Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn

ThS. Nguyễn Phú Nhân
Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang

(Quanlynhanuoc.vn) – Để xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư, đòi hỏi các trường chính trị tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải quyết tâm hơn nữa trong công tác tham mưu, phối hợp tham mưu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức. Bài viết đề xuất giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên trường chính trị tỉnh khu vực đồng bừng sông Cửu Long hệ thống, đồng bộ, khoa học, chuẩn mực, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Đồng bằng sông Cửu Long; các trường chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ; giảng viên.

1. Đặt vấn đề

Đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay so với Quy định số 11-QĐ/TW vẫn còn một số hạn chế, bất cập cả về số lượng và chất lượng ở một số chỉ tiêu trong nhóm tiêu chí về cán bộ, viên chức, giảng viên. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị chuẩn là vấn đề rất được coi trọng và được quan tâm triển khai thực hiện. Đây là yêu cầu cấp thiết cho các trường tập trung thực hiện chuẩn hóa các tiêu chí và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu công tác “huấn luyện cán bộ” trong tình hình mới. 

2. Tiêu chí về trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021

Theo Quy định số 11-QĐ/TW có 2 mức độ chuẩn, gồm mức độ 1 và mức độ 2; mỗi mức độ chuẩn đều có 6 tiêu chí với những chỉ tiêu cụ thể, trong đó nhóm tiêu chí về đội ngũ cán bộ, giảng viên là 1 trong 6 nhóm tiêu chí. Theo đó, tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1, tổng số cán bộ, viên chức của trường chiếm ít nhất 75%; ít nhất 90% giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên phù hợp với chuyên môn giảng dạy; giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải có trình độ trung cấp chính trị hoặc tương đương trở lên; ít nhất có 80% giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; 100% giảng viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc chứng chỉ phương pháp giảng dạy tích cực;… 

Đối với trường chính trị chuẩn mức 2, có ít nhất 50% lãnh đạo khoa có trình độ tiến sỹ về khoa học chính trị, khoa học quản lý hoặc khoa học xã hội và nhân văn; đội ngũ giảng viên chiếm ít nhất 80% tổng số đội ngũ cán bộ, viên chức; 100% giảng viên có trình độ chuyên môn từ thạc sỹ trở lên phù hợp với chuyên môn giảng dạy, trong đó mỗi khoa có ít nhất 1 tiến sĩ (không kể lãnh đạo khoa); giảng viên chính chiếm từ 80% trở lên trong tổng số giảng viên của trường, trong đó có ít nhất 1 giảng viên cao cấp.

Như vậy có thể thấy, Quy định 11-QĐ/TW yêu cầu đội ngũ cán bộ, giảng viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn được thể hiện ở 5 nội dung cơ bản: (1) Phải bảo đảm tỷ lệ giảng viên so với tổng số cán bộ, viên chức của đơn vị. (2) Bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị. (3) Phải bảo đảm kiến thức và các kỹ năng đặc thù của giảng viên dạy lý luận chính trị, như: có nghiệp vụ sư phạm hoặc phương pháp dạy học tích cực; có kiến thức kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và áp dụng hiệu quả phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy. (4) Bảo đảm tỷ lệ ngạch, bậc đối với giảng viên. (5) Đội ngũ cán bộ, giảng viên phải bảo đảm mức độ hoàn thành nhiệm vụ và nghiên cứu khoa học.

3. Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn ở các trường chính trị tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long có 12 trường chính trị, bao gồm: Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An. Tổng số viên chức của các trường là 513 người, trong đó có 42 tiến sỹ, 338 thạc sỹ, 111 cử nhân, 9 trung cấp và 13 trình độ khác. Trình độ lý luận chính trị có 312 cử nhân, cao cấp và tương đương, 139 trung cấp, 25 sơ cấp và 37 chưa qua đào tạo1.

Để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn về đội ngũ cán bộ, giảng viên theo Quy định số 11-QĐ/TW đòi hỏi các trường chính trị phải có giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Một là, thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giảng viên bảo đảm tỷ lệ giảng viên theo đúng quy định trường chính trị chuẩn. Trong bối cảnh tinh giản biên chế của cả hệ thống chính trị hiện nay, việc các trường tăng thêm biên chế giảng viên là điều không thể thực hiện được; thậm chí một số trường chính trị ở đồng bằng sông Cửu Long còn phải thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình tinh giản biên chế của tỉnh. Do đó, các trường cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Đối với các trường còn chỉ tiêu biên chế: thực hiện tuyển dụng biên chế, trong đó, ưu tiên tuyển dụng biên chế giảng viên. Quy chế Giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Quy chế Giảng viên) quy định tiêu chuẩn giảng viên rất toàn diện, chặt chẽ từ những tiêu chuẩn chung về lập trường chính trị, trình độ lý luận chính trị, năng lực, sức khỏe đến các tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn phù hợp, các kỹ năng, kiến thức cần thiết trong giảng dạy lý luận chính trị… Vì vậy, trong tuyển dụng giảng viên phải tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đúng Quy chế nhằm tuyển dụng được có đội ngũ giảng viên trẻ, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đối với các trường không còn chỉ tiêu biên chế: thực hiện cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ giảng viên hiện có của trường theo 3 hướng: (1) Chuyển những viên chức hành chính, người giữ ngạch chuyên viên sang ngạch giảng viên. Tuy nhiên, trong quá trình cơ cấu, sắp xếp lại ngoài yêu cầu về chỉ tiêu, tỷ lệ cần quan tâm đến chất lượng, do đó, phải có quá trình sàng lọc, lựa chọn những người có khả năng giảng dạy, có kiến thức chuyên môn, trình độ học vấn đáp ứng tiêu chuẩn của ngạch giảng viên để cơ cấu, sắp xếp. (2) Sau khi chuyển ngạch, cần bố trí đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, nhiệm vụ ngạch giảng viên theo Quy chế Giảng viên. (3) Tăng cường thực hiện chế độ giảng viên kiêm nhiệm, thông qua việc điều động giảng viên ở các khoa chuyên môn hoặc sử dụng lực lượng giảng viên đã được chuyển ngạch (từ chuyên viên sang giảng viên) mà không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý về công tác tại các phòng chức năng.

Hai là, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên. Có thể khẳng định, giảng viên dạy lý luận chính trị có năng lực tốt là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, góp phần khẳng định vị thế, uy tín, “thương hiệu” của các trường chính trị. Vì vậy, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên cần được tiến hành thường xuyên, liên tục theo hai hướng sau:

(1) Đào tạo, bồi dưỡng: là hình thức cơ bản và quan trọng nhất, hay nói cách khác đây chính là “con đường” nhanh nhất để nâng cao năng lực cho giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn ở đồng bằng sông Cửu Long. 

Xây dựng kế hoạch cử đội ngũ giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng các khóa cao học, nghiên cứu sinh và các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phương pháp giảng dạy lý luận chính trị; phương pháp nghiên cứu khoa học… đáp ứng trình độ chuyên môn và kiến thức theo Quy chế Giảng viên, Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quy định số 11-QĐ/TW. Tuy nhiên, ngoài việc được cơ quan cử đi đào tạo, bồi dưỡng mỗi giảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu vươn lên, thể hiện khát vọng không ngừng học tập nâng cao trình độ cho bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu “huấn luyện cán bộ” nói riêng và xây dựng trường chính trị chuẩn nói chung. Để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, các tỉnh ủy khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần có cơ chế, chính sách đặc thù, tạo động lực về vật chất và tinh thần cho đội ngũ giảng viên để họ an tâm, ổn định khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng. 

(2) Đối với các hoạt động trải nghiệm thực tế: Quy chế Giảng viên quy định giảng viên trường chính trị phải đi nghiên cứu thực tế hằng năm, nghiên cứu thực tế có kỳ hạn; trong đó, quy định rất rõ về nội dung nghiên cứu, quy trình, phương thức đi nghiên cứu thực tế; đặc biệt, kết thúc nghiên cứu thực tế phải có báo cáo kết quả và được ban giám hiệu trường chính trị, các cơ quan có liên quan thẩm định đánh giá đạt yêu cầu về chất lượng, hiệu quả thì kết quả nghiên cứu thực tế mới được công nhận. Vì vậy, các trường cần cử giảng viên cần đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, tham gia thao giảng, dự giờ để tích lũy kiến thức, đáp ứng yêu cầu giảng dạy lý luận chính trị.

Các trường chính trị tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để giảng viên được tham dự các hội nghị tổng kết, sơ kết của ngành, địa phương, đơn vị; họp chất vấn đại biểu Hội đồng nhân dân; họp tiếp xúc cử tri; tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát của tỉnh, địa phương… nhằm nâng cao năng lực, kiến thức thực tế cho giảng viên vận dụng tốt vào công tác giảng dạy.

Các hoạt động thao giảng, dự giờ, các hội thi giảng viên dạy giỏi cấp khoa, trường, toàn quốc là những hoạt động rèn luyện nhằm nâng cao tay nghề và sàng lọc, đánh giá chất lượng giảng viên; qua đó, kịp thời phát hiện, bố trí hoặc có những biện pháp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho giảng viên. Quy chế Giảng viên quy định giảng viên trường chính trị phải tham gia thao giảng cấp khoa; hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường; tham gia dự giờ ít nhất 1 tiết (45 phút)/năm. Vì vậy, các trường chính trị tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm thực hiện tốt quy định này để góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho giảng viên.

Theo Quy chế Giảng viên, giảng viên các trường chính trị phải tham gia thao giảng cấp khoa; hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường; tham gia dự giờ ít nhất 1 tiết (45 phút)/năm. Vì vậy, các trường chính trị tỉnh cần tổ chức các hoạt động thao giảng, dự giờ, các hội thi giảng viên dạy giỏi cấp khoa, trường, toàn quốc nhằm sàng lọc, đánh giá chất lượng giảng viên. Kịp thời phát hiện, bố trí hoặc có những biện pháp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho giảng viên.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động thăng hạng cho giảng viên.

Thăng hạng cho giảng viên nhằm khẳng định trình độ, năng lực, “tay nghề chuyên môn” của giảng viên; đồng thời, là tiêu chí để xây dựng trường chính trị đạt chuẩn. Quy định số 11-QĐ/TW quy định các trường chính trị đạt chuẩn phải bảo đảm ít nhất 60% giảng viên chính (chuẩn mức 1) và ít nhất 80% giảng viên chính, trong đó ít nhất có 1 giảng viên cao cấp (chuẩn mức 2). Hiện nay, Chính phủ quy định xét thăng hạng đối viên chức thuộc khối nhà nước và chưa có quy định, văn bản nào đề cập đến thăng hạng của giảng viên trường chính trị; đồng thời, việc thăng hạng cho giảng viên cũng không thuộc thẩm quyền của các trường chính trị. Vì vậy, hầu hết các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đều tạm dừng tổ chức thăng hạng viên chức, trong đó có viên chức trường chính trị chưa có quy định rõ ràng về thẩm quyền, phương thức, cách thức tiến hành, chỉ tiêu cụ thể từng địa phương. 

Để thực hiện đúng lộ trình Đề án trường chính trị chuẩn đã được Tỉnh ủy ở đồng bằng sông Cửu Long ban hành, cần phải quan tâm, đẩy mạnh việc thăng hạng cho giảng viên; trong đó, vai trò chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc hiện nay của trường chính trị là vô cùng quan trọng. Một mặt, các trường chính trị phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy đề ra những quy định về xét thăng hạng đối với giảng viên; mặt khác, các trường chính trị phối hợp cùng nhau tham mưu, kiến nghị với Vụ các trường chính trị để Vụ các trường chính trị tham mưu Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan trung ương kịp thời tháo gỡ, ban hành văn bản pháp lý quy định xét thăng hạng đối với giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác đánh giá giảng viên.

Đánh giá giảng viên là hoạt động quan trọng nhằm có những thông tin đầy đủ, chính xác về năng lực, trình độ, khả năng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên, từ đó sàng lọc, lựa chọn, phát triển hoặc bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn. Hiện nay, có hai hình thức là đánh giá hằng năm và đánh giá thông qua lấy ý kiến.

Đánh giá hằng năm được thực hiện trong 6 tháng và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ vào cuối năm theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với việc đánh giá này được thực hiện theo quy định đánh giá chất lượng viên chức hằng năm của cơ quan nhà nước.

Đánh giá thông qua lấy ý kiến được thực hiện theo Quyết định số 8678-QĐ/HVCTQG ngày 08/4/2022 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về quy định đánh giá chất lượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. 

Các trường chính trị cần thực hiện đánh giá giảng viên trong quá trình giảng dạy (nhiệm vụ chính của giảng viên) về các nội dung, như: kiến thức chuyên môn; khả năng vận dụng kiến thức thực tiễn vào giảng dạy; phương pháp giảng dạy; việc sử dụng các phương pháp dạy học; phẩm chất đạo đức (tư tưởng, chính trị, tinh thần trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương…). Vì vậy, việc lấy ý kiến phản hồi từ người học là kênh thông tin rất quan trọng phản ánh năng lực “thật sự” của giảng viên, là cơ sở, căn cứ để đánh giá chất lượng hằng năm đối với giảng viên.

Năm là, thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng văn hóa trường Đảng.

Trường chính trị tỉnh là nơi cán bộ được học tập, rèn luyện trong một môi trường mang tính Đảng sâu sắc. Vì vậy, cần nghiên cứu, vận dụng và triển khai Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở phù hợp với điều kiện, môi trường, hoàn cảnh của các trường chính trị là việc làm hết sức cần thiết nhằm “Giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Đảng: tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử”2; qua đó, góp phần thực hiện đạt các tiêu chí về trường chính trị chuẩn; đồng thời, xây dựng trường chính trị tỉnh trở thành môi trường giàu tính Đảng trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học.

4. Kết luận

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường chính trị khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt chuẩn không chỉ là thực hiện theo Quy định số 11-QĐ/TW mà còn hướng đến mục tiêu chiến lược, lâu dài nhằm nâng cao vị thế, vai trò của các trường chính trị tỉnh trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của địa phương; thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học tổng kết thực tiễn của địa phương theo hướng đồng bộ, hệ thống, khoa học, chuẩn mực, hiện đại.

Chú thích:
1. Báo cáo số 10-BC/CTĐ ngày 23/11/2023 của Cụm Thi đua các trường chính trị khu vực đồng bằng sông Cửu Long về tổng kết năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
2. Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tài liệu tham khảo:
1. Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.
2. Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về ban hành bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội.
3. Quyết định số 8678-QĐ/HVCTQG ngày 08/4/2022 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
4. Thông tư số 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.