TS. Hoàng Văn Vân
Cử nhân Thái Phi
Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, công tác dân vận đã góp phần làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, từng bước “đánh cho Mỹ cút”, “đánh cho Ngụy nhào”. Quá trình đó đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa sâu sắccho chúng ta có thể vận dụng vào nâng cao chất lượng công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ khóa: Công tác dận vận; Trung ương Cục miền Nam; Dân vận; Quân đội.
1. Trung ương Cục miền Nam với công tác dân vận giai đoạn 1969 – 1972
Chủ trương của Trung ương cục miền Nam về công tác dân vận (1969 – 1972)
Sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968), tình hình chính trị ở các đô thị trên chiến trường B2 tiếp tục có những chuyển biến làm cho Mỹ – ngụy khủng hoảng trên nhiều mặt. Tháng 8/1968, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về tổng khởi nghĩa, tổng công kích miền Nam với chủ trương “Phải động viên mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh đoàn kết chiến đấu của cả dân tộc dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, dốc toàn lực giành thắng lợi quyết định trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”1. Tháng 10/1968, Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 8 nhất trí thông qua Nghị quyết số 07/NQNT về nỗ lực vượt bậc, kiên quyết tiến lên giành thắng lợi quyết định, trong đó nhấn mạnh: “Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác dân vận và phong trào du kích chiến tranh ở đô thị và vùng ven để kết hợp được lực lượng tấn công từ ngoài vào với lực lượng nổi dậy tại chỗ”2 làm tan rã ngụy binh và hậu phương của địch. Tháng 7/1969, Trung ương Cục miền Nam tiến hành Hội nghị lần thứ 9, đề ra chủ trương về tăng cường công tác dân vận làm cơ sở vững chắc, đẩy mạnh phong trào chính trị và binh vận tiến kịp tình hình mới.
Từ ngày 10/3 – 20/3/1971, Trung ương Cục miền Nam tổ chức Hội nghị bàn về đẩy mạnh công tác dân vận và đề ra phương hướng cho từng mặt: (1) Đào tạo đội ngũ cán bộ dân vận đáp ứng yêu cầu cách mạng mới bằng mọi cách thích hợp, linh hoạt; (2) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phải “chỉ cho quần chúng thấy âm mưu địch, căm thù địch, là nói đúng quyền lợi nguyện vọng tâm tư của quần chúng, là hướng dẫn cho quần chúng hành động cách mạng”3; (3) Chú trọng “Phát động phong trào quần chúng phá kìm diệt ác bung ra bám lại sản xuất, chủ động đấu tranh chống địch khủng bố gom dân, phát triển du kích chiến tranh, hình thành xã ấp chiến đấu, cương quyết giữ vững và phát triển cho được thế bung ra, phá kìm, bám lại và thế làm chủ của quần chúng trên một diện thật rộng”4.
Có thể thấy, giai đoạn 1969 – 1972 Trung ương Cục miền Nam đã kịp thời đề ra chủ trương về công tác dân vận đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra, làm cơ sở vững chắc đẩy mạnh phong trào chính trị và binh vận, từ đó, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý rất thâm độc và xảo quyệt của đế quốc Mỹ và tay sai.
Chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam về công tác dân vận (1969 – 1972)
Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam về công tác dân vận, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành Thông tri số 83/CTNT ngày 06/4/1969 về chương trình học tập cho đảng viên, cán bộ cơ sở và cán bộ sơ cấp. Trong đó, xác định công tác quần chúng của chi bộ là một trong những nội dung của chương trình cơ bản chung cho đảng viên; Chỉ thị số 11/CT70 ngày 14/4/1970 của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành về đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh vận đáp ứng yêu cầu giành thắng lợi ngày càng to lớn, trong đó nhấn mạnh “Khẩn trương xây dựng Đoàn Thanh niên vững mạnh, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp thanh niên tạo cơ sở giành thắng lợi ngày càng to lớn tiến tới giành thắng lợi quyết định”5; Chỉ thị số 14/CT70 ngày 24/4/1970 của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam về tăng cường công tác vận động công nhân lao động làm chỗ dựa vững chắc đẩy mạnh hơn nữa phong trào đấu tranh 3 mũi của Nhân dân đô thị và đồn điền góp phần giành thắng lợi ngày càng to lớn. Yêu cầu công tác dân vận phải ra sức tập hợp xây dựng rèn luyện đội ngũ chính trị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị của Nhân dân, đặc biệt là tập hợp xây dựng lực lượng chính trị hùng mạnh của công nhân và lao động, của nông dân, đoàn kết các giai tầng học sinh sinh viên, tiểu tư sản, trí thức tư sản dân tộc vào một mặt trận đấu tranh chung.
Về tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân
Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành Chỉ thị số 66/CTNT ngày 06/01/1969 về đẩy mạnh hơn nữa công tác nông vận để giành thắng lợi quyết định trước mắt. Thông tri số 89/CTNT ngày 04/5/1969 của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam về nội dung và ý nghĩa của giải pháp toàn bộ đối với vấn đề miền Nam Việt Nam của phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng tại Hội nghị Paris. Đây chính là thời cơ thuận lợi để đẩy mạnh công tác binh vận, động viên quân dân ta càng phấn khởi, tin tưởng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, kiên quyết giành thắng lợi to lớn hơn nữa.
Đồng thời, công tác tuyên truyền vận động đồng bào theo đạo Hòa Hảo được Đảng ta đặc biệt quan tâm, trước tiên là ra sức tập hợp đông đảo đồng bào theo đạo Hòa Hảo đấu tranh đẩy mạnh phong trào chống bắt lính, chống vơ vét, bảo vệ sản xuất và bảo vệ đạo để từng bước đánh bại chính sách lợi dụng tôn giáo và kế hoạch bình định của địch…; cô lập và đánh đổ bọn ác ôn tay chân địch đội lốt đạo, phá rã tổ chức kìm kẹp của địch gây cơ sở và phát triển lực lượng tại chỗ, hình thành những lõm chính trị, tiến lên du kích chiến tranh ở vùng Hòa Hảo. Giai đoạn này, tiếp tục động viên Nhân dân hăng hái sản xuất, tiến lên giành thắng lợi. Ngày 22/02/1969, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành Chỉ thị số 73/CTNT về việc nỗ lực vượt bậc đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, tăng cường bồi dưỡng sức dân đi đôi với động viên sức người, sức của phục vụ tiền tuyến, kiên quyết giành thắng lợi. Trong 3 năm (1970 – 1972), hậu cần Miền thu mua tại chỗ 174.000 tấn gạo, muối, trong đó mua tại Campuchia 161.000 tấn gạo, 6.286 tấn xăng dầu….6. Chỉ thị số 23/CT70 ngày 23/7/1970 của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành về đẩy mạnh cuộc vận động nhân dân bung ra và bám lại sản xuất, bảo vệ đời sống, xây dựng thế và lực của ta, phá thế kìm kẹp, gom dân của địch là một bước rất quan trọng tiến tới đánh bại bình định của địch.
Thực hiện quyết tâm của Đảng, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, quân và dân ta ở miền Nam không quản hy sinh gian khổ, kiên cường đánh bại nhiều cuộc phản kích quyết liệt của địch, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm và giữ được phần lớn các vùng giải phóng mới mở ra ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Khu V. Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 đã giành thắng lợi to lớn, làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh và đã diệt và làm tan rã khoảng 30 vạn quân địch, giải phóng những vùng đất rộng gồm trên 1 triệu dân, đưa tổng số dân được giải phóng lên tới 4 triệu (trong tổng số 14 triệu dân toàn miền Nam)7. Thắng lợi của Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 đã góp phần quyết định buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân ra khỏi miền Nam, hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút” tiến lên “đánh cho ngụy nhào”.
2. Đẩy mạnh công tác dân vận dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1973 – 1975
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đã giành được thắng lợi toàn diện vào năm 1972, đưa đến việc ký kết Hiệp định Paris, tạo bước ngoặt căn bản cho cách mạng Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng mới, nhằm tập hợp được đông đảo quần chúng tổng tiến công và nổi dậy khởi nghĩa với khí thế thật táo bạo, cách mạng là ngày hội của quần chúng, quyết tiêu diệt làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền, lập chính quyền cách mạng. Công tác dân vận của Trung ương Cục miền Nam trong giai đoạn 1973 – 1975 được đẩy mạnh dựa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự, đấu tranh chính trị, binh vận và pháp lý của Hiệp định Paris, thực hiện tiến công liên tục, phát triển lên cao trào với mức táo bạo, thần tốc góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Từ tháng 9 – 10/1973, Hội nghị cán bộ toàn miền Nam đã họp thông qua các đề án về công tác dân vận, đồng thời chỉ rõ, phải bám sát lãnh đạo các phong trào, qua đó, phát hiện được những người tích cực được quần chúng tín nhiệm để đào tạo thành nòng cốt nhằm bồi dưỡng cho họ biết cách vận động nắm quần chúng, quan hệ tốt với quần chúng trong đời sống, sản xuất và đấu tranh. Đồng thời, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành Chỉ thị số 08/CT74 ngày 09/8/1974 về việc tích cực hoàn thành kế hoạch năm 1974 và phương hướng, nhiệm vụ, yêu cầu và công tác cấp bách năm 1975, trong đó nhấn mạnh cần phải hết sức chú ý phong trào đấu tranh của quần chúng mà bồi dưỡng phát triển cơ sở nòng cốt mới, “phải mạnh dạn kết nạp quần chúng vào các tổ chức đoàn thể cách mạng, đồng thời, thông qua các tổ chức công khai, nửa công khai ở vùng yếu (đô thị và nông thôn) tập hợp tổ chức quần chúng, chọn và xây dựng nòng cốt tín nhiệm trong quần chúng, từng bước bồi dưỡng và nâng họ lên, phấn đấu đến cuối năm 1974, xây dựng được nòng cốt quần chúng tốt trong hầu hết các ấp trắng”8.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đòi địch thi hành Hiệp định, lập lại hòa bình, ngày 17/4/1973, Thường vụ Trung ương Cục có Công Điện số 866/TV yêu cầu đối với đô thị và vùng yếu do địch kiểm soát, ra sức tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng lao động, công, tư chức, giáo chức và gia đình các binh sĩ, ký giả các báo… vạch trần tội ác địch vi phạm Hiệp định, đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống của giới mình thông qua nhiều hình thức, kiểu cách và khẩu hiệu cho thích ứng với mỗi nơi.
Từ tháng 9 – 10/1973, Hội nghị cán bộ toàn miền Nam đã họp thông qua đề án về công tác dân vận, yêu cầu: “Tiến hành một cuộc vận động chính trị sâu rộng, giáo dục cho quần chúng thông suốt tình hình nhiệm vụ mới đi liền với giáo dục khẩu hiệu trung tâm và các chánh sách cơ bản của Đảng, gắn chặt với nhiệm vụ yêu cầu của từng xã ấp của từng giới giai cấp, lứa tuổi trong từng thời gian để làm cho mọi người được phát động đều có hành động cách mạng tùy theo hoàn cảnh khả năng của mình từ thấp đến cao”9. Tiếp đó, ngày 18/4/1974, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ban hành Chỉ thị số 04/CT74 về phát động hàng triệu quần chúng đứng lên đánh bại chính sách bình định lấn chiếm, đánh bại chính sách phát xít hiếu chiến phá hoại Hiệp định, đánh bại chủ nghĩa thực dân mới, đánh đổ tập đoàn tay sai đế quốc Mỹ, thực hiện một miền Nam hòa bình độc lập dân chủ phồn vinh hòa hợp dân tộc tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, ngày 06/4/1975, Thường vụ Trung ương Cục có Điện số 390/TV về đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng thành thị với yêu cầu vạch cho Nhân dân thấy rõ đã đến lúc nổi dậy đánh đổ ngụy quyền, giành chính quyền về tay Nhân dân. Từ đó đã góp phần quan trọng làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 – 1975).
Qua 21 năm kháng chiến, Đảng ta, quân đội ta không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Chúng ta đã đánh sập bộ máy ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tay sai của Mỹ, giải phóng hoàn toàn đất nước.
3. Bài học từ công tác dân vận của Trung ương Cục miền Nam (1969 – 1975) đối với việc nâng cao chất lượng công tác dân vận của quân đội hiện nay
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhau. Các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội… Vận dụng kết quả, kinh nghiệm lãnh đạo công tác dân vận trong kháng chiến chống Mỹ (1969 – 1975), dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận, các cơ quan, đơn vị quân đội cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, quán triệt sâu sắc, triển khai tích cực các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới, tất cả các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong quân đội, phát huy vai trò nòng cốt của quân đội trong xây dựng “thế trận lòng dân vững chắc, yên dân, phát huy sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”10.
Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Quân đội; Kết luận số 43-KL/TW ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới… Thực hiện tốt chức năng “Đội quân công tác”; vun đắp tình cảm đoàn kết, sự gắn bó “máu thịt” của quân đội với Nhân dân; phát huy và làm tỏa sáng danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ.
Hai là, thường xuyên kiện toàn và nâng cao chất lượng lực lượng tiến hành công tác dân vận của quân đội. Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức cơ quan dân vận, có tổ chức biên chế thống nhất, hợp lý, ổn định; đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, có kỹ năng công tác dân vận; luôn học tập phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Thực hiện trọng dân, gần dân, sát dân, tin dân, hiểu dân, lắng nghe, chia sẻ với dân, giúp đỡ dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin”11. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tiến hành công tác dân vận; đồng thời, chú trọng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh.
Ba là, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn đóng quân, nhận diện sớm âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn phải đặc biệt chủ động nắm chắc mọi tình hình liên quan đến tình hình dân cư, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương. Chú trọng công tác dân tộc, tôn giáo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, những vấn đề nội cộm, bức xúc trong Nhân dân. “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”12. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, giải quyết tốt các vụ việc xảy ra, bảo vệ vững an ninh chính trị, tham gia xây dựng địa bàn ngày càng ổn định và phát triển.
Bốn là, đa dạng hóa về nội dung, phương thức tiến hành công tác dân vận. Theo đó, nội dung, hình thức, biện pháp công tác dân vận cần được thường xuyên đổi mới, sáng tạo hướng về cơ sở; chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các hình thức kết nghĩa; hành quân dã ngoại làm công tác dân vận; tổ công tác dân vận; cử cán bộ tăng cường cho cơ sở. Bên cạnh đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị – xã hội các cấp địa phương trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua, cuộc vận động trong và ngoài quân đội. Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; thực hiện tốt công tác dân vận trong các khu kinh tế – quốc phòng trên các địa bàn trọng điểm.
Năm là, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội của địa phương trong tiến hành công tác dân vận. Tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch ký kết giữa cơ quan, đơn vị với các tổ chức ở địa phương. Cơ quan, tổ, đội công tác, tuyên truyền đặc biệt phải chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội cùng nhau tuyên truyền, vận động và đấu tranh với các thế lực thù địch. Phát huy cốt cách, người có uy tín trong quần chúng nhân dân (già làng, trưởng bản), ấp trưởng để nắm địa bàn. Tham mưu kịp thời cho cho đơn vị, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành chính sách tuyên truyền, đấu tranh với các đối tượng chống phá trên địa bàn.
4. Kết luận
Công tác dân vận trong kháng chiến chống Mỹ (1969 – 1975) dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, đã góp phần to lớn vào giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Kế thừa và phát huy những thành quả tốt đẹp, những kinh nghiệm, bài học về công tác dân vận trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc thì công tác dân vận của các cơ quan, đơn vị quân đội cần tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả tất cả các mặt, các nhiệm vụ; phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, yên dân góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 29. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2004, tr. 431.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946 – 1975. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr. 303, 178.
3, 4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946 – 1975. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr. 178, 195.
5. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946 – 1975. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr. 156.
6. Trung ương Cục miền Nam (1961 – 1975) – thành công về tổ chúc và lãnh đạo cách mạng của Đảng (kỳ 3). https://danguykhoi.laichau.gov.vn, ngày 07/3/2024.
7. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972. https://dangcongsan.vn, ngày 04/11/2019.
8. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946 – 1975. Tập 18. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr. 215.
9. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946 – 1975. Tập 17. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr. 526.
10, 11, 12. Ban Tuyên giáo Trung ương. Tài liệu học tập các văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở). H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr. 125, 132, 132.