ThS. Lê Nam Long
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Với bất kỳ một quốc gia nào, hoạt động của hệ thống ngân hàng luôn là huyết mạch của nền kinh tế. Sự ổn định, lành mạnh của hệ thống ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển của nền kinh tế. Trong thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện tái cấu trúc tài chính hệ thống ngân hàng và đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập. Bài viết tổng kết kinh nghiệm của một số ngân hàng trong nước và quốc tế, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm trong tái cấu trúc tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Từ khóa: Tái cấu trúc tài chính; ngân hàng thương mại.
1. Vai trò của tái cấu trúc tài chính ngân hàng thương mại
Để tối đa hóa giá trị của ngân hàng thương mại, ngân hàng có thể có nhiều biện pháp, trong đó lựa chọn một cấu trúc tài chính hợp lý là biện pháp quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định một cấu trúc tài chính hợp lý bảo đảm cho ngân hàng thương mại kinh doanh hiệu quả, đem lại lợi ích tối đa cho chủ sở hữu phải tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng ngân hàng trong từng giai đoạn phát triển nhất định. Do hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại khá đặc thù, vì vậy, cấu trúc tài chính của ngân hàng thường được duy trì ổn định trong từng giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, sự biến động của môi trường kinh doanh cũng có khả năng dẫn đến sự mất cân bằng trong cấu trúc tài chính của ngân hàng, đòi hỏi sự điều chỉnh quy mô, kết cấu các thành phần của cấu trúc tài chính. Chính vì vậy, tái cấu trúc tài chính của ngân hàng thương mại sẽ bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ngân hàng và sự biến động của môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết cho mọi ngân hàng.
Tái cấu trúc tài chính là quá trình diễn ra liên tục, ngân hàng thương mại phải thường xuyên xem xét, đánh giá và điều chỉnh cấu trúc tài chính để đáp ứng mục tiêu cụ thể trong từng thời kỳ, với mục tiêu thiết lập lại một cấu trúc tài chính cân đối và bền vững nhằm đạt mục tiêu gia tăng tỷ suất sinh lời, giảm thiểu rủi ro, tối đa hóa hiệu quả kinh doanh và bảo đảm an toàn vốn của ngân hàng thương mại.
Với quan điểm trên, tái cấu trúc tài chính được coi là một quyết định quan trọng trong chiến lược tài chính tổng thể của ngân hàng thương mại được thực hiện một cách chủ động và có kế hoạch. Một khi cấu trúc tài chính hiện tại của ngân hàng thương mại có dấu hiệu suy yếu, gia tăng rủi ro cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại cần có những điều chỉnh theo từng mức độ để bảo đảm phù hợp hơn. Tái cấu trúc tài chính có thể giúp ngân hàng thương mại nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như giảm thiểu được rủi ro, đáp ứng các yêu cầu liên quan đến an toàn vốn. Mục tiêu tái cấu trúc tài chính trong trung và dài hạn là nhằm thiết lập lại cấu trúc tài chính cân đối, giảm thiểu rủi ro hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại, đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn.
Tái cấu trúc tài chính thường được đưa ra như một giải pháp quan trọng trong trường hợp ngân hàng phải đối phó với những khó khăn có thể đe dọa đến sự tồn tại, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế trên diện rộng. Tuy nhiên, trong trường hợp ngân hàng đang hoạt động bình thường do ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan và khách quan cũng dẫn tới đòi hỏi tái cấu trúc, như: tăng quy mô và chất lượng vốn tự có của các ngân hàng thương mại; bảo đảm sự an toàn cho ngân hàng thương mại; duy trì niềm tin và điều chỉnh hoạt động của ngân hàng thương mại.
2. Kinh nghiệm quốc tế về tái cấu trúc tài chính
2.1. Ngân hàng Anglo Irish, Ireland.
Ngân hàng Anglo Irish đã phát triển mạnh trong những năm bùng nổ thị trường bất động sản ở Ireland. Ngân hàng tập trung vào các phân khúc cho vay doanh nghiệp, chủ yếu là cho các doanh nghiệp bất động sản và các nhà đầu tư tư nhân bất động sản cho thuê hoặc đầu cơ. Tổng tài sản của Ngân hàng đã tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng 5 năm, đạt 103 tỷ EUR vào năm 2008, đưa Anglo Irish này trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất trong nước. Tuy nhiên, cùng với sự sụp đổ của Tập đoàn Lehman Brothers vào tháng 9/2008, Ngân hàng đối mặt với rất nhiều khó khăn khi thị trường bất động sản Ireland lao dốc1.
Vào tháng 01/2009, Ngân hàng đã được quốc hữu hóa, trở thành ngân hàng lớn đầu tiên của châu Âu chuyên cho vay bất động sản phải tái cấu trúc tài chính để thoát khỏi bờ vực phá sản. Cơ quan Quản lý tài sản quốc gia (NAMA) chuyên xử lý các ngân hàng thua lỗ đã được thành lập năm 2010, thực hiện mua các khoản vay bất động sản và được sử dụng như một phương tiện ban đầu để xác định các khoản vay trong danh mục đầu tư của người cho vay và nhu cầu vốn của người cho vay. Tính đến tháng 12/2010, khoản lỗ lũy kế của Ngân hàng đã chạm mức 27 tỷ EUR, bằng 17% GDP của Ireland2.
Việc tái cấu trúc tài chính của Ngân hàng Anglo Irish được thực hiện như sau:
(1) Để giải quyết nguy cơ phá sản, Ngân hàng Anglo Irish đã được Chính phủ Ireland bổ sung dự trữ vốn từ 17 tỷ EUR lên 25,3 EUR năm 20103.
Việc bổ sung vốn cho Ngân hàng được tiến hành thông qua phát hành kỳ phiếu và vay nợ của Chính phủ. Kỳ phiếu và khoản nợ này được Ngân hàng Trung ương Ireland bảo đảm thanh khoản. Vào tháng 7/2011, Chính phủ Ireland bổ sung 2,7 tỷ EUR vào Irish Nationwide, sau đó chuyển cả tài sản và nợ của Chính phủ cho Ngân hàng Anglo Irish. Từ đó, Chính phủ thành lập Irish Bank Resolution Corporation (IBRC) bằng cách đổi tên Ngân hàng Anglo Irish, chuyên quản lý, vận hành các ngân hàng bị sáp nhập. Trong giai đoạn này, Ngân hàng Anglo Irish đã được tái cơ cấu hoàn toàn, trái phiếu của Ngân hàng được chuyển cho Allied Irish Banks cùng với các khoản tiền gửi khách hàng. Những phần còn lại của Anglo Irish được điều hành bởi IBRC, chủ yếu hoạt động bằng các khoản vay ngắn hạn do Ngân hàng Trung ương Ireland cung cấp. Sau đó, IBRC được giải thể vào tháng 02/2013 bằng việc thực hiện thỏa thuận tái cơ cấu các khoản vay với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)
(2) Xử lý các trái phiếu không được bảo đảm và trái phiếu được bảo hiểm.
Đến cuối năm 2010, khoản nợ của Anglo Irish với ECB đã lên đến 64% tổng giá trị tài sản của Ngân hàng, tương đương 46 tỷ EUR, trở thành một trong những khoản phải thu lớn nhất của ECB. Tài sản thế chấp được cam kết bao gồm 25 tỷ EUR kỳ phiếu do Chính phủ Ireland bảo đảm, cũng như các trái phiếu được bảo hiểm4. Với nhu cầu sử dụng vốn vay ECB để cấp vốn sau khi quốc hữu hóa Anglo Irish, việc phát hành trái phiếu được bảo hiểm đã trở thành một công cụ tài trợ trong suốt năm 2009 và 2010 cho Ngân hàng.
Đến năm 2011, khi các trái phiếu đến hạn, hầu hết các khoản nợ này được chi trả bởi Chính phủ Ireland. Toàn bộ các khoản nợ khó đòi đã được xử lý và thu hồi. Nhìn chung, quá trình tái cấu trúc tài chính của Ngân hàng Anglo Irish tập trung chủ yếu vào việc tái cấu trúc vốn chủ sở hữu và vốn nợ, trong đó Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các khoản vay khẩn cấp với ECB. Vốn chủ sở hữu được bổ sung kịp thời cùng với quá trình xử lý nợ khó đòi diễn ra thuận lợi, qua đó, trường hợp tái cấu trúc tài chính để tránh phá sản, đổ vỡ của Ngân hàng Anglo Irish đã trở thành bài học điển hình về tái cấu trúc tài chính và xử lý khủng hoảng của ngành Ngân hàng trên thế giới.
2.2. Ngân hàng Shinhan, Hàn Quốc.
Ngân hàng Shinan trực thuộc Shinhan Financial Group Co. Ltd., tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc tính theo tổng tài sản, năm 2017, đã tái cơ cấu toàn diện để giành lại thị phần trong nước và mở rộng ra thị trường nước ngoài. Ngân hàng Shinhan có trụ sở tại Seoul, mở chi nhánh hoạt động ở 20 quốc gia và là một ngân hàng quan trọng của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Ngân hàng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên sân nhà từ các đối thủ địa phương. Đặc biệt giai đoạn đầu năm 2017, Shinhan Financial Group Co. Ltd đã nhường vị trí dẫn đầu về vốn hóa thị trường cho KB Financial Group Inc.
Năm 2017, Ngân hàng Shinhan đã tiến hành tái cấu trúc tài chính bằng việc bổ sung vốn chủ sở hữu khi sáp nhập các công ty thuộc Shinhan Financial Group Co. Ltd thành một ngân hàng đầu tư. Các công ty được sáp nhập vào ngân hàng, bao gồm: Công ty TNHH Ngân hàng Shinhan, Công ty TNHH Shinhan Capital, Công ty Đầu tư Shinhan, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Shinhan và công ty mẹ Shinhan Financial. Ngân hàng sau khi tái cấu trúc tài chính được dẫn dắt của Lee Dong-hwan, cựu Giám đốc điều hành của Hệ thống Dữ liệu Shinhan, một đơn vị của Shinhan Financial. Mục tiêu tái cấu trúc đó là đưa Shinhan trở thành một ngân hàng đầu tư toàn cầu.
Ngân hàng Shinhan đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, tập trung vào Đông Nam Á và việc tái cơ cấu dự kiến sẽ tăng đóng góp thu nhập ròng từ hoạt động kinh doanh toàn cầu của tập đoàn lên 20% vào năm 2020 từ mức 10% hiện tại5. Ngân hàng đã ký thỏa thuận mua lại mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam của Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand để mở rộng hoạt động kinh doanh thẻ và bancassurance của Ngân hàng Shinhan Việt Nam, trở thành ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Ngân hàng Shinhan cũng đã hoàn tất việc mua lại hai ngân hàng ở Indonesia vào tháng 12/2016, sáp nhập lại để tạo ra PT Bank Shinhan Indonesia. Ngân hàng Shinhan đã thành lập một công ty con tại Indonesia vào cuối năm 2016 sau khi tiếp quản PT Makinta Securites, công ty môi giới quy mô trung bình của Indonesia vào cuối năm 2015.
Quá trình tái cấu trúc tài chính của Ngân hàng Shinhan xoay quanh chiến lược tăng vốn chủ sở hữu bằng cách sáp nhập các công ty thành viên của tập đoàn và kết quả của quá trình đó đã trở thành bài học mà rất nhiều ngân hàng thương mại trên thế giới và ở Việt Nam tham khảo cho chiến lược tái cơ cấu, tái cấu trúc tài chính.
3. Kinh nghiệm của một số ngân hàng thương mại Việt Nam
Trong phạm vi nghiên cứu, bài viết đề cập kinh nghiệm của 2 ngân hàng thương mại là:
(1) Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Vietcombank là một trong những ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên tiến hành cổ phần hóa ở Việt Nam. Quá trình cổ phần hóa của Vietcombank là minh chứng cho sự thành công trong tái cấu trúc tài chính mà một ngân hàng Việt Nam đã thực hiện. Vietcombank đã tiến hành tái cấu trúc tài chính với trọng tâm là thay đổi cấu trúc vốn chủ sở hữu.
Mục tiêu tái cấu trúc tài chính Vietcombank thông qua thay đổi cấu trúc vốn chủ sở hữu là: (1) Nâng cao năng lực quản lý, quản trị, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng để hoạt động hiệu quả hơn và tận dụng nguồn vốn tốt hơn; (2) Cải thiện năng lực tài chính trong vận hành và phát triển của ngân hàng; (3) Cải thiện tính cạnh tranh của ngân hàng để hội nhập quốc tế; (4) Định vị ngân hàng để trở thành một trong những đơn vị then chốt trong ngành Ngân hàng của Việt Nam.
Kết quả quá trình tái cấu trúc tài chính của Vietcombank đã đạt được, đó là ngày 26/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1289/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam với vốn điều lệ là 15 nghìn tỷ đồng. Ngày 26/12/2007, Vietcombank đã tiến hành IPO chào bán ra công chúng 97,5 triệu cổ phần với giá đấu giá thành công bình quân thực tế là 107.572 đồng, cho đến nay, Vietcombank đã có vốn chủ sở hữu lên đến trên 47 nghìn tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt hơn 1,839 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với hồi đầu năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là trên 1,270 triệu tỷ đồng, tăng 10,9%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 12,2% lên gần 1,396 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 35,2%. Vietcombank xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trên 41.000 tỷ trong năm 2023. Việc tái cấu trúc tài chính thông qua cổ phần hóa, tái cấu trúc vốn chủ sở hữu của Vietcombank và những thành công sau tái cấu trúc tài chính đã trở thành bài học tham khảo cho nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam6.
(2) Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Vietinbank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực tái cấu trúc tài chính. Cùng với Vietcombank, Vietinbank là một trong các ngân hàng thương mại lớn thuộc sở hữu nhà nước được lựa chọn để cổ phần hóa vào năm 2007. Tháng 7/2009, Vietinbank niêm yết trên sàn chứng khoán với cổ đông chiến lược nước ngoài là IFC. Tháng 12/2012, Vietinbank có cổ đông chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), Nhật Bản chiếm 20% cổ phần. Theo chủ trương tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 được Chính phủ thông qua tháng 3/2012 và các chủ trương, chính sách phát triển hoạt động ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020, Ngân hàng phải tổ chức lại các hoạt động, quản trị, xử lý nợ xấu và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn, cụ thể là tiêu chuẩn Basel II được đưa ra sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu theo chuẩn Basel II ở mức 8%. Để đáp ứng tiêu chuẩn này, một mặt ngân hàng phải quản trị rủi ro tín dụng tốt, một mặt tăng nguồn vốn7.
Thực hiện chủ trương của Ngân hàng nhà nước trong việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, ngày 14/4/2015, Đại hội đồng cổ đông năm 2015 của VietinBank đã thông qua việc sáp nhập với Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank). Thông qua việc sáp nhập này, ngoài việc vốn điều lệ tăng thêm 3.000 tỷ đồng, VietinBank còn tận dụng được mạng lưới sẵn có của PGBank về chi nhánh, phòng giao dịch, khách hàng hiện hữu, tạo điều kiện để VietinBank có thêm khả năng mở rộng và phát triển.
Nhờ việc cổ phần hóa, ngân hàng có thêm nhiều phương hướng để tái cấu trúc tài chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn. Dư nợ tín dụng VietinBank năm 2023 tăng trưởng trong nhóm cao nhất toàn ngành Ngân hàng, đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng hơn 15,6% so với năm 2022. Nguồn vốn huy động đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với cuối năm 2022. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 của VietinBank vượt mục tiêu kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao trong năm 2023 trên cơ sở bảo đảm các chỉ tiêu an toàn hoạt động8.
VietinBank đã khẳng định vị thế, uy tín thương hiệu khi liên tiếp được các tổ chức uy tín trong nước và các tổ chức quốc tế tôn vinh với vị trí xếp hạng cao cùng nhiều giải thưởng, danh hiệu danh giá. VietinBank thuộc Top 200 thương hiệu ngân hàng có giá trị nhất thế giới, Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng của Brand Finance. Giá trị thương hiệu đạt 1,3 tỷ USD. Trong năm 2023, Fitch Ratings tiếp tục nâng xếp hạng tín nhiệm của VietinBank lên BB+ và giữ triển vọng “Ổn định” giúp nâng cao vị thế, uy tín của VietinBank9.
4. Bài học kinh nghiệm
Từ việc nghiên cứu quá trình tái cấu trúc tài chính của các ngân hàng trên, có thể rút ra bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, tái cấu trúc tài chính cần thực hiện một cách đồng thời với tái cấu trúc chiến lược. Khi ngân hàng đối mặt với các vấn đề thua lỗ, rủi ro và thiếu an toàn vốn, ngân hàng cần tiến hành định vị lại chiến lược kinh doanh. Khi ngân hàng có chiến lược mở rộng mạng lưới kinh doanh, gia tăng thị phần thì sẽ cần một cấu trúc tài chính phù hợp, đủ khả năng tạo đà cho quá trình đổi mới. Do đó, khi tái cấu trúc tài chính, việc xác định cụ thể chiến lược kinh doanh là rất quan trọng.
Thứ hai, xử lý nợ luôn là vấn đề trọng tâm trong tái cấu trúc tài chính. Trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế, ngân hàng sẽ gặp rủi ro rất lớn nếu duy trì hệ số nợ ở mức cao. Do vậy, cần điều chỉnh đưa hệ số nợ về mức an toàn giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro và có khả năng duy trì hoạt động. Để bảo đảm nguồn lực xử lý các khoản nợ cần có sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, trong đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một nguồn lực tài chính quan trọng cần được khai thác để đáp ứng nhu cầu vốn cho tái cấu trúc tài chính.
Thứ ba, ngân hàng thương mại cần linh hoạt trong việc áp dụng các hình thức xử lý nợ. Căn cứ vào điều kiện thực tế, ngân hàng cần lựa chọn hình thức xử lý nợ phù hợp thông qua việc đàm phán với các chủ nợ trong việc gia hạn nợ, vay thêm các món vay mới, chuyển nợ thành vốn cổ phần hay bán nợ cho các tổ chức xử lý nợ.
Thứ tư, công tác quản lý nhà nước có vai trò quan trọng đối với quá trình tái cấu trúc tài chính của các ngân hàng. Để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc tài chính ngân hàng hiệu quả, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
(1) Lựa chọn mô hình xử lý nợ phù hợp. Trong việc xử lý nợ quá hạn, hầu hết các nước lựa chọn mô hình xử lý nợ tập trung. Chính phủ các nước đều thành lập các tổ chức và cơ quan xử lý nợ chuyên biệt để xử lý các khoản nợ quá hạn. Các tổ chức xử lý nợ của mỗi quốc gia vừa tiến hành xử lý nợ theo định hướng của Nhà nước, vừa mềm dẻo xử lý nợ theo cơ chế thị trường.
(2) Không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc xử lý nợ. Chính phủ các nước đã can thiệp bằng những những chính sách quản lý kinh tế vĩ mô, hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ, đủ mạnh để có thể giải quyết vấn đề nợ quá hạn một cách hiệu quả và nhanh chóng.
(3) Hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ. Sau khi áp dụng mô hình xử lý nợ tập trung với việc xử lý nợ theo chỉ định của Chính phủ thì giai đoạn tiếp theo, các biện pháp xử lý nợ bằng cơ chế thị trường hình thành và được thực hiện tương đối phổ biến bằng sự tự nguyện của chủ nợ thông qua thoả thuận giữa chủ nợ và các tổ chức xử lý nợ chuyên trách. Các nước đã nhanh chóng hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ để có thể áp dụng các phương pháp xử lý nợ hiện đại như mua bán nợ, đấu giá nợ theo mớ hoặc theo từng món nợ, chứng khoán hóa các khoản nợ, liên kết với các công ty nước ngoài để xử lý nợ.
(4) Xây dựng cơ chế giám sát hợp nhất đủ mạnh để quản lý mô hình tập đoàn tài chính. Thực tế, mô hình tập đoàn tài chính đã định hình rõ ở các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân mà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là một ví dụ. Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đứng đầu huy động vốn và dẫn dắt toàn hệ sinh thái của Tập đoàn này. Với hơn 1 triệu tỷ đồng tài sản, gồm cả công ty chứng khoán, công ty đầu tư… nhưng việc giám sát Tập đoàn này bị phân mảnh giữa các cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù có sự trao đổi theo định kỳ nhưng chưa có khuôn khổ pháp luật giám sát hợp nhất đủ mạnh về tiêu chí vốn, quản trị, tiêu chuẩn nhân sự và phải tuân thủ nguyên tắc của thị trường là minh bạch theo các chuẩn mực của quốc tế.
Chú thích:
1, 2, 3, 4. The fall of Anglo Irish bank. https://sevenpilarsinstitute.org; https://Shinhan
5. Kim, SG, Seo, JS, & Yu, JH (2020). Chiến lược thâm nhập tài chính toàn cầu của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam. 22 (4), 65 – 85.
6. Vietcombank chính thức tăng vốn điều lệ lên 55,892 tỷ đồng. https://vietstock.vn, ngày 29/8/2023.
7, 8, 9. Vietinbank 2023: tăng trưởng ấn tượng – phát triển bền vững. https://www.vietinbank.vn, ngày 06/01/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Hsiao, H. C., Chang, H., Cianci, A. M., & Huang, L. H. First financial restructuring and operating efficiency: evidence from Taiwanese commercial banks. Journal of Banking & Finance, 34 (7), 1461 – 1471. Kithinji, A. M., Mwangi, M., Litondo, K., & Ogutu, M. (2017). Bank Restructuring and Financial Performance. International Journal of Economics, Commerce and Management, 5(10), 84 – 98.
2. Farrell, M.J. The Measurement of Productive Efficiency. Journal of the Royal Statistical Society, 120, 253 – 290.https://doi.org/10.2307/2343100.