Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học tại các trường thuộc ngành Công an

Nguyễn Xuân Dương
Học viện An ninh Nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Giáo dục đại học trong Công an nhân dân có những điểm đặc thù, khác biệt so với hệ thống giáo dục quốc dân, như: đào tạo theo địa chỉ, đào tạo gắn với sử dụng, không đào tạo theo nhu cầu xã hội; được tổ chức quản lý tập trung, thống nhất theo tính chất của lực lượng vũ trang; nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học có chứa bí mật nhà nước… Tuy nhiên, những điểm đặc thù đó chưa kịp thời trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học. Bài viết kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học tại các trường thuộc ngành Công an.

Từ khóa: Hoàn thiện pháp luật, quản lý nhà nước, chất lượng giáo dục đại học, ngành Công an.

1. Đặt vấn đề

Trong hệ thống giáo dục, đào tạo của ngành Công an, giáo dục đại học giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt cả hệ thống, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực Công an chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Giáo dục đại học trong Công an nhân dân có yếu tố đặc thù, ngoài việc tuân thủ pháp luật về giáo dục đại học, còn phải tuân thủ pháp luật về Công an. Để tổ chức quản lý giáo dục đại học trong Công an nhân dân, từ năm 2013 đến nay, Bộ Công an theo thẩm quyền đã ban hành 22 thông tư quy định các vấn đề liên quan đến công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân nói chung, trong đó có giáo dục đại học1. Nội dung các thông tư do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành chủ yếu quy định về các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân, như: các quy định về tuyển sinh và quản lý, giáo dục học viên; các quy định về quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; quy định về xây dựng, thẩm định chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học…

Các thông tư do Bộ Công an ban hành đã làm rõ các yếu tố đặc thù của công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân (như: đào tạo theo chỉ tiêu nhà nước giao, đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng, không đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, quản lý học viên theo mô hình đơn vị vũ trang…). Đây là cơ sở pháp lý trực tiếp để quản lý chất lượng giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân nói chung, chất lượng giáo dục đại học tại các trường thuộc Bộ Công an nói riêng.

2. Một số hạn chế, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học trong Công an nhân dân

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, hoàn thiện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học, nhưng chất lượng giáo dục đại học nói chung và trong Công an nhân dân được đánh giá là chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và còn nhiều bất cập. Chỉ thị số 12/CT-BCA ngày 20/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng uỷ Công an Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân đã khẳng định: “Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục, đào tạo chậm được hoàn thiện, còn nhiều điểm bất cập so với thực tế”2.

Một là, hạn chế, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học do các chủ thể quản lý nhà nước ngoài Công an nhân dân ban hành.

 Về nội dung, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học nói chung; có quy định chưa phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang nói chung, ngành Công an nói riêng trong các quy định pháp luật về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Báo cáo khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội năm 2019 đã chỉ ra 7 hạn chế trong chính sách, pháp luật về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, làm rõ một số vấn đề thực tiễn chưa có quy định pháp luật điều chỉnh chi tiết, như: cơ chế tài chính cho hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; mô hình tổ chức và thủ tục, quy trình trong việc xây dựng, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học; cơ chế giám sát và chế tài trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học; khung năng lực, kỹ năng, thái độ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm định viên; đầu tư, liên kết, hợp tác quốc tế trong kiểm định chất lượng giáo dục đại học3.

Trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ban hành ngày 19/5/2017 và Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ban hành ngày 14/3/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là công cụ quan trọng để tổ chức công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học song được đánh giá là chưa hoàn thiện bởi mới thiết kế chung cho các cơ sở giáo dục trong khi thực tế có nhiều loại hình trường khác nhau.

Các tiêu chí đánh giá tập trung lớn vào các yếu tố đầu vào và quá trình đào tạo nhằm đạt đến chuẩn tối thiểu hơn là vận động theo hướng chất lượng. Có những tiêu chí đánh giá chưa phù hợp với các cơ sở giáo dục đại học thuộc lực lượng vũ trang nói chung, Bộ Công an nói riêng, chẳng hạn: Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục có tiêu chí 2.1 yêu cầu hệ thống quản trị có thành phần hội đồng trường; tiêu chí 22.2 đánh giá về khả năng có việc làm của người học tốt nghiệp chưa phù hợp cơ chế đào tạo gắn với sử dụng; tiêu chí 25.2 đánh giá về kết quả và các chỉ số thị trường của hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học chưa phù hợp với nhiệm vụ đào tạo theo chỉ tiêu Nhà nước giao…

Một số quy định pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học thuộc Bộ Công an đã được quy định khái quát trong Luật Giáo dục đại học và văn bản hướng dẫn song đến nay chưa được quy định cụ thể như: quy định về tổ chức hoạt động của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc lực lượng vũ trang (khoản 7 Điều 77 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học); quy định về đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP); quy định về hoạt động lấy ý kiến phản hồi (Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành quy định cụ thể mà chỉ có văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Nội dung cũng chỉ mới đề cập đến việc lấy ý kiến phản hồi của học viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên; chưa đề cập đến lấy ý kiến phản hồi đối với các đối tượng khác như cán bộ quản lý giáo dục hay chính các giảng viên phản hồi về môi trường, điều kiện công tác cũng như hoạt động điều hành, chỉ đạo của cấp trên; chưa bao quát các nội dung lấy ý kiến phản hồi về cơ sở vật chất, hệ thống học liệu…).

Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an đã cho thấy sự không phù hợp, tương thích giữa tính linh hoạt của phương thức đào tạo với tính chất quản lý tập trung của lực lượng vũ trang, gây ra những bất cập trong tổ chức đào tạo như: khó tổ chức các lớp học phần do học viên được quản lý tập trung theo trung đội; chương trình đào tạo cố định không cho phép học viên học vượt để tốt nghiệp sớm; quy định về mức phân loại học tập theo tín chỉ không đồng nhất với các mức đánh giá, phân loại rèn luyện học viên theo quy định của ngành Công an dẫn đến khó khăn trong việc phân loại học viên theo năm học, khoá học và thực hiện công tác phát triển Đảng. Cũng như vậy, quy định về Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học chưa phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của Đảng và pháp luật về Công an.

Không ít văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành thiếu tính ổn định, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, chẳng hạn như quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành: trong giai đoạn 2012 – 2022, Bộ đã 12 lần sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh đại học. Việc sửa đổi quy chế tuyển sinh tác động lớn đến chất lượng tuyển sinh đầu vào các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Bộ Công an nói riêng; tác động đến tính ổn định của các văn bản quy định về công tác tuyển sinh trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành (từ năm 2012 đến nay, Bộ Công an đã 2 lần sửa đổi thông tư của Bộ Công an quy định về công tác tuyển sinh trong Công an nhân dân bao gồm: Thông tư số 15/2016/TT-BCA ngày 16/3/2016; Thông tư số 50/2021/TT-BCA ngày 11/5/2021), đồng thời ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh vào các học viện, trường Công an nhân dân, nhất là giai đoạn tổ chức xét tuyển đại học trên cơ sở kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Trong sự việc gian lận, tiêu cực trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại các tỉnh: Hà Giang, Lạng Sơn, Hoà Bình, riêng các trường Công an nhân dân đã kiểm tra, phát hiện, buộc thôi học đối với 55 học viên do các tỉnh Sơn La, Hoà Bình và Hà Giang sơ tuyển do có hành vi gian lận4.

Thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong quy định pháp luật về tự chủ đại học. Hiện nay, khung pháp lý về tự chủ đại học không chỉ nằm gọn trong Luật Giáo dục đại học. Hoạt động tự chủ đại học còn chịu sự điều chỉnh bởi các luật khác có liên quan dẫn đến sự chồng chéo, vướng mắc khi triển khai thực hiện, như: Luật Quản lý tài sản công không đồng bộ với Luật Giáo dục đại học cho phép cơ sở giáo dục được sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách; Luật Ngân sách không đồng bộ với Luật Giáo dục đại học trong việc hội đồng trường được phê duyệt kế hoạch, quyết toán tài chính; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước không đồng bộ với Luật Giáo dục đại học trong việc tổ chức hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với các chương trình đào tạo có bí mật nhà nước; Luật Công an nhân dân không đồng bộ với Luật Giáo dục đại học trong quy định về hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học…

Văn bản quy phạm pháp luật chưa bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện trong thực tiễn, chẳng hạn như: Quyết định số 1229/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân đến năm 2020 đã đặt ra nhiều chỉ tiêu quá cao, chưa phù hợp với thực tế dẫn đến không đạt được. Chẳng hạn như, mục tiêu xây dựng Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia vào năm 2020; chỉ tiêu về tỷ lệ trình độ tiến sỹ của giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục các học viện, trường đại học Công an nhân dân (khi tổng kết Đề án, tỷ lệ trình độ tiến sỹ của giảng viên các trường đại học mới đạt 50,11% chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ trình độ tiến sỹ của giảng viên các trường đại học trọng điểm mới đạt 56,65% chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ trình độ tiến sỹ của cán bộ quản lý giáo dục các học viện, trường đại học mới đạt 55,03% chỉ tiêu đề ra5.

Hai là, hạn chế, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công an ban hành, như: mục tiêu giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục đại học trong Công an nhân dân nói riêng; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học viên các trường Công an nhân dân; công tác luân chuyển của giảng viên là lãnh đạo các khoa nghiệp vụ trong các trường Công an nhân dân; tổ chức đào tạo trực tuyến tại các trường thuộc Bộ Công an nhằm bảo đảm chất lượng và yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước…

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công an ban hành về giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân đã lạc hậu so với thực tiễn song chậm được sửa đổi, bổ sung. Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an nhân dân có sự thay đổi mạnh mẽ (không còn cấp tổng cục, một số đơn vị bị sáp nhập, giải thể, thay đổi về chức năng, nhiệm vụ…) song một số văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân được ban hành trước thời điểm này chưa hoặc chậm được điều chỉnh dẫn đến những vướng mắc về phân cấp thẩm quyền quản lý; cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an trong triển khai các chủ trương, chính sách về giáo dục, đào tạo; chế độ, chính sách đối với người dạy và người học.

Chẳng hạn như: Thông tư số 09/TT-BNV (X11) ngày 12/12/1995 của Bộ Nội vụ, (nay là Bộ Công an) hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giáo viên giảng dạy trong các trường Công an nhân dân; Quyết định số 1107/QĐ-BCA ngày 21/8/2008 của Bộ Công an ban hành Quy chế quản lý, giáo dục học viên nước ngoài trong các học viện, trường Công an nhân dân; Thông tư số 04/2009/TT-BCA (X11) ngày 20/01/2009 quy định về luân chuyển có thời hạn giáo viên nghiệp vụ của các học viện, trường Công an nhân dân đến công tác tại Công an các đơn vị, địa phương; Thông tư số 57/2010/TT-BCA ngày 14/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ làm việc của các chức danh giảng dạy, huấn luyện trong các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp Công an nhân dân; Thông tư số 44/2014/TT-BCA ngày 07/10/2014 quy định về công tác thực tế của các chức danh giảng dạy, huấn luyện trong các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp Công an nhân dân; Thông tư số 01/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 quy định về thực tập tốt nghiệp của học viên các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp Công an nhân dân…

Những hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học trong Công an nhân dân xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Về khách quan, hoạt động xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, phản ánh yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn xã hội, tuy nhiên, thực tiễn xã hội thường thay đổi nhanh chóng, vượt trước tư duy quản lý nhà nước, mặc dù đã có sự quan tâm từ nhà nước song hoạt động xây dựng pháp luật về giáo dục, trong đó có giáo dục đại học chưa theo kịp yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học trong Công an nhân dân chịu sự ảnh hưởng chặt chẽ từ các quy định chung của Nhà nước, khi các quy định này thay đổi (như: quy định về phương thức đào tạo đại học; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ đại học…) đã tác động đến tính ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành.

Về chủ quan, việc thể chế hóa, cụ thể hoá các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục, về xây dựng lực lượng Công an nhân dân còn chậm, thiếu tầm nhìn dài hạn. Năng lực tham mưu, nghiên cứu, soạn thảo và tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học nói chung còn có những hạn chế nhất định. Quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học trong Công an nhân dân chưa huy động kịp thời sự tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi từ các đơn vị chức năng, các học viện, trường đại học thuộc Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, các chuyên gia trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân dẫn đến chất lượng một số văn bản chưa cao, chưa phản ánh được yếu tố đặc thù của ngành Công an trong các văn bản quy phạm pháp luật chung của Nhà nước.

3. Hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học trong ngành Công an thời gian tới

Thứ nhất, cần thường xuyên, định kỳ tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học trong Công an nhân dân nhằm khắc phục sự chồng chéo, không đồng bộ, thống nhất, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phát hiện và kịp thời xử lý các văn bản quy phạm luật do các chủ thể nhà nước có thẩm quyền cả trong và ngoài ngành Công an ban hành đã lạc hậu, không còn phù hợp; rà soát, phát hiện các vấn đề chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh… nhằm hoàn thiện khung pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học trong Công an nhân dân.

Thứ hai, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật do các chủ thể quản lý nhà nước ngoài Công an nhân dân ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý chung để quản lý chất lượng giáo dục đại học nói chung, trong đó có chất lượng giáo dục đại học tại các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, cụ thể:

– Cần sớm ban hành văn bản pháp lý ở tầm quốc gia như luật hoặc nghị định của Chính phủ quy định riêng về bảo đảm chất lượng giáo dục, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để quản lý chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm sự gắn kết và nhất quán trong tổ chức và hoạt động của các cấu phần tạo nên hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học (gồm: hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài và hệ thống các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục).

– Nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục đại học. Các bộ tiêu chuẩn liên quan đến đánh giá chất lượng giáo dục đại học cần hoàn thiện theo phương châm chuẩn hoá, thống nhất và dễ dàng thực hiện. Các tiêu chí đánh giá phải bao quát toàn diện quá trình đào tạo, đáp ứng mục tiêu giáo dục, tạo ra sự vận động theo hướng chất lượng. Các tiêu chí đánh giá bao gồm tiêu chí khung, tiêu chí chuẩn và tiêu chí lựa chọn để phù hợp với nhiều loại hình cơ sở giáo dục đại học, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học đặc thù thuộc lực lượng vũ trang.

– Sớm ban hành nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó quy định cụ thể hơn về tự chủ đại học và việc thành lập hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học thuộc lực lượng vũ trang nói chung, các học viện, trường đại học Công an nhân dân nói riêng nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật và khả thi khi thực hiện. Đối với việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với chương trình giáo dục và cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy định hoặc hướng dẫn thực hiện.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công an ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học trong Công an nhân dân.

Cần sớm thể chế hoá mục tiêu của giáo dục đại học trong Công an nhân dân trong văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công an. Quy định về mục tiêu của giáo dục đại học trong Công an nhân dân là cần thiết, có ý nghĩa định hướng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học của ngành Công an; là căn cứ để mỗi cơ sở giáo dục đại học trong Công an nhân dân xây dựng tầm nhìn, mục tiêu, sứ mạng, văn hoá chất lượng của cơ sở đào tạo, cụ thể hoá thành mục tiêu các chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Mục tiêu giáo dục đại học trong Công an nhân dân là sự cụ thể hoá mục tiêu của giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học, đồng thời phải đáp ứng và phù hợp với mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an về giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân ban hành trước thời điểm Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an có hiệu lực nhằm khắc phục kịp thời những bất cập trong quản lý giáo dục, đào tạo của ngành Công an nói chung, quản lý chất lượng giáo dục đại học trong Công an nhân dân nói riêng, nhất là những những bất cập về thẩm quyền quản lý; cơ chế phối hợp; chính sách đối với người dạy và người học…

Tiếp tục hoàn thiện quy định của Bộ Công an về công tác quản lý, giáo dục học viên các trường Công an nhân dân theo hướng bổ sung quy định về công tác giáo dục học viên nhằm tạo hành lang pháp lý tổ chức đồng bộ, thống nhất các hoạt động giáo dục hoàn thiện nhân cách học viên Công an theo mục tiêu đào tạo; làm cho các nội dung công tác giáo dục học viên được tổ chức bài bản, thành chế độ thường xuyên, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về tổ chức huấn luyện đầu khoá, huấn luyện đơn vị dự bị chiến đấu, tổ chức hoạt động thực tế, thực tập của học viên nhằm xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật, tư thế, nghi lễ, tác phong, khả năng sẵn sàng chiến đấu và năng lực thích ứng với thực tiễn của học viên sau khi tốt nghiệp; hoàn thiện quy định về chế độ, chính sách, khen thưởng, kỷ luật học viên nhằm tạo động lực khuyến khích học viên tích cực học tập, rèn luyện đồng thời sàng lọc học viên yếu kém không đáp ứng được yêu cầu đào tạo của ngành Công an.

4. Kết luận

Nhìn chung, chất lượng giáo dục đại học trong Công an nhân dân có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ cán bộ Công an, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân. Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong Công an nhân dân, vấn đề cốt yếu là phải coi trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế đầy đủ, đồng bộ. Với hệ thống pháp lý đầy đủ, đồng bộ sẽ giúp phá vỡ các rào cản, mở đường để giáo dục đại học trong Công an nhân dân hướng đến mục tiêu chất lượng, đáp ứng mục tiêu giáo dục của Ngành và của Quốc gia.

Chú thích:
1. Chỉ thị số 12/CT-BCA ngày 20/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng uỷ Công an Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân.
2. Đề án số 04/ĐA-BCA ngày 21/5/2021 của Bộ Công an về “Đổi mới công tác tuyển sinh đại học chính quy tuyển mới trong Công an nhân dân”.
3. Báo cáo tổng kết Đề án “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 1229/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. https://lsvn.vn, ngày 31/8/2021.
5. Đỗ Anh Tuấn. Thực trạng và nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả trong xây dựng, triển khai, thi hành pháp luật về công tác giáo dục, đào tạo cán bộ phục vụ xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Hoàn thiện pháp luật phục vụ xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” do Bộ Công an tổ chức tháng 9/2022.