Pháp luật phương Đông cổ đại – Sự hiện thân của công lý 

ThS. Nhâm Thúy Lan
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Pháp luật cổ đại phương Đông không đơn thuần chỉ là một hệ thống pháp luật xuất phát từ ý chí của giai cấp quý tộc, chỉ bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của giai cấp ấy. Pháp luật phương Đông cổ đại còn ẩn chứa trong nó hiện thân của công lý. Nghiên cứu làm rõ điều này sẽ thấy được giá trị khách quan của pháp luật luôn là giá trị công lý, mục tiêu hướng đến của pháp luật luôn là mục tiêu vì công lý.

Từ khoá: Pháp luật phương Đông cổ đại; hệ thống pháp luật; giá trị công lý; quyền và nghĩa vụ; quan hệ xã hội.

1. Đặt vấn đề

Công lý là khát vọng của con người ngay từ thuở mới xuất hiện những nhà nước cổ xưa. Thậm chí, xét ở một khía cạnh nào đó, khi con người tồn tại thành một xã hội, một cộng đồng, người ta đã hướng tới giá trị công lý thông qua các quy phạm xã hội điều chỉnh các mối quan hệ nảy sinh trong cộng đồng. Tuy nhiên, từ khi xã hội loài người không còn sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên, không còn những mối quan hệ huyết thống ràng buộc các thị tộc, bộ lạc, cùng với sự xuất hiện một tổ chức siêu quyền lực có khả năng áp đặt ý chí tới mọi thành viên trong xã hội, công lý càng trở thành một tiêu chuẩn mà người ta kỳ vọng, mong mỏi sẽ hiện diện trong các quan hệ xã hội.

Pháp luật là công cụ để thực hiện khát vọng về công lý. Vì vậy, từ khi mới ra đời, dù ít dù nhiều, dù tiếp cận ở các góc độ khác nhau, pháp luật đều truyền tải các giá trị công lý theo quan điểm của cộng đồng dân cư nơi pháp luật đó nảy sinh. Cho dù pháp luật và công lý là hai phạm trù khác biệt song các nhà lập pháp đều mong muốn pháp luật do mình xây dựng nên được dựa trên cơ sở công lý và là công cụ để thực thi công lý.

Ở một mức độ nhất định, pháp luật thời kỳ cổ đại phần nào thể hiện nó là hiện thân của công lý. Tuy nhiên, hình thành trên cơ sở điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa, tư tưởng… không đồng nhất với nhau, pháp luật phương Đông và phương Tây cổ đại đã tiếp cận, biểu hiện công lý theo những cách thức, nội dung, mức độ khác nhau. Điều này làm nên sự đa dạng của nội hàm khái niệm công lý. Theo thời gian, ý niệm về công lý trở nên mạnh mẽ hơn. Dựa vào những luận giải và biểu hiện công lý của pháp luật từ thời cổ đại, con người đã hoàn thiện hơn câu trả lời cho câu hỏi “công lý là gì?”. Yêu cầu phải tồn tại công lý trong xã hội vì thế cũng trở nên sâu sắc và cấp thiết. Công lý khiến xã hội loài người văn minh hơn và đến lượt mình, con người làm cho công lý được đề cao hơn, được coi trọng hơn.

Pháp luật là sự kế thừa, chọn lọc những giá trị đã hình thành qua các thời kỳ lịch sử. Vì vậy, nghiên cứu biểu hiện của công lý trong pháp luật nói chung, pháp luật thời kỳ cổ đại nói riêng sẽ làm sáng rõ những ưu điểm có thể kế thừa, những hạn chế cần thay đổi, từ đó hoàn thiện nhận thức về công lý cũng như cơ chế bảo vệ công lý trong xã hội.

2. Quan niệm về công lý

Công lý là khái niệm hết sức quen thuộc nhưng cũng là khái niệm được lý giải dưới nhiều góc nhìn khác nhau, chưa bao giờ có sự thống nhất từ xa xưa đến hiện tại, từ phương Đông sang phương Tây.

Thực tế, công lý đã được đề cập từ thời cổ đại. Vào thế kỷ V, Augustine – nhà thần học và triết học – đã gắn nhà nước với phạm trù công lý qua câu hỏi rất nổi tiếng: “Nhà nước không có công lý sẽ là gì, nếu không phải là những băng cướp được mở rộng”1. Tức là trật tự xã hội mà nhà nước thiết lập nên phải trên cơ sở công lý. Lùi xa hơn về lịch sử, Arixtot khẳng định rằng: “công lý cốt ở việc đối xử bình đẳng với những người ngang hàng và bất bình đẳng với những người không ngang hàng”… và “pháp luật không thể trung lập với vấn đề cách sống tốt đẹp”2.

Thời hiện đại, triết học pháp luật phát triển mạnh mẽ. Một trong những nội dung cốt lõi mà các nhà triết học pháp luật cố gắng luận giải chính là “công lý là gì?” cũng như xem xét bản chất mối quan hệ giữa pháp luật và công lý. 

John Raws trong tác phẩm Lý thuyết công bằng đã giải thích công lý: “như là sự hợp lý”3. John Finis mở rộng quan niệm về công lý khi cho rằng “những nguyên tắc của công lý… không là gì khác ngoài những hàm ý về sự đòi hỏi chung là người ta phải thúc đẩy lợi ích chung trong cộng đồng của mình”4.

Michael J. Sandel lại đề cập ba phương pháp tiếp cận công lý, bao gồm: (1) Công lý là tối đa hoá phúc lợi; (2) Công lý kết nối với tự do; (3) Công lý gắn với đạo đức và lối sống tốt đẹp5. Ông cũng chỉ ra những ưu, nhược của cả ba cách tiếp cận này. 

Tựu chung, như lời khẳng định của tác giả cuốn sách nổi tiếng Phải trái đúng sai: “các học thuyết công lý cổ đại bắt đầu bằng đạo đức, còn các lý thuyết hiện đại bắt đầu bằng tự do6”.

Như vậy, sẽ khó có thể có một định nghĩa thống nhất đối với một khái niệm trừu tượng như công lý. Những tác giả từng luận giải khái niệm này đều đưa ra những lập luận khá thuyết phục, mặc dù có sự không đồng nhất với nhau, thậm chí trái ngược nhau. Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta không thể gọi tên bản chất công lý là gì. Khái niệm công lý có nội hàm khá bao trùm. Một cách khái quát, đó là trạng thái hợp lý, thuận với lẽ tự nhiên, thuyết phục được sự chấp thuận của số đông trong xã hội. Đó là chuẩn mực tạo nên sự công bằng, tạo nên sự bình đẳng, tạo nên một trật tự mà mỗi chủ thể đều được bảo vệ các quyền chính đáng của mình.

3. Biểu hiện công lý trong pháp luật phương Đông cổ đại

Một là, công lý trong pháp luật phương Đông cổ đại là giá trị mang tính khách quan. Phương Đông là nơi các nhà nước cổ đại ra đời sớm nhất, là cái nôi của văn minh nhân loại. Đương nhiên, những nền văn minh ấy cũng là nơi khởi phát nhiều tư tưởng chính trị – pháp lý tiến bộ. Đã có sự xuất hiện của nhiều bộ luật thành văn ở giai đoạn này, như: Bộ luật Hammurabi của người Lưỡng Hà cổ đại, Bộ luật Manu của người Ấn Độ cổ đại, Bộ luật Urunami của người thành Ur thuộc Lưỡng Hà cổ đại. Những bộ luật tiêu biểu này dù ra đời trong lòng xã hội chiếm hữu nô lệ với sự phân chia đẳng cấp sâu sắc, là ý chí của một vị vua đại diện cho tầng lớp quý tộc chủ nô nhưng vẫn hướng đến giá trị chung mà nhân loại theo đuổi, đó là công lý.

Pháp luật phương Đông cổ đại quan niệm công lý là “phát huy chính nghĩa ở đời, diệt trừ kẻ gian ác không tuân theo pháp luật, làm cho kẻ mạnh không hà hiếp kẻ yếu”7. Gắn công lý với sự định đoạt của thượng đế, người Lưỡng Hà cổ đại cho rằng thượng đế là người đặt ra các chuẩn mực mà mỗi cá nhân phải tuân thủ theo. Thượng đế sẽ phán xét tính đúng, sai trong hành vi của con người. Thượng đế là thế lực sẽ bảo đảm cho công lý được thực thi. Nói cách khác, ý chí của thượng đế là lẽ phải, là công lý. Vì vậy, chúng ta dễ dàng trở thành giá trị phổ biến trong cộng đồng. Ý chí của thượng đế được chuyển tải vào pháp luật và buộc mọi chủ thể phải tuân thủ.

Sâu xa của quan niệm công lý thuộc về thượng đế chính là sự khẳng định tính khách quan của công lý. Người chuyển tải ý chí của thượng đế là vua. Giống như vị vua Hammurabi từng khẳng định ông sẽ là người “làm cho công bằng và chính nghĩa tỏa khắp đất nước và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân từ nay về sau”8. Điều này phù hợp với chính thể quân chủ chuyên chế trong đó nhà vua/hoàng đế là người thâu tóm quyền lực gần như tuyệt đối. Vị vua/hoàng đế đó với danh xưng Thiên tử sẽ thay mặt thượng đế để thực hiện công lý đối với thần dân của ông ta. Mặc dù bị hạn chế bởi yếu tố này song không thể phủ nhận, ở những quốc gia có được một vị vua với tầm nhìn tiến bộ, pháp luật được ban hành chứa đựng nhiều giá trị vượt thời đại, đặc biệt những quan niệm và mong muốn duy trì công lý để trị vì và phát triển đất nước. Vì vậy, những quốc gia ban hành được luật thành văn thời kỳ này đều là những quốc gia có sự vượt trội về kinh tế, xã hội, điển hình là Lưỡng Hà cổ đại.

Hai là, công lý trong pháp luật phương Đông cổ đại có quan hệ chặt chẽ với những giá trị đạo đức. Phương Đông vốn là nơi mà cộng đồng tồn tại rất nhiều các quan niệm đạo đức. Các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi vô số quy tắc đạo đức. Hành vi con người được khuôn mẫu theo những giá trị đạo đức. Vì lẽ đó, không khó hình dung về mối quan hệ chặt chẽ giữa pháp luật và đạo đức ở các nhà nước phương Đông từ thời kỳ cổ đại.

Trước hết, rất nhiều quy phạm pháp luật có nguồn từ quy phạm đạo đức. Các quy phạm đạo đức bản thân nó đã chứa đựng những quan niệm về lẽ phải, lẽ công bằng, như: tổn hại đến lợi ích của người khác thì phải đền bù, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình với nhau, nghĩa vụ của kẻ dưới đối với người trên… Nếu chủ thể trong hoàn cảnh nhất định không thực hiện theo những yêu cầu phù hợp với các quy tắc đạo đức, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả như một lẽ tất nhiên theo luật nhân quả. Do vậy, công lý trong quan niệm của các quốc gia phương Đông cổ đại, được thể hiện trong pháp luật phương Đông cổ đại có mối quan hệ gần gũi với các giá trị đạo đức. Nhờ vậy, nhiều nội dung pháp luật đã thể hiện tính tiến bộ. Đó là việc đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người như chữ thiện, chữ tín, lòng trung thực. Ví dụ, bộ luật nổi tiếng bậc nhất của phương Đông cổ đại – Bộ luật Hammurabi chứa đựng rất nhiều điều khoản trừng phạt những kẻ không giữ cam kết, không trung thực, như: “Nếu nhà nào bị cháy mà người tự do đến chữa cháy dòm ngó tài sản là lấy bất cứ một vật gì, thì người ấy bị ném vào lửa đỏ”9.

Giá trị công lý trong pháp luật phương Đông cổ đại còn giúp bảo vệ được quyền lợi của người dân, đặc biệt là tầng lớp yếu thế trong xã hội. Ví dụ: “Nếu dân tự do hiếp dâm vợ của dân tự do mà bị bắt thì người tự do đó bị xử tử, người phụ nữ này được miễn truy tội”10; hoặc “Nếu dân tự do lấy vợ, người vợ bị hủi, mà người này muốn lấy một người khác, thì y có thể lấy người khác, nhưng không được bỏ người vợ bị bệnh hủi, người vợ đó phải được ở trong nhà y, y phải nuôi nấng người vợ đó suốt đời”11.

Ba là, công lý trong pháp luật phương Đông cổ đại gắn liền với tính giai cấp. Công lý được thể hiện trong pháp luật phương Đông cổ đại được xác định phụ thuộc vào giai cấp. Điều này, xuất phát từ bản chất của các nhà nước phương Đông cổ đại là những nhà nước mang tính giai cấp sâu sắc. Sự phân chia đẳng cấp ở phương Đông đậm nét hơn phương Tây cùng thời kỳ. Mặc dù, quan hệ nô lệ ở phương Đông cổ đại chủ yếu là quan hệ nô lệ gia trưởng song tính thứ bậc trong xã hội phương Đông đã chi phối quan niệm về công lý và thể hiện rõ nét yếu tố này trong pháp luật. Đặc quyền, đặc lợi của tầng lớp trên trong xã hội phải được bảo vệ tuyệt đối. Nó như một lẽ tự nhiên, lẽ phải mà xã hội phải tuân thủ theo. Pháp luật bảo vệ cho trật tự xã hội mang tính thứ bậc và coi đó là công lý. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, hình phạt đặt ra cho các chủ thể vi phạm không tính đến hậu quả, mức độ nguy hiểm mà dựa trên thứ bậc, đẳng cấp. Đẳng cấp thấp kém có hành vi gây hậu quả cho đẳng cấp trên sẽ phải chịu những hình phạt hết sức tàn khốc.

Đơn cử: (1) Bộ luật Manu của Ấn Độ quy định, nếu đẳng cấp Suđra (đẳng cấp thấp hèn nhất trong xã hội Ấn Độ cổ đại) cãi nhau với người ở đẳng cấp trên thì sẽ bị “cắt lưỡi, đổ dầu vào miệng và tai”; trong khi đó, nếu đẳng cấp Bàlamôn và Ksatoria vu cáo cho người thuộc đẳng cấp dưới thì chỉ bị phạt tiền. (2) Bộ luật Hammurabi của Lưỡng Hà cổ đại phân chia hình phạt tương ứng với từng giai cấp trong xã hội. Các điều luật được áp dụng nếu chủ thể của quan hệ pháp luật đó có cùng giai cấp. Ví dụ, cùng là hành vi gây thiệt hại, nếu dân tự do làm thiệt hại đến dân tự do, chế tài cụ thể sẽ được áp dụng; ngược lại, nếu tầng lớp quý tộc gây thiệt hại cho dân tự do, điều luật đó không có giá trị. 

Pháp luật phương Đông cổ đại vừa tiệm cận với công lý vừa làm cho công lý trở nên không còn hoàn hảo. Nó đồng thời mang tính tiến bộ vượt thời đại, đồng thời tồn tại những hạn chế mang tính lịch sử. Khi pháp luật gắn với các giá trị đạo đức, gắn với luật tự nhiên – là những điều xảy ra đều có quan hệ nhân quả thì pháp luật ấy rất gần với công lý. Tuy nhiên, khi pháp luật mang ý chí và để phục vụ cho lợi ích của một vài giai cấp nhất định thì pháp luật ấy chưa hẳn sẽ biểu hiện cho công lý. Lúc này, công lý có khi chỉ là vỏ bọc để một cá nhân uy quyền bảo vệ địa vị thống trị của mình, dễ bề cai trị, nô dịch, thậm chí đàn áp kẻ chống đối. Rõ ràng, công lý được biểu hiện trong pháp luật phương Đông cổ đại phụ thuộc và gắn liền với ý chí cá nhân. Tính khách quan của nó do vậy mà bị mờ nhạt đi rất nhiều.

Bốn là, công lý trong pháp luật phương Đông cổ đại được xác định dựa trên nguyên tắc trả thù ngang bằng. Cách thức để bảo vệ công lý trong pháp luật phương Đông cổ đại mang đậm quan niệm thời bấy giờ về sự trả giá. Nguyên tắc xuyên suốt để bảo vệ lẽ phải, mang lại công bằng là nguyên tắc trả thù ngang bằng. Nguyên tắc này nhấn mạnh đến thiệt hại, hậu quả xảy ra và đòi hỏi kẻ gây ra thiệt hại, hậu quả đó phải trả giá như nạn nhân đã phải gánh chịu. Cho nên, dễ dàng bắt gặp những điều luật, như: “Nếu một người chọc mù mắt một người khác thì mắt của anh ta cũng sẽ bị chọc mù” (Điều 196 Bộ luật Hammurabi); “Nếu một người làm gãy xương người khác, anh ta cũng bị đánh gãy xương” (Điều 197 Bộ luật Hammurabi)12… 

Không nên hiểu đơn thuần các điều luật này chỉ hướng tới sự trừng phạt, từ đó có những nhận định vội vàng về bản chất của pháp luật phương Đông cổ đại, gắn cho nó yếu tố hà khắc, dã man, dường như chỉ là công cụ của giai cấp cầm quyền. Sâu xa trong những quy định có hình thức vô cùng tàn khốc theo quan niệm hiện đại ngày nay chính là tư tưởng, khát vọng về công lý. Tất nhiên, đó là công lý theo quan niệm của người xưa, phù hợp với những nhà nước sơ khai trong lịch sử loài người.

4. Một số giá trị kế thừa

Ngày nay, đòi hỏi về công lý trong xã hội loài người cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Văn minh nhân loại đã cho phép con người ý thức được quyền và trách nhiệm của mỗi chủ thể về tiếp cận công lý và bảo đảm công lý. Tòa án ở mỗi quốc gia ngày nay trước hết là toà án bảo vệ công lý. Vì vậy, nghiên cứu công lý biểu hiện trong pháp luật qua các giai đoạn lịch sử có ý nghĩa quan trọng để có thể đưa công lý thành giá trị đích thực tồn tại trong xã hội.

Thứ nhất, công lý phải là giá trị mang tính phổ quát, mọi chủ thể đều có quyền tiếp cận và hưởng thụ. Công lý ngày nay không phải là công lý phục vụ thiểu số, cũng không phải công lý luôn đồng nghĩa với đa số. Công lý là sự hợp lý được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể. Nó đúng với những tuyên ngôn về quyền con người được đưa ra cách đây hơn 200 năm, rằng: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng”. Xã hội sẽ luôn tồn tại các tầng lớp người khác nhau với lợi ích, quan điểm khác biệt song công lý không mang tính phân biệt. 

Thứ hai, công lý luôn là yếu tố gắn liền với giá trị đạo đức cốt lõi của mỗi một cộng đồng người. Sở dĩ có điều này vì giữa công lý và đạo đức luôn tồn tại một điểm tương đồng, đó là những giá trị tồn tại mang tính khách quan, như một lẽ tự nhiên. Không cần bất cứ quy định thành văn nào, nhiều nguyên tắc hình thành trong đời sống xã hội có tính tất yếu mà lương tâm con người đều đồng thuận mong muốn nó sẽ được bảo đảm trong thực tế. Đây chính là điểm để công lý có tính thuyết phục và cũng bớt đi tính trừu tượng của nó.

Thứ ba, công lý phải gắn liền với việc bảo vệ quyền con người. Công lý trong pháp luật thời cổ đại chưa hoàn thiện vì bản chất xã hội cổ đại là xã hội chiếm hữu nô lệ với sự phân chia đẳng cấp sâu sắc, tồn tại những cá nhân không được coi là con người. Nô lệ ở Ai cập cổ đại được gọi là Jets (đồ vật). Thậm chí, trong những nền cộng hòa sơ khai, như: Athen, La Mã cổ đại, mỗi cá nhân sẽ phải đáp ứng những nhu cầu hết sức khắt khe để có thể được hưởng trọn vẹn quy chế công dân. Vì vậy, chỉ rất ít những cá nhân có thể được bảo vệ quyền tài sản và quyền nhân thân. Ngày nay, quyền con người đã trở thành vấn đề mang tính trọng yếu, cơ bản ở bất cứ quốc gia nào. Quyền con người cũng được nhìn nhận sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Sẽ không thể tồn tại công lý nếu còn những chủ thể nằm ngoài phạm vi được hưởng các quyền tự nhiên, cơ bản của con người.

Thứ tư, công lý phải là giá trị mang tính khách quan. Công lý không phải do ý chí chủ quan của bất kỳ tầng lớp, giai cấp nào. Và để đạt đến sự nhận thức này, loài người đã cần hàng nghìn năm lịch sử để vượt qua những tư duy chưa hoàn thiện về sự bình đẳng của con người trong xã hội.

5. Kết luận

Ngày nay, công lý vẫn là một khái niệm triết học pháp lý được bàn luận ở các góc độ khác nhau, với các quan điểm khác nhau. Pháp luật của mọi quốc gia đều mong muốn được thừa nhận là một nền pháp luật vì công lý, mang công lý tới cho xã hội. Tòa án có chức năng bảo vệ công lý bằng công cụ pháp luật. Thậm chí, công lý còn trở thành nguồn của pháp luật để tòa án phân định, xét xử khi luật thực định chưa kịp thời bao phủ mọi vấn đề của cuộc sống.  Để nhận thức toàn diện và sâu sắc về công lý cũng như đánh giá được mức độ bảo vệ công lý của pháp luật một quốc gia, cần thiết phải tìm hiểu cội nguồn từ lịch sử pháp luật, bắt đầu từ thời cổ đại. Từ đó, có thể thấy những giá trị công lý mà ngày nay con người theo đuổi là sự tiếp nối những nỗ lực từ quá khứ. Trong tương lai, quan niệm về công lý sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa, phù hợp với nhân sinh quan và nhu cầu của thời hiện đại. Quyền con người chỉ có thể được bảo vệ toàn diện khi quan niệm về công lý phù hợp và đúng đắn cũng như có cơ chế hiệu quả để thực thi công lý trong đời sống thực tế.

Chú thích:
1, 3, 4, 5.  Raymond Wacks. Triết học pháp luật (Phạm Kiều Tùng dịch). H. NXB Tri thức, 2018, tr.12, 126, 39, 29.
2, 6. Michael Sandel. Phải trái đúng sai (Hồ Đắc Phương dịch). NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2021, tr. 14, 14.
7, 8, 9, 10, 11, 12. Lương Ninh (chủ biên). Lịch sử thế giới cổ đại. H. NXB Giáo dục, 2016, tr. 246, 247, 253, 253, 254, 256.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ luật Manu của Ấn Độ.
2. Bộ luật Hammurabi của Lưỡng Hà cổ đại.
3. Nguyễn Minh Tuấn. Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới (xuất bản lần thứ hai). H. NXB chính trị quốc gia, 2014.