(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 09/4/2024 tại Hà Nội, Khoa Khoa học liên ngành, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các Phân viện Học viện tại: TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, khu vực Miền Trung.
Dự Hội thảo, về phía khách mời có: PGS.TS. Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Đặng Văn Thanh, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hùng Vương; TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước. Về phía Học viện Hành chính Quốc gia (sau đây viết tắt là Học viện), có các Phó Giám đốc: PGS.TS. Lương Thanh Cường, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu; đại diện lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện cùng đông đảo học viên, sinh viên của Khoa Khoa học liên ngành.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa, Khoa Khoa học liên ngành, nhấn mạnh: Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, đội ngũ giảng viên trong và ngoài Học viện trao đổi, nghiên cứu sâu hơn về những khía cạnh, những vấn đề đặt ra trên bình diện lý luận và thực tiễn về truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay trước kỷ nguyên công nghệ 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Hội thảo mong nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, làm rõ các nội dung: (1) Làm rõ các vấn đề lý luận về truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số; (2) Làm rõ thực trạng truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay; (3) Nghiên cứu kinh nghiệm trong nước và thế giới về bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số; (4) Đưa ra các giải pháp góp phần bảo đảm hoạt động truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện cảm ơn sự có mặt của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã quan tâm viết bài và tham gia Hội thảo. Với 43 bài tham luận đăng kỷ yếu Hội thảo, cùng đông đảo các nhà khoa học tham dự, khẳng định sự quan tâm về truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay. Phó Giám đốc Học viện ghi nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Khoa, qua đây cũng rất mong các nhà khoa học sẽ làm rõ cơ sở lý luận cũng như cơ sở thực tiễn cùng các giải pháp nhằm phát huy vai trò của truyền thông trong xây dựng, bảo vệ đất nước trong bối cảnh môi trường số, truyền thông và dư luận xã hội đang có những thay đổi lớn về phương thức, cách thức thể hiện.
Trình bày tại Hội thảo, PGS.TS. Ngô Đình Xây, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương với tham luận “Truyền thông số ở Việt Nam hiện nay – Nhận diện, vấn đề đặt ra và một số kiến nghị”. Theo ông, để thực hiện được truyền thông số thiết thực và có hiệu quả, cần phải tạo lập được các yếu tố, như: chủ thể truyền thông số, môi trường truyền thông số, hệ sinh thái truyền thông số. Trên cơ sở phân tích thực trạng truyền thông số ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS. Ngô Đình Xây đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển truyền thông số một cách bài bản và đúng hướng, như: cần có cách tiếp cận tổng thể về xây dựng và phát triển truyền thông số; nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về tổ chức, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chuyên về mã ngành truyền thông số.
TS. Lê Đình Thảo, giảng viên Khoa Khoa học liên ngành, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận “Vai trò của truyền thông trên môi trường số trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước”. TS. Lê Đình Thảo cho rằng, để phát huy được vai trò của truyền thông trên môi trường số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cần phải: (1) Thực thi dân chủ trong xã hội; (2) Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, nhất là người đứng đầu về chính sách, pháp luật, về truyền thông số; (3) Nâng cao nhận thức của Nhân dân về truyền thông số, về quyền và trách nhiệm công dân trong việc tham gia vào các công việc quản lý nhà nước; (4) Xây dựng các quy định pháp luật về truyền thông trong quản lý nhà nước trên môi trường số.
Với tham luận “ Vai trò của dư luận xã hội trong lãnh đạo, quản lý và ứng phó với tin giả trong lãnh đạo, quản lý hiện nay”giảng viên Khoa Khoa học liên ngành, Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ, dư luận xã hội (tin đồn, tin giả) đang ngày càng tác động lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, lãnh đạo. Để ứng phó với tin giả, tin đồn trong lãnh đạo, quản lý cần phải có các giải pháp để ứng phó, như: (1) Nhận diện tin giả; (2) Kết hợp giữa chuyên gia các chuyên ngành và các chuyên môn thông tin, báo chí; (3) Thực hiện tuyên truyền hiệu quả; (4) Phát huy vai trò của các cơ quan chuyên môn.
Trình bày tham luận “Giải pháp chủ yếu nhằm đảm bảo hoạt động truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay”, TS. Lý Thị Huệ, giảng viên Khoa Khoa học liên ngành cho rằng, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của môi trường số tại Việt Nam, hoạt động truyền thông và dư luận xã hội đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Để góp phần bảo đảm hoạt động truyền thông và dư luận xã hội đạt hiệu quả cao trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay, TS. Lý Thị Huệ đã đưa ra các giải pháp, như: (1) Tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy định quản lý, sử dụng không gian mạng chặt chẽ; (2) Các chủ thể khi tham gia không gian mạng cần trang bị các kỹ năng tự bảo vệ thông tin cá nhân, biết cách chọn lọc, tiếp nhận thông tin; (3) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của truyền thông xã hội và không gian mạng theo quy định của pháp luật; (4) Thiết lập và cải tiến một hệ thống quản lý mạng xã hội toàn diện, bao gồm việc tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến.
Hội thảo cũng được lắng nghe ý kiến chia sẻ của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học về truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam. Các ý kiến tập trung vào các nội dung, như: (1) Phát huy vai trò của truyền thông trong việc định hướng dư luận xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay; (2) Làm rõ vai trò của truyền thông và dư luận xã hội trong thực thi chính sách công trên môi trường số; (3) Khai thác dư luận xã hội trên nền tảng trực tuyến vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (4) Giải pháp nhận diện, ngăn chặn, xử lý tin giả trên môi trường số hiện nay; (5) Cách thức để kiểm soát, giám sát dư luận xã hội trên môi trường số.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà cảm ơn các ý kiến tham luận và bài viết tham gia Hội thảo của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Khoa Khoa học liên ngành nói riêng và của toàn Học viện nói chung.
Nguyễn Thùy, Thu Hương