Trung tá, ThS. Mai Thúc Định
Thiếu tá Vũ Minh Thành
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Bí thư đảng ủy cơ sở ở các đơn vị trong Quân đội là người đứng đầu đảng ủy và đảng bộ, người khởi thảo và đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, nội dung công tác của đảng ủy, cơ sở để đảng ủy thảo luận và quyết định. Do đó, đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở phải có năng lực toàn diện, nhất là năng lực công tác xây dựng Đảng. Bài viết nêu một số kinh nghiệm từ thực tiễn bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng cho đội ngũ bí thư đảng ủy ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay.
Từ khoá: Năng lực; xây dựng Đảng; bí thư đảng ủy cơ sở; Quân đội.
1. Đặt vấn đề
Bí thư đảng ủy cơ sở có vai trò quan trọng trong xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; là người chủ trì các mặt công tác của cấp ủy, trực tiếp cùng với cấp ủy quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, xây dựng nghị quyết của cấp mình và chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết; hạt nhân lãnh đạo, trung tâm đoàn kết trong đảng ủy, đơn vị. Vì vậy, bí thư đảng ủy cơ sở phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, tâm lý và có năng lực công tác tốt, trong đó phải có năng lực công tác xây dựng Đảng.
Năng lực công tác xây dựng Đảng là yếu tố cấu thành năng lực toàn diện, tạo nên nhân cách, uy tín của người bí thư đảng ủy cơ sở, phản ánh trình độ, khả năng thực tế của người bí thư đảng ủy cơ sở trong nắm bắt và giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng Đảng. Đó là trình độ, khả năng nhận thức và tiến hành các hoạt động xây dựng Đảng của người bí thư đảng ủy cơ sở nhằm xây dựng đảng ủy cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Năng lực công tác xây dựng Đảng của bí thư đảng ủy cơ sở không tự nhiên mà có, mà được hình thành, phát triển trong quá trình học tập tại trường và trong thực tiễn công tác.
Bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở là nội dung quan trọng trong công tác bồi dưỡng cán bộ của Đảng, được tiến hành thường xuyên ở đảng ủy cơ sở nhằm củng cố, bổ sung, phát triển, hoàn thiện tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo tiến hành công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở đảng ủy cơ sở.
2. Một số kinh nghiệm
Bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ, bảo đảm cho đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Những năm qua, hoạt động bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở thường xuyên được sự quan tâm của cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp. Bước đầu, hoạt động bồi dưỡng đã mang lại kết quả thiết thực góp phần xây dựng đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở ngày càng vững mạnh, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng ở đảng ủy cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở còn không ít hạn chế, bất cập cả về nhận thức, trách nhiệm, năng lực của chủ thể và các lực lượng cũng như nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành. Năng lực công tác xây dựng Đảng của một bộ phận bí thư đảng ủy chưa tương xứng yêu cầu, nhiệm vụ, chưa ngang tầm với vị trí, vai trò của người chủ trì đảm nhiệm hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị ở các đơn vị trong Quân đội.
Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng năng lực công tác Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở ở các đơn vị bộ binh trong Quân đội, từ thực tiễn, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, thường xuyên coi trọng, tạo thống nhất về nhận thức của cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp trong bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở.
Thống nhất nhận thức của cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp đối với nhiệm vụ bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt. Thực tiễn cho thấy, do nhận thức đúng đắn vị trí, tầm quan trọng bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở nên cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp đã thường xuyên có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện kiên quyết, sáng tạo, duy trì nề nếp, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng.
Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở chỉ có kết quả cao khi cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp có sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, thống nhất công tác tư tưởng với công tác tổ chức, thống nhất giữa nói đi đôi với làm, giữa lý luận với thực tiễn tạo được sức mạnh tổng hợp trong bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở. Khi có nhận thức đúng của các tổ chức, các lực lượng thì sẽ phát huy được dân chủ, tập trung được trí tuệ, xác định những chủ trương, biện pháp đúng đắn và tổ chức triển khai thực hiện được nhanh chóng, kịp thời và đem lại kết quả.
Vận dụng bài học kinh nghiệm này, cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, đồng thời, đấu tranh khắc phục các tư tưởng lệch lạc trong bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở. Nội dung quán triệt cần toàn diện, trong đó đi sâu vào giáo dục các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác xây dựng Đảng là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, là trách nhiệm của mọi tổ chức và của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quân đội là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong bảo vệ Đảng, do vậy, cán bộ quân đội phải được đào tạo, bồi dưỡng để có khả năng tiến hành tốt hoạt động xây dựng Đảng theo chức trách, nhiệm vụ.
Hai là, thường xuyên xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện, đồng bộ; không ngừng đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở.
Bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở là nội dung lãnh đạo của cấp ủy các cấp được xác định trong nghị quyết lãnh đạo, bảo đảm cho hoạt động bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu, phương hướng đề ra. Cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở ở tất cả các khâu, các bước trong toàn bộ quá trình bồi dưỡng. Đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp bồi dưỡng bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, phản ánh đúng quy luật, nguyên tắc, phương châm giáo dục, bám sát sự vận động, phát triển của thực tiễn và đặc điểm của đối tượng, tránh chủ quan, áp đặt. Chương trình, nội dung bồi dưỡng cần toàn diện cả lý luận và thực tiễn, cả kiến thức kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động thực tiễn công tác xây dựng Đảng, có sự lựa chọn cho phù hợp với đối tượng.
Vận dụng kinh nghiệm nêu trên, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp cần tập trung giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về hoạt động bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở. Tổ chức thực hiện chặt chẽ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng đối với công tác cán bộ và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nắm vững và quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ trong quân đội và các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên; yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của đơn vị để thường xuyên nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo và tổ chức bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở. Bên cạnh đó, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp bồi dưỡng, đặc biệt chú trọng các đợt tập huấn, sinh hoạt cấp ủy, các hội thi, hội thao bí thư đảng ủy giỏi, sơ kết, tổng kết các mặt hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị. Khai thác vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức cũ, đồng thời, tìm tòi các hình thức mới nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng với bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực toàn diện của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở.
Đây là nội dung quan trọng trong thực tiễn bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở. Với vai trò chủ trì về công tác xây dựng Đảng ở chi bộ, trực tiếp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị ở đơn vị cơ sở đòi hỏi đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở phải có phẩm chất và năng lực, đủ cả đức cả tài.
Bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở phải toàn diện từ nhận thức, giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chính trị, quan điểm, đường lối, chính sách, lập trường, bản lĩnh chính trị, tư tưởng chính trị đến ý chí, trách nhiệm, động cơ, thái độ chính trị sẵn sàng, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là bồi dưỡng các chuẩn mực đạo đức: trí, dũng, liêm, trung; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tinh thần đoàn kết, dân chủ, thương yêu đồng chí, đồng đội; cần cù, chịu khó, khiêm tốn, giản dị, trung thực, cầu thị; không kiêu ngạo, quan liêu, làm quan cách mạng, không hữu danh vô thực, không tham nhũng, tiêu cực, không vi phạm những điều đảng viên không được làm. Cùng với đó là năng lực công tác, từ kiến thức, trình độ, kỹ năng đến kinh nghiệm; đặc biệt là năng lực công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị của bí thư đảng ủy như: năng lực nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, năng lực đánh giá, phân tích tình hình, nhiệm vụ, năng lực đề xuất chủ trương lãnh đạo, năng lực chủ trì hội nghị đảng ủy, năng lực quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết; năng lực duy trì các nguyên tắc tổ chức, chế độ, nề nếp sinh hoạt Đảng; năng lực tiến hành công tác tư tưởng, công tác tổ chức, công tác chính sách, bảo vệ, dân vận, kiểm tra, giám sát; kiến thức kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, hậu cần.
Vận dụng kinh nghiệm này, đòi hỏi quá trình bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở phải gắn chặt và kết hợp giữa các nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng với bồi dưỡng phẩm chất, năng lực toàn diện của đội ngũ cán bộ chủ trì về công tác xây dựng Đảng ở đảng ủy và gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi ủy, đảng ủy cơ sở. Kết hợp bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, năng lực công tác Đảng, công tác chính trị với bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở. Đồng thời, phải lấy kết quả lãnh đạo đơn vị cơ sở hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng ủy, hiệu quả hoạt động bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm bồi dưỡng phẩm chất và năng lực của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở trong những năm qua để thực hiện có hiệu quả việc kết hợp bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng với bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở trong điều kiện mới.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động bồi dưỡng của tổ chức với đề cao tính chủ động, tích cực tự học tập, bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở.
Chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động bồi dưỡng của tổ chức với tự bồi dưỡng. Thực tiễn đã chứng minh, cho dù tổ chức có nhiều cố gắng đến đâu, nhưng bí thư đảng ủy cơ sở không chủ động, tích cực tự học tập, tự bồi dưỡng thì kết quả bồi dưỡng mang lại sẽ không cao.
Nội dung kinh nghiệm chỉ ra rằng, tính chủ động, tích cực tự học tập, tự bồi dưỡng của bí thư đảng ủy cơ sở kết hợp với sự quan tâm bồi dưỡng của tổ chức là nhân tố quyết định đối với việc củng cố, phát triển, hoàn thiện năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở. Tổ chức, động viên và huy động tối đa ưu thế, sức mạnh của các tổ chức, lực lượng của cấp trên, cấp dưới và đơn vị tham gia tích cực vào quá trình bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, lực lượng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách, bảo đảm tốt các mặt đi đôi với khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tự học tập, bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở. Từng bí thư đảng ủy cơ sở phải luôn quyết tâm phấn đấu hoàn thiện bản thân, xứng tầm với vai trò, vị thế của người đứng đầu cấp ủy, người chủ trì về công tác xây dựng Đảng.
Vận dụng kinh nghiệm này, các chủ thể, lực lượng bồi dưỡng cần chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng động cơ tự học tập, tự bồi dưỡng đúng đắn cho đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quy chế, kế hoạch, xác định nội dung, hình thức và tạo mọi thuận lợi cho đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở tự học tập, tự bồi dưỡng, theo dõi kiểm tra quá trình tự học tập, tự bồi dưỡng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở, kịp thời biểu dương thành tích, ưu điểm, uốn nắn, nhắc nhở những hạn chế, khuyết điểm sẽ đem lại chất lượng và hiệu quả cao trong hoạt động bồi dưỡng. Trên cơ sở định hướng, giúp đỡ của tổ chức, bí thư chi bộ cần hướng bản thân tự tìm ra mặt mạnh cũng như những thiếu sót, khuyết điểm về năng lực tiến hành công tác xây dựng Đảng so với yêu cầu chức trách, nhiệm vụ để đề ra mục tiêu, kế hoạch phấn đấu của mình. Sau khi đã xác định được mục tiêu, kế hoạch phấn đấu, với tinh thần vừa làm, vừa học, vừa tu dưỡng, bí thư đảng ủy cơ sở phải kiên trì, sử dụng tổng hợp linh hoạt các hình thức, biện pháp, tận dụng các điều kiện hiện có để tự học tập, tự tu dưỡng theo mục tiêu, kế hoạch đã xác định. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống các tác động tiêu cực, những biểu hiện có ảnh hưởng xấu đến kết quả tự học tập, tự tu dưỡng của bản thân.
3. Kết luận
Trên cơ sở khái quát thực tiễn bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở, rút ra những kinh nghiệm bước đầu có ý nghĩa thiết thực, đòi hỏi các chủ thể, lực lượng bồi dưỡng nghiên cứu, vận dụng để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở. Đây cũng là cơ sở khoa học để các chủ thể, lực lượng bồi dưỡng xác định yêu cầu và đề xuất các giải pháp tăng cường bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy cơ sở trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Quy định số 51-NQ/TW ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
2. Quy định số 49-QĐ/TW ngày 22/12/2021 của Bộ Chính trị về tổ chức Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
3. Nguyễn Văn Duy. Bồi dưỡng năng lực chủ trì công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư chi bộ đại đội bộ binh thuộc Đảng bộ Sư đoàn 10/Quân đoàn 3 hiện nay. Tạp chí Khoa học Quân sự, Số 5/2021, tr. 98 – 100.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2021.