Phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay 

ThS. Lê Quốc Việt
Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay là vấn đề có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường, qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan chính trị cấp phân đội trong quân đội. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị.

Từ khóa: Phát triển; ý thức nghề nghiệp; đào tạo sĩ quan chính trị; học viên; cấp phân đội; Trường sĩ quan Chính trị.

1. Đặt vấn đề

Ý thức nghề nghiệp là một trong những phẩm chất chính trị quan trọng của người cán bộ chính trị cấp phân đội trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhờ có ý thức nghề nghiệp mà cán bộ chính trị cấp phân đội trong quân đội có nhận thức đầy đủ, rõ ràng, thái độ tích cực, niềm tin đúng đắn về nghề nghiệp của mình và có ý chí quyết tâm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Vì vậy, một trong những mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của công tác giáo dục, đào tạo tại Trường Sĩ quan Chính trị là cần thiết phải phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội.

2. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên ở Trường Sĩ quan Chính trị 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn… Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc”1. Theo đó, cán bộ chính trị phải có sự hiểu biết nghề nghiệp sâu sắc, có tình cảm yêu nghề, yêu thương đồng chí đồng đội, có ý chí quyết tâm cao hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Hay nói cách khác, họ phải có ý thức nghề nghiệp đúng đắn. Điều này chỉ có được khi họ phải trải qua quá trình giáo dục, rèn luyện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị là tổng hòa các yếu tố tri thức, tình cảm, ý chí nghề nghiệp của người học viên phản ánh quá trình giáo dục, đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội, được hình thành, phát triển chủ yếu trong thời gian học tập, rèn luyện và công tác tại Nhà trường, là cơ sở, nền tảng định hướng, thúc đẩy và điều chỉnh hành vi của học viên đáp ứng theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

Ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội chủ yếu được hình thành, phát triển trong quá trình học tập của học viên dưới sự tổ chức, hướng dẫn của các lực lượng tham gia quá trình giáo dục, đào tạo ở Nhà trường. Phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị là quá trình làm biến đổi về chất tổng thể các yếu tố tri thức, tình cảm, ý chí nghề nghiệp của học viên theo hướng đi lên thông qua sự tác động tổng hợp, có mục đích của các chủ thể giáo dục gắn với sự nỗ lực chủ quan của người học viên trong thời gian học tập, rèn luyện tại Nhà trường, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

Mục đích phát triển ý thức nghề nghiệp là để học viên có ý thức nghề nghiệp tốt, góp phần hoàn thiện phẩm chất, nhân cách người sĩ quan chính trị cấp phân đội theo mục tiêu, mô hình đào tạo của Nhà trường. Từ đó, học viên có hiểu biết đầy đủ, toàn diện hơn, có tình cảm sâu sắc, bền vững hơn về nghề nghiệp và có ý chí quyết tâm phấn đấu trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, xây dựng, củng cố tư chất nghề nghiệp của bản thân, vốn tri thức, kỹ năng – kỹ xảo, phẩm chất nhân cách đáp ứng với yêu cầu hoạt động trên cương vị, chức trách người sĩ quan chính trị sau khi tốt nghiệp ra trường. 

Chủ thể phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên, bao gồm: chủ thể lãnh đạo, chủ thể chỉ huy, quản lý; chủ thể truyền thụ và chủ thể tự phát triển. Mỗi chủ thể có vai trò, vị trí riêng, nhưng suy cho cùng, bản thân người học viên là chủ thể chủ yếu và trực tiếp quyết định. Nội dung phát triển ý thức nghề nghiệp là sự phù hợp dần dần, sự tương thích, sự chuyển hóa các yếu tố tri thức, tình cảm, ý chí nghề nghiệp của họ. Sự phù hợp đó được diễn ra từng bước trên cơ sở tích lũy cao hơn từng mặt, từng thuộc tính, từng yếu tố cấu thành ý thức nghề nghiệp của học viên. Phương thức phát triển ý thức nghề nghiệp sư phạm của học viên cũng rất đa dạng, phong phú, bao gồm: các hình thức, biện pháp được lồng ghép trong hoạt động giáo dục – đào tạo; thông qua hoạt động thực tiễn tại đơn vị và thông qua tự học tập, tự phát triển của học viên…

Từ thực tiễn những năm qua tại Trường, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã luôn có nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu khách quan phải phát triển ý thức nghề nghiệp cho học viên đào tạo sĩ quan chính trị, coi đây là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường nói chung và đào tạo đội ngũ sĩ quan chính trị trong quân đội nói riêng. Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, các lực lượng trong Nhà trường tham gia vào việc phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên. Trên cơ sở chủ trương lãnh đạo của Đảng ủy Nhà trường, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị đã “phát huy tốt vai trò của cán bộ quản lý trong giáo dục, xây dựng động cơ, trách nhiệm học tập, rèn luyện cho học viên”2. Do đó, nhận thức về nghề nghiệp của đối tượng học viên này ngày càng đầy đủ, đúng đắn, ý thức nghề nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực: “Tuyệt đại đa số học viên có nhận thức và động cơ, thái độ học tập, rèn luyện đúng đắn”3

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trong phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: nhận thức, trách nhiệm của một số chủ thể phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên còn chưa thực sự đầy đủ; một bộ phận học viên chưa có ý thức nghề nghiệp đúng đắn, có học viên vẫn còn thiếu yên tâm, chưa thật sự thiết tha với mục tiêu, nhiệm vụ học tập, rèn luyện để trở thành sĩ quan chính trị, vẫn còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại, trung bình chủ nghĩa, do đó, kết quả học tập chưa cao… Những hạn chế này đã được thẳng thắn chỉ ra trong Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ X nhiệm kỳ 2020 – 2025: “Một số cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành công tác giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, định hướng nghề nghiệp, nắm, quản lý tình hình tư tưởng, quản lý tham gia mạng xã hội có thời điểm hiệu quả chưa cao”4

3. Giải pháp cơ bản 

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ thể, các lực lượng sư phạm trong toàn trường về vị trí, tầm quan trọng phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội.

Nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng này sẽ là cơ sở để hình thành thái độ đúng, trách nhiệm cao, tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đối tượng học viên. Do vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, xây dựng thái độ, trách nhiệm cao cho các tổ chức, lực lượng sư phạm trong toàn trường, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia phát triển ý thức nghề nghiệp của đối tượng học viên này. Thông qua các nghị quyết, văn bản, chỉ thị, hướng dẫn giúp cho các cơ quan, khoa, đơn vị trong Nhà trường nắm được tính tất yếu phải phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội. Tổ chức giáo dục, quán triệt, nâng cao nhận thức cho các lực lượng thông qua các hoạt động của Nhà trường, đơn vị, như: học tập trên giảng đường, sinh hoạt hàng ngày, tọa đàm, sinh hoạt học thuật, hội thảo, thông tin khoa học… 

Trên cơ sở sự chỉ đạo, hướng dẫn của trên, các cơ quan chức năng cần tích cực tổ chức các buổi bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giảng viên, học viên trong Nhà trường, qua đó, nâng cao nhận thức cho các lực lượng về phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội. Tại các khoa, giảng viên căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục – đào tạo trong năm học để quán triệt nội dung phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên, góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của từng giảng viên trong việc định hướng, hướng dẫn học viên học tập, phát triển ý thức nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ ở các Tiểu đoàn quản lý học viên cần thường xuyên tổ chức nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý lớp, đại đội học viên và bản thân học viên về phát triển ý thức nghề nghiệp của họ. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học viên, chỉ đạo đối với các đại đội, các lớp kịp thời uốn nắn, động viên tính tích cực, tinh thần trách nhiệm tự giác của học viên, để họ có chuyển biến rõ rệt, vững chắc ý thức nghề nghiệp của mình. 

Hai là, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng đối với việc phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên.

Phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị là quá trình có sự tham gia của nhiều tổ chức, lực lượng trong Nhà trường, bao gồm: các cơ quan chức năng, khoa giáo viên, hệ, tiểu đoàn quản lý học viên, đoàn thanh niên… Vấn đề quan trọng đặt ra là phải phát huy được tối đa vai trò, trách nhiệm, khả năng của các tổ chức và của từng cá nhân để tạo sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện tốt hoạt động này, qua đó tạo sự thống nhất, đồng bộ và kết hợp nhịp nhàng trong các hoạt động phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên. Theo đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là phòng Đào tạo, phòng Chính trị cần làm tốt công tác tham mưu cho Ban Giám hiệu Nhà trường về hoạt động phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội. Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan liên quan, khoa giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục, phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên ngay từ đầu khóa học cũng như trong suốt quá trình học tập. Các khoa giáo viên cần tích cực, chủ động nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp gắn với đổi mới đa dạng hình thức tổ chức dạy học, trong đó lồng ghép nội dung hướng tới phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên. Bên cạnh các hình thức học tập trên lớp, các hình thức tọa đàm, trao đổi, cần tăng cường đưa học viên tham gia vào các hoạt động thực tiễn nghề nghiệp. 

Đội ngũ cán bộ ở các hệ, tiểu đoàn quản lý học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội là lực lượng trực tiếp quản lý, giáo giục, rèn luyện học viên, có tác động rất lớn tới sự hình thành, phát triển ý thức nghề nghiệp của đối tượng này. Cán bộ quản lý học viên phải gương mẫu, thường xuyên bám sát đơn vị, nắm chắc tình hình chung, chất lượng của từng học viên, đồng thời, thông qua các hình thức, phương pháp khác nhau như: sinh hoạt, tổ chức thi đua, diễn đàn… để giúp học viên có nhận thức đúng, có tình yêu nghề nghiệp, tạo động lực cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên Nhà trường cần tổ chức tốt các hoạt động phong trào thanh niên, kết hợp lồng ghép nội dung phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội. Qua các hoạt động phong trào sẽ tập hợp được đông đảo đoàn viên thanh niên hăng hái tham gia, tạo được bầu không khí sôi nổi, sự đoàn kết gắn bó, chung tay, chung sức hướng đến những mục tiêu chung phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên.

Ba là, tích cực hóa nhân tố chủ quan của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội trong phát triển ý thức nghề nghiệp. 

Lý luận Mácxít đã chỉ rõ: trong sự vận động, phát triển của mỗi sự vật, hiện tượng cũng như mỗi con người, yếu tố tự thân vận động, giải quyết những mâu thuẫn nội tại bao giờ cũng là nguồn gốc, động lực của sự phát triển. V.I.Lênin nhấn mạnh: “không tự mình bỏ ra một công phu nào đó thì không thể tìm ra sự thật trong bất cứ một vấn đề hệ trọng nào cả”5. Sự nỗ lực chủ quan của học viên, đặc biệt là ý thức tự giác, chủ động và sáng tạo trong việc tự học tập, rèn luyện là một trong những nhân tố có ý nghĩa trực tiếp quyết định tới phát triển ý thức nghề nghiệp của họ. 

Thực chất giải pháp này nhằm phát huy tính tích cực, tự giác của học viên trong phát triển ý thức nghề nghiệp. Tích cực, tự giác, tự bồi dưỡng là quá trình khó khăn, lâu dài, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Đây là một hoạt động mang dấu ấn của từng cá nhân, học viên tự tổ chức quá trình nhận thức của mình một cách độc lập, sáng tạo. Tính chủ động thường xuyên tự bồi dưỡng, rèn luyện chỉ được hình thành và diễn ra một cách có hiệu quả khi người học xác định mục đích rõ ràng, chủ động xây dựng được hệ thống động cơ hoạt động đúng đắn. Mỗi học viên cần tích cực để từ đó có kết quả học tập tốt. Đối với đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý học viên cần tăng cường quán triệt nhận thức, tích cực theo dõi, uốn nắn để học viên hình thành thói quen, nhu cầu tự tu dưỡng, tự rèn luyện trong suốt quá trình đào tạo, đồng thời thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng tự phát triển ý thức nghề nghiệp cho học viên. 

Bốn là, xây dựng môi trường sư phạm chính quy, tiên tiến, mẫu mực, tạo thuận lợi phát triển ý thức nghề nghiệp của hoc viên.

Theo các nhà kinh điển Mácxít thì con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của hoàn cảnh. C.Mác đã nhấn mạnh “Hoàn cảnh sáng tạo ra con người trong chừng mực con người sáng tạo ra hoàn cảnh”6 và suy cho cùng “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”7. Do vậy, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, chính quy, tiên tiến, mẫu mực là một biện pháp hữu hiệu để phát triển ý thức nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chính trị cấp phân đội ở Trường Sĩ quan Chính trị. Theo đó, trước hết cần chăm lo xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong tập thể học viên gắn với xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý mẫu mực về mọi mặt. Việc xây dựng, củng cố và phát triển các mối quan hệ, các yếu tố tinh thần trong Nhà trường là nội dung rất quan trọng trong xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh Việc xây dựng các mối quan hệ phải theo hướng vừa phù hợp với điều lệnh quân đội, vừa phù hợp với đặc thù môi trường sư phạm quân sự. Vì vậy, các lực lượng giáo dục cần phải thường xuyên quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người học nhằm thỏa mãn các nhu cầu trực tiếp học viên… 

Nhà trường cần đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung tài liệu, phương tiện hỗ trợ  học tập để tạo thuận lợi cho học viên tiếp cận, chiếm lĩnh tri thức nghề nghiệp. Điều kiện cơ sở vật chất, tài liệu, phương tiện kỹ thuật là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu trong quá trình học tập, rèn luyện, nâng cao kỹ năng, tay nghề của học viên, đặc biệt trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng xây dựng nhà trường thông minh hiện nay. Theo đó, nhà trường cần quan tâm chỉ đạo biên soạn và hoàn thiện hệ thống giáo trình dành cho đối tượng đào tạo sĩ quan chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong thời kỳ mới. Tiếp tục đầu tư bổ sung trang thiết bị phòng học, phòng chuyên dùng cho học viên đào tạo sĩ quan chính trị, tạo thuận lợi cho việc lĩnh hội tri thức, kỹ năng tay nghề, góp phần phát triển ý thức nghề nghiệp cho học viên.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 484 – 485.
2. Báo cáo số 2229/BC-SQCT ngày 08/8/2023 của Trường Sĩ quan Chính trị về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 – 2023.
3, 4. Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2020 – 2025. Hà Nội, 2020, tr. 18, 37.
5. V.I.Lênin toàn tậpTập 18. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật 2005, tr. 130.
6, 7. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tậpTập 3. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1993, tr. 314, 11.