Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh

Thái Thị Lệ
Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học1. Theo đó, giáo dục con người phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân là mục tiêu hướng tới của chiến lược phát triển đất nước. Giáo dục, đào tạo nước ta đã có nhiều đổi mới cả về cơ chế, chính sách; hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng được hoàn thiện ở tất cả các cấp học, ngành học. Bài viết làm rõ chủ trương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và những kết quả đạt được của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, qua đó, đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn tới.

Từ khoá: Đào tạo; bồi dưỡng; nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng; Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Những năm qua, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh luôn được Đảng ủy, Hội đồng, Ban Giám hiệu trường quan tâm kịp thời. Điều này được thể hiện qua công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm nâng trình độ của viên chức và người lao động trong trường. Từ đó, số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên tăng lên rõ rệt; số người đạt chuẩn về ngạch, chức danh theo quy định chiếm tỷ lệ cao; trình độ được đào tạo sau đại học tăng đáng kể qua các năm. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế, chưa thực sự tương xứng với đòi hỏi phát triển của xã hội và xu thế hội nhập, như: năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học còn hạn chế; thiếu hụt đội ngũ kế cận đạt trình độ chuyên môn cao.

Chính vì vậy, việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ cán bộ giảng dạy, giỏi về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, gắn bó với nghề, với trường, ổn định về chính trị trước biến động của cơ chế thị trường có một vị trí quan trọng trong việc bảo đảm cho sự phát triển bền vững ổn định và lâu dài của nhà trường. Muốn thực hiện được điều này cần có các giải pháp nhằm phát huy tối đa nguồn nhân lực hiện có nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và yêu cầu phát triển chung trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

2. Nguồn nhân lực Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh

Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh được thành lập năm 1976 theo Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 27/10/1976 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn (thành lập 1951 do tách ra từ khoa Kiến trúc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1926), trải qua từng thời kỳ và giai đoạn phát triển, Trường được chuyển về Bộ Xây dựng quản lý từ năm 2003 đến nay. Hiện, tổng số viên chức và người lao động của Trường là 384 người, gồm: 282 giảng viên và trợ giảng và 102 viên chức, người lao động, trong đó, có 10 phó giáo sư, 83 tiến sĩ, 224 thạc sĩ, 53 cử nhân, 2 cao đẳng, 8 trung cấp và 14 trình độ khác2.

Để cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ và yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức và người lao động trong giai đoạn mới. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Xây dựng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng và chú trọng thực hiện nghiêm túc kế hoạch cũng như triển khai cụ thể hóa các chính sách nhằm đạt được các mục tiêu của Trường đề ra. Trường đã triển khai tổng hợp các số liệu, thu thập các ý kiến của viên chức và người lao động hằng năm để làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo từng giai đoạn khác nhau. Trên cơ sở chỉ tiêu, kinh phí được phê duyệt, trường đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện bảo đảm tính hiệu quả, đúng yêu cầu, gắn với nhiệm vụ, công việc được giao và gắn với quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, viên chức và người lao động.

Trong năm 2023, hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ chuyện môn, trường đã cử 5 viên chức đi học tiến sĩ trong nước; 1 viên chức hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ và 3 viên chức hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ. Về công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, trường đã cử 1 viên chức quản lý tham gia bồi dưỡng lớp cao cấp lý luận chính trị; 6 viên chức thuộc diện quy hoạch Phó Hiệu trưởng tham gia đăng ký xét bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị. Bên cạnh đó, viên chức nhà trường đều dược tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức quốc phòng – an ninh. Về công tác hỗ trợ bài báo khoa học, trường đã hỗ trợ chi phí cho 77 bài báo của các giảng viên đăng trên các ấn phẩm quốc tế, trong đó có 54 bài đạt chỉ số Scopus Q1- Q4, 15 bài đặt chỉ số ISI3

Nhìn chung, chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đã được quán triệt cụ thể, rõ ràng đến toàn bộ viên chức và người lao động trong trường. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng được cụ thể hóa thành chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đặc thù của trường, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của ngành Xây dựng đủ về số lượng, chất lượng và hợp lý về cơ cấu viên chức và người lao động. Theo đó, Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đã chú trọng tăng cường triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức và người lao động và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Năm học 2022 – 2023 Trường đã bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho 14 viên chức sau khi đã trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng II) năm 2023. Xét công nhận 2 ứng viên đạt chuẩn chức danh phó giáo sư4. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo, định hướng của Bộ Xây dựng trong công tác tổ chức cán bộ; đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng được bảo đảm các điều kiện hỗ trợ từ ngân sách nhà nước giúp cho viên chức và người lao động có nhiều cơ hội tham gia các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. 

Kết quả đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Một phần là do đội ngũ viên chức và người lao động tại Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh là lực lượng lao động có trình độ, kinh nghiệm làm việc, tâm lý làm việc ổn định, độ tuổi lao động lý tưởng, tinh thần sẵn sàng học tập. Phần khác là do sự đồng tình ủng hộ của viên chức và người lao động trong công tác triển khai chính sách. Cơ cấu tổ chức và năng lực của các phòng ban chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao về đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, rõ ràng theo đề án vị trí việc làm cũng giúp kết quả đào tạo được nâng cao, đúng người đúng việc.

Tuy nhiên, kết quả phân tích hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo cho thấy hoạt động đào tạo, bồi dưỡng còn có mốt số vấn đề hạn chế, như: (1) Số lượng viên chức được đào tạo, bồi dưỡng hằng năm còn ít. (2) Nội dung, chương trình chưa đa dạng và có tính chuyên sâu theo các lĩnh vực chuyên môn, do đó chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng từ các phòng ban chức năng. (3) Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng còn mang tính tự phát, đột xuất chưa có kế hoạch lâu dài. (4) Chưa có các cơ chế tạo ra những áp lực cần thiết để viên chức và người lao động có thái độ nghiêm túc và nỗ lực hơn trong học tập, bảo đảm đầy đủ chế độ theo quy định; riêng đối với cán bộ, viên chức thuộc nguồn quy hoạch được cử đi học có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí. (5) Định hướng theo cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường đại học công lập đã đem đến cho Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh rất nhiều cơ hội và thách thức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. (6) Xu thế quốc tế hóa cũng là thách thức cho công tác phát triển đội ngũ thông qua bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát triển viên chức và người lao động có trình độ ngang tầm quốc tế để có thể cạnh tranh so với các trường đại học trong nước và khu vực.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện nay

Một là, rà soát, điều chỉnh, xây dựng hệ thống văn bản quy định về đào tạo, bồi dưỡng viên chức và người lao động của trường, như: quy chế đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức, người lao động; lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức và người lao động; xây dựng đề án vị trí việc làm; quy chế quy định trách nhiệm đối với đội ngũ viên chức lãnh đạo, quản lý các cấp tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng … Các văn bản này có tác dụng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích viên chức và người lao động tìm hiểu các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, từ đó, tích cực nâng cao năng lực làm việc, năng lực thực thi nhiệm vụ.

Hai là, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các đơn vị hỗ trợ viên chức hoàn thành tốt công việc trong thời gian học tập; bảo đảm quyền lợi cho viên thức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; đưa nội dung học tập bồi dưỡng vào các tiêu chí để đánh giá và xét thi đua khen thưởng để tạo động lực cho viên chức, người lao động áp dụng những kiến thức đã học vào công việc, phục vụ cho lợi ích của nhà trường.

Ba là, đẩy mạng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo bồi dưỡng thông qua các kênh, như: mở các lớp tập huấn về tuyên truyền, cung cấp tài liệu hướng dẫn chính sách và thực hiện chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp; tổ chức các cuộc họp, hội nghị, đại hội đến viên chức, người lao động… Ngoài ra, trường cần tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền, như: tổ chức các cuộc thi, phong trào thi đua tìm hiểu về vai trò, lợi ích của đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo động lực, huy động sự quan tâm của viên chức và người lao động. Mặt khác, phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong hệ thống cổng thông tin trực tuyến, email công vụ, kênh thông tin của các đơn vị trong công tác triển khai các văn bản liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng. Đẩy mạnh công tác số hóa tài liệu, tăng cường bổ sung các cơ sở dữ liệu điển tử có giá trị, nâng cấp phần mềm thư viện điện tử nhằm phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Bốn là, hoàn thiện các chế độ chính sách đãi ngộ và mức thu nhập xứng đáng cũng như việc giữ chân giảng viên giỏi ở lại cống hiến cho trường, như: nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ viên chức, người lao động; chính sách khen thưởng kịp thời cho các nhà khoa học có các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao tại trường; các chính sách khuyến khích, khen thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, hỗ trợ đăng bài báo quốc tế, hội thi giảng viên dạy giỏi…; khuyến khích, hỗ trợ học phí cho giảng viên đi nghiên cứu sinh, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện chế độ cải cách tiền lương và các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao thu nhập cho đội ngũ viên chức, người lao động từ nguồn thu của nhà trường.

4. Kết luận

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp thiết nhằm góp phần thực hiện đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, thích ứng với hoạt động và yêu cầu đổi mới của ngành. Trong bối cảnh một nền kinh tế phát triển dựa trên cơ sở tri thức, nguồn lực con người có trí tuệ và kỹ năng cao là yếu tố trung tâm và là mục tiêu cao nhất của ngành Giáo dục. Với những giải pháp, chiến lược hành động cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức và người lao động trong cả nước nói chung và Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh nói riêng trong giai đoạn mới, hướng tới hội nhập, phát triển đất nước theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2016, tr. 115.
2, 3, 4. Báo cáo số 1075/BC-ĐHKT ngày 06/11/2023 của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh về tổng kết công tác năm học 2022 – 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 – 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 1435/QĐ-BXD ngày 30/12/2022 của Bộ Xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.
2. Quyết định số 594/QĐ-ĐHKT ngày 22/6/2023 của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh về Ban hành định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.
3. Quyết định số 1060/QĐ-BXD ngày 09/10/2023 của Bộ Xây dựng về quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Xây dựng.
4. Quyết định số 33/QĐ-HĐT ngày 10/10/2023 của Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh ban hành quy chế tổ chức hoạt động của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.