Quản lý, giám sát kiểm toán độc lập tại một số quốc gia phát triển – một số kinh nghiệm cho Việt Nam

TS. Đào Ngọc Hà
Trường Đại học Thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Kiểm toán độc lập có lịch sử phát triển hàng trăm năm trên thế giới. Ở Việt Nam, dịch vụ kiểm toán độc lập đang trong giai đoạn phát triển nên việc nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn quản lý, giám sát kiểm toán độc lập sẽ giúp Việt Nam thành công hơn trong quản lý, giám sát và phát triển kiểm toán độc lập. Bài viết tập trung nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn quản lý, giám sát kiểm toán độc lập ở 3 quốc gia có kiểm toán độc lập phát triển là Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc, từ đó rút ra một số kinh nghiệm nhằm tăng cường quản lý, giám sát hiệu quả kiểm toán độc lập ở Việt Nam hiện nay. 

Từ khóa: Quản lý, giám sát, kiểm toán độc lập, các quốc gia phát triển.

1. Đặt vấn đề 

Dịch vụ kiểm toán độc lập đã phát triển rất lâu tại một số quốc gia trên thế giới. Đối với các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, kiểm toán độc lập đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế. Là quốc gia đi sau, việc nghiên cứu kinh nghiệm quản lý, giám sát kiểm toán độc lập của các quốc gia phát triển sẽ giúp Việt Nam thành công trong quá trình phát triển dịch vụ kiểm toán độc lập. Hoa Kỳ là quốc gia có thị trường dịch vụ kiểm toán độc lập và mô hình quản lý, giám sát kiểm toán độc lập hiệu quả. Singapore là quốc gia có hoạt động quản lý và giám sát kiểm toán độc lập hiện đại, Nhà nước thực hiện quản lý với sự tư vấn của một hội đồng độc lập với nhiều thành phần trong xã hội nên các quy chế quản lý, giám sát kiểm toán độc lập luôn mềm dẻo và đạt hiệu quả cao. Trung Quốc là quốc gia đang phát triển và có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, chính trị với Việt Nam, kinh nghiệm quản lý, giám sát kiểm toán độc lập của Trung Quốc sẽ là bài học tốt cho Việt Nam.

2. Kinh nghiệm quản lý, giám sát kiểm toán độc lập tại một số quốc gia

2.1. Hoa Kỳ.

Chính phủ Hoa Kỳ luôn đề cao mức độ giải trình và sự phản hồi của các nhóm lợi ích trong nền kinh tế trong quản lý, giám sát kiểm toán độc lập. Các nhà hoạch định được trao quyền chủ động, linh hoạt trong quá trình xây dựng, ban hành, cải cách hệ thống pháp lý. Chiến lược kiểm toán độc lập được xây dựng riêng biệt và luôn gắn kết với các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Hệ thống pháp lý đối với kiểm toán độc lập được xây dựng ở cấp liên bang dựa trên thực tiễn thực hiện, hệ thống này không phụ thuộc vào chương trình làm luật của Quốc hội Hoa Kỳ. Văn bản quy phạm pháp luật luôn bám sát thực tiễn và thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Những chính sách lớn và dài hạn được thể chế hóa bằng các đạo luật như: Luật Kiểm toán độc lậpLuật Kế toán viên công chứngĐạo luật Sarbanes-Oxley.

Tại Hoa Kỳ, Hiệp hội nghề nghiệp phát triển mạnh nên các chuẩn mực nghề nghiệp và đạo đức kiểm toán được Nhà nước giao cho Hiệp hội Kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA) nghiên cứu, soạn thảo, ban hành, công bố và tổ chức thực hiện. 

Bộ chỉ số chất lượng kiểm toán được xây dựng bao gồm các chỉ số thể hiện ở hai cấp độ: cấp độ doanh nghiệp kiểm toán (DNKiT) và cấp độ hợp đồng dịch vụ và (một số chỉ số thể hiện cả hai cấp độ). Để kiểm soát chất lượng kiểm toán cho các công ty niêm yết, Trung tâm Chất lượng kiểm toán Hoa Kỳ (US CAQ) với sự hỗ trợ của Ủy ban Chứng chứng khoán đưa ra Bộ chỉ số chất lượng kiểm toán với 20 chỉ số (số giờ đào tạo trung bình tính cho một nhân sự kiểm toán; kết quả soát xét nội bộ chất lượng hợp đồng dịch vụ; kết quả các cuộc kiểm tra do cơ quan bên ngoài thực hiện; khối lượng công việc của cộng sự kiểm toán; kinh nghiệm của nhân sự kiểm toán đối với lĩnh vực kinh doanh của hợp đồng; khối lượng công việc của nhân viên kiểm toán; số giờ tham gia hoặc số năm kinh nghiệm của các nhân sự cao cấp trong cuộc kiểm toán; thời gian đào tạo trung bình cho nhân viên và cho từng thành viên nhóm kiểm toán…). 

Để kiểm soát chất lượng kiểm toán cho các công ty đại chúng, Ủy ban Giám sát các công ty đại chúng (PCAOB) phát hành bộ chỉ số chất lượng kiểm toán với 28 chỉ số. Bộ chỉ số bao gồm các chỉ số chất lượng kiểm toán phổ biến trong Bộ chỉ số của tổ chức US CAQ đã ban hành và bổ sung thêm các chỉ số: tỷ lệ nhân viên kiểm toán trên 1 đối tác kiểm toán; số năm kinh nghiệm của nhân sự kiểm toán;đầu tư cho việc xây dựng phương pháp và công cụ kiểm toán mới; mức độ thuyên chuyển sang bộ phận khác hoặc doanh nghiệp khác của nhân viên kiểm toán; tỷ lệ thôi việc của kiểm toán viên; kết quả các cuộc kiểm tra nội bộ và bên ngoài cho DNKiT hoặc đối với các thành viên nhóm kiểm toán; số giờ tham gia của các nhân sự cấp cao trong cuộc kiểm toán; tuân thủ các yêu cầu về tính độc lập…

Chủ thể thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán tại Hoa Kỳ được thực hiện thông qua sự phối hợp thực hiện của hai tổ chức là Hiệp hội kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA) và Ủy ban Giám sát hoạt động kế toán các công ty đại chúng (PCAOB), trong đó PCAOB có chức năng tương tự như cơ quan quản lý Chính phủ. PCAOB thực hiện chọn mẫu DNKiT để kiểm tra dựa vào việc đánh giá các rủi ro của từng DNKiT cũng như dựa trên việc đánh giá các sai sót có thể xảy ra của các báo cáo tài chínhđã được kiểm toán. PCAOB đặc biệt quan tâm đến các khoản mục rủi ro cao và ảnh hưởng xấu đến thị trường vốn. 

Tùy vào hệ thống kiểm soát chất lượng bên trong của từng DNKiT mà các thủ tục kiểm tra được xây dựng cho phù hợp. Các DNKiT phát hành hơn 100 báo cáo kiểm toán cho các công ty đại chúng sẽ kiểm tra chi tiết và phức tạp hơn các DNKiT nhỏ.

Kết thúc kiểm tra, AICPA và PCAOB sẽ lập báo cáo kiểm tra nêu rõ các yếu kém trong hệ thống kiểm soát chất lượng của DNKiT. Nếu kết quả điều tra cho thấy DNKiT hoặc kiểm toán viên vi phạm, AICPA sẽ tiến hành xử lý vi phạm: phạt tiền, hủy bỏ tư cách thành viên, thu hồi giấy phép hành nghề kiểm toán và cấm kiểm toán viên tham gia kiểm toán cho bất kỳ công ty đại chúng nào từ 1 – 5 năm, cảnh cáo và bắt buộc tham gia thêm các khóa đào tạo.

Trong quá trình kiểm soát, các sai phạm của kiểm toán viên và DNKiT thực hiện kiểm toán cho các công ty đại chúng sẽ được AICPA và PCAOB báo cáo trực tiếp cho Ủy ban Điều tra hoặc sẽ báo cáo trực tiếp cho Ủy ban Chứng khoán. PCAOB sẽ tiến hành thủ tục tố tụng theo luật định và cấm kiểm toán viên tham gia kiểm toán cho bất kỳ công ty đại chúng nào từ 1 – 5 năm. 

2.2. Singapore.

Tại quốc gia này, quản lý và giám sát kiểm toán độc lập được thực hiện theo mô hình nhà nước – hội đồng tư vấn. Chính phủ Singapore giao cho Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý. Hội đồng giám sát kế toán viên công chứng (The Public Accountants Oversight Committee – PAOC) là cơ quan trực thuộc Cơ quan quản lý kế toán và doanh nghiệp – Accounting and Corporate Regulatory Authority – ACRA, có trách nhiệm hỗ trợ quản lý, giám sát, hướng dẫn và rà soát các chuẩn mực kiểm toán, phương thức và quy trình kế toán áp dụng đối với các kế toán viên công chứng khi thực hiện cung cấp dịch vụ.Hội kế toán công chứng Singapore (ICPAS) là hội nghề nghiệp chuyên nghiệp thực hiện quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ kiểm toán và bảo vệ lợi ích của những người hành nghề. Cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với ICPAS, nghiên cứu, soạn thảo, ban hành, công bố các chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề.

Singapore là quốc gia theo đường lối kinh tế tư bản với sự can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế được giảm thiểu tối đa. Singapore có môi trường kinh doanh mở, tham nhũng thấp, minh bạch tài chính. Nhà nước Singapore ủy quyền cho các cơ quan tác nghiệp trực tiếp thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ, còn cấp bộ chỉ giữ lại trách nhiệm hoạch định chính sách. Hệ thống pháp lý đối với kiểm toán độc lập tiếp cận theo hướng khách quan, phát triển bền vững dựa trên sự chuyển đổi từ tư duy về “thực hiện theo nhiệm vụ được giao” sang “hợp tác”, từ “cung ứng dịch vụ” sang “kiến tạo giá trị” luôn giúp cho Singapore có những chính sách phát triển kiểm toán độc lập bền vững. Luật Kiểm toán độc lậpLuật Kế toán viên công chứngdo Quốc hội ban hành. 

Chính phủ xây dựng và công bố chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp với sự tư vấn Hội đồng chuẩn mực kế toán, kiểm toán Singapore. Chuẩn mực kiểm toán của Singapore được ban hành tương tự như chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA). 

Bộ chỉ số chất lượng kiểm toán được ban hành với 8 chỉ số, bao gồm: các chỉ số định lượng (số giờ đào tạo trung binh tính cho nhân sự kiểm toán; tỷ lệ nhân viên kiểm toán trên 1 đối tác kiểm toán; số năm kinh nghiệm của nhân sự kiểm toán; kết quả các cuộc kiểm tra do cơ quan bên ngoài thực hiện; khối lượng công việc của đối tác kiểm toán) và các chỉ số định tính (kết quả soát xét nội bộ chất lượng hợp đồng dịch vụ; kinh nghiệm của nhân sự kiểm toán đối với lĩnh vực kinh doanh của hợp đồng; mức độ thuyên chuyển sang bộ phận khác hoặc doanh nghiệp khác của nhân viên kiểm toán).

Tại Singapore, chủ thể thực hiện kiểm soát, điều tra và đề xuất kỷ luật về các sai phạm của DNKiT và kiểm toán viên hành nghề là Hội đồng giám sát kế toán viên công chứng (The Public Accountants Oversight Committee – PAOC). Cơ quan quản lý kiểm toán viên và doanh nghiệp hàng năm tổ chức Chương trình giám sát thực tế (Practice Monitoring Programme – PMP) để kiểm tra chất lượng kiểm toán dựa trên kết quả đánh giá về việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán Singapore (Singapore Standards on Auditing – SSA) và các quy định khác. Chương trình giám sát thực tế thực hiện theo hai hình thức kiểm tra: kiểm tra DNKiT và kiểm tra cuộc kiểm toán. ACRA thực hiện kiểm tra các DNKiT và cuộc kiểm toán cho các công ty niêm yết; ISCA thực hiện kiểm tra cấp độ cuộc kiểm toán cho các công ty không niêm yết. Việc phân bổ này sẽ giúp ACRA tập trung nguồn lực vào việc kiểm toán ảnh hưởng đến lợi ích công chúng nhiều hơn. Để KSCL chất lượng kiểm toán, ACRA sẽ kiểm tra, giám sát thông qua Bộ chỉ số chất lượng kiểm toán.  

Với mô hình Chính phủ mở, Singapore là quốc gia thực hiện công khai, minh bạch thông tin. Bộ Tài chính Singapore xây dựng ngân hàng dữ liệu để công khai thông tin về hành nghề kế toán, kiểm toán, công bố công khai kết quả kiểm tra và sai phạm của các DNKiT và kiểm toán viên hành nghề. Nhờ công khai và minh bạch trong kiểm soát, Singapore trở thành quốc gia có có hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán chặt chẽ, các phương tiện quản lý hiệu quả nên phòng ngừa một cách hữu hiệu tham nhũng, bảo đảm trách nhiệm giải trình trong thi hành chính sách và pháp luật về kiểm toán độc lập. Thực hiện kiểm soát toàn diện, xây dựng kiểm toán độc lập có năng lực và phát triển bền vững, Singapore áp dụng chế tài xử phạt mạnh cả về kinh tế, hành chính và pháp luật đối với những sai phạm trong quản lý, sai phạm của các DNKiT và kiểm toán viên hành nghề. 

2.3. Trung Quốc.

Quản lý và giám sát kiểm toán độc lập tại Trung quốc thực hiện theo mô hình luật định. Nhà nước giao cho Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán thực hiện quản lý nhà nước, Hội Kế toán công chứng Trung Quốc (CICPA) tham gia giám sát theo sự ủy quyền, trao quyền của Nhà nước. Trung Quốc đề cao tính phân cấp, phân quyền trong hệ thống quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập. Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước và thực hiện tách bạch chức năng quản lý và chức năng giám sát kiểm toán độc lập. Chức năng quản lý giao cho vụ chế độ kế toán, kiểm toán; chức năng giám sát giao cho Cục Thanh tra giám sát. Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan ngang Bộ, trực thuộc Hội đồng Nhà nước chịu trách nhiệm giám sát công bố thông tin của các tổ chức niêm yết và xem xét, chấp thuận DNKiT đủ điều kiện kiểm toán các công ty niêm yết và giám sát việc kiểm toán các các công ty niêm yết.

Nhà nước Trung Quốc bằng quyền lực chính trị của mình thực hiện quản lý, giám sát kiểm toán độc lập toàn diện với mục tiêu: tăng trưởng và phát triển của các DNKiT trong nước đạt chất lượng kiểm toán quốc tế, ưu tiên phát triển các DNKiT lớn của Trung Quốc và mở cửa cho các hãng kiểm toán nước ngoài đào tạo, hướng dẫn, tư vấn cho người Trung Quốc điều hành công việc nhưng không khuyến khích người nước ngoài tham gia vào quản lý các DNKiT của Trung Quốc. 

Để tạo lập khuôn khổ pháp luật, Trung Quốc đã ban hành Luật Kiểm toán độc lậpLuật Kế toán viên công chứng. Hệ thống chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được Hội Kế toán công chứng Trung Quốc nghiên cứu, soạn thảo trước khi Chính phủ công bố nhằm quản lý nâng cao, chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản áp dụng quy phạm pháp luật về kiểm toán độc lập của Trung Quốc được cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương ban hành. Nhưng các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hoặc hướng dẫn chi tiết cụ thể được điều chỉnh bởi chính quyền địa phương.

Hội Kế toán công chứng Trung Quốc (CICPA) là tổ chức nghề nghiệp lớn ở Trung Quốc. Hội viên cá nhân phải là người đã có chứng chỉ kế toán viên công chứng, hội viên tổ chức phải là các DNKiT và doanh nghiệp kế toán. Tại Trung Quốc, quy định, các DNKiT và doanh nghiệp kế toán và người hành nghề kế toán, kiểm toán bắt buộc phải là hội viên của CICPA. 

Hoạt động kiểm soát kiểm toán độc lập ở Trung Quốc được thực hiện bởi nhiều cơ quan nhà nước: Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và Hội Kế toán công chứng Trung Quốc. Ở mỗi cơ quan Nhà nước và Hội nghề nghiệp lại chia ra thành cấp Trung ương và cấp địa phương. Hình thức kiểm tra, chủ yếu được thực hiện theo phương thức kiểm tra bắt buộc kết hợp với kiểm tra chéo. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán) thực hiện kiểm tra bắt buộc; Hội Kế toán công chứng Trung Quốc thực hiện kiểm tra chéo. Ủy ban Chứng khoán thực hiện kiểm tra trực tiếp các DNKiT thực hiện kiểm toán cho các tổ chức niêm yết. Kinh phí thực hiện kiểm tra chủ yếu là nguồn thu hội phí do các hội viên đóng góp hàng năm theo quy định. 

Quy định của Hội Kế toán công chứng Trung Quốc, tất cả các DNKiT không phân biệt kiểm toán cho các công ty niêm yết hay các loại hình doanh nghiệp khác đều phải được tiến hành kiểm tra ít nhất là 5 năm một lần. Khi lựa chọn DNKiT được kiểm tra, ngoài phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên, Hội Kế toán công chứng thường chú ý các vấn đề: (1) Khi đơn vị được kiểm toán thay đổi DNKiT, DNKiT thay thế có khả năng có rủi ro kiểm toán lớn; (2) Có tranh chấp khá lớn giữa các cổ đông, thành viên góp vốn của DNKiT, hay việc kiểm toán có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính; (3) Sử dụng các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh để thu hút khách hàng; (4) Có sự tố giác về hành vi vu khống của DNKiT này đối với DNKiT khác làm tổn hại đến lợi ích của các DNKiT; (5) DNKiT thực hiện kiểm toán cho các cơ quan tài chính và doanh nghiệp nhà nước; (6) DNKiT mới thành lập hoặc lần đầu kiểm toán công ty niêm yết; (7) Các đối tượng mà Hội Kế toán công chứng cho rằng cần phải tiến hành kiểm tra. 

Quy định về kiểm tra các DNKiT chia thành 2 đối tượng: (1) Các DNKiT thực hiện kiểm toán cho các công ty niêm yết sẽ do Hội Kế toán công chứng Trung ương quản lý và trong 3 năm phải kiểm tra hết một lượt; (2) Các DNKiT khác sẽ do Hội Kế toán công chứng địa phương kiểm tra và trong 3 năm phải kiểm tra hết một lượt.

Hằng năm, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán đều công khai kết quả kiểm tra, nêu các vấn đề quan trọng và đưa ra các vấn đề tồn tại nghiêm trọng sẽ tái kiểm tra vào năm sau. Các sai phạm cần phải kỷ luật thì căn cứ vào tình tiết về kiểm toán liên quan, tập trung vào các nội dung chú trọng của từng năm. Trường hợp kiểm toán viên hay DNKiT từ chối, cản trở công tác kiểm tra hoặc không tuân theo yêu cầu sau kiểm tra sẽ công khai thông báo. Khi phát hiện DNKiT có vi phạm thông qua kiểm tra định kỳ của cấp địa phương hoặc phát hiện qua các báo cáo hằng năm, hoặc qua báo chí, qua tố giác sẽ bị xử phạt hành chính như phạt tiền, cảnh cáo hoặc triệu tập đương sự đến giải trình tại Ủy ban Xử phạt hành chính. Nếu phát hiện tình tiết có liên quan đến hình sự, chuyển hồ sơ sang Ban Thanh tra để tiến hành điều tra. Nếu phát hiện vi phạm cấu thành tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan tố tụng. Sau khi kết thúc thanh tra, kiểm tra, giám sát các cấp địa phương phải lập báo cáo tổng hợp kết quả gửi nộp cho cấp Trung ương. Nội dung báo cáo, gồm: tình hình tổ chức triển khai công tác kiểm soát; các vấn đề phát hiện trong kiểm soát; kết quả kiểm soát; ý kiến, kiến nghị của DNKiT được kiểm tra.

Trên cơ sở thẩm tra các báo cáo kiểm tra, Hội Kế toán công chứng đưa ra các kiến nghị, sửa đổi đối với các sai phạm của DNKiT và kiểm toán viên; nếu các tồn tại là nghiêm trọng thì sẽ tái kiểm tra vào năm sau. Các sai phạm cần phải kỷ luật sẽ căn cứ vào tình tiết nặng, nhẹ sẽ áp dụng các phương thức kỷ luật: nhắc nhở (không bằng văn bản); phê bình bằng văn bản; cưỡng chế đào tạo; ra thời hạn bắt buộc chỉnh sửa các sai phạm; buộc làm kiểm điểm; buộc bồi thường, loại bỏ ảnh hưởng do các vấn đề sai phạm gây ra; thông báo phê bình trong nội bộ ngành; công khai khiển trách ra công chúng; hoặc loại bỏ tư cách thành viên CICPA.

3. Một số kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Thứ nhất, về kinh nghiệm xây dựng hệ thống pháp lý trong quản lý, giám sát kiểm toán độc lập.

Chiến lược kiểm toán độc lập cần được xây dựng riêng nhằm xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển kiểm toán độc lập và sự nhất quán về con đường, các giải pháp cơ bản để thực hiện chiến lược. Từ kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, bí quyết thành công trong xây dựng chiến lược kiểm toán độc lập là phải gắn với các mục tiêu mang tính định hướng lâu dài của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và chiến lược tài chính để đạt được mục tiêu quản lý tổng thể nền kinh tế. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, dù theo đuổi mô hình quản lý nào thì bí quyết thành công trong quản lý, giám sát, đó là, chiến lược kiểm toán độc lập phải có tầm nhìn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế và sự phát triển của kế toán, kiểm toán quốc gia. Quản lý, giám sát kiểm toán độc lập phải dựa trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước và thị trường, giữa Nhà nước và DNKiT, giữa mệnh lệnh hành chính và khuyến khích kinh tế thông qua việc hoạch định chiến lược, chính sách dài hạn.

Bài học đắt giá được rút ra trong quản lý, giám sát kiểm toán độc lập đó là, các nhà quản lý và hoạch định chính sách nên được trao quyền chủ động và linh hoạt trong xây dựng và ban hành chính sách về kiểm toán độc lập để đạt được mục tiêu quản lý. Quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách không chỉ quan tâm đến các quy trình, thủ tục, trình tự thực hiện để đạt kết quả đầu ra mà còn phải luôn đề cao mức độ giải trình và sự phản hồi của các nhóm lợi ích khác nhau trong nền kinh tế. Nhà nước phải tạo điều kiện để các nhóm lợi ích được tiếp cận thông tin, có quyền trình bày ý kiến, quan điểm về các chính sách có liên quan.

Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, xây dựng hệ thống chính sách phải ổn định, đồng bộ và nhất quán với các mục tiêu của chiến lược kiểm toán độc lập. Chính sách phải thích ứng, có tính sáng tạo và có tầm nhìn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của kiểm toán độc lập sẽ bảo đảm vững chắc cho sự vận hành, khơi dậy các nguồn tiềm năng, phát huy tính tích cực, sáng tạo của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách. Sự ổn định, linh hoạt và tính dự báo cáo của hệ thống chính sách sẽ tạo môi trường thuận lợi cho kiểm toán độc lập phát triển bền vững và nhận được sự đồng thuận cao từ phía các các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách.

Khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước cần quy định lộ trình thực hiện đủ lớn để cơ quan tổ chức thực hiện ban hành tiếp các văn bản hướng dẫn và đối tượng nắm bắt đầy đủ các quy định, từ đó nâng cao hiệu quả của việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật.Văn bản quy phạm pháp luật phải bám sát thực tiễn và luôn thích ứng với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế và sự phát triển của kế toán, kiểm toán.

Thứ hai, kinh nghiệm về mô hình tổ chức bộ máy quản lý, giám sát kiểm toán độc lập.

Kinh nghiệm rút ra đó là, nếu tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán phát triển mạnh, đưa ra được các chuẩn mực chặt chẽ, khi đó, Nhà nước chỉ đưa ra các khuôn khổ pháp lý để quản lý kiểm toán độc lập và chủ thể thực hiện sẽ là tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán dưới sự giám sát của Nhà nước; ngược lại, nếu tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán không đủ mạnh để đảm nhận vai trò giám sát, khi đó, Nhà nước phải can thiệp sâu thực hiện quản lý kiểm toán độc lập, tổ chức nghề nghiệp phối hợp thực hiện và tham gia hướng dẫn, tư vấn phát hiện sau kiểm tra. Đồng thời, cần tách bạch chức năng quản lý và chức năng giám sát trong quản lý kiểm toán độc lập.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, cần phải có sự can thiệp của Chính phủ vào trong quản lý, giám sát kiểm toán độc lập thông qua một cơ quan, tổ chức trực thuộc Chính phủ hoặc là một tổ chức độc lập có chức năng như cơ quan Chính phủ. Song không thể thiếu sự tham gia quản lý, giám sát của tổ chức nghề nghiệp. Sự phối hợp quản lý giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp sẽ đem lại hiệu quả cao hơn trong việc giám sát DNKiT và kiểm toán viên. Cơ quan, tổ chức giám sát có thể tận dụng nguồn nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn cao từ tổ chức nghề nghiệp để tham gia đội ngũ giám sát, phối hợp với tổ chức nghề nghiệp trong kiểm tra chất lượng kiểm toán của các DNKiT và xây dựng chuẩn mực nghề nghiệp. 

Bên cạnh việc phối hợp giữa cơ quan, tổ chức giám sát và tổ chức nghề nghiệp trong nước với nhau thì việc phối hợp của các đơn vị này với cơ quan, tổ chức giám sát, tổ chức nghề nghiệp quốc tế là thực sự cần thiết nhằm cải thiện hoạt động giám sát chất lượng kiểm toán. Trong thời đại mà hội nhập quốc tế đang là xu hướng toàn cầu thì các quy định, chuẩn mực kiểm toán điều chỉnh hoạt động kiểm toán độc lập cũng cần phải cập nhật, điều chỉnh theo thông lệ quốc tế. Sự hợp tác giữa các cơ quan giám sát và tổ chức nghề nghiệp trong nước và các cơ quan, tổ chức quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập trên các khía cạnh khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực kiểm toán.

Thứ ba, kinh nghiệm về kiểm tra, giám sát kiểm toán độc lập.

Chủ thể kiểm tra, giám sát là các cơ quan chức năng của Nhà nước. Đối với các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, ngoài cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp cần có sự kiểm tra, giám sát của Ủy ban Chứng khoán. Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán tham gia giám sát, thực hiện kiểm tra chéo và kiểm soát chất lượng kiểm toán của các DNKiT và kiểm toán viên hành nghề.

Xây dựng bộ chỉ số chất lượng kiểm toán là hết sức cần thiết làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng kiểm toán của các DNKiT. Việt Nam có thể tham khảo bộ chỉ số chất lượng kiểm toán của Hoa Kỳ và Singapore với các chỉ số định tính và định lượngBài học rút ra là phải công bố công khai, rõ ràng quy trình kiểm soát và những sai phạm của đơn vị được kiểm toán, DNKiT và kiểm toán viên hành nghề; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống thông tin tới các chủ thể trong nền kinh tế. Đồng thời, phải thực hiện kiểm soát toàn diện, chế tài xử phạt phải nghiêm minh, công khai, minh bạch và đủ sức răn đe cả về kinh tế và pháp luật. Trình tự, thủ tục xử lý sai phạm phải chặt chẽ nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý và người có thẩm quyền trong quản lý, giám sát kiểm toán độc lập.

4. Kết luận

So với một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường muộn hơn. Quá trình xây dựng và quản lý nền kinh tế thị trường ở Việt Nam cũng chính là quá trình xây dựng cơ chế và chính sách quản lý trong từng lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế. Kiểm toán độc lập là một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam, đặc biệt là trong thực tế quản lý nhà nước. Việc học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước có ý nghĩa quan trọng trong quản lý, giám sát và phát triển kiểm toán độc lập ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo: 
1. Bộ Tài chính. Báo cáo tóm tắt kinh nghiệm các nước về một số nội dung của Luật Kiểm toán độc lập. Hà Nội, tháng 3/2011.
2. Bộ Tài chính. Báo cáo tóm tắt kinh nghiệm các nước về một số nội dung của Luật Kế toán viên công chứng. Hà Nội, 2016.
3. Luật Chứng khoán năm 2010.
4. Luật Kiểm toán độc lập năm 2011.
5. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc (ROSC) lĩnh vực kế toán, kiểm toán, 2016.
6. Singapore Department of Statistics (2007). Economic Surveys Series. The Service Sector. Reference Year 2007.
7. International Auditing and Assurance Standard Board (2013). Handbook of International quality control, auditing, review, other assurance, and related services pronouncements, IFAC.org.