Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ sĩ quan quân đội trong bảo vệ Tổ quốc

Thiếu tá, ThS. Hoàng Quý Tới
Thiếu tá, ThS. Nguyễn Văn Đức
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển toàn diện lý luận của chủ nghĩa Mác về chiến tranh và quân đội, làm cho học thuyết Mác – Lênin về chiến tranh và quân đội được phát triển sáng tạo, vận dụng hiệu quả trong thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quân đội cách mạng của giai cấp vô sản ở Nga. Trong đó, V.I.Lênin đã có nhiều quan điểm biện chứng về xây dựng đội ngũ sĩ quan quân đội cách mạng, là cơ sở khoa học để vận dụng trong xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Từ khóa: Sĩ quan quân đội; học thuyết Mác – Lênin; xã hội chủ nghĩa; phát huy; vai trò.

Trong Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, “giai cấp vô sản cách mạng đã thành công trong việc trung lập hóa quân đội Nga hoàng”, lôi cuốn quân đội hoàn toàn đứng về phía nhân dân và giành chính quyền cách mạng thắng lợi, lập nên Nhà nước Nga xô-viết, Nhà nước của giai cấp công nhân và nông dân đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, để xây dựng được quân đội với lực lượng chủ yếu gồm công nhân, nông dân và binh sĩ trở thành quân đội chủ lực đủ sức đánh bại “thù trong, giặc ngoài” đang đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Bởi lực lượng vũ trang của quần chúng tuy được trang bị vũ khí nhưng thiếu những sĩ quan chỉ huy và chuyên gia quân sự đủ khả năng tổ chức, xây dựng lực lượng đó thành quân đội chủ lực và chính quy thực sự. Đứng trước nhiệm vụ quân sự cấp bách đó, V.I.Lênin đã có những quan điểm biện chứng khoa học về xây dựng đội ngũ sĩ quan trở thành lực lượng nòng cốt, nền tảng của quân đội cách mạng trong quá trình tiến lên “chủ lực”, chính quy, hiện đại.

1. Quan điểm của V.I.Lênin về cải tạo, sử dụng đội ngũ sĩ quan của quân đội Nga hoàng trong xây dựng đội quân cách mạng trở thành quân đội “chủ lực”, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa.

V.I.Lênin chỉ ra một trong những “nhiệm vụ khó khăn” mà chính quyền cách mạng phải giải quyết ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga thành công, đó là lực lượng quân sự của cách mạng không phải ngay một lúc mà học tập quân sự được vì trong lực lượng cách mạng khi đó không có các chuyên gia và sĩ quan quân sự. Việc nắm khoa học quân sự lại chỉ có giới sĩ quan, tướng tá còn lại của quân đội Nga hoàng. Do vậy, sử dụng sĩ quan của chế độ cũ để huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang cách mạng là đòi hỏi khách quan và cấp bách. 

Tuy nhiên, để cải tạo đội ngũ sĩ quan của chế độ Nga hoàng, những người vốn đã ngấm sâu tư tưởng giai cấp tư sản với những “đặc quyền”, “đặc lợi” của giai cấp tư sản là quá trình cải biến tư tưởng phức tạp, đấu tranh lâu dài bằng những chính sách khôn khéo trong sử dụng, quản lý, phát huy vai trò của họ trong xây dựng quân đội tiến lên chủ lực. V.I.Lênin đã có những chỉ dẫn khoa học, đó là: phải làm tốt công tác cải tạo về chính trị tư tưởng thông qua biện pháp tuyên truyền, giác ngộ sĩ quan quân đội Nga hoàng để họ ra sức phục vụ quân đội cách mạng, thấm dần lý tưởng cộng sản và chuyển hóa sang lập trường giai cấp công nhân. Theo V.I.Lênin, phải bao quanh họ không chỉ bằng lý luận, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà bằng một bầu không khí tình đồng chí, bầu không khí theo tinh thần cộng sản chủ nghĩa và làm thế nào để họ cùng sát cánh với chính quyền công nông. Đồng thời, về mặt tổ chức, cần phát huy vai trò của các chính ủy, các chi bộ cộng sản để tuyên truyền, cổ động, giáo dục, rèn luyện, quản lý và phát huy năng lực của họ hiệu quả nhất. Phải tạo sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền, giác ngộ, “dưới một sức ép mạnh mẽ của người cộng sản”, “để họ không thể thoát khỏi mạng lưới tổ chức và tuyên truyền cộng sản mà chúng ta vây quanh họ”1.

Đồng thời, với cải tạo về tư tưởng chính trị, theo V.I.Lênin, vấn đề mấu chốt là phải dám sử dụng họ vào trong công tác thực tế của cách mạng. Và những người “công nhân giác ngộ” đã thật tài tình khi “biết thu dụng”, sử dụng những sĩ quan, tướng tá của quân đội Nga hoàng để xây dựng nên quân đội “chủ lực” như V.I.Lênin khen ngợi: “Vậy mà những công nhân giác ngộ đã biết tập hợp nông dân lại, đã biết thu dụng những sĩ quan cũ của Nga hoàng, đã biết xây dựng được một đạo quân bách chiến, bách thắng”2. V.I.Lênin cũng lấy ví dụ về nguyên nhân giành chiến thắng gắn với việc cải tạo, sử dụng sĩ quan quân đội Nga hoàng trong xây dựng quân đội cách mạng: “Các đồng chí đã từng nghe rất nhiều chiến thắng của Hồng quân, trong đó có hàng vạn sĩ quan và tướng tá cũ. Nếu trước kia chúng ta không để cho họ tham gia công tác và không buộc họ phải làm việc cho chúng ta, thì chúng ta đã không thể thành lập được quân đội”3. Hơn nữa, phải mạnh dạn trao cho họ những vị trí trọng trách, trọng yếu trong quân đội, V.I.Lênin chỉ rõ: “Chúng ta đã lôi cuốn được vào công tác hàng nghìn chuyên gia và một số rất lớn sĩ quan, tướng tá; hiện nay họ cũng đang giữ những cương vị trọng yếu giống như những người công nhân là đảng viên cộng sản”4

V.I.Lênin cho rằng, phải quản lý chặt chẽ, hiệu quả để họ có thể làm việc, ra sức xây dựng quân đội cách mạng một cách tự giác, sáng tạo và khai thác tối đa năng lực, sở trường của họ trên các cương vị, chức trách đảm nhiệm. Phải tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để vừa có thể sử dụng, phát huy tối đa vai trò của sĩ quan quân đội cũ và vừa có thể “kiểm soát” họ hiệu quả để ngăn không cho họ có cơ hội làm phản. Đối với biện pháp này, V.I.Lênin chỉ dẫn: Phải luôn “cảnh giác”, “kiểm soát họ một cách thích đáng”,  “đặt họ dưới quyền các chính ủy, ngăn chặn các ý đồ phản cách mạng của họ”5; đồng thời, phải ra sức học tập họ về tri thức, kiến thức các lĩnh vực của các chuyên gia các ngành khác nhau. Tuy nhiên, V.I.Lênin cũng chỉ ra vấn đề có tính nguyên tắc, đó là “không mảy may nhượng bộ các ngài đó về chính trị”, “đặt họ vào những điều kiện lao động mới” và “buộc họ phải hoàn thành công việc cần thiết cho chúng ta”. V.I.Lê-nin chỉ ra đây cũng là một thành tựu lớn khi áp dụng chính sách “từ trấn áp bọn tư bản, chúng ta chuyển sang sử dụng chúng, có lẽ đó là thành tựu quan trọng nhất của chúng ta trong vòng một năm xây dựng đất nước”6.

2. Quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng sĩ quan quân đội cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân và nhân dân lao động góp phần xây dựng quân đội cách mạng

Theo V.I.Lênin, cội nguồn tạo nên sức mạnh vô địch, chiến thắng mọi kẻ thù của Hồng quân xô-viết chính là bản chất giai cấp công nhân, là sự gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân và nhân dân lao động. V.I.Lênin chỉ rõ: “Và quân đội ta chỉ có những sĩ quan mới, từ giai cấp công nhân mà ra”7, không những chỉ chiến đấu vì nước Nga xô‐viết, mà còn chiến đấu vì chính quyền của công nhân và những người lao động trên toàn thế giới. Theo đó, quân đội cách mạng trở nên vô địch và chiến thắng mọi kẻ thù, đúng như V.I.Lênin giải thích: “Hồng quân sở dĩ mạnh là vì họ giác ngộ và đồng tâm hiệp lực chiến đấu cho ruộng đất của nông dân, cho chính quyền công nông, cho chính quyền xô-viết”8. Sĩ quan cũng như binh sĩ Hồng quân sẽ chiến đấu ngoan cường và chịu đựng được những khó khăn, hy sinh chưa từng có, khi họ hiểu được họ chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng cộng sản, cho xã hội tốt đẹp nhất đang xây dựng, một xã hội sẽ đem lại cuộc sống thực sự cho con người, xứng đáng với con người với nguyên nghĩa của nó. V.I.Lênin giải thích một cách sâu sắc hơn: “Các tướng tá Nga hoàng nói rằng binh sĩ Hồng quân chúng ta có thể chịu đựng được những thử thách mà quân đội dưới chế độ Nga hoàng không bao giờ chịu đựng được. Điều này là do mỗi công nhân và mỗi nông dân được động viên hiểu rằng vì sao họ chiến đấu và tự nguyện đổ máu cho thắng lợi của chính nghĩa và chủ nghĩa xã hội”9

Đồng thời, theo V.I.Lênin, quân đội mà trước tiên là đội ngũ sĩ quan phải thực sự hòa mình vào quần chúng, biết tập hợp quần chúng xung quanh mình để tạo thành sức mạnh tổng hợp của quân đội; đồng thời, những sĩ quan quân đội phải biết dạy kiến thức, kinh nghiệm, truyền thống quân sự cho quần chúng nhân dân. V.I.Lênin chỉ rõ: “Hãy để cho quân đội hòa vào quần chúng vũ trang, hãy để cho quân đội dạy tri thức quân sự của mình cho nhân dân”, do đó, “không một lực lượng nào trên thế giới dám xâm phạm đến nước Nga tự do, nếu thành trì của tự do đó là nhân dân vũ trang đã xóa bỏ đẳng cấp quân sự”10. V.I.Lênin nhắc lại lời tiên tri vĩ đại của một người công nhân cách mạng Nga: “Khi cánh tay gân guốc của hàng triệu người lao động vung lên, là cái ách của chế độ chuyên chế, được che chở bằng lưỡi lê của quân đội, sẽ biến thành tro bụi”11. Và thực tiễn, trong những hoàn cảnh khó khăn, mới thấy được sức mạnh vô địch của quân đội gắn bó mật thiết với nhân dân; mới thấy được những sĩ quan xuất thân từ giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, mới đủ sức đồng cam, cộng khổ với Nhân dân và binh sĩ. Khi mà cách mạng nhiều lần rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là về lương thực, V.I.Lênin đã viết: “Giá mà đa số các sĩ quan đều xuất thân từ giai cấp công nhân chứ không phải là các “cậu ấm”, “thì lúc đó đạo quân xã hội chủ nghĩa mới thực sự là đạo quân xã hội chủ nghĩa”12.

Vì vậy, yêu cầu tất yếu khách quan đặt ra là phải luôn xây dựng đội sĩ quan quân đội cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân và Nhân dân lao động ngay từ khi họ được đào tạo trong các trường của quân đội cách mạng, phải chọn lựa từ hàng ngũ giai cấp công nhân và Nhân dân lao động những người tiêu biểu để đào tạo họ trở thành những cán bộ sĩ quan cách mạng tiên phong, lãnh đạo chỉ huy quân đội. Việc tuyển chọn những sĩ quan có xuất thân trong nhân dân mới đủ sức chỉ huy quân đội, mới đủ uy tín để lãnh đạo, chỉ huy binh sĩ và quân đội như vậy sẽ trở nên bách chiến, bách thắng. V.I.Lênin khẳng định: “Ngày nay, khi xây dựng quân đội mới, chúng ta chỉ nên chọn những người chỉ huy xuất thân trong nhân dân thôi. Chỉ những sĩ quan Hồng quân mới có uy tín trong binh sĩ và mới biết củng cố chủ nghĩa xã hội trong quân đội chúng ta. Một quân đội như thế sẽ vô địch”13.

3. Quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng đội ngũ sĩ quan quân đội cách mạng có trình độ, năng lực đủ sức chỉ huy quân đội hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa

Theo V.I.Lênin, sự “giác ngộ” mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của đội ngũ sĩ quan là phẩm chất nền tảng, quyết định người sĩ quan trở thành lực lượng nòng cốt, cốt cán trong xây dựng quân đội cách mạng. Nhưng trình độ, năng lực của người sĩ quan chính là cơ sở, nền tảng để người sĩ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội cách mạng. Đó là hai vấn đề nhưng thống nhất biện chứng trong xây dựng đội ngũ sĩ quan quân đội cách mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến của quân đội. V.I.Lênin chỉ rõ: “Trong chiến tranh hiện đại không có lục quân và thủy quân có sáng kiến và “giác ngộ” thì không thể có thắng lợi được”14. Đây là bài học xương máu được ông rút ra từ trận chiến Hải cảng Lữ – thuận thất thủ. Quân đội chỉ có được “sáng kiến” khi có những con người có khả năng làm chủ được trình độ khoa học, kỹ thuật hiện đại. Do đó, V.I.Lênin đặt ra yêu cầu tất yếu khách quan đối với quân đội, cả sĩ quan và binh sĩ, nhưng trước hết là đội ngũ sĩ quan phải làm chủ được khoa học, kỹ thuật quân sự hiện đại. Bởi người sĩ quan vừa là người lãnh đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến, vừa quản lý đội ngũ chuyên gia, nhất là chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Điều đó, càng đòi hỏi sĩ quan phải có trình độ về khoa học, kỹ thuật để có thể quản lý, sử dụng họ hiệu quả, đồng thời, khai thác tối đa sức mạnh của khoa học, kỹ thuật hiện đại trong hoạt động quân sự. V.I.Lênin khẳng định: “Trong chiến tranh hiện đại cũng như kỹ thuật hiện đại thì đòi hỏi phải có nhân lực có chất lượng cao”15.

Do đó, để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin đặt ra vấn đề đào tạo, bồi dưỡng để trực tiếp xây dựng các phẩm chất, năng lực của đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu tác chiến của quân đội cách mạng. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là hoạt động có tính chất quyết định để tạo ra đội ngũ sĩ quan cách mạng đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ huy và tổ chức các hoạt động chiến đấu trong quân đội, bảo đảm cho quân đội thực sự là quân đội cách mạng, tuyệt đối trung thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, với lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì vậy, V.I.Lênin chỉ rõ: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào. Và giai cấp công nhân Nga đã chứng tỏ rằng mình có thể đào tạo được những người như thế”16 trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hoạt động quân sự.

4. Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin trong xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay 

Trước tiên, luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và Nhân dân lao động của đội ngũ sĩ quan quân đội gắn với xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là vấn đề có tính nguyên tắc, bảo đảm cho Quân đội, mà trước hết là đội ngũ sĩ quan tuyệt đối trung thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện có hiệu quả đường lối chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng thời, thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái xoay quanh vấn đề này, để bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về bản chất, chức năng của quân đội nói chung và bản chất, chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, gắn đào tạo, huấn luyện để mỗi sĩ quan ngay từ khi được đào tạo tại các trường sĩ quan, nhà trường quân đội đã luôn tin yêu vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tin tưởng tuyệt đối và hiểu sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; giữ vững lập trường giai cấp công nhân, trung thành tuyệt đối với lợi ích giai cấp công nhân, Nhân dân lao động, lợi ích quốc gia, dân tộc. Luôn giữ vững ý chí sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Công tác tư tưởng chính trị cần phải được quan tâm, giữ vững hàng đầu, để mỗi cán bộ, sĩ quan quân đội luôn tuyệt đối trung thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, biết giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, khi Tổ quốc cần, luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, kể cả tính mạng bản thân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quân đội. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thực hiện tổng hợp các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện kết hợp với khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh để tạo thành phong trào, môi trường rèn luyện bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng cho cán bộ sĩ quan quân đội.

Hai là, nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và phát huy hiệu quả vai trò của sĩ quan trong “xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại”17

Cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan đơn vị cần nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của sĩ quan là lực lượng nòng cốt, nền tảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chỉ huy, huấn luyện, tác chiến trong quân đội, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân, đến sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Do đó, từng cấp ủy, cán bộ chủ trì, các cơ quan các cấp cần thực hiện đồng bộ, tổng thể các biện pháp để sử dụng, phát huy vai trò của người sĩ quan quân đội nhằm huy động cao nhất phẩm chất, năng lực của họ theo chuyên môn đảm nhiệm, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng nhân cách người sĩ quan quân đội thực sự mẫu mực, tiêu biểu, làm gương cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền noi theo. Không ngừng phấn đấu bằng trách nhiệm, lương tâm, sự gương mẫu, phương pháp công tác khoa học, mỗi người sĩ quan thực sự là hạt nhân, lực lượng nòng cốt đi đầu và gắn kết trong xây dựng mối quan hệ đoàn kết cán – binh, đoàn kết quân – dân mật thiết, tạo ra cội nguồn sức mạnh vô địch của quân đội ta trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và mọi nhiệm vụ được giao.

Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các học viện, trường sĩ quan quân đội. Thực hiện tốt phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Theo đó, các học viện, trường sĩ quan quân đội cần không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục, đào tạo, luôn bám sát nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục truyền thống với truyền thụ kinh nghiệm huấn luyện, chiến đấu, kinh nghiệm quản lý, chỉ huy, duy trì kỷ luật đơn vị… để mỗi bài giảng không chỉ hấp dẫn, lôi cuốn học viên sĩ quan theo từng chuyên ngành, qua đó hình thành, phát triển phương pháp tư duy khoa học quân sự, bản lĩnh lãnh đạo, trình độ quản lý, chỉ huy bộ đội, khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Để mỗi học viên và sĩ quan khi tốt nghiệp ra trường ở mỗi bậc học khác nhau có sự phát triển về chất trình độ tư duy, kỹ năng thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành, lĩnh vực quân sự được đào tạo.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ sĩ quan một cách thực chất, thực sự và hiệu quả. Nên tập trung vào những nội dung sĩ quan còn yếu, hoặc những khâu yếu, mặt yếu của đơn vị. Thông qua nâng cao chất lượng, năng lực của cán bộ sĩ quan làm cơ sở, nền tảng để nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đồng thời cần thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cán bộ, sĩ quan cả về chính trị, tư tưởng;  tăng cường công tác giáo dục truyền thống “quyết chiến, quyết thắng”; truyền thống gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân, nông dân và toàn thể dân tộc của cán bộ, sĩ quan quân đội. Nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tự hào về quân đội và nhân dân anh hùng; kết hợp với phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động của các cơ quan, đơn vị toàn quân, tạo khí thế thi đua sôi nổi của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tập trung vào việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội. Kết hợp với việc tiếp tục thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội để mỗi cán bộ sĩ quan và binh sĩ luôn an tâm công tác, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Ba là, phát huy vai trò nhân tố chủ quan của mỗi sĩ quan trong xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Đây là giải pháp quan trọng nhằm phát huy cao nhất vai trò nhân tố chủ quan, tính tích cực, sáng tạo và chủ động của mỗi sĩ quan trong nêu gương, “làm mẫu”, phấn đấu trở thành những cán bộ sĩ quan mẫu mực, toàn diện về phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ “tập trung xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh làm nền tảng tiến lên hiện đại”18.

Giải pháp này đòi hỏi mỗi sĩ quan phải không ngừng nâng cao chất lượng học tập lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, tập trung vào đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng trong quân đội, của đơn vị. Biết vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện chức, trách nhiệm vụ được giao; biết tuyên truyền, giáo dục, quán triệt hiệu quả tới cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền để chiến sĩ dễ hiểu, dễ nhớ và quyết tâm thực hiện. Khơi dậy niềm tin yêu, lòng tự hào của cán bộ, chiến sĩ khi được cống hiến dưới lý tưởng cộng sản, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, công cuộc xây dựng XHCN ở nước ta.

Mỗi cán bộ sĩ quan quân đội cần nêu cao tinh thần gương mẫu trong rèn luyện đạo đức cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và chấp hành pháp luật, kỷ luật để thực sự là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống để cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền tin tưởng, kính phục và nhân dân tin yêu, quý mến. Không ngừng rèn luyện phương pháp, tác phong công tác, mẫu mực trong thực hiện điều lệnh, chính quy của đơn vị; góp phần xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, chuẩn mực qua hành động của bản thân, để cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền noi theo.

Mỗi cán bộ sĩ quan quân đội cần tiếp tục học tập nâng cao trình độ nghệ thuật quân sự cũng như khoa học – công nghệ quân sự tiên tiến, hiện đại. Mỗi bước tiến của khoa học – công nghệ hiện đại từ trước đến nay cơ bản đều được ứng dụng đầu tiên trong lĩnh vực hoạt động quân sự và ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu, tổ chức biên chế, sử dụng lực lượng… của quân đội của các nước trên thế giới. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học – công nghệ hiện đại ngày nay, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự động hóa và ứng dụng của nó ngày càng nhiều trong hoạt động quân sự, đòi hỏi mỗi sĩ quan quân đội phải ra sức học tập để từng bước làm chủ, vận dụng trong xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

5. Kết luận

Quan điểm biện chứng sâu sắc của V.I.Lênin về xây dựng đội ngũ sĩ quan quân đội cách mạng là cơ sở khoa học để vận dụng trong xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Đặt ra yêu cầu đối với mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị quân đội phải luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội; tăng cường bản chất giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, sự gắn bó mật thiết giữa quân đội với Nhân dân; mà sĩ quan quân đội là người lãnh đạo, chỉ huy các cấp, trực tiếp tiến hành, tổ chức cho đơn vị thuộc quyền thực hiện hiệu quả. Do đó, vấn đề xây dựng, phát huy vai trò của sĩ quan trong xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. 

Chú thích:
1, 3. V.I.Lênin toàn tập. Tập 39. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 356, 356.
4. V.I.Lênin toàn tập. Tập 40. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 217. 
2, 5, 6, 8. V.I.Lênin toàn tập. Tập 38. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 288, 8, 8, 282, 
14, 15. V.I.Lênin toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr.  191, 191.
7, 12, 13. V.I.Lênin toàn tập. Tập 37. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 465, 470, 241
9. V.I.Lênin toàn tập. Tập 41. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 147.
10. V.I.Lênin toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 137.
11, 16. V.I.Lênin toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 475, 473.
17, 18. Phan Văn Giang. Nắm vững quan điểm của Đảng, tập trung xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, làm nền tảng tiến lên hiện đại. Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 12/2022, tr. 1, 1.