Hội thảo: “Hoạt động truyền thông – Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động truyền thông đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nội vụ”

(Quanlynhanuoc.vn) – Hội thảo khoa học“Hoạt động truyền thông – Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động truyền thông đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nội vụ” được Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức trực tiếp và trực tuyến vào chiều ngày 28/3/2024. Hội thảo trong danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Nội vụ năm 2023 do ThS. Bùi Thị Phương Hạ – giảng viên Khoa Quản lý Kinh tế – Xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm đề tài.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, giảng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của Bộ Nội vụ, Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu, Học viện và các cơ sở đào tạo, với gần 20 bài tham luận được in trong Kỷ yếu Hội thảo theo ba nội dung chính: (1) Cơ sở lý luận về hoạt động truyền thông của ngành Nội vụ. (2) Thực trạng hoạt động truyền thông trong ngành Nội vụ. (3) Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động truyền thông đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nội vụ. 

Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng hoạt động truyền thông trong ngành Nội vụ, chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan của hiện trạng. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động truyền thông đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nội vụ. Hội thảo là diễn đàn trao đổi, thảo luận, bàn luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay trong quá trình nghiên cứu từ tình hình thực tế nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại cũng như xây dựng mô hình, cơ chế, chính sách. Ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu để hoàn chỉnh đề tài.

Đại biểu dự Hội thảo

Những phát hiện được tổng hợp, đúc kết từ các góp ý, tham luận Hội thảo:  

Trong tham luận “Nâng cao năng lực truyền thông chính sách trong quản trị Quốc gia” của nhóm tác giả TS. Nguyễn Quang Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước và Nhà báo Lưu Hoài Nga – Tạp chí Tổ chức nhà nước khẳng định, truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động chính trị và thúc đẩy cho xã hội trở nên công bằng, dân chủ hơn. Hiệu quả của truyền thông chính sách phụ thuộc căn bản vào năng lực của các chủ thể truyền thông, trong đó vai trò phản biện xã hội, tương tác, kiến tạo sự đồng thuận về các vấn đề chính sách trong chu trình chính sách. Nhóm tác giả nhấn mạnh nội dung truyền thông cần phải độc lập, khách quan, khoa học; bảo đảm các tiêu chí cho các chủ thể có liên quan tương tác về các vấn đề quản trị chính sách; bảo đảm việc xây dựng chính sách công từ chỗ chỉ là chức năng đặc quyền của các cơ quan nhà nước trở thành mối quan tâm và trách nhiệm của toàn xã hội. 

ThS. Đoàn Kim Huy – Công ty Cổ phần Tư vấn và Dịch vụ Truyền thông Athena chia sẻ, trước bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc tăng cường các hoạt động truyền thông trong các cơ quan của ngành Nội vụ cũng đang trở nên hết sức cần thiết; giúp cơ quan của ngành Nội vụ thể hiện sự minh bạch trong trách nhiệm giải trình, tăng cường tính hai chiều trong truyền thông và khuyến khích sự tham gia tích cực và phản hồi từ phía người dân nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và cung ứng dịch vụ công của ngành Nội vụ. ThS. Đoàn Kim Huy dựa trên vấn đề nghiên cứu về “Tăng cường hoạt động truyền thông trong cơ quan của ngành Nội vụ” cho biết, hiện nay hoạt động truyền thông cần phải chủ động, tích cực và có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và nâng cao uy tín của ngành Nội vụ, tạo điều kiện cho việc triển khai các chương trình, kế hoạch của ngành một cách thuận lợi hơn, qua đó giúp ngành Nội vụ thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị được giao và góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ phía người dân. 

Đồng tình với quan điểm này, TS. Cao Minh Công, Trưởng khoa Lý luận Chính trị, Đại học Kiểm sát Hà Nội chỉ ra các yếu tố cần phải chú ý làm rõ sự khác biệt của truyền thông ngành Nội vụ ở những nội dung nào để qua đó lựa chọn phương thức truyền thông phù hợp, xây dựng kế hoạch truyền thông hiệu quả, đúng và trúng mục đích đặt ra. Ông cũng quan tâm đến các tiêu chí nhận diện, các yếu tố ảnh hưởng, các tiêu chí đánh giá hiệu quả truyền thông và cho rằng, người làm công tác truyền thông ngành Nội vụ cần có nhiều kỹ năng, chú ý nâng cao hình ảnh cá nhân, tăng cường gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, xây dựng gương điển hình trong ngành Nội vụ. Cần xây dựng kế hoạch truyền thông, mô hình hoạt động truyền thông riêng biệt về các lĩnh vực công tác của ngành Nội vụ. 

ThS. Nguyễn Thị Thuý Vân – Tạp chí Quản lý nhà nước tham luận.

Nắm rõ vai trò truyền thông hiện nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống công việc của các cá nhân, bất kể họ là ai: chính trị gia, người lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức cho đến người lao động và mọi người dân trong xã hội. Trao đổi về “Vai trò cốt lõi của nhà lãnh đạo trong chiến lược truyền thông”, ThS. Nguyễn Thị Thuý Vân – Tạp chí Quản lý nhà nước cho rằng, cơ hội và thách thức đang đặt ra trong môi trường số và đòi hỏi người lãnh đạo phải có kiến thức, sự hiểu biết về sức mạnh của truyền thông trong xã hội. Truyền thông xã hội không phải lúc nào cũng có câu trả lời rõ ràng cho kết quả và là nơi mà kiến thức, phương pháp được người sử dụng, tiến hành thay đổi liên tục theo cách hướng đến mục tiêu tốt nhất. Bà Vân nêu một số vai trò, năng lực cốt lõi của các nhà lãnh đạo, quản lý cần có từ góc nhìn chiến lược truyền thông, Bà cũng quan tâm nhiều đến tư duy, năng lực, hành động và tính có trách nhiệm của người lãnh đạo khi tham gia vào quá trình truyền thông. Nhóm nghiên cứu nhận định, đây chính là đề xuất mang tính giải pháp, bước đầu đưa ra tiêu chí xây dựng hình ảnh người lãnh đạo trong các mô hình truyền thông và định hướng phát triển vai trò của người làm công tác truyền thông trong từng giai đoạn.

Ở một khía cạnh nghiên cứu khác, ThS. Nguyễn Thanh Tuấn – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực miền Trung có những đóng góp ý kiến về cơ sở lý luận của truyền thông và hoạt động truyền thông. Tác giả tập trung nghiên cứu các vai trò của công tác truyền thông: là công cụ hỗ trợ đắc lực đối với hoạt động quản lý nhà nước; là một kênh thông tin quan trọng, có khả năng định hướng và điều tiết đối với công chúng; là công cụ quan trọng để quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh uy tín của các cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị và quốc gia với các chức năng: giao tiếp; chức năng giáo dục; chức năng truyền thụ văn hóa và giải trí; chức năng phát triển cộng đồng; chức năng giám sát và quảng bá.

Cơ quan hành chính nhà nước có những đặc thù riêng, do đó hoạt động truyền thông cần có những điểm khác biệt. Đây cũng là chủ đề quan tâm của nhiều nhà khoa học trao đổi, thảo luận tại Hội thảo khi phân tích vấn đề nội dung thông tin và chiến lược truyền thông của ngành Nội vụ tại các địa phương. 

Thực tiễn hoạt động truyền thông về công tác Nội vụ còn thiếu chuyên nghiệp và bài bản. Hoạt động truyền thông chủ yếu được hiểu là hoạt động tuyên truyền với tính chất thông tin một chiều và thiếu tính đối thoại, thiên về hoạt động quan hệ báo chí hơn là tập trung vào hoạt động quan hệ với công chúng và người dân, hoạt động thông tin tới báo chí và công chúng còn mang tính thụ động, hoạt động quan hệ với báo chí còn mang tính đối phó, công tác quản lý báo chí ngành còn nhiều bất cập, bộc lộ những mặt hạn chế trong việc thực hiện Quy chế phát ngôn, vẫn còn lúng túng trong việc dự báo và xử lý khủng hoảng, quy trình truyền thông chưa rõ ràng, chưa có một mô hình hoạt động truyền thông chuẩn cho các cơ quan ngành Nội vụ, chức năng và nhiệm vụ của người làm truyền thông chưa rõ ràng, chưa có tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động truyền thông, đội ngũ nhân sự làm truyền thông còn thiếu kỹ năng và chưa được đào tạo bài bản, các kênh thông tin của một số cơ quan ngành Nội vụchưa phát huy được khả năng thu hút độc giả.

Từ góc độ phổ biến, giáo dục pháp luật, ThS. Nguyễn Ngọc Toán, ThS. Trần Anh Hùng – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Luật An ninh mạng và những vấn đề đặt ra trong hoạt động truyền thông ngành Nội vụ hiện nay” khi đứng ở vai trò nhà nghiên cứu chuyên ngành Luật đã bàn về những vấn đề quan trọng của Luật An ninh mạng gắn với hoạt động truyền thông trên không gian mạng, qua đó nhận diện một số vấn đề đang đặt ra cần lưu ý giúp hoạt động truyền thông ngành Nội vụ đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Sự cần thiết phải đào tạo đội ngũ nhân sự phụ trách truyền thông của các cơ quan báo, nghiên cứu các nguyên tắc phát ngôn trước báo chí dành cho các lãnh đạo cơ quan nhà nước, nghiên cứu các nguyên tắc xử lý khủng hoảng đối với các cơ quan hành chính nước là những vấn đề có tính cấp thiết nhưng vẫn chưa được thực hiện hiệu quả tại các cơ quan ngành Nội vụ của Việt Nam hiện nay.

Một số đóng góp tại Hội thảo khuyến nghị, để tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông của ngành Nội vụ tại các địa phương, trước hết cần xác định được những mặt hạn chế và xây dựng các phương án, kế hoạch hoạt động truyền thông, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nội vụ những năm tới.

ThS. Bùi Thị Phương Hạ, Chủ nhiệm đề tài khoa học phát biểu

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Bùi Thị Phương Hạ, Chủ nhiệm đề tài khoa học cảm ơn những đóng góp quý giá của các nhà nghiên cứu, giảng viên trong và ngoài Học viện tại Hội thảo. Hội thảo đã thu nhận được nhiều nội dung quan trọng, các vấn đề về hoạt động truyền thông trong các cơ quan ngành Nội vụ. Khẳng định, việc triển khai nghiên cứu đề tài “Hoạt động truyền thông đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nội vụ”  là cần thiết, cấp bách, nhằm giúp đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Nội vụ có cái nhìn tổng thể và toàn diện hơn về vai trò, tác động của truyền thông đến chức năng, nhiệm vụ công tác của ngành Nội vụ, từ đó kiến nghị lãnh đạo ngành Nội vụ có được những chủ trương, quyết sách đúng đắn từ góc độ phát hiện của truyền thông cũng như truyền thông giúp phát triển ngành Nội vụ đúng, trúng vấn đề, đúng lúc, đúng người và đúng luật, bảo đảm kế hoạch, thực hiện chiến lược phát triển ngành Nội vụ một cách khoa học, hiệu quả, đạt mục tiêu, mục đích trong từng giai đoạn và của cả chiến lược ngành Nội vụ đề ra.

Đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

PV