Giải pháp xây dựng và thực thi chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ ở Việt Nam hiện nay

TS. Trần Văn Trung
Trường Đại học Kinh tế – Luật TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong suốt tiến trình cách mạng của dân tộc, phát triển nguồn nhân lực trẻ luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi là một trong những trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế – xã hội. Bài viết đánh giá thực trạng về ban hành chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ, qua đó đề xuất một số giải pháp xây dựng và thực thi các nhóm chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Giải pháp; xây dựng, thực thi chính sách; phát triển; nguồn nhân lực trẻ.

1. Quan niệm về nguồn nhân lực trẻ

Hiện nay, hầu hết các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khi phân biệt nguồn nhân lực của một đối tượng nào đó thường căn cứ vào tuổi hoặc nghề nghiệp. Bài viết tiếp cận nguồn nhân lực trẻ được tính là từ 0 – 35 tuổi, bao gồm cả nhóm đủ tuổi lao động theo pháp luật (từ 15 – 35 tuổi) và những nhóm tuổi là “nguồn” cho lực lượng lao động tương lai (từ 0 – 14 tuổi). Cách tiếp cận này sẽ có nhiều ưu điểm trong xây dựng chiến lược và chính sách phát triển nguồn nhân lực xã hội. Theo đó, muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi mọi quốc gia cần phải có chiến lược chăm sóc, bảo vệ và giáo dục tất cả các nhóm tuổi trẻ từ 0 – 35 tuổi, như: chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, vị thành niên; chính sách bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được coi trọng và được trở thành một bộ phận trong hệ thống chính sách phát triển nguồn nhân lực chung cho mỗi quốc gia.

Như vậy, có thể thống nhất khái niệm về nguồn nhân lực trẻ: là một bộ phận của nguồn nhân lực của mỗi quốc gia, nó bao gồm số lượng, chất lượng và cơ cấu của tất cả những người từ 0 – 35 tuổi có khả năng tham gia vào lao động, làm ra của cải xã hội cho một quốc gia hay một tổ chức ở hiện tại và trong tương lai.

2. Thực trạng về ban hành chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ ở nước ta

Ở Việt Nam, chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ luôn được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển nguồn nhân lực trẻ ở nước ta trong những năm qua đã thực sự có hiệu quả cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu của chính sách. Đồng thời cũng tạo ra được một nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế mở, nền kinh tế thị trường, kinh tế hội nhập, kinh tế công nghiệp, kinh tế xuất khẩu và nền kinh tế số.

Cơ chế hình thành nên hệ thống chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ ở nước ta được xây dựng trên một quy trình rất chặt chẽ. Đường lối dẫn dắt, định hướng, lãnh đạo và quyết định về các vấn đề về chính sách là thuộc chức trách của Đảng. Nhà nước có nhiệm vụ cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tham mưu xây dựng ban hành và tổ chức thực hiện luật và các văn quy phạm pháp luật. Việc triển khai, kiểm soát hiệu quả các điều luật nói chung và điều luật về phát triển thế hệ trẻ nói riêng còn có sự tham gia, là nhiệm vụ, trách nhiệm của tất cả các tổ chức chính trị, xã hội và các tầng lớp, giai cấp trong xã hội.

Nếu chỉ tính trong vòng gần 40 năm đổi mới đất nước (năm 1986), Đảng đã ban hành khoảng 20 Nghị quyết, quyết định có liên quan đến lãnh đạo, chỉ đạo về hoàn thiện thể chế, tăng cường thiết chế đối với việc xây dựng tổ chức, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên, thiếu niên và trẻ em. Ngoài ra, trong tất cả các Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng mỗi nhiệm kỳ đều khẳng định các tư tưởng, đường lối chỉ đạo về các định hướng phát triển nguồn nhân lực trẻ cho đất nước. Nhà nước đã ban hành trên 10 bộ luật có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực trẻ, đến quản lý, phát triển thanh niên, tri thức và trẻ em, như: Luật Thanh niên năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2020; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; Luật Trẻ em năm 2016; Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019; Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2012; Luật Giáo dục dạy nghề năm 2014; Luật Lao động sửa đổi năm 2019; Luật Việc làm năm 2013…

Căn cứ quy định của các bộ luật, Chính phủ đã ban hành các chiến lược, chương trình triển khai các đường lối, chủ trương, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực trẻ, như: Chiến lược phát triển thanh niên các giai đoạn giai đoạn 2021 – 2030; Chiến lược phát triển đội ngũ tri thức trẻ giai đoạn 2021 – 2030; Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao giai đoạn 2022 – 2030; Chiến lược thu hút và trọng dụng nhân tài giai đoạn 2023 – 2030… Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các chương trình hành động, như: chương trình về thanh niên xung phong, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; chương trình khởi nghiệp trong thanh niên; chương trình sáng tạo khoa học và công nghệ; chương trình thanh niên tham gia chuyển đổi số…

Hiện nay trong quá trình xây dựng và tổ chức thực thi các chính sách về phát triển nguồn nhân lực trẻ còn nhiều vướng mắc trong cơ chế, điều kiện thực hiện và hiệu quả chưa cao ở các cấp các ngành: Nhiều chủ trương, định hướng không thực hiện được, nhiều chính sách kém hiệu quả trong thực thi. Đây chắc chắn là những bài học, kinh nghiệm cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc, hệ thống và khoa học.

3. Giải pháp xây dựng và thực thi các nhóm chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ

Hệ thống các chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ cũng như tác động đến phát triển nguồn nhân lực trẻ trong những năm qua được ban hành rất nhiều. Có thể xây dựng hệ thống các giải pháp đối với các nhóm sau đây:

(1) Nhóm chính sách về học tập, nghiên cứu khoa học thanh thiếu niên và thanh niên có tài năng.

Nhà nước cần bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và tạo điều kiện cho thanh thiếu niên tham gia nghiên cứu khoa học. Chính sách giáo dục bắt buộc đối với các cấp: giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Mở rộng các hình thức giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của thanh thiếu niên tiếp cận giáo dục, đào tạo một cách thuận lợi nhất. Bên cạnh đó,thống nhất và tạo mọi điều kiện về ban hành và bảo đảm thực hiện các chương trình giáo dục phổ thông, chuyên nghiệp, giáo dục đạo đức, lý tưởng, truyền thống dân tộc, lối sống văn hóa, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên. Ngoài ra, cần tăng cường chính sách tín dụng, học bổng, miễn, giảm học phí cho thanh thiếu niên theo quy định của pháp luật. Chính sách cho vay tín dụng để học tập, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp. Các chính sách này đã được luật hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước.

Hoàn thiện xây dựng các thiết chế tạo môi trường khuyến khích, hỗ trợ thanh niên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Chính sách khuyến khích, thu hút các nhân tài; chính sách khuyến khích đào tạo các ngành, nghề trọng điểm, cấp bách trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội quốc gia: khoa học công nghệ nông nghiệp; công nghệ thiết chế chip; logictis… Nhà nước cần ban hành chính sách kêu gọi, khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ; tham gia đào tạo kỹ năng sống và kỹ năng cần thiết khác cho thanh thiếu niên.

Nghiên cứu hoàn thiện, triển khai có hiệu quả các chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng. Chính sách sử dụng nhân tài cần được Nhà nước thiết lập các tổ chức, điều hành ở các địa phương, ngành và đơn vị: người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện chính sách đối với thanh niên có tài năng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

(2) Nhóm chính sách về lao động, việc làm cho thanh niên.

Nhà nước cần tạo ra các thiết chế, cam kết và chịu trách nhiệm bảo đảm về việc làm cho thanh niên thông qua Luật Thanh niênLuật Việc làm. Nhà nước đưa ra các tiêu chí đánh giá đối với các địa phương, ngành về giải quyết việc làm cho thanh niên. 

Xây dựng môi trường giúp thanh niên có cơ hội tìm việc làm phù hợp; xây dựng các thiết chế từ trung ương đến địa phương và trong các ngành, các tổ chức chính trị xã hội về tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động cho thanh niên; giáo dục kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp cho thanh niên; bảo đảm thanh niên không bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động.

Đặc biệt, cần chú trọng đầu tư điều chỉnh phát triển kinh tế vùng nhằm tạo điều kiện để thanh niên có việc làm; tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo phù hợp với từng vùng, miền, gắn với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Cùng với đó, ban hành cơ chế tín dụng để tạo điều kiện cho thanh niên được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn tín dụng hợp pháp khác để tự tạo việc làm, phát triển sản xuất – kinh doanh.

(3) Nhóm chính sách về khởi nghiệp cho thanh niên.

Nhà nước cần hoàn thiện và ban hành các cơ sở pháp lý, tạo môi trường cho quốc gia nói chung và lớp trẻ nói riêng tiếp cận, triển khai các hoạt động về khởi nghiêp; ban hành các chương trình, giáo dục, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên thông qua việc đưa vào giảng dạy tại các trường chuyên nghiệp (môn học khởi nghiệp). 

Đẩy mạnh triển khai xây dựng, quản lý, điều hành hệ thống thông tin, cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật cho thanh niên khởi nghiệp. Mỗi cơ sở giáo dục chuyên nghiệp đều phải có văn phòng hướng dẫn khởi nghiệp, viện nghiên cứu khởi nghiệp cho sinh viên.

Khuyến khích, tăng cường sự tham gia, trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và các doanh nghiệp đồng hành triển khai các chính sách hỗ trợ, xây dựng, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên thực hành khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh; ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích thành lập quỹ khởi nghiệp cho thanh niên theo quy định của pháp luật.

(4) Nhóm chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thanh niên.

Nhà nước cần thiết lập cơ chế bảo đảm phát triển cho thanh thiếu niên rất chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở và trong tất cả các ngành nghề xã hội, bao gồm: tư vấn, hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho thanh niên; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh xã hội khác và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của thanh niên… Bảo đảm cho các đối tượng thanh niên, nhất là nhóm thanh niên yếu thế (thanh niên nông thôn, thanh niên các dân tộc thiểu số; thanh niên khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn) được cung cấp thông tin, tiếp cận dịch vụ thân thiện về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Thành lập các trung tâm tư vấn về sức khỏe sinh sản cho đối tượng vị thành niên.

Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho thanh niên, đầu tư cho hoạt động thể dục, thể thao ở các cấp, trong đó tập trung tăng cường hoạt động thể dục, thể thao ở cơ sở; nghiên cứu ban hành chính sách ở các cấp các ngành về khuyến khích, hỗ trợ thanh niên tham gia hoạt động và sáng tạo trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.

(5) Nhóm chính sách về giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa cho thanh niên.

Xây dựng cơ chế quản lý, điều hành hệ thống giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời, tạo môi trường, điều kiện cho thanh niên tích cực tham gia giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nhà nước xây dựng các thiết chế quản lý, tổ chức và huy động tất cả các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và bảo vệ sự an toàn cho thanh niên trên không gian mạng, tham gia làm chủ công nghệ số.

Xây dựng cơ chế và kêu gọi, vận động gia đình, xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao các cấp, các ngành cho thanh niên. Ví dụ, như: các sân vận động, sân bóng đá, cầu lông từ cấp cơ sở đến cấp quốc gia.

(6) Nhóm chính sách về bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

Nhà nước bảo đảm cho thanh niên được giáo dục quốc phòng và an ninh, tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình giáo dục quốc phòng đã được đưa vào bắt buộc 100% trong chương trình giáo dục chuyên nghiệp, bảo đảm cho thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, dân quân tự vệ; tham gia quân nhân dự bị và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, ban hành chính sách hỗ trợ cho thanh niên khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an trở về địa phương, như: chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chính sách hỗ trợ việc làm…

(7) Nhóm chính sách đối với thanh niên xung phong, tình nguyện vì cộng đồng xã hội.

Nhà nước ban hành chính sách đối với thanh niên tình nguyện, như: chính sách về xây dựng, tạo lập các kênh thông tin để thanh niên được tiếp cận và tham gia hoạt động tình nguyện; chính sách xây dựng chương trình, dự án đưa thanh niên tình nguyện về làm việc tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện vì lợi ích của cộng đồng, xã hội.

Nhà nước bảo đảm điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho tổ chức thanh niên xung phong khi thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao; xây dựng các chính sách về hưởng chế độ, chính sách trong và sau khi hoàn thành nhiệm vụ cho đội ngũ thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện: chế độ ưu tiên giải quyết việc làm cho sinh viên sau chương trình tình nguyện; chế độ quy hoạch, ưu tiên sử dụng và phát triển lãnh đạo trong đội ngũ thanh niên tình nguyện; chế độ công nhận thương binh, liệt sĩ cho các tình nguyện viên khi bị thương hoặc chết trong quá trình làm tình nguyện.

(8) Nhóm chính sách đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật chỉ đạo về quản lý, phát triển đối tượng thanh niên là người dân tộc thiểu số về học tập, lao động, việc làm, khởi nghiệp, chăm sóc sức khỏe, thể dục, thể thao. Nhà nước coi trọng chính sách hỗ trợ đối tượng thanh niên là người dân tộc thiểu số trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu tiến tới xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi, hải đảo

Ban hành chính sách về ưu tiên cho thanh niên các dân tộc thiểu số trong đào tạo, bồi dưỡng, như: tổ chức lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng và đưa vào quy hoạch để tạo nguồn lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức là thanh niên người dân tộc thiểu số trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Có chính sách đầu tư phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp tại các vùng núi nhằm thu hút lao động và giải quyết việc làm thu nhập cho thanh niên các dân tộc thiểu số. Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức ưu tiên tuyển dụng thanh niên là người dân tộc thiểu số.

(9) Nhóm chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Đây là nhóm tuổi có nhiều đặc điểm đặc thù: đang phát triển mạnh mẽ về cơ thể; chưa hoàn thiện nhân cách, tri thức; chưa đủ tư cách về quyền công dân; rất dễ khủng hoảng… Do vậy, ở nước ta, nhóm tuổi này được Nhà nước hết sức quan tâm bằng cách tăng cường, hoàn thiện nhiều thể chế và thiết chế quan trọng thông qua hệ thống các chính sách, như: bảo đảm hoàn thành phổ cập giáo dục; ưu tiên, tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp với khả năng và lứa tuổi để phát triển toàn diện; đào tạo, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với lứa tuổi; tăng cường các thiết chế tư vấn, trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần; bảo đảm các biện pháp hỗ trợ và can thiệp để thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được sống an toàn, lành mạnh; khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu…

4. Kết luận

Ở nước ta, tuổi trẻ nói chung và nguồn nhân lực trẻ nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Vấn đề chăm sóc, bảo vệ và định hướng và phát triển nguồn nhân lực trẻ luôn được Nhà nước đặt lên vị trí hàng đầu trong chiến lược phát triển quốc gia. Việc hoàn thiện thiết chế quản lý của Nhà nước, xây dựng và hoàn thiện các chính sách về phát triển nguồn nhân lực trẻ không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn là nhiệm vụ của các địa phương, các ngành và của toàn xã hội, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chăm lo, xây dựng nguồn nhân lực trẻ phát triển toàn diện, xứng đáng là “rường cột” của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam. Hà Nội, 2019.
2. Nguyễn Hữu Dũng. Nghiên cứu thị trường lao động và định hướng nghề nghiệp của thanh niên Việt Nam hiện nay. Đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước của Viện Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2012.
3. Vũ Đăng Minh. Quản lý Nhà nước về thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016.
4. Vũ Đăng Minh, Lê Thị Lam Hương. Một số định hướng về chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ hiện nay. H. NXB Thanh niên, 2014.
5. Quyết định số 82/2011/QĐ-TTg ngày 02/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ nước về ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực trẻ Việt Nam đến năm 2020.
6. Quyết định số 1331/2021/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chiến lược phát triển Thanh niên Việt Nam đến năm 2030.
7. Trần Văn Trung. Cơ sở khoa học về phát triển nguồn nhân lực trẻ. NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2021.
8. Trần Văn Trung. Quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022.