Quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề đấu tranh chống lại các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam

TS. Trần Thị Bích Huệ
Đại học Công nghiệp Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Đấu tranh chống lại sự tuyên truyền phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch luôn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Nội dung này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích rất sâu sắc, toàn diện trong cuốn sách: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Tổng Bí thư đã phân tích những âm mưu, thủ đoạn để nhằm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực thù địch. Trên cơ sở đó, có những chỉ dẫn quan trọng về biện pháp và lực lượng tham gia đấu tranh. Biện pháp phải đồng bộ từ tuyên truyền đến thực tiễn, lực lượng tham gia phải toàn diện, cả hệ thống chính trị và từng người dân. 

Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đấu tranh; biện pháp đấu tranh; các thế lực thù địch; chống phá cách mạng Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  không chỉ thể hiện những quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà còn chỉ ra những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam và những biện pháp đấu tranh, phản bác có hiệu quả. Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới cần phải quán triệt sâu sắc những chỉ đạo của Tổng Bí thư về vấn đề này.

2. Quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về những âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch

Âm mưu, thủ đoạn mà các thế lực thù địch sử dụng để nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là rất tinh vi, thâm độc “Các thế lực thù địch tìm mọi cách tăng cường chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta”1. Tổng Bí thư đã vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn của chúng. Trước hết, các thế lực thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tung ra nhiều luận điệu để phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng chủ nghĩa Mác – Lê nin cũng là một học thuyết không tưởng, thiếu tính khả thi như các nhà không tưởng khác. Chủ nghĩa Mác – Lê nin đã trở nên lỗi thời, lạc hậu so với hiện nay và ra đời từ thực tiễn phương Tây nên không phù hợp với phương Đông “Chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng”2. Việc đánh thẳng vào hệ tư tưởng của Đảng của các thế lực thù địch là rất thâm độc vì một mũi tên trúng hai đích, vừa chống Đảng Cộng sản nhưng cũng vừa chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bởi lẽ nền tảng tư tưởng của Đảng khẳng định tính tất yếu loài người phải đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng có vai trò lãnh đạo các giai cấp, tầng lớp đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội nên phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chính là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Các thế lực thù địch còn tìm cách xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là chủ quan, duy ý chí, cắt ghép. Chúng phủ nhận đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng là “đầu Ngô mình Sở”, là như nước với lửa, hay đường lối Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất lãnh đạo là độc đoán, chuyên quyền… Đặc biệt các thế lực thù địch “xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”3. Chúng luôn tìm cách bôi nhọ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta như đường lối của Đảng là bóp nghẹt tự do tôn giáo, là bất bình đẳng dân tộc, đàn áp các dân tộc thiểu số. Ví dụ như Đảng đưa người Kinh lên miền núi xây dựng vùng kinh tế mới chính là để cướp đất của đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách của Đảng muốn đồng hóa, “Kinh hóa” văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, muốn cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đi, ngu đi để dễ bề đàn áp… Mưu đồ của chúng chính là chia rẽ giữa đồng bào có đạo, đồng bào các dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước. 

Không chỉ xuyên tạc, bôi nhọ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thế lực thù địch còn lợi dụng bối cảnh kinh tế thị trường, mua chuộc cán bộ cấp cao hoặc đưa ra những điều khoản có lợi về kinh tế nhưng để hướng lái đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước chệnh hướng khỏi định hướng xã hội chủ nghĩa “Đồng thời phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá chúng ta bằng cách hướng lái hệ thống pháp luật của chúng ta đi con đường khác, nhất là trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay”4.

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, pháp luật Việt Nam cũng cần phải có sự điều chỉnh tương thích với pháp luật quốc tế. Đồng thời, hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, các thế lực thù địch đang lợi dụng điều này để lái pháp luật Việt Nam theo hướng thuận lợi cho thực hiện đa nguyên, đa đảng, tự do thiếu kiểm soát, ví dụ như khi chúng ta tiến hành sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, họ tỏ vẻ quan tâm khuyến nghị nên bỏ một số điều, khoản trong Chương “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” trong Bộ luật này và tích cực tham gia góp ý khi xây dựng Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin, hy vọng có điều kiện, môi trường chính trị – xã hội, pháp lý cho việc hình thành đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam. Không những thế, họ còn đề nghị ta sửa đổi, hủy bỏ các điều luật về an ninh quốc gia vì có nội dung còn “mơ hồ”, hạn chế các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội,… trái với Luật Nhân quyền quốc tế. Một số tổ chức phi chính phủ sốt sắng triển khai nhiều dự án hợp tác xây dựng pháp luật với Việt Nam nhằm phát triển “xã hội dân sự”, hình thành tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam. Lợi dụng tổ chức hội thảo, tập huấn hỗ trợ xây dựng văn bản pháp luật cho các cơ quan chức năng của ta để họ tác động vào việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người ở nước ta. Chính vì vậy, Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan nội chính cần phải “tập trung tham mưu kiểm tra, giám sát việc xây dựng, ban hành và thi hành pháp luật có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không? Có bị tác động, hướng lái chính sách sách theo âm mưu “tự do, dân chủ” của các thế lực thù địch, chống đối không?”5

Mưu đồ chung của các thế lực thù địch là muốn “phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, dân tộc ta, chia rẽ Đảng vói nhân dân, hòng lật đổ Đảng ta, chế độ ta”6. Để thực hiện điều này, chúng không chỉ bôi đen các sự kiện hiện tại, tập hợp những hạn chế, bất cập của đất nước, các sự kiện, vụ việc cụ thể với mục đích tuyên truyền là năng lực lãnh đạo của Đảng yếu kém, phẩm chất của cán bộ, đảng viên suy thoái nên không thể lãnh đạo được đất nước, đất nước ngày càng tụt hậu mà chúng còn xuyên tạc lịch sử, phủ nhận những công lao và thành tựu của Đảng ta trong giai đoạn trước kia. Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu “Tăng cường tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử”7. Ví dụ như thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì chúng nói là do Đảng Cộng sản Việt Nam “ăn may”, tranh thủ cơ hội lúc đang có khoảng trống quyền lực chứ không phải do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, đại thắng mùa xuân năm 1975 thì chúng nói là cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt, nội chiến, người Việt Nam đánh người Việt Nam chứ cũng không vẻ vang gì. Chiến tranh biên giới Tây Nam ta với tinh thần giúp bạn là giúp mình, thực hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, giúp đỡ Campuchia thì chúng xuyên tạc chúng ta xâm lược Campuchia…

Để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch không chỉ phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, đường lối, hướng lái pháp luật chệch hướng đường lối của Đảng, bôi đen hiện tại, xuyên tạc lịch sử. Đồng thời, chúng còn đòi Đảng phải từ bỏ vai trò lãnh đạo ở những lĩnh vực quan trọng như báo chí, văn hóa hay quân đội “Các cấp uỷ tổ chức đảng trong toàn quân cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để bộ đội thấy rõ sự nguy hiểm của âm mưu chia rẽ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phi chính trị hoá quân đội”8. Chúng cố tình rêu rao quan điểm cho rằng, “quân đội phải đứng ngoài chính trị”; quân đội cần phải “trung lập”, “đứng giữa”, không lệ thuộc hoặc đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng phái nào… Đảng chỉ nên lãnh đạo quân đội trong chiến tranh, khi hòa bình, Đảng cần giao quyền lãnh đạo quân đội cho Nhà nước…Âm mưu sâu xa của luận điệu này là làm Quân đội suy yếu về chính trị, lâu dài là vô hiệu hóa Quân đội, với tính cách là công cụ bạo lực chính trị sắc bén của Đảng.

Với mưu đồ muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng nên khi Đảng ta có những thành công gì trong lãnh đạo, chỉ đạo chúng cũng tìm cách xuyên tạc theo hướng đối lập. Ví dụ như khi Đảng ta có nhiều thành công trong lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, đây là quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch Đảng để có thể hoàn thành tốt sứ mệnh, nhiệm vụ của Đảng trước dân tộc, song chúng lại rêu rao đó là đấu đá, thanh trừng nội bộ trong Đảng. Vì vậy, Tổng Bí thư nhắc nhở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng: “hết sức lưu ý không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng, kích động, chia rẽ, đưa lên thành vấn đề phức tạp, rêu rao là chúng ta đấu đá, mâu thuẫn nội bộ”9. Đây là âm mưu hết sức thâm độc không những gây chia rẽ trong nội bộ Đảng mà còn gây mất niềm tin, hoang mang, dao động trong Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào những quyết tâm của Đảng để xứng đáng với sự tin tưởng của Nhân dân. 

Chúng tìm cách gây chia rẽ nội bộ Đảng bằng nhiều cách khác nhau đặc biệt là thông qua công tác nhân sự “Các phần tử xấu, cơ hội, thù địch cũng nhân dịp này tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ ta hòng phá hoại công tác nhân sự nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung của chúng ta, rất thâm độc và nguy hiểm”10. Trước mỗi kỳ Đại hội, khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội, các thế lực lại tìm cách tung tin xuyên tạc để nhằm chia rẽ nội bộ trong Đảng. Chúng kích động rằngviệc sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung nhân sự của Đảng không vì lợi ích tập thể mà chỉ nhằm “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”, “lợi ích nhóm”, là “thương lượng”, “thỏa hiệp” giữa các “phe cánh” trong Đảng. Để chia rẽ nội bộ trong Đảng tạo ra sự nghi kỵ giữa các cán bộ của Đảng, chúng đưa tin người này là “con át chủ bài” của người kia; nhờ ông này mà bà kia “bẻ lái ngoạn mục”; người này “tung đòn hiểm” để loại người kia; ông A đã bị ông B hạ “đo ván”… Đồng thời, các thế lực thù địch còn tìm cách gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, chúng “kích động chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm”11. Chúng cố tình tô vẽ một Đảng Cộng sản tham nhũng, bòn rút của cải của nhân dân, giàu có trên cơ sở bóc lột nhân dân, thờ ơ trước những đau khổ, bức xúc của người dân, không đủ năng lực để chăm lo cho đời sống của nhân dân, chỉ vì lợi ích của một số cá nhân cán bộ trong Đảng và con cháu họ để nhằm tạo ra khoảng cách, sự nghi kỵ của nhân dân đối với Đảng. Khi nhân dân không tin, không ủng hộ theo Đảng thậm chí chống đối lại các chính sách và hành động của Đảng thì Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo và không thể hiện thực hóa được những mục tiêu mà Đảng đề ra. 

Cuốn sách bao gồm 29 bài viết, mặc dù không có một bài riêng về đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch nhưng trong từng bài viết, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đều chỉ rõ từng âm mưu, thủ đoạn của chúng rất thâm độc trên những vấn đề cụ thể. Đồng thời, Tổng Bí thư khẳng định sự chống phá của chúng sẽ ngày càng tinh vi, quyết liệt và phức tạp hơn, đòi hỏi chúng ta phải cảnh giác hơn và có những hành động đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa: “Sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm, phức tạp trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, sự bùng nổ của hệ thống thông tin truyền thông toàn cầu, chiến tranh mạng”12.

Bối cảnh mới của đất nước hiện nay đang tạo ra những cơ hội thuận lợi cho các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá. Kinh tế thị trường và mặt trái của nó khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên dễ rơi vào thoái hóa, biến chất, suy thoái để chúng lợi dụng chống phá. Hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực cũng tạo cho chúng thông qua các tổ chức, cá nhân quốc tế và các hoạt động hợp tác để tác động nhằm mua chuộc cán bộ, thay đổi đường lối của Đảng, làm chệnh hướng xã hội chủ nghĩa, hướng lái pháp luật theo mưu đồ của chúng. Cùng với đó, sự bùng nổ của hệ thống thông tin, truyền thông toàn cầu khiến các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá trên không gian mạng, chống phá mọi lúc, mọi nơi. Chúng sử dụng các phương tiện truyền thông, Internet, blog, mạng xã hội, sự dụng hàng chục đài phát thanh chương trình Việt ngữ, hàng trăm báo, tạp chí, nhà xuất bản tiếng Việt, hàng nghìn Website, blog,… để phát tán những thông tin xấu độc, xuyên tạc, chống phá dưới nhiều hình thức như tài liệu, video, tác phẩm văn học…gây tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

3. Quan điểm của Tổng Bí thư về biện pháp, lực lượng tham gia đấu tranh chống tranh chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ vạch ra những âm mưu, thủ đoạn chống phá mà các thế lực thù địch đang sử dụng mà còn nêu ra những biện pháp, lực lượng tham gia để đấu tranh có hiệu quả chống lại những âm mưu, thủ đoạn thâm độc đó. Phương châm mà Tổng Bí thư đưa ra là chúng ta phải trực diện đấu tranh phản bác lại các luận điệu sai trái, thù địch. Đây là một quan điểm chỉ đạo đúng đắn bởi trước đây, đã có lúc chúng ta nghĩ rằng những luận điệu sai trái của chúng chỉ là tuyên truyền xằng bậy, chửi bới hàng tôm, hàng cá không ai thèm nghe, thèm tin. Tuy nhiên, những tuyên truyền sai trái nhưng nếu thường xuyên, liên tục, lâu dài cũng ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của cán bộ và người dân, vì vậy chúng ta phải trực tiếp, trực diện đấu tranh phản bác các quan điểm đó: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch”13; “Chủ động, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phản động của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta và Đại hội XIII của Đảng”14. Như vậy, phương châm đấu tranh mà Tổng Bí thư đưa ra là kiên quyết, thường xuyên, chủ động. Kẻ địch chống phá chúng ta thường xuyên, liên tục theo kiểu mưa dầm thấm lâu thì chúng ta cũng phải đấu tranh bền bỉ. Cuộc đấu tranh chống lại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch phải kiên quyết, không khoan nhượng; đồng thời, phải chủ động, chủ động nắm rõ, thậm chí dự báo được những âm mưu, thủ đoạn của chúng để có những biện pháp hiệu quả, phù hợp, không để bị động, bất ngờ. 

Đồng thời, Tổng Bí thư cũng chỉ đạo một số biện pháp đấu tranh có hiệu quả chống âm mưu, thủ đoạn của chúng, trước hết vẫn là công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, để có được những luận cứ, luận chứng để chống lại “phản tuyên truyền” của các thế lực thù địch thì công tác lý luận phải đi trước một bước. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến vai trò của Hội đồng lý luận Trung ương, cơ quan đứng đầu về lý luận của Đảng “Hội đồng (lý luận) cần nỗ lực nhiều hơn để xây dựng hệ thống các luận cứ lý luận và thực tiễn thực sự khoa học, có tính chiến đấu, có sức thuyết phục cao, phục vụ một cách thiết thực, hiệu quả cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận với các thế lực thù địch, phản động đang và sẽ còn diễn ra gay gắt, quyết liệt”15.

Về việc tuyên truyền, Tổng Bí thư cho rằng các cơ quan đều phải tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền. Các tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà lựa chọn nội dung, hình thức, đối tượng tuyên truyền cho phù hợp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tuyên truyền cho các hội viên, trước hết, từ chức năng của Mặt trận thì tập trung tuyên truyền về âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch: “Mặt trận phải là hạt nhân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong phòng, chống âm mưu, hoạt động diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch, sử, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”16. Các tổ chức trong quân đội thì tuyên truyền trong toàn quân về âm mưu, thủ đoạn đòi phi chính trị hóa quân đội của các thế lực thù địch: “Các cấp uỷ tổ chức đảng trong toàn quân cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để bộ đội thấy rõ sự nguy hiểm của âm mưu chia rẽ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phi chính trị hoá quân đội”17

Báo chí, truyền thông thì tuyên truyền trong toàn dân trước hết về âm mưu lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng của các thế lực thù địch “Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta”18. Tuyên truyền ở đây có cả tuyên truyền về tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu của đất nước và cả tuyên truyền về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá trên các mặt để toàn dân, toàn quân đều biết và nhận thức rõ. Đối với lực lượng công an phải có nhiệm vụ “vạch trần những âm mưu và hành động lợi dụng một số vụ án, vụ việc tiêu cực để làm tổn hại tới khối đại đoàn kết toàn dân, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân”19.

Trong công tác đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận thức rõ nguyên tắc “xây gắn liền với chống”. Để Nhân dân không bị ảnh hưởng bởi những tuyên truyền phản động, sai trái thì phải nâng cao sức đề kháng của nhân dân, bằng cách nâng cao bản lĩnh, ý thức chính trị, niềm tin của họ đối với Đảng, chế độ, bằng việc giúp họ cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch. Để làm được điều này cũng đều phải thông qua biện pháp là tuyên truyền “Chú trọng giáo dục giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”20.

Cùng với tuyên truyền, theo Tổng Bí thư biện pháp có hiệu quả nhất để đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là nâng cao hiệu quả trong thực tiễn. Thực tiễn chính là minh chứng có sức thuyết phục nhất về sự đúng đắn trong đường lối của Đảng, về việc Đảng là một Đảng vì dân, vì nước, đập tan mọi xuyên tạc nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư lấy ví dụ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam chính là lời phản bác đanh thép nhất trước những luận điệu lợi dụng tham nhũng để chống phá của chúng “Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mói đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười”21. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta phải tiếp tục nâng cao năng lực và phẩm chất tạo ra những chuyển biến thực sự trong thực tiễn, mang lại lợi ích thực sự cho nhân dân thì khi đó những xuyên tạc của các thế lực thù địch đều trở nên vô nghĩa.

Về lực lượng tham gia vào đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của các  thế lực thù địch, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cả hệ thống chính trị đều phải tham gia. Việc định hướng cho những cơ quan tham gia vào công tác tuyên truyền chống lại phản tuyên truyền của các thế lực thù địch đã thể hiện rõ toàn hệ thống chính trị đều phải tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh này. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, Tổng Bí thư đã thẳng thắn thừa nhận các cơ quan chưa tích cực tham gia vào thực hiện nhiệm vụ này “Chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”22. Ngoài hệ thống chính trị, Tổng Bí thư còn khẳng định tất cả mọi người dân Việt Nam đều phải tham gia đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đến vai trò của các đối tượng cụ thể, như: công nhân, quân đội, công an, thanh niên… “Bản thân mỗi thanh niên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn. Ra sức đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch”23

4. Kết luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến việc đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái thù địch, chống lại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch bởi xây dựng Đảng gắn liền với bảo vệ Đảng. Bảo vệ Đảng không chỉ là khẳng định tính đúng đắn trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng mà còn phản bác các luận điệu sai trái, những âm mưu đen tối, bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen. 29 bài viết của Tổng Bí thư đầy ắp những nội dung về đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch với những định hướng rất sâu sắc, toàn diện như đã phân tích ở trên. 

Chú thích
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật. 2022, tr. 333, 210, 109 – 110, 135, 136, 333, 109, 435, 135, 345, 210, 344, 270, 363, 281, 109 – 110, 435, 399, 459, 290, 392, 373, 312.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Trọng Hoài. Sự cảnh tỉnh cho những ngộ nhận về chủ nghĩa tư bản qua cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tạp chí Chủ nghĩa xã hội lý luận và thực tiễn, số 2 – 2022.
2. Chu Quang Thiện. Quán triệt các luận điểm trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tạp chí Cộng sản số 968/2021.
3. Dương Trung Ý. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện – nội dung sâu đậm và đầy tâm huyết trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tạp chí Lý luận chính trị, số 5/2022.