(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 16/4, Hội thảo khoa học “Xây dựng chính phủ số đáp ứng hiện đại hóa nền hành chính và đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả” được tổ chức tại Học viện Hành chính Quốc gia. TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Hội thảo.
Khách mời tới dự Hội thảo, có: TS. Nguyễn Huyền Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; PGS.TS. Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số; ThS. Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng Ứng dụng Công nghệ thông tin và Dữ liệu số, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ. GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo, cán bộ, giảng viên một số đơn vị, khoa, ban thuộc và trực thuộc Học viện. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 3 phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Quảng Nam.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng khẳng định, Đảng và Nhà nước coi chuyển đổi số làm một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc đổi mới đất nước. Nghị quyết số 52/NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh yêu cầu cấp bách là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chính phủ đã nhanh chóng ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, hiện đại hóa nền công vụ, cải cách hành chính và chuyển đổi số đã và đang thành xu hướng tất yếu, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư hướng đến lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững.
“Chính phủ số – tiến trình cải cách đột biến về khoa học và công nghệ trong quản trị quốc gia” là nội dung chia sẻ của GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển. Theo ông, trong tình hình thế giới đã tập trung thay đổi mọi mặt liên quan đến số hóa thì Việt Nam không thể đứng ngoài “cuộc chơi”, nếu không chúng ta sẽ lạc hậu và tự đào thải. Trình độ về công nghệ số của Việt Nam đứng trong hàng ngũ những nước ứng dụng công nghệ cao nhất thế giới, theo kịp với nhịp độ của các quốc gia phát triển, do đó, Việt Nam cần luôn luôn vận hành, phát triển theo xu hướng thế giới để không bị “thụt lùi”. Cũng tương tự như vậy, nền hành chính nhà nước cũng phải bắt kịp “hệ sinh thái số”, trong đó có 2 nhánh “những người quản lý số và người tiêu dùng số” mà chúng ta cần tập trung nghiên cứu (cụ thể ở đây là thái độ phục vụ người dân của cán bộ làm hành chính để đo lường giá trị hoàn thiện nền hành chính quốc gia trong thời đại số).
Hiện nay, Chính phủ đang rất cố gắng để hoàn thiện hạ tầng cơ sở số để đáp ứng chuyển đổi số, đặc biệt là trong các cơ quan hành chính nhà nước, theo đó, công chức cũng phải có đủ năng lực, trình độ về ứng dụng số để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay. Cần đồng bộ ứng dụng số các dịch vụ công để hướng tới toàn thể người dân đều có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến, giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết trên giấy tờ.
TS. Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số tập trung vào nội dung “Nhận thức về thiết kế để hình thành tư duy thiết kế, góp phần hiểu rõ vai trò của kiến trúc, nền tảng, cấu trúc và tổ chức trong việc hình thành nền hành chính và đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”. Theo ông, nền hành chính quốc gia phải được nhìn nhận như những “tổ chức”, do vậy, cần phải được thiết kế để hình thành nên những kiến trúc phù hợp nhất, chứ không chỉ dừng ở tư duy “quản lý tổ chức”, theo đó, đặt tiền đề trên sự tồn tại mặc nhiên của “tổ chức” như một sự hợp lý và sẵn có. Việc thiết kế được một kiến trúc nền tảng cho chính phủ số có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định để đưa ra một chiến lược, định hướng, giải pháp và cả mục tiêu cụ thể cho việc hình thành nền hành chính quốc gia và đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, TS. Nguyễn Ngọc Vân, tham luận nội dung “Một số khó khăn, thách thức trong việc xây dựng chính phủ số đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và quản trị quốc gia theo hướng hiện đại hiệu quả”. Việc xây dựng chính phủ số cần phải được bảo đảm các thành tố của nền hành chính, bao gồm: đội ngũ công chức; tổ chức bộ máy; tài chính và cơ sở vật chất; hệ thống thể chế…, phải được xây dựng đáp ứng và vận hành theo yêu cầu, tiêu chuẩn của chính phủ số.
Chuyển đổi số xây dựng được “đội ngũ công chức số” – một đội ngũ công chức đáp ứng và bảo đảm yêu cầu của một nền hành chính số. Đội ngũ công chức đó phải bảo đảm có được những phẩm chất, kỹ năng trong nhận thức, kỹ năng hình thành dữ liệu số, kỹ năng tham mưu dựa trên dữ liệu số, kỹ năng ra quyết định dựa trên dữ liệu số, khả năng chia sẻ và môi trường số. Lãnh đạo phải có bản lĩnh tham gia vào việc quyết định ra dữ liệu số, cần có vai trò quyết định chung cho quy định chuyển đổi số cho đồng nhất, không thể để mỗi bộ, ngành lại có một cách làm về chuyển đổi số khác nhau, manh mún, đơn lẻ. Cần có hạ tầng số hoàn chỉnh mới hoàn thiện được chính phủ số để hỗ trợ cho quản trị nhà nước hướng đến hiện đại, hiệu quả.
Trong tham luận của PGS.TS Trần Quang Diệu tập trung vào: hoàn thiện thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội số, kinh tế số tiến tới chính phủ số. Đồng thời nhấn mạnh, hoạt động chuyển đổi số đã thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trở thành động lực, nền tảng phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Vì vậy, để hướng tới chính phủ số vào năm 2030, việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phải từ tư duy, nhận thức, hành động của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, của mỗi tổ chức và cả người dân để hướng đến một chính phủ số minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.
Kết luận Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng gửi lời cảm ơn các nhà khoa học, các cán bộ, giảng viên tại 3 phân hiệu của Học viện. Qua 18 bài tham luận gửi đến Hội thảo, với tư cách là Chủ nhiệm đề tài khoa học sẽ nghiên cứu, chắt lọc và lĩnh hội các ý kiến đóng góp trên cơ sở tiếp cận cầu thị, cởi mở để đề tài mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn, đáp ứng quá trình chuyển đổi số hướng đến chính phủ số vào năm 2030.
Thu Hương