Bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. Nguyễn Thị Thu Túy
Công ty TNHH Bảo Tâm Computer

(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo đảm an sinh xã hội luôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, giúp người dân được phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro. Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Nghị quyết xác định: “Tập trung nâng cao chất lượng chính sách xã hội, điều chỉnh cách tiếp cận từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội”. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Từ khóa: Bảo đảm an sinh xã hội; người lao động; TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Chính sách bảo đảm an sinh xã hội có vai trò rất quan trọng, là trụ cột chính trong hệ thống chính sách xã hội và được đặt ngang bằng với chính sách phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sau hơn 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nói chung, người lao động nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước đề cập toàn diện, xuyên suốt, thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn, với mục tiêu là giúp người lao động, nhất là với người lao động có hoàn cảnh khó khăn cần được thụ hưởng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu: “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế”1.

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm văn hóa lớn, đồng thời là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa là một đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển và đi lên của Thành phố. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 31/12/2023 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu và tầm nhìn xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8 – 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Tầm nhìn đến năm 2045: TP. Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế2.

Để thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh nhiệm vụ cần tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng thu hút đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội Thành phố cần đặc biệt chú trọng thực hiện có hiệu quả chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, để không ai bị bỏ lại phía sau, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, bền vững. Với lý do đó, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn Thành phố đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. 

2. Thực trạng bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

a. Những kết quả đạt được

Thứ nhất, đa số người lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được bảo đảm đầy đủ việc làm, thu nhập ổn định.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố, các thành phần kinh tế giải quyết việc làm cho 305.569/300.000 lượt người (đạt 102% kế hoạch năm); trong đó, số chỗ làm mới được tạo ra đạt 140.982/140.000 chỗ (đạt 100,3% kế hoạch năm). So với năm 2020, số lao động được giải quyết việc làm giảm 1.423 lượt người, tỷ lệ giải quyết việc làm giảm 0,47%; số chỗ việc làm mới tăng 3.753 chỗ, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 2,78%. Trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực tổ chức 97 phiên sàn giao dịch việc làm; tư vấn việc làm cho 432.516 lượt người; giới thiệu việc làm cho 128.306 lượt người; 45.664 người nhận được việc làm; góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố3.

Năm 2022, các thành phần kinh tế đã thu hút và giải quyết việc làm cho 290.996/300.000 lượt người (đạt 97% kế hoạch năm, tăng 15,87% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó tạo việc làm mới là 131.455/140.000 lượt lao động (đạt 93.9% kế hoạch năm, tăng 13,98% so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ thất nghiệp là 3,97%4. Đến năm 2023, các thành phần kinh tế đã thu hút giải quyết việc làm cho 315.797/300.000 lượt người (đạt 105, 27% kế hoạch năm), trong đó tạo việc mới là 141.476/140.000 lượt người (đạt 101,05% kế hoạch năm). So với cùng kỳ năm 2022, số lao động được giải quyết việc làm tăng 0,06%; số chỗ việc làm mới tăng 0,12%. Tỷ lệ thất nghiệp đô thị là 3,9%5.

Thứ hai, phần lớn người lao động được quan tâm tham gia các loại hình bảo hiểm.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của đảng bộ, các cấp chính quyền địa phương của Thành phố đã triển khai tương đối hiệu quả chính sách bảo hiểm đối với người lao động. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh, các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.290.641 người, đạt 100% kế hoạch; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 51.127 người, đạt 100% kế hoạch; tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 2.243.322 người, đạt 100% kế hoạch; tham gia bảo hiểm y tế đạt 8.8165.504 người đạt 100% kế hoạch. Tổng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 67.275.330 triệu đồng, đạt 100,2% so với kế hoạch. Công tác giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế được triển khai kịp thời, có hiệu quả, đúng đối tượng. Trong năm 2021, bảo hiểm xã hội Thành phố đã chi trả chế độ bảo hiểm xã hội cho 1.093.446 lượt người hưởng; phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết cho 114.454 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp6.

Trong năm 2022, TP. Hồ Chí Minh thực hiện có hiệu quả chủ đề năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”; kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tạo sự tin tưởng cho người lao động, doanh nghiệp yên tâm sản xuất – kinh doanh, các chỉ tiêu của cơ quan bảo hiểm xã hội Thành phố đều hoàn thành, góp phần ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế – xã hội. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.599.495 người, đạt 100,03% kế hoạch; bảo hiểm xã hội tự nguyện là 61.640 người, đạt 100,02% kế hoạch; bảo hiểm thất nghiệp 2.552.180 người, đạt 100,01% kế hoạch; bảo hiểm y tế 8.548.241 người, đạt 100,01% kế hoạch; độ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,18% dân số. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế là 77.604 tỷ đồng, đạt 103,03% kế hoạch. Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được bảo đảm đầy đủ, kịp thời tới người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần ổn định cuộc sống Nhân dân, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động7.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức, quản lý người tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm chặt chẽ; đã giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho 1.591.356 lượt người; trong đó: chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng là 9.618 người; trợ cấp một lần là 128.226 lượt người (bảo hiểm xã hội một lần 108.503 người); trợ cấp ngắn hạn 1.308.105 lượt người; phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 145.407 lượt người8.

Năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, song TP. Hồ Chí Minh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Các chỉ tiêu về thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều đạt kế hoạch năm. Các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được giải quyết và chi trả kịp thời đến người thụ hưởng. Năm 2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên địa bàn Thành phố là 2.767.028 người (đạt 101,72% kế hoạch), tăng 3,98% so với năm 2022. Trong đó, tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 2.624.207 người, đạt 101,76% kế hoạch, tăng 2,82% so với năm 2022. Tham gia bảo hiểm y tế là 8.720.272 người (đạt 100,5% kế hoạch), tăng 2,01% so với 31/12/2022, độ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,25% dân số. Bảo hiểm xã hội tự nguyện 51.289 người (đạt 101% kế hoạch), bảo hiểm thất nghiệp 2.244.136 người (đạt 101% kế hoạch), bảo hiểm y tế 8.165.504 người (đạt 101% kế hoạch). Tính đến 31/12/2023, số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 86.183,65 tỷ đồng (đạt 100.91% kế hoạch), tăng 11.05% so với cùng kỳ năm 20229.

Thứ ba, người lao động được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, giáo dục nghề tăng cả số và chất lượng.

Những năm qua, chính sách nhà ở, giáo dục đối với người lao động trên địa bàn Thành phố được Đảng bộ, các cấp chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, giúp người lao động được an cư, được nâng cao trình độ tay nghề. Để bảo đảm nhà ở cho người lao động, Thành phố đã có nhiều chính sách trên cơ sở lấy nguồn lực của Thành phố và từng địa phương là chủ yếu, các doanh nghiệp cùng đồng hành. Cụ thể, UBND Thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch – Đầu tư rà soát, ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo quy định của pháp luật. Sở Kế hoạch – Đầu tư Thành phố phối hợp với các sở ngành và Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) nghiên cứu đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét việc bổ sung các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố để tổ chức triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 01/8/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 – 2020, lượng nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn (14.954 căn), toàn thành phố có 19 dự án xây dựng hoàn tất và đưa vào sử dụng, đạt 69.2% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, khu vực nội thành phát triển đóng vai trò chủ đạo, tăng 930.936 m2sàn, khu vực ngoại thành đạt 159.305 m2 sàn. Từ năm 2021 đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án nhà ở xã hội (chuyển từ giai đoạn 2016 – 2020) với quy mô 623 căn hộ. Hiện trên địa bàn Thành phố đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất 9,36 ha, 298.714 m2 sàn xây dựng, quy mô 3.956 căn hộ; 1 dự án nhà lưu trú công nhân tại Cụm Công nghiệp phường Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức với diện tích đất 2,01 ha, 93.932 m2 sàn xây dựng, quy mô 1.040 phòng10.

Tính đến tháng 11/2023, số lao động đang làm việc qua đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh là 118.685/117.000 người, đạt 101,44% kế hoạch năm, vượt chỉ tiêu năm 2023 trước 1 tháng. Trong đó, trình độ đại học trở nên là 6.461 người; trình độ cao đẳng là 17.714 người; trình độ trung cấp là 5.085 người; trình độ sơ cấp, thường xuyên là 89.425 người. Hiện tổng số lao động qua đào tạo của Thành phố là gần 4,5 triệu người, đạt tỷ lệ 87,27% trong tổng số người trong độ tuổi lao động, tăng 0,82% so với cùng kỳ. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 4.761 người, đạt 117,56% kế hoạch năm (450 người), tăng 25,32% so với cùng kỳ11.

b. Những hạn chế, bất cập

Một là, do những hậu quả của đại dịch Covid-19, tình hình xung đột vũ trang tại Nga – Ukraina làm cho nền kinh tế thế giới bị suy thoái, khiến cho tình hình kinh tế trong nước cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Lao động có việc làm năm 2023 giảm 0,4% so với quý IV/2022, số lao động thôi việc, mất việc ở Thành phố là 44.890 người. Số lao động phải giảm giờ làm, bị ngừng việc, nghỉ việc không lương, bị tạm hoãn hợp đồng lao động tăng; số người thất nghiệp tăng so với năm 202212.  

Hai là, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tính đến ngày 31/12/2023 còn cao, lên đến 3.685,74 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 4,04%). Số lượng người lao động mất việc rút bảo hiểm một lần tiếp tục tăng. Trong năm 2023, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã chi rút bảo hiểm xã hội 1 lần lên đến 8.396 tỷ đồng (tăng 11,29%), chi bảo hiểm thất nghiệp 4.972 tỷ đồng (tăng 35,34%), chi bảo hiểm y tế 22.805 tỷ đồng, tăng 14,15% so với năm 2022. Số đơn vị nộp phạt còn hạn chế so với đơn vị vi phạm mới có 59/1.531 đơn vị nộp với số tiền là 2,2 tỷ đồng13.

Ba là, mặc dù trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương của TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên Thành phố mới chỉ xét duyệt được 509 đối tượng đủ điều kiện thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách, còn lại khoảng 17.632 đối tượng chưa được hưởng chính sách về nhà ở14. Nhiều đối tượng nhà ở xã hội đang khó tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, nguồn cung nhà lưu trí cho công nhân tại TP. Hồ Chí Minh mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu15. Thành phố không còn quỹ đất chưa khai thác, sử dụng để điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho người lao động.  

3. Giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới

Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Đây là giải pháp rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Để thực hiện tốt giải pháp này, trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội,tổ chức, cá nhân hơn nữa về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng. Gắn chặt giữa công tác tuyên truyền, giáo dục với công tác thực hiện kế hoạch an sinh xã hội của Thành phố.

Thứ hai, phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững tạo điều kiện cơ sở vật chất và môi trường thuận lợi để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Đây là giải pháp có tính đột phá tạo tiền đề cơ sở vất chất và môi trường thuận lợi để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Theo đó, cần tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh nhưng phải bảo đảm bền vững. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Xây dựng môi trường thuận lợi để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn Thành phố trong chính quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ ba, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính bảo đảm an sinh xã hội chongười lao động.

Đây là giải pháp then chốt trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Trong thời gian tới, cần có các biện pháp để duy trì việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn thu bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Việc huy động nguồn lực tài chính qua việc đẩy mạnh “xã hội hóa” là biện pháp đúng đắn, sáng tạo và phù hợp với điều kiện thuận lợi của Thành phố hiện nay. Sử dụng, quản lý nguồn tài chính theo đúng quy định của pháp luật. Huy động tối đa và sử dụng thật hiệu quả mọi nguồn lực cho bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Bên cạnh đó, cần huy động nguồn vốn đầu tư vào quá trình sản xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế để giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố. Hơn nữa, cần kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về đầu tư phát triển sản xuất trong các khu công nghiệp của Thành phố. Đồng thời lên kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn tài chính của trung ương và Thành phố trong việc thực hiện các dự án bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ tư, xây dựng cơ quan chuyên môn và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm an sinh xã hội có trình độ, năng lực chuyên môn tốt, có đạo đức lối sống trong sạch, lành mạnh, thực sự vì Nhân dân.

Đây là giải pháp mang tính cơ bản để việc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt kết quả cao. Bởi vấn đề cán bộ và tổ chức bao giờ cũng giữ vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả công việc. Theo đó, cần xây dựng cơ quan chuyên môn bảo đảm an sinh xã hội có cơ cấu gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực an sinh xã hội bảo đảm số lượng, có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt. Đồng thời, phối hợp, liên kết với các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trong và ngoài nước để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lĩnh vực an sinh xã hội. Hơn nữa, cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, lòng yêu nghề của đội ngũ cán bộ làm công tác an sinh xã hội, chú trọng đổi mới chế độ tiền lương, thưởng, nhà ở đối với đội ngũ cán bộ phù hợp. 

Thứ năm, tăng cường khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của người lao động.

Đối tượng thụ hưởng trong chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được chia ra làm nhiều nhóm khác nhau, trong đó có nhóm đối tượng yếu thế, thuộc diện nhận trợ cấp thường xuyên; nhóm đối tượng gặp những rủi ro do các nguyên nhân, như: bệnh tật, tai nạn, thiên tai…; nhóm đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập khá. Những nhóm đối tượng này coi “an sinh” như một tấm lưới bảo vệ, tránh khỏi rơi xuống nhóm yếu thế nếu gặp những bất trắc trong cuộc sống. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phổ biến sâu rộng đến đối tượng hưởng thụ về khả năng tự an sinh của mình. Các cấp, các ngành của TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục nghiên cứu nhiều cách thức, mô hình, biện pháp tuyên truyền cho người lao động thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc “tự an sinh”. Giúp đối tượng thụ hưởng tự “an sinh” thông qua hoạt động giáo dục và trợ vốn. Đối tượng thụ hưởng phải luôn có ý thức vươn lên, vượt khó khăn trở ngại để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội. Phải có chính sách và biện pháp hợp lý, cụ thể để phát huy khả năng “tự an sinh” của người lao động ở vùng nông thôn, vùng khó khăn trên địa bàn Thành phố.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 150.
2. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Báo cáo số 43108/BC-SLĐTBXH ngày 27/12/2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực lao động – người có công và xã hội năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022. TP. Hồ Chí Minh, 2021, tr. 2 – 3.
4. Báo cáo số 33304/BC-SLĐTBXH ngày 08/11/2022 của Sở Lao động –  Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. TP. Hồ Chí Minh, 2022, tr. 3.
5. Báo cáo số 28485/BC-SLĐTBXH ngày 13/12/2023 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí Minh, 2023, tr. 3.
6, 13. BHXH TP. Hồ Chí Minh: Triển khai nhiệm vụ năm 2022. https://tphcm.baohiemxahoi.gov.vn, ngày 05/01/2022.
7, 8. BHXH TP. Hồ Chí Minh triển khai nhiệm vụ năm 2023. https://tphcm.baohiemxahoi.gov.vn, ngày 13/01/2023.
9, 14. BHXH TP. Hồ Chí Minh: Hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu được giao năm 2023. https://tphcm.baohiemxahoi.gov.vn, ngày 10/02/2024.
10. TPHCM nhiều giải pháp phát triển nhà ở xã hội. https://bnews.vn, ngày 20/01/2024.
11. TPHCM: Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN đến hết năm 2023 vẫn còn hơn 3.685 tỷ đồng. https://congan.com.vn, ngày 11/01/2024.
12. Giải quyết chỗ ở cho người lao động, TPHCM sẽ xây 93.000 căn nhà ở xã hội. https://vneconomy.vn, ngày 15/3/2023.
15. Tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh xây nhà lưu trú công nhân. https://vneconomy.vN, ngày 03/4/2023.