Một số giải pháp nâng cao ý thức quốc phòng của dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng

K’ Tiến
Học viện Chính trị
, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Ý thức quốc phòng  ý thức chính trị về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trọng yếu, thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ được hình thành, củng cố, phát triển không ngừng từ thực tiễn công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Bài viết đánh giá thực trạng, đề xuất một số giải pháp nâng cao ý thức quốc phòng của dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng nhằm xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng vững mạnh về chính trị, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

Từ khóa: Dân quân tự vệ; ý thức quốc phòng; giải pháp; tỉnh Lâm Đồng.

1. Đặt vấn đề

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng ở địa phương, cơ sở đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp, sự lãnh đạo, quản lý, chỉ huy về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Đảng ủy, cơ quan quân sự địa phương cấp trên, phối hợp với các lực lượng liên quan trên địa bàn trong các nhiệm vụ theo pháp luật về dân quân tự vệ hiện hành. Đây là lực lượng có vai trò rất quan trọng trong triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương trong mọi tình huống.

Ý thức quốc phòng là ý thức chính trị về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trọng yếu, thường xuyên của cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ được hình thành, củng cố, phát triển không ngừng từ thực tiễn công tác quân sự, quốc phòng địa phương.

Ý thức quốc phòng của dân quân tự vệ có vai trò rất quan trọng, không chỉ phản ánh thực tiễn quốc phòng ở địa phương cơ sở mà còn tác động trở lại thực tiễn đó thông qua định hướng, chi phối nhận thức, tình cảm, niềm tin, ý chí gắn với kết quả hành động cách mạng của chủ thể. 

2. Thực tiễn ý thức quốc phòng của dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng

Lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng bao gồm những công dân trong độ tuổi, được đăng ký và sắp xếp trong các đơn vị dân quân tự vệ của tỉnh, như: Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, phân đội dân quân tự vệ tại chỗ, dân quân tự vệ cơ động, dân quân tự vệ thường trực, dân quân tự vệ phòng không, công binh, thông tin, pháo binh, trinh sát, phòng hóa, y tế. Toàn tỉnh hiện có 142 đầu mối dân quân tự vệ ở cơ sở (18 phường, 13 thị trấn, 111 xã); 1.367 đơn vị cấp thôn, tổ dân phố1

Những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự, các ban, ngành đoàn thể chính trị – xã hội địa phương, nhận thức quốc phòng toàn dân của dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng ngày càng được nâng cao, bảo đảm lực lượng dân quân tự vệ luôn quán triệt, thấu suốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương; hiểu và tự hào về lịch sử, truyền thống, quyết tâm kế tục và vận dụng những kinh nghiệm công tác của các thế hệ cha anh vào thực tiễn. Trên cơ sở nhận thức ngày càng cao về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, thái độ, trách nhiệm và quyết tâm của cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng ngày càng đúng đắn, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các cá nhân, tập thể, đơn vị dân quân tự vệ có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng được nâng cao. 

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm cơ bản, còn một số hạn chế, như: nhận thức, vai trò trách nhiệm về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương của một số chủ thể ở một số cơ sở còn chưa toàn diện; một số ít gia đình cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ vẫn còn chưa được phát huy tốt vai trò trong động viên, khích lệ con em thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ địa phương; một số cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ địa phương đôi lúc vẫn còn thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu niềm tin và quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. 

Nguyên nhân của hạn chế:

Một trong những nguyên nhân chủ yếu từ phẩm chất, năng lực và trình độ ý thức quốc phòng của một số cán bộ đảm nhiệm công tác dân quân tự vệ ở cơ sở còn những bất cập, song vẫn chưa thực sự được quan tâm tập trung hoàn thiện, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, trong tuyển chọn, kết nạp dân quân tự vệ, có nơi, có lúc vẫn còn để lọt một số trường hợp chưa thực sự bảo đảm về vấn đề lai lịch, thái độ chính trị và chính trị. Những tác động từ mặt trái cơ chế thị trường đẩy nhanh tình trạng phân hóa giàu nghèo, cổ vũ lối sống ích kỷ, thực dụng. Các thế lực thù địch gia tăng chống phá về văn hóa, đạo đức, lối sống, chính trị, tư tưởng… hòng phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng vũ trang quần chúng ở cơ sở. Sự suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực ở một số cán bộ, đảng viên cũng tác động rất nguy hại đến quá trình tự giác phấn đấu, rèn luyện nâng cao ý thức quốc phòng của dân quân tự vệ tỉnh.

3. Một số giải pháp nâng cao ý thức quốc phòng của dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng

Một là, phát huy vai trò của các chủ thể trong kết hợp giáo dục và tự giáo dục ý thức quốc phòng cho dân quân tự vệ. 

Kết hợp quá trình giáo dục và tự giáo dục thông qua phát huy vai trò của các chủ thể, gồm: cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự, các ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội và chính bản thân lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương. Thông qua những hình thức, biện pháp phù hợp, hiệu quả, có tính tới đặc điểm tình hình, yếu tố tác động và các đặc thù yêu cầu, nhiệm vụ để giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ thuộc quyền. Qua đó, giúp cho đối tượng giáo dục có được nhận thức ngày càng đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc, làm nền tảng quan trọng cho hình thành, bồi đắp tình cảm cách mạng, niềm tin khoa học, thôi thúc, cổ vũ dân quân tự vệ địa phương nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Hai lànâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực tiễn quân sự, quốc phòng của dân quân tự vệ.

Đây là giải pháp đưa nhận thức quốc phòng trực tiếp trở thành hành động thực tiễn cách mạng của cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ. Đồng thời, thông qua con đường thực tiễn hoạt động để khẳng định và ngày càng củng cố vững chắc ý thức quốc phòng của dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng. 

Theo đó, Đảng ủy, cơ quan quân sự địa phương một mặt làm nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nguồn lực trong điều kiện cho phép, tuân thủ pháp luật, giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt đối với xây dựng, tổ chức, hoạt động và bảo đảm chính sách cho dân quân tự vệ địa phương đáp ứng tốt theo yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. 

Mặt khác, Đảng ủy, cơ quan quân sự địa phương chính là chủ thể lãnh đạo, quản lý, chỉ huy về quân sự, quốc phòng đối với lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền. Giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng cho dân quân tự vệ cần cập nhật những vấn đề mới về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, quốc phòng toàn dân, kết hợp quốc phòng và an ninh; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả những yếu tố bất lợi, nguy cơ gây đột biến, thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống từng từ cơ sở. 

Đồng thời, Đảng ủy, cơ quan quân sự địa phương địa phương cần phải làm tốt hơn nữa vai trò là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với các ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội và lực lượng có liên quan trên địa bàn trong triển khai thực hiện thắng lợi sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với thực tiễn xây dựng, tổ chức và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ địa phương trong tình hình mới hiện nay. 

Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Đây là giải pháp giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và quốc phòng ở địa phương, cơ sở. Mọi tinh thần và lực lượng đều ở nơi dân, “dân giàu” thì “nước mạnh”, “nước mạnh” mới có điều kiện xây dựng “quân hùng”. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó “phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên2.

Tổ chức xây dựng và hoạt động dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng thuộc về hoạt động quốc phòng, quân sự ở địa phương, mang tính chất trọng yếu, thường xuyên, phụ thuộc vào khả năng, điều kiện bảo đảm của Tỉnh theo pháp luật về lực lượng dân quân tự vệ. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác có vai trò chiến lược quan trọng không chỉ đối với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu mà còn trực tiếp tham gia, đóng góp tích cực xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội địa phương, cơ sở. Nhân dân địa phương có việc làm, đời sống ổn định, trình độ văn hóa cao, các vấn đề đoàn kết dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội bảo đảm, hài hòa chính là điều kiện thuận lợi cho việc củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân. Từ đó, Nhân dân tin tưởng sẽ động viên con em tham gia nghĩa vụ dân quân tự vệ, ủng hộ, hưởng ứng mọi hoạt động của cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ. 

Bốn là, tham mưu, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung chính sách, cơ chế đối với dân quân tự vệ. 

Tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cho dân quân tự vệ địa phương. Theo phân cấp trách nhiệm của chủ thể quản lý dân quân tự vệ, cần quán triệt, tham mưu triển khai đồng bộ, công khai, minh bạch, hiệu quả pháp luật về bảo đảm chế độ, chính sách, điều kiện thực hiện nhiệm vụ cho lực lượng dân quân tự vệ địa phương. Làm tốt khâu then chốt là lựa chọn cán bộ, nhân viên đủ phẩm chất, năng lực; chủ động quản lý, giám sát, ngăn ngừa vi phạm của cán bộ, nhân viên thuộc quyền; kiên quyết xử lý dứt điểm mọi biểu hiện vi phạm, trục lợi chính sách dân quân tự vệ trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng luôn tuyệt đối tin tưởng, yên tâm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

Năm là, tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đặc biệt là trên không gian mạng

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, cơ quan quân sự địa phương và cơ quan chuyên môn, vai trò chỉ đạo, định hướng hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 và Lực lượng 47 các cấp, dân quân tự vệ địa phương luôn thống nhất ý chí và hành động, thực sự là lực lượng nòng cốt, cùng các ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội và quần chúng nhân dân các dân tộc địa phương đoàn kết, tạo thành một lực lượng, một tiềm lực, một thế trận khu vực phòng thủ, chiến tranh nhân dân vững chắc trên môi trường tác chiến không gian mạng. 

Theo đó, cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ cần luôn chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời báo cáo, tuân thủ theo mệnh lệnh chung, thống nhất của cấp trên, sẵn sàng tham gia vô hiệu hóa các tài khoản xấu, độc, góp phần bảo vệ an ninh, an toàn thông tin, an toàn mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên cả môi trường thực và không gian mạng trong điều kiện hiện nay.

4. Kết luận

Dân quân tự vệ là lực lượng quan trọng, chiến lược trong tổ chức, xây dựng và hoạt động thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương của tỉnh Lâm Đồng. Nghiên cứu nâng cao ý thức quốc phòng của dân quân tự vệ tỉnh Lâm Đồng nhằm chủ động phát huy vai trò tích cực, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở cơ sở, giữ ổn định tình hình an ninh chính trị địa phương, góp phần củng cố thế trận và tiềm lực quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 24-NQ/ĐU ngày 30/11/2023 của Đảng ủy Quân sự tỉnh Lâm Đồng về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng đảng bộ năm 2024.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 110.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Dân quân tự vệ năm 2019.
2. Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ