Những yếu tố ảnh hưởng đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của thanh niên Việt Nam

ThS. Đào Thu Hà
Trường Đại học Thương mại

(Quanlynhanuoc.vn) – Thanh niên là bộ phận đặc biệt của xã hội, có vị trí quan trọng trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ngày nay, trước bối cảnh toàn cầu hóa, thanh niên cần tiếp tục khẳng định mình thực sự là lực lượng xung kích, sáng tạo trong đời sống xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam. Xác định được những yếu tố ảnh hưởng nhằm phát huy vai trò của thanh niên đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam.

Từ khóa: giá trị văn hóa truyền thống; giữ gìn và phát huy; thanh niên; vai trò; yếu tố ảnh hưởng.

1. Đặt vấn đề

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định việc “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”1 là vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy mâu thuẫn và phức tạp ngày nay. Là một bộ phận xung kích của xã hội, thanh niên Việt Nam luôn đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc ta. Với vai trò là nguồn lực sáng tạo mạnh mẽ và là chủ nhân tương lai của xã hội, thanh niên Việt Nam đã thực hiện vai trò quan trọng đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, thanh niên Việt Nam vẫn còn một số hạn chế trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vậy những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của thanh niên Việt Nam trong thời đại mới? Xác định được những yếu tố này sẽ giúp nâng cao hơn nữa vai trò của thanh niên đối với việc phát triển nền văn hóa Việt Nam. Đây là vấn đề mang tính thời sự cấp thiết, không chỉ riêng của thế hệ trẻ mà còn là của các cấp các ngành và toàn xã hội, có giá trị cả về mặt lý luận và mặt thực tiễn.

2. Đặc điểm và vai trò của thanh niên Việt Nam 

a. Đặc điểm của thanh niên Việt Nam.

Theo Luật Thanh niên năm 2020 định nghĩa, thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi. Thanh niên là những người có sức khỏe thể chất; sáng tạo, ham học hỏi, quyết tâm caođể khẳng định bản thân, góp phần phát triển xã hội.

Thanh niên được chia thành nhiều bộ phận với những độ tuổi khác nhau. Một bộ phận thanh niên sắp kết thúc quá trình giáo dục phổ thông, định hướng tìm kiếm công việc hay theo đuổi một ngành học trong tương lai. Một nhóm khác là học sinh, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học cùng với những ước mơ và nhiệt huyết, sẵn sàng trở thành nguồn lao động có trình độ cao của xã hội. Cùng với đó, một bộ phận thanh niên mới ra trường, đang có những bước đi đầu tiên trong công việc với tinh thần hăng say, đam mê không ngừng nghỉ trong lao động. Một nhóm thanh niên khác đã đạt những thành tựu trong công việc, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Trong giai đoạn chống giặc ngoại xâm, thanh niên là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập nước nhà. Giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước khi đã giành được độc lập, đặc biệt, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thanh niên Việt Nam cũng có những bước tiến lớn để phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Thanh niên Việt Nam có một số ưu điểm:

Thứ nhất, về mặt thể chất, thanh niên là thời điểm con người ở trong độ tuổi sung sức nhất. Thanh niên có thể học tập, lao động với năng suất cao và cường độ lớn, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển về kinh tế – xã hội của đất nước.

Thứ hai, về mặt trí tuệ, thanh niên là độ tuổi có khả năng học tập, rèn luyện, tiếp thu các kiến thức, kỹ năng tốt nhất với nhiều lý tưởng, ước mơ và sự sáng tạo. Với tinh thần theo kịp thời đại mới, thanh niên tích cực trau dồi khả năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng sống và chuyên môn. Bên cạnh đó, thanh niên cũng dần hình thành tư duy độc lập, toàn diện và khoa học hơn, nắm bắt tri thức mới, làm chủ về mặt trí tuệ. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên với sự năng động, nhiệt huyết, sáng tạo không giới hạn của mình thực sự là lực lượng nòng cốt, một trong những nhân tố quyết định đến sự phát triển toàn diện của đất nước.

Thứ ba, về mặt tâm lý và nhân cách, đây là giai đoạn hình thành đạo đức, tính cách và trưởng thành nhất định về quan hệ xã hội của thanh niên. Thanh niên Việt Nam đang ở thời kỳ hình thành và phát triển mạnh mẽ những phẩm chất năng động, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong học tập và lao động. Họ luôn mang trong mình lòng nhiệt tình, tinh thần muốn tự khẳng định bản thân cùng với sự hiểu biết và tôn trọng pháp luật. Phần lớn thanh niên là những người sống có hoài bão, lý tưởng tươi đẹp, không ngừng trau dồi năng lực bản thân, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện khát vọng, chinh phục những đỉnh cao tri thức mới.

Thứ , về mặt xã hội, thanh niên Việt Nam có tinh thần xung kích, đoàn kết, giàu lòng nhân ái, tình yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh, khát vọng được cống hiến năng lực của mình cho sự phát triển của đất nước. Thanh niên Việt Nam với tinh thần dám nghĩ, dám làm đã xung phong, tích cực tham gia vào các phong trào tình nguyện, tuổi trẻ xung kích làm giàu cho đất nước. Bên cạnh đó, thanh niên cũng luôn chủ động và tích cực đấu tranh với những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội.

Bên cạnh những ưu điểm trên, do ở độ tuổi còn rất trẻ và kinh nghiệm sống còn thiếu nên thanh niên Việt Nam cũng có một số hạn chế:

Trước những ảnh hưởng của quá trình phát triển xã hội, có những thanh niên sống, vô cảm, ích kỷ, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Sống thiếu lý tưởng, hoài bão, không dám đương đầu với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Không ít thanh niên chạy theo lối sống đua đòi, thực dụng, chạy theo những giá trị phù phiếm không thiết thực, tiêu dùng phung phí, không phù hợp với nhu cầu, điều kiện bản thân. Một bộ phận khác lại mắc phải các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, xa rời việc học tập và lao động. Mặt khác, trong thanh niên Việt Nam còn tồn tại một bộ phận có xu hướng sính ngoại, xa rời các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với vị trí xung kích trong bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, thanh niên được xác định là nòng cốt trong việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt trong việc xây dựng, phát triển đất nước và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

b. Vai trò của thanh niên đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.

Thanh niên là lực lượng trung tâm của xã hội, giữ vai trò nòng cốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. C. Mác chỉ rõ: “Do những quy luật phát triển khách quan của xã hội, thanh niên bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng trong việc kế thừa và phát triển những thành tựu của người đi trước”2. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó3.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) ngày 14/01/1993 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác thanh niên trong thời kỳ mới nhấn mạnh: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”4.

Từ đó, cần phải có những định hướng để xác định vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung và việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói riêng. 

Thứ nhất, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thanh niên là lực lượng xung kích, đi đầu.

Thứ hai, trong các lĩnh vực của nền kinh tế – xã hội trong thời kỳ hội nhập, thanh niên là lực lượng nòng cốt, thực hiện những công việc tiên phong, đòi hỏi tinh thần dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên là rường cột của đất nước, quyết định sự thắng lợi cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thanh niên có vai trò lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta. Từ đó, đã hình thành nên vai trò quan trọng của thanh niên đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam như sau:

(1) Thanh niên là lực lượng xung kích đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kếtbảo vệ độc lập chủ quyền đất nước, tinh thần quyết chiến trước các thế lực thù địch.

Ở độ tuổi phát triển nhất về thể chất và trí tuệ, với tinh thần hăng hái, dám nghĩ dám làm, yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, thanh niên Việt Nam chính là lực lượng xung kích trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Ngày nay, truyền thống yêu nước được thanh niên phát huy trong sự nghiệp bảo vệ biên cương nước nhà, bảo vệ sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đó còn là giữ vững an ninh chính trị, an ninh văn hóa, phát huy, truyền bá các giá trị văn hóa tới các quốc gia, dân tộc. Có như vậy, thanh niên mới xứng đáng với vai trò xung kích trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

(2) Thanh niên là lực lượng nòng cốt trong việc kế thừa và phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo, chăm chỉ và lạc quan của dân tộc trong bối cảnh hội nhập.

Với phẩm chất dám nghĩ, dám làm, sự sáng tạo không giới hạn, giàu nhiệt huyết, chăm chỉ học tập và lao động, thanh niên Việt Nam đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc giao lưu với văn hóa nước ngoài. Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thanh niên Việt Nam cần lựa chọn những giá trị truyền thống để phát huy, đồng thời cũng loại bỏ những hủ tục. Bên cạnh đó, thanh niên Việt Nam cũng cần tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc để làm giàu cho bản sắc văn hóa nước nhà. Thanh niên Việt Nam phải tích cực thúc đẩy nền văn hóa Việt Nam hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới, xây dựng nền văn hóa vừa tiên tiến lại vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

(3) Thanh niên đóng vai trò quan trọng đối với việc phát huy tinh thần tương thân tương ái, thương người của Nhân dân ta.

Thanh niên là lực lượng quan trọng đối với việc giữ gìn và phát huy tinh thần tương thân tương ái, nhân văn “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” của nhân dân ta. Đây là những giá trị văn hóa mà thanh niên Việt Nam cần phải giữ gìn, phát huy và đồng thời nâng lên tầm cao mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa, những mảnh đời đáng thương, bất hạnh, bệnh tật, đói nghèo… Thanh niên Việt Nam cần là lực lượng đi đầu, xây dựng và nhân lên tình đoàn kết làm cho quan hệ giữa người với người ấm áp, nghĩa tình hơn, tình nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, lên án những hành vi, việc làm tiêu cực trong xã hội đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”5.

Thanh niên Việt Nam cần giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc và tiếp thu những tinh hoa của nhân loại để làm giàu bản sắc dân tộc, phát triển nền văn hóa Việt Nam, từ đó, nâng cao địa vị nước ta trên thế giới.

3. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện vai trò của thanh niên trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam hiện nay

Những yếu tố ảnh hưởng đến giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của thanh niên Việt Nam có thể chia thành 2 nhóm yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan.

3.1 Yếu tố khách quan:

Yếu tố này là bối cảnh gia nhập toàn cầu hóa, đây là xu thế phát triển tất yếu của xã hội, phù hợp với quy luật của thời đại, đã và đang tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia xích lại gần nhau, hợp tác để cùng phát triển. Trong đó, toàn cầu hóa đã có những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đối với việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Trong đó những tác động tích cực:

Thứ nhất, toàn cầu hóa giúp thanh niên được tiếp xúc với đa dạng nền văn hóa, từ đó có sự học hỏi, làm đa dạng và phong phú hơn những giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua đó, đẩy mạnh vai trò của thanh niên đối với vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ hai, toàn cầu hóa giúp thanh niên được rèn giũa, tôi luyện và làm sâu sắc hơn bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó tạo động lực to lớn để thanh niên giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Thứ ba, toàn cầu hóa tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa trên thế giới, từ đó truyền bá, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa cũng tác động tiêu cực đến giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, như:

Toàn cầu hóa dẫn đến hiện tượng du nhập những sản phẩm văn hóa độc hại, các tệ nạn xã hội mang lại thách thức trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của thanh niên Việt Nam. Điều này đã được Nghị quyết đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”6, “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa”7.

Trong quá trình toàn cầu hóa, những lối sống, quan điểm trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam dẫn tới những khó khăn cho thanh niên trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.Toàn cầu hóa đã tạo ra những thách thức cho thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc khi làm nhiều nét văn hóa truyền thống Việt Nam khác với nhiều nét văn hóa các nước phương Tây, khiến thay đổi quan niệm của một bộ phận thanh niên trẻ.

3.2. Yếu tố chủ quan

Bên cạnh yếu tố khách quan thì việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của thanh niên Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi nhân tố chủ quan, trong đó có những thuận lợi: với sức khỏe đang trong thời kỳ tốt nhất, khả năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chuyên môn cùng sự năng động, sáng tạo, hăng hái, tinh thần xung phong, vượt mọi khó khăn, thử thách, dám nghĩ, dám làm, khát vọng được cống hiến cho xã hội; thanh niên Việt Nam đóng góp lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục cho Nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa, giới thiệu quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Việt Nam  đến với các nước trên thế giới, thực hiện các phong trào tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để phát triển văn hóa như Luật di sản văn hóa, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên Việt Nam giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đúng như Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”10.

Toàn thể Nhân dân Việt Nam chung sức, chung lòng, có quyết tâm cao trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách để nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, tạo điều thuận lợi để thanh niên giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện vai trò giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của thanh niên Việt Nam cũng có những thách thức, như: với độ tuổi còn rất trẻ, hạn chế về kinh nghiệm sống từ đó dẫn đến một bộ phận thanh niên bị ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai từ nước ngoài, xa rời giá trị văn hóa dân tộc, du nhập lối sống phương Tây, tạo ra thách thức lớn đối với việc thực hiện vai trò giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của thanh niên.

Về tâm lý, một bộ phận thanh niên có tâm lý chưa ổn định, bốc đồng, có nguy cơ cao bị các thế lực xấu lôi kéo, dụ dỗ, xa rời chính sách của Đảng và Nhà nước, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm luật phápdẫn đến khó khăn trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam. Các chính sách khuyến khích và thực hiện các chính sách nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa còn thiếu, yếu. Dẫn đến thiếu động lực cho thanh niên tiếp tục duy trì, tiếp nối các giá trị văn hóa dân tộc. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: trong bối cảnh toàn cầu hóa,“Lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn”9.

4. Kết luận

Trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, vai trò nòng cốt, xung kích của thanh niên trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống càng cần được khẳng định hơn bao giờ hết. Đặc biệt khi nước ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng, khi mà việc phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác được đánh giá bởi sự phát triển văn hóa, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia được đề cao thì vai trò của thanh niên trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Có như vậy xã hội Việt Nam mới ổn định và ngày càng phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và văn hóa luôn song hành cùng với nhau, góp phần nâng cao địa vị của Việt Nam trong khu vực và trên toàn thế giới.

Chú thích:
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 202
2. C.Mác – Ph.Ăngghen. Toàn tập. Tập 36. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 1995, tr. 23.
3. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 216.
4. Nghị quyết số 04-NQ/HNTWW, ngày 14/01/1993 Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII): Về công tác thanh niên trong thời kỳ mới.
5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 471.
6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tr 84, 84, 202, 115 – 116.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 320.