn Thị Hồng Gấm, 2016; Tưởng Quốc Công, 2021)..

Sử dụng tài sản công của nghị sĩ: thu nhập trung bình của các nghị sĩ trong năm tài khóa 2008 là 24,82 triệu yên/năm (tương đương khoảng 250.000 đôla Mỹ), trong đó có các loại phụ cấp, chi phí như: dịch vụ đi lại, thuê văn phòng ở Thủ đô và ở khu vực bầu cử, chi phí thuê nhân viên giúp việc, chi phí đào tạo nhân viên, thông tin – liên lạc, phụ cấp dự họp, sinh hoạt phí (do sống xa gia đình), nghỉ dưỡng…7.

2. Những gợi mở cho Việt Nam

Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm quản lý tài sản công tại Quốc hội của một số nước nêu trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm vận dụng trong đổi mới quản lý tài sản công ở Quốc hội Việt Nam, như sau: 

Một là, áp dụng cơ chế quản lý tài sản công đặc biệt đối với Tòa nhà Quốc hội.

Do tính chất đặc thù, việc quản lý Tòa nhà Quốc hội cần áp dụng theo cơ chế quản lý tài sản côngđặc biệt và do một cơ quan thuộc Quốc hội chịu trách nhiệm quản lý. Cần xây dựng kế hoạch rõ ràng về thời gian sử dụng và thời gian bắt đầu duy tu, bảo dưỡng Tòa nhà Quốc hội để bố trí kinh phí thực hiện, cố gắng duy trì, kéo dài tuổi thọ, chức năng của công trình; tổ chức cung cấp dịch vụ tham quan, học tập về hoạt động của Quốc hội tại Nhà Quốc hội… Việt Nam có thể nghiên cứu các kinh nghiệm trên, nhất là tại Quốc hội Australia, bởi Tòa nhà Quốc hội Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng xét cả về tầm vóc, ý nghĩa, vai trò, chức năng nhiều mặt của công trình, cả về quy trình, thủ tục từ đầu tư, xây dựng đến quản lý, vận hành.

Hai là, cải tiến mô hình cơ quan quản lý tài sản công.

Mô hình cơ quan chuyên trách quản lý tài sản công, các tổ chức dịch vụ công đem lại hiệu quả cao hơn về quản lý tài sản công đang được nhiều nước áp dụng. Tại Quốc hội Việt Nam, nên nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế theo hướng chỉ quản lý trực tiếp đối với loại tài sản công đặc biệt là Nhà Quốc hội; đối với các loại tài sản công khác thì áp dụng thuê tài sản, dịch vụ; đối với xe ô tô công thì tách riêng Đoàn xe thuộc Cục Quản trị thành một đơn vị sự nghiệp, chuyên cung cấp dịch vụ xe ô tô công để bố trí phục vụ các đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng xe công. 

Ba là, hoàn thiện cơ chế quản lý tài sản công tại Quốc hội.

Việt Nam cần học tập kinh nghiệm các nước theo hướng tăng dần dịch vụ thuê ngoài các loại tài sản công, như: máy móc, thiết bị văn phòng. Hợp đồng thuê bao gồm cả dịch vụ bảo trì, bảo hành, bảo dưỡng trong thời gian thuê; giao bộ phận có trách nhiệm thực hiện tổ chức đấu thầu thuê tài sản là máy móc, thiết bị văn phòng để phục vụ yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, công chức Văn phòng Quốc hội; đối với tài sản là công cụ, dụng cụ tiêu hao,như giấy, bút thì áp dụng theo phương thức mua sắm tập trung. Tuy nhiên, cần phải lập quy trình và hướng dẫn quản lý các loại hợp đồng cho toàn Quốc hội để bảo đảm chi tiêu công có trách nhiệm và chỉ cho phép thanh toán khi hóa đơn hợp lệ; tăng hiệu suất quản lý các dịch vụ thuê ngoài hoặc cấp phép cho các đơn vị bên ngoài hoạt động trong khuôn viên Nhà Quốc hội; quan tâm vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại và áp dụng kinh nghiệm, phương thức quản lý của khối tư nhân vào việc quản lý tài sản công của Quốc hội; sử dụng cơ chế thị trường để nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công. 

Bốn là, triển khai những đổi mới liên quan đến việc sử dụng tài sản công của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội Việt Nam nên nghiên cứu kinh nghiệm của nghị viện các nước theo hướng chuyển một số chế độ sử dụng tài sản công của đại biểu Quốc hội thành phụ cấp, chi phí hoạt động; góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước trong việc đầu tư, xây dựng, mua sắm trụ sở làm việc, xe ô tô công, trang thiết bị làm việc… đồng thời, cũng góp phần giảm được chi phí nhân công hoặc biên chế đảm nhiệm các công việc lái xe, văn thư, nhân viên quản lý tài sản công. Mặt khác, cần xem xét, đánh giá lại sự cần thiết phải duy trì số lượng xe công lớn với nhiều xe phục vụ chức danh cho đại biểu Quốc hội như hiện nay. Thay vào đó, nên quy định bắt buộc thực hiện cơ chế khoán với người có tiêu chuẩn hưởng chế độ đưa đón có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 (tương đương thứ trưởng) trở xuống. Khi tiến hành cải cách tiền lương, cần nghiên cứu tính toán cơ cấu khoán xe công trong lương phần chi phí cho người được tiêu chuẩn, chế độ theo quy định của Nhà nước và chuyển chi phí khoán xe công thành một loại phụ cấp đi lại của đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, viên chức. Đánh giá thực chất nguyên nhân của việc áp dụng khoán xe công chưa phổ biến, trong đó có mức khoán và đơn giá khoán để có các giải pháp điều chỉnh phù hợp, tạo đột phá trong vấn đề này nhằm tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước liên quan đến xe công.

Năm là, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài sản công, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản công.

Các nước trên thế giới rất chú trọng yêu cầu phải đăng ký tài sản, kê khai, rà soát, kiểm kê tất cả tài sản công thuộc sở hữu của Quốc hội, gắn mã vạch, phân loại tài sản, đánh giá rủi ro đối với từng tài sản, đăng ký bảo hiểm tài sản, từ đó, giúp cho công tác kiểm kê, quản lý và chia sẻ dữ liệu về tài sản dễ dàng, minh bạch hơn; đồng thời, cập nhật đồng bộ và cơ sở dữ liệu tài sản công của quốc gia. Quốc hội Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm ở Quốc hội Australia và Anh, ngoài tài sản công là các trụ sở làm việc, trang thiết bị văn phòng phục vụ công việc thì các loại tài sản có giá trị về văn hóa hoặc được coi là di sản cũng phải được đăng ký vào sổ đăng ký tài sản để theo dõi và cơ quan quản lý có trách nhiệm để bảo quản, duy tu tài sản. Đồng thời, học tập kinh nghiệm Quốc hội Australia, Trinidad và Tobago đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học – công nghệ trong công tác quản lý tài sản công, có các phần mềm chuyên dụng để theo dõi tài sản.

Sáu là, tăng cường công khai, minh bạch và thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với quản lý tài sản công.

Tại cơ quan lập pháp các nước trên thế giới, việc công khai, minh bạch thông tin liên quan là một yêu cầu tất yếu, được Quốc hội và công chúng giám sát chặt chẽ. Tại Quốc hội Việt Nam, nên học tập kinh nghiệm công khai tài sản công và chi phí cho đại biểu Quốc hội trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất, giám sát thường xuyên việc chấp hành pháp luật quản lý tài sản công tại Quốc hội.

Chú thích:

1, 2. Tổng Kiểm toán nhà nước Canada (2010). Chapter 3 – Rehabilitating the Parliament Buildings. https://www.oag-bvg.gc.ca.
3. Tổng Kiểm toán nhà nước Australia (2015), “Managing Assets and Contracts at Parlianment House”. https://www.anao.gov.au/work/performance-audit/managing-assets-and-contracts-parliament-house.
4, 5, 6, 7. Phan Văn Ngọc, Đỗ Thị Ngọc Lan. Chế độ đối với nghị sĩ của một số nước trên thế giới và những giá trị tham khảo cho Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 09 (385), tháng 5/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Bất, Nguyễn Văn Xa. Giáo trình quản lý tài sản công. H. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2017.
2. Tưởng Quốc Công. Kinh nghiệm của một số quốc gia về quản lý tài sản công và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, số 12/2021.
3. Lương Thị Thu Hà. Quản lý, sử dụng Nhà Quốc hội theo cơ chế tài sản công đặc biệt. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 295 (8/2020). 
4. Phạm Thị Phương Hoa. Quản lý và sử dụng tài sản công: Kinh nghiệm các nước và khuyến nghị cho Việt Nam. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính, 2016.
5. Nguyễn Thị Hồng Gấm. Kinh nghiệm của một số quốc gia về quản lý tài sản công và bài học đối với Việt Nam. Tạp chí Quản lý nhà nước, số 243 (4/2016).