Phát triển nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế 

TS. Trần Việt Hưng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội. Nguồn lực văn hóa đã và đang trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Bài viết làm rõ quan điểm của Đảng về phát triển nguồn lực văn hóa, đề xuất một số biện pháp phát triển nguồn lực văn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay. 

Từ khóa: Văn hóa; nguồn lực văn hóa; phát triển; công cuộc đổi mới.

1. Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò to lớn của văn hóa đối với sự phát triển, tồn vong của dân tộc. Người luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hoá mới. Người chỉ dẫn: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”1

Kế thừa và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng địnhvăn hóa là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội. Các chủ trương, chính sách phát triển nguồn lực văn hóa từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

2. Quan điểm của Đảng về phát triển nguồn lực văn hóa

Nguồn lực văn hóa là tổng thể các yếu tố văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc tạo nên sức mạnh cho phát triển kinh tế – xã hội. Nó bao gồm vốn văn hóa trong con người, vốn văn hóa trong các sản phẩm văn hóa, vốn văn hóa được thể chế hóa. Các yếu tố đó có mối quan hệ biện chứng, tác động, điều chỉnh lẫn nhau tạo động lực cho phát triển bền vững đất nước, trong đó yếu tố con người với tư cách là nguồn lực trung tâm giữ vai trò quyết định đối với quá trình phát triển, phát huy sức mạnh của các yếu tố khác. Nguồn lực văn hóa của dân tộc ta đa dạng, phong phú, vừa hữu hình, vừa vô hình, có tác động toàn diện trên nhiều mặt, nhiều bình diện đối với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Do đó, trong những năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước đã từng bước xây dựng, bổ sung, phát triển quan điểm, chính sách phát triển nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. 

Trong nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa – Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội”2, từ đó xác định rõ: “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững”3. Đến Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa… 

Tại Đại hội XII, Đảng tiếp tục khẳng định và đề cao nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, coi đây là vấn đề cơ bản, trọng tâm, cốt lõi nhằm phát huy nguồn lực nội sinh để xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Trong Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị”4.  

Ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục khẳng định, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Trên cơ sở khái quát quan điểm của Đảng, Tổng Bí thư đã chỉ rõ mục tiêu phát triển văn hóa là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân –  thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”5Từ đó, xác định các nhiệm vụ xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc: “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên”6. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong phát triển nguồn lực văn hóa là: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa”7. Đó là những định hướng quan trọng tạo cơ sở để cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức phát triển nguồn lực văn hóa, làm gia tăng và hoàn thiện các yếu tố cấu thành nguồn lực văn hóa, đồng thời khai thác, sử dụng, phát huy nguồn lực văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội trên phạm vi cả nước phù hợp với điều kiện thực tiễn.

3. Một số giải pháp phát triển nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Một là, tập trung phát triển nguồn lực con người.

Con người là chủ thể văn hóa, là sự kết tinh của những giá trị văn hóa. Suy đến cùng nguồn lực văn hóa chính là nguồn lực con người với những hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng, nhiều mặt, nhiều vẻ. Do đó, phải “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”8, đầu tư phát triển nguồn lực con người là đầu tư cho phát triển bền vững, là con đường ngắn nhất, hiệu quả cao nhất để phát triển nguồn lực văn hóa. Hoạt động này cần tập trung phát hiện, khơi dậy, đào tạo con người, làm gia tăng các yếu tố cấu thành nguồn lực con người, sử dụng và nhân lên sức mạnh của con người trong hoạt động thực tiễn. Chăm lo phát triển toàn diện nguồn lực con người cả về trí, thể, mĩ, coi “tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”9.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ hiện đại và phát triển nền kinh tế tri thức, yếu tố con người nhất là trí óc của con người là nguồn lực vô tận, nguồn lực của mọi nguồn lực, quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, không chỉ quan tâm đến phát triển số lượng hợp lý, xây dựng cơ cấu cân đối mà phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục và đào tạo gắn với “cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”10. Cần tiếp tục “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”11. Quan tâm giáo dục những giá trị cốt lõi của dân tộc như truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần cộng đồng, tính nhân ái, cần cù, siêng năng, sáng tạo trong lao động, ý thức thượng tôn pháp luật, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đặc biệt quan tâm giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ nhằm xây dựng thế hệ tương lai của đất nước. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học và công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, tạo điều kiện để nâng cao năng suất lao động, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực con người trong phát triển kinh tế – xã hội. 

Hai là, phát triển các sản phẩm văn hóa.

Hệ thống sản phẩm văn hóa của dân tộc ta vô cùng phong phú, đa dạng, đặc sắc, phản ánh cốt cách, tâm hồn và trí tuệ của con người Việt Nam. Trải qua sự chắt lọc khắt khe của lịch sử, các sản phẩm văn hóa đã được chưng cắt để tạo nên những giá trị bền vững. Trước những biến đổi của xã hội hiện đại, phải “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”12. Một mặt, “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam”13, bảo tồn và phát huy hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bao gồm các giá trị tiêu biểu, như: di tích văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, thị hiếu thẩm mỹ, nghệ thuật, lễ hội, sinh hoạt văn hóa, nghề truyền thống và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, uy tín, thương hiệu… tiếp tục khẳng định các giá trị văn hóa bền vững, cốt lõi của dân tộc, trao truyền và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện tại. 

Mặt khác, chăm lo phát triển, sáng tạo các sản phẩm văn hóa mới, tạo nên sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, làm cho nền văn hóa của dân tộc ngày càng trở nên giàu có hơn. Đặc biệt, cần phải làm cho giá trị văn hóa đó thẩm thấu ngày càng sâu sắc vào mọi mặt đời sống xã hội, biến các sản phẩm văn hóa trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế – xã hội. 

Muốn vậy, cần đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng và cộng đồng trong việc quản lý và phát huy di sản văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về các di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng; rà soát, kịp thời trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử, quan tâm cải tạo, trùng tu các công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá; quản lý chặt chẽ các lễ hội văn hóa, lịch sử và các hoạt động tín ngưỡng…  

Phát triển sâu rộng các phong trào văn hóa, văn nghệ, đa dạng hóa các hình thức tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; khuyến khích người dân tham gia sáng tác, biểu diễn văn nghệ quần chúng. Có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ, khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Khuyết khích Nhân dân sưu tầm, sáng tác, quảng bá các sản phẩm văn hóa; kịp thời phát hiện những những nhân tố mới trong hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở, có kế hoạch hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng nhân tố nồng cốt cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Ba là, phát triển thể chế văn hóa. 

Thể chế văn hóa là các quy định, quy chế, quy tắc, tạo nên cái khung chung cho mọi hoạt động của chủ thể văn hóa, điều chỉnh, chi phối cách thức ứng xử của con người với tự nhiên, xã hội, bao gồm những chuẩn mực, giá trị văn hóa của cộng đồng, dân tộc và các cơ chế, chính sách, pháp luật được hình thành, phát triển trên cơ sở văn hóa. Vì vậy, phát triển thể chế văn hóa trước hết là quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động văn hóa, đồng thời phát huy các thiết chế văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội. Trên cơ sở hệ giá trị của dân tộc và các giá trị tiến bộ của nhân loại để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho mọi ứng xử văn hóa của cuộc sống đương thời. Đặc biệt, cần chuyển hóa các chuẩn mực, giá trị đó vào quá trình xây dựng gia đình văn hóa, cộng đồng văn hóa, thôn, bản văn hóa, nhà trường, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, doanh nghiệp văn hóa, tạo cơ sở, nền tảng để xây dựng môi trường văn hóa. Tạo lập và xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với cuộc sống hiện đại trên cơ sở những giá trị truyền thống chính là “bà đỡ” để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, nhân văn. 

Cần tập trung đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, tiến hành đồng bộ, thường xuyên, lâu dài với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch về phát triển văn hóa, thể thao, giáo dục…; bổ sung, hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển mô hình du lịch di sản văn hóa, gắn kết du lịch với các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch văn hóa…Tập trung “Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hoá, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đồng thời, tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thực hiện phương châm “xây” đi đôi với “chống”, lấy xây làm chính. 

Tăng cường bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục lạc hậu; xử lý, ngăn chặn hiệu quả những hiện tượng, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống; đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống trái với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh con người Việt Nam. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ xã hội, cộng đồng, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân, tăng cường sự liên doanh, liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, Nhà nước và Nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đồng thời, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao, tránh thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư và sử dụng ngân sách, kinh phí bảo đảm cho hoạt động văn hóa. 

4. Kết luận

Văn hóa không chỉ đồng hành cùng dân tộc, hòa nhịp với sự phát triển chung của dân tộc mà trên nhiều phương diện còn giữ vai trò tiên phong, thúc đẩy phát triển đất nước. Nguồn lực văn hóa trở thành nguồn lực đặc biệt, là sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát huy các nguồn lực khác, tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, phát triển nguồn lực văn hóa phải được coi là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại để hòa nhập với sự phát triển chung của thế giới trước những chuyển biến ngày càng mau chóng của văn minh nhân loại.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tậpTập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 112 – 113.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII. H. NXB Chính trị quốc gia, 1998, tr. 55, 55.
4. Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI,
5, 6, 7. Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. http:vietnamnet.vn, ngày 25/11/2021.
8, 9, 10, 11, 12, 13. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 214, 115, 203 – 204, 232 – 233, 214, 142.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Văn phòng Trung ương Đảng, 2016.
2. Trần Ngọc Thêm. Những vấn đề văn hóa học, lý luận và ứng dụng. H. NXB Văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2014.
3. Ngô Đức Thịnh. Giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống và biến đổi. H. NXB Chính trị quốc gia, 2014.