Vai trò của chính trị viên Quân đội nhân dân Việt Nam trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở đơn vị cơ sở

Thượng úy Nguyễn Trọng Tài
Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở đơn vị cơ sở là hoạt động cơ bản của công tác đảng, công tác chính trị nói chung, công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói riêng. Cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy đơn vị, đặc biệt là chính trị viên Quân đội nhân dân Việt Nam – người chủ trì về chính trị, trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở đơn vị cơ sở. Do vậy, phát huy vai trò của chính trị viên trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở đơn vị cơ sở là yêu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Từ khóa: Chiến sĩ; chính trị viên; giáo dục truyền thống; Quân đội nhân dân.

1. Sự cần thiết phải nâng cao công tác giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở đơn vị cơ sở

Ngay từ khi được thành lập (ngày 22/12/1944), trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là trước những bước ngoặt quan trọng của cách mạng, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn thể hiện rõ bản lĩnh của đội quân cách mạng, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu; là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị đặc biệt, luôn tuyệt đối trung thành, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã và đang nối tiếp, không ngừng lập nên những chiến công hiển hách, rạng rỡ, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập (22/12/1964): “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” mà Nhân dân khen tặng, xứng đáng là Quân đội Anh hùng của dân tộc Anh hùng. 

Hiện nay, trước tác động sâu sắc, nhiều chiều của tình hình thế giới, trong nước; sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; sự phân hóa giàu nghèo; chủ nghĩa thực dụng, cá nhân, vụ lợi… đặt ra yêu cầu cần phải nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nói chung, công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nói riêng, đặc biệt là chiến sĩ mới trong Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Để tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của giáo dục chính trị, tư tưởng nói chung, công tác giáo dục truyền thống nói riêng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng; tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong Đảng và Nhân dân”1. Bên cạnh đó, ngày 21/3/2016, Tổng cục Chính trị ban hành Quy chế số 438/QĐ-CT ngày 21/3/2016 về công tác giáo dục chính trị, trong đó nhấn mạnh nội dung giáo dục chính trị cần thực hiện: “… Giáo dục chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa, lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, Quân đội, đơn vị và địa phương”2. Vì vậy, công tác giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở đơn vị cơ sở là một mặt hoạt động cơ bản của công tác đảng, công tác chính trị, có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của Quân đội, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên. Trong đó, đội ngũ chính trị viên Quân đội nhân dân Việt Nam – người chủ trì về chính trị, trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, được coi là “linh hồn, mạch sống” của đơn vị, có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở đơn vị cơ sở hiện nay.

2. Vai trò của chính trị viên trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở đơn vị cơ sở

Thứ nhất, chính trị viên là người tiếp nhận và chuyển hóa các giá trị truyền thống của dân tộc, quân đội và đơn vị thành nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới.

Với cương vị “cán bộ của Đảng trong quân đội”, “linh hồn, mạch sống” của phân đội, chính trị viên là “người thầy” trực tiếp lên lớp, giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống. Trong quá trình giảng dạy, chính trị viên là người tiếp nhận và chuyển hóa các giá trị truyền thống của dân tộc, Quân đội và đơn vị thành nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục truyền thống; trực tiếp truyền thụ những tri thức lý luận cơ bản, tri thức khoa học, văn hóa truyền thống nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, vốn hiểu biết cho chiến sĩ mới. Với vốn tri thức về các giá trị truyền thống được trang bị trong quá trình đào tạo ở nhà trường, kết hợp kinh nghiệm giáo dục truyền thống ở đơn vị, chính trị viên “chuyển hóa” các giá trị truyền thống cho chiến sĩ mới. Chiến sĩ mới sẽ được trang bị thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những tri thức lý luận của khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quân sự, khoa học tự nhiên, văn hóa truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị truyền thống cách mạng Việt Nam, truyền thống anh hùng của Quân đội, đơn vị, góp phần hình thành, phát triển tri thức, nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách của chiến sĩ mới theo mục tiêu, yêu cầu huấn luyện của đơn vị cơ sở. 

Mặt khác, hiệu quả hoạt động giáo dục truyền thống giúp cho chính trị viên ngày càng trưởng thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiếp tục hoàn thiện phẩm chất, năng lực chủ trì về chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy chính trị, hoạt động tiến hành công tác giáo dục chính trị.

Cùng với việc trang bị hệ thống tri thức lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, thông qua tiến hành giáo dục truyền thống, chính trị viên còn phân định lập trường, thái độ và động cơ chính trị của các tư tưởng, quan điểm phi vô sản, chống cộng và phản động cho chiến sĩ mới. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị trung tâm của chính trị viên, vừa thể hiện vai trò của những người giáo dục, tuyên truyền lý tưởng, truyền thống cách mạng trong quân đội. 

Thứ hai, chính trị viên là người bảo vệ, tiếp nối và phát huy các giá trị truyền thống thông qua hoạt động giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở đơn vị cơ sở.

Bên cạnh nhiệm vụ chủ trì về chính trị, chính trị viên là một trong những lực lượng đi đầu trong bảo vệ, bổ sung, phát triển lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng và phát huy các giá trị truyền thống. Thông qua giáo dục truyền thống, những mốc son, nhân chứng, sự kiện, địa danh “đã làm nên lịch sử” hay những nội dung lý luận khoa học, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của cách mạng và quân đội được truyền tải đến chiến sĩ mới. Mặt khác, thông qua việc giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới, chính trị viên biết vận dụng lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; từ đó, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, đồng thời phản bác sự xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ các giá trị khoa học và cách mạng của hệ thống lý luận Mác – Lênin, tiếp nối và phát huy các giá trị truyền thống của Đảng, dân tộc, quân đội và đơn vị. 

Quá trình tiến hành giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới, chính trị viên có định hướng đúng đắn trong tiếp cận và lựa chọn thông tin, tổng hợp, khái quát các tài liệu để chuẩn bị tốt nhất cho việc bổ sung những nội dung và biện pháp giáo dục truyền thống phù hợp với điều kiện mới của thực tiễn bảo vệ, bổ sung, phát triển lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc, quân đội, đơn vị hiện nay. Có thể nói, chính trị viên là “lá cờ đầu” trong bảo vệ, bổ sung, phát triển lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc, quân đội, đơn vị thông qua giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới.

Thứ ba, chính trị viên là chủ thể trực tiếp xác định hình thức, phương pháp giáo dục truyền thống, qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở đơn vị cơ sở. 

Vai trò của chính trị viên trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới thông qua các hoạt động tuyên truyền, giảng bài, thuyết trình, truyền thanh nội bộ, viết tin bài, xuất bản các ấn phẩm, tham gia các tọa đàm, diễn đàn, giáo dục trên không gian mạng nhằm khẳng định giá trị truyền thống, lịch sử trường tồn của dân tộc, quân đội, đơn vị. Thông qua các hoạt động đó, truyền thống của dân tộc, quân đội, đơn vị được gìn giữ và phát huy; đồng thời, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, đường lối xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. 

Trên cơ sở quy chế, quy định của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu về chức trách, nhiệm vụ của chính trị viên, đặc thù hoạt động giáo dục chính trị cho chiến sĩ mới nhập ngũ, chính trị viên đã tích cực, chủ động soạn bài, trực tiếp tham gia lên lớp giảng bài giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới. Thông qua quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy định các tổ chức; tập huấn bồi dưỡng cán bộ chính trị; các hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; đóng góp của tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân; thông qua hoạt động tự học tập của chiến sĩ; thông qua thực tiễn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị cơ sở, như: viết tin bài, truyền thanh nội bộ, xuất bản các ấn phẩm, tham gia các tọa đàm, diễn đàn, giáo dục trên không gian mạng. Chính trị viên đã và đang khẳng định được bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, trình độ, khả năng, vai trò “cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại, lịch sử truyền thống và hiện đại trong giáo dục truyền thống hiện nay.

Như vậy, có thể khẳng định, vai trò của chính trị viên trong giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới được biểu hiện khá phong phú và sinh động. Chính trị viên là người chủ trì về chính trị, trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới ở đơn vị cơ sở. Vai trò đó là vai trò hoàn toàn khách quan, do chức trách, yêu cầu, nhiệm vụ của chính trị viên; đặc điểm của đơn vị cơ sở; thực tiễn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở phân đội và phẩm chất, năng lực, trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, kỹ năng, phương pháp của đội ngũ này quy định.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tr. 233.
2. Quy chế số 438/QĐ-CT ngày 21/3/2016 của Tổng cục Chính trị về công tác giáo dục chính trị.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Quyết định số 2677/QĐ-BQP ngày 23/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”.
3. Chỉ thị số 124-CT/QUTW ngày 31/3/2011 của Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới.