Tác động của chuyển đổi số tới văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân

NCS. Phùng Anh Tuấn
Học viện An ninh nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước nói chung và trong lực lượng Công an nhân dân nói riêng là xu thế tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý xã hội, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm. Quá trình này tác động tới hoạt động công vụ, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân phải thay đổi phương pháp thực thi công vụ, văn hóa công vụ, ứng xử để nâng cao hiệu quả công việc.

Từ khóa: Tác động; chuyển đổi số; văn hóa công vụ; lực lượng Công an nhân dân.

1. Chuyển đổi số của lực lượng Công an nhân dân

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong ba đột phá chiến lược là chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và được xác định là yêu cầu bắt buộc trong tiến trình phát triển. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành.

Nhận thức rõ được hiệu quả của quá trình chuyển đổi số, thực hiện chủ trương của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình này, góp phần xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và áp dụng công nghệ trong phòng, chống tội phạm. Ngày 20/4/2021, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 2612/QĐ-BCA về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong Công an nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là chuyển đổi nhận thức, phương pháp làm việc, tận dụng các cơ hội, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển mạnh về chính phủ số nhằm từng bước tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ phục vụ đổi mới, sắp xếp bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng mục tiêu xây dựng lực lượng Công nhân an dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Theo Quyết định này, định hướng chuyển đổi số trong lực lượng Công an nhân dân tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất, trong công tác quản lý, điều hành: xây dựng hệ thống quản lý văn bản và điều hành có khả năng khai thác văn bản, bảo đảm kết nối liên thông trao đổi văn bản điện tử qua 4 cấp công an;xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Công an, tổ chức lưu trữ thông tin báo cáo của Bộ và công an các đơn vị, địa phương. Công tác văn thư lưu trữ, quản lý văn bản nhà nước được số hóa và lưu trữ điện tử đáp ứng nhu cầu công tác thực tiễn. Xây dựng hệ thống trung tâm thông tin chỉ huy là các trung tâm xử lý điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm của lực lượng Công an nhân dân. 

Thứ hai, trong công tác tham mưu, xây dựng lực lượng, xây dựng pháp luật: 

(1) Chuyển đổi số trong đào tạo, quản lý, phát triển nguồn nhân lực Công an nhân dân: đào tạo lực lượng chuyên trách phục vụ các yêu cầu về phát triển chính phủ điện tử và thực hiện chuyển đổi số; đào tạo kiến thức và kỹ năng số cần thiết cho cán bộ, chiến sĩ để thích ứng với thay đổi của chuyển đổi số. 

(2) Chuyển đổi số trong lĩnh vực hậu cần, tài chính: tập trung ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý số liệu, thực lực trang bị của công an các đơn vị, địa phương đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, cấp phát, trang bị, thanh lý, tiêu hủy tài sản được thực hiện nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Nghiên cứu giải pháp, lộ trình thực hiện thanh toán không sử dụng tiền mặt, số hóa hồ sơ, thủ tục thanh toán.

Thứ ba, trong hoạt động phòng ngừa và trực tiếp đấu tranh với tội phạm:

(1) Công tác giám định kỹ thuật hình sự và pháp y Công an nhân dân: ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong khai thác và chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác giám định kỹ thuật hình sự và pháp y Công an nhân dân.

(2) Công tác điều tra cơ bản, quản lý dữ liệu nghiệp vụ: ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo trong khai thác và chia sẻ cơ sở dữ liệu liên quan đến công tác điều tra cơ bản trong toàn lực lượng Công an nhân dân; từng bước số hóa dữ liệu điều tra cơ bản. 

(3) Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo để số hóa và khai thác, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, truyền tin báo sự cố và các cơ sở dữ liệu quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Thứ tư, trong công tác quản lý nhà nước, quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội, xuất nhập cảnh của người dân: 

(1) Triển khai thực hiện Đề án số 06 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử  phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo trong khai thác và chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu căn cước công dân; nhận dạng, phát hiện các đối tượng truy nã, truy tìm. 

(2) Triển khai ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo trong hệ thống quản lý xuất, nhập cảnh đáp ứng, phù hợp với Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. 

(3) Ứng dụng công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo trong khai thác và chia sẻ cơ sở dữ liệu liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Từ nội dung, mục tiêu tổng quát của chuyển đổi số của lực lượng Công an nhân dân theo Quyết định số 2612/QĐ-BCA, có thể nhận biết một số đặc điểm của quá trình chuyển đổi số trong lực lượng Công an nhân dân như sau:

Một là, quá trình chuyển đổi số của lực lượng Công an nhân dân diễn ra trong khoảng thời gian dài, có tác động sâu rộng tới mọi mặt công tác, tư duy, nhận thức, phương pháp làm việc, đặc biệt trong quá trình thực thi công vụ, thực hiện ứng xử trong nội bộ và ứng xử với Nhân dân, trên các nền tảng không gian mạng.

Hai là, quá trình chuyển đổi số diễn ra phức tạp, chưa có tiền lệ nên vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và phải thực hiện rất thận trọng. Đặc biệt là công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý liên quan đến chuyển đổi số sẽ khó khăn, phức tạp và phải tham khảo kinh nghiệm ở nhiều nước, nhiều bộ, ngành. 

Ba là, có nhiều nội dung chuyển đổi số của Bộ Công an làm dữ liệu nền tảng cho Chính phủ, các bộ, ngành như: dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu quốc gia về căn cước công dân… nên phải tiên phong, đi đầu xây dựng và phổ biến, quán triệt, hướng dẫn cho toàn thể nhân dân, các bộ, ban, ngành biết, tham gia và sử dụng.

Bốn là, quá trình chuyển đổi số trong lực lượng Công an nhân dân phải bảo đảm nhiều yêu cầu, trong đó yêu cầu bảo mật thông tin, liên thông giữa các thông tin là yêu cầu quan trọng đặt lên hàng đầu. Vì vậy, công tác bảo vệ an ninh an toàn cho hệ thống, bảo mật thông tin, nâng cao năng lực phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với các lực lượng khác để bảo đảm các yêu cầu cần phải được ưu tiên.

2. Tác động của chuyển đổi số với văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân

Văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân là hệ thống biểu tượng, chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức, tạo nên tầm nhìn tác động tới hành vi và lề lối làm việc, cách sống của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, của môi trường tổ chức trong lực lượng và có khả năng lưu truyền, ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động thực thi công vụ của lực lượng Công an nhân dânVăn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân gồm các đặc điểm sau:

Thứ nhất, văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân là văn hóa trong sử dụng quyền lực nhà nước theo đặc trưng chức năng của lực lượng Công an nhân dân, đó là tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện quản lý nhà nước (QLNN) về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân là văn hóa của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong thực thi công vụĐiều này thể hiện trong quá trình các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, tiếp xúc với Nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đối tượng vi phạm. 

Thứ ba, văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân đòi hỏi tính linh hoạt trong thực thi công vụ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ trải qua nhiều hoàn cảnh, đối tượng khác nhau nên việc giữ được bản lĩnh, văn hóa để vận dụng linh hoạt vừa là đặc điểm, vừa là nguyên tắc trong thực thi công vụ.

Theo đó, một số tác động của chuyển đổi số tới văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân như sau:

Một là, các chủ trương, quy định về chuyển đổi số luôn được quan tâm, ban hành từ sớm, quá trình chuyển đổi số của lực lượng Công an nhân dân diễn ra trong khoảng thời gian dài, chưa có tiền lệ. Các văn bản có liên quan đến văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân mang tính ổn định lâu dài nhưng chưa dự báo được hết các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi số diễn ra nên các quy định về văn hóa công vụ, quy định về quy tắc ứng xử, quy chế làm việc luôn phải đi sau và thường xuyên có chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số.

Hai là, chuyển đổi số của lực lượng Công an nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, đặc biệt có nhiều đề án của Bộ Công an được giao tiên phong xây dựng làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi số của Bộ Công an, các bộ, ngành và trên phạm vi cả nước. Điển hình như Đề án 06 ngày 06/01/2022, đây là Đề án rất lớn của Nhà nước, kỳ vọng là dữ liệu gốc trong quản lý dân cư. Để hoàn thành các giai đoạn của Đề án này, toàn thể lực lượng Công an nhân dân đã phải vào cuộc để triển khai thu thập thông tin, xác minh thông tin để xây dựng. Quá trình thực hiện công vụ này đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng phải tự nâng cao kiến thức, thông tin, tầm quan trọng về Đề án 06, kỹ năng sư phạm của bản thân để có thể tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thực hiện có hiệu quả Đề án. 

Ba là, chuyển đổi số có tác động sâu rộng tới mọi mặt công tác, từ công tác tham mưu, xây dựng lực lượng, phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, tác động sâu rộng tới tư duy, nhận thức, phương pháp làm việc, đặc biệt trong quá trình thực thi công vụ, thực hiện ứng xử trong nội bộ và ứng xử với Nhân dân, trên các nền tảng không gian mạng.

Khi tham gia quá trình chuyển đổi số, nhiều công tác chỉ đạo, điều hành hay trao đổi mọi nội dung công việc trên môi trường số, môi trường mạng làm thuận tiện hơn cho quá trình giao tiếp, ứng xử nhưng tại một số nơi sẽ giảm tương tác trực tiếp giữa các cán bộ, chiến sĩ và giữa lãnh đạo đơn vị với cán bộ, chiến sĩ. Điều này cũng gây khó khăn trong công tác nắm tình hình diễn biến tư tưởng trong cán bộ, chiến sĩ.

Bốn là, chuyển đổi số giúp gia tăng các giá trị của văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân, đó là tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, trung thực, khách quan, minh bạch, hiệu quả, phục vụ. Điều này được thể hiện ở việc khi quá trình chuyển đổi số được thực hiện sẽ tối ưu hóa quy trình hành chính, loại bỏ được những bước không cần thiết, nhiều quy trình công tác phục vụ được thiết kế phù hợp với các nhu cầu thiết thực của người dân và phù hợp với các chức năng QLNN của lực lượng Công an nhân dân. Từ đó, giúp cán bộ, chiến sĩ, người dân nâng cao minh bạch và truy cập thông tin được thuận tiện, dễ dàng.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt các quy trình hành chính do lực lượng Công an nhân dân xây dựng, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có sự hướng dẫn rất cụ thể, tỉ mỉ để người dân hiểu và nắm bắt được điểm mới, thuận lợi. Sau khi thuần thục đưa vào vận hành thì khó khăn trở ngại của cán bộ, chiến sĩ công an sẽ là ít tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân, dẫn đến khó khăn trong công tác dân vận, vận động toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, chuyển đổi số sẽ tăng cường hiệu suất và năng suất công việc, tiết kiệm thời gian, tăng khả năng phân tích, thu thập, tổng hợp xử lý thông tin, giúp dự đoán được một số tình huống triển khai và biện pháp phòng ngừa. Điều này thể hiện qua việc khi áp dụng chuyển đổi số, các quy trình thực hiện công vụ của lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là công tác tham mưu, thu thập, xử lý thông tin sẽ trở lên khoa học hơn, nhanh hơn, các nội dung được hệ thống hóa một cách bài bản, có chọn lọc. Các nội dung sẽ được chuẩn hóa để phục vụ tốt hơn trong công tác tham mưu, phòng chống tội phạm.

Sáu là, chuyển đổi số yêu cầu cần phải được triển khai thông suốt từ các cấp lãnh đạo quản lý đến từng cán bộ, chiến sĩ, vì vậy, phải nâng cao kiến thức, kỹ năng số, đặc biệt kỹ năng phê duyệt của lãnh đạo đơn vị, cán bộ, chiến sĩ các yêu cầu, nội dung trên môi trường số để các hoạt động được diễn ra thông suốt. Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng gây khó khăn cho quá trình thực thi công vụ, triển khai công việc của các đơn vị.

Trong thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia. Bộ máy công an 4 cấp luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quyết tâm thực hiện thành công những nhiệm vụ được giao trong triển khai các đề án nền tảng, qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Nghiên cứu quá trình chuyển đổi số trong Công an nhân dân và những tác động của chuyển đổi số tới văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân sẽ là nền tảng cho việc thay đổi phương pháp thực thi công vụ, văn hóa công vụ, ứng xử để nâng cao hiệu quả công việc và phục vụ tốt nhất cho Nhân dân.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
3. Quyết định số 2612/QĐ-BCA ngày 20/4/2021 của Bộ Công an phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong Công an nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
4. Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử  phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
5. Thông tư số 12/2023/TT-BCA ngày 20/3/2023 của Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
6. Bàn về văn hóa công vụ của lực lượng Công an nhân dân. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 06/02/2024.