An ninh lương thực ở Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội
TS. Nguyễn Thị Nhung
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

(Quanlynhanuoc.vn) – An ninh lương thực là một trong những bộ phận cấu thành của an ninh kinh tế quốc gia. Vấn đề bảo đảm an ninh lương thực đang nổi lên thiết yếu khi nguồn cung và khả năng tiếp cập lương thực chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, biến động thị trường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở các nước đang phát triển… Để bảo đảm an ninh lương thực cần bảo đảm sinh kế thu nhập cho người trồng lương thực, giữ được đất trồng trọt; đồng thời, bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực và cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho người dân. Bài viết tập trung phân tích việc bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay cũng như làm rõ những thách thức đặt ra, từ đó, đề xuất một số gợi ý về chính sách bảo đảm an ninh lương thực trong thời gian tới. 

Từ khóa: An ninh lương thực; bảo đảm an ninh lương thực; an ninh phi truyền thống; Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

An ninh lương thực được hiểu là sự bảo đảm của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu1. Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO): an ninh lương thực là trạng thái mà mọi người có quyền tiếp cận thực phẩm một cách an toàn, bổ dưỡng, đầy đủ mọi lúc mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và năng động2. An ninh lương thực còn được tiếp cận theo cấp độ: (1) An ninh lương thực cá nhân, gia đình; (2) Vùng (địa phương); (3) Quốc gia; (4) Khu vực và toàn cầu3. An ninh lương thực không chỉ đề cập từ phía cung lương thực mà còn đề cập đến khả năng tiếp cận, khâu phân phối, bởi thực tế cho thấy, nhiều khi có đủ lương thực nhưng nạn đói vẫn cóthể xảy ra. 

Để bảo đảm an ninh lương thực của một quốc gia, một số nghiên cứu đưa ra đã đưa ra nhận định: Một là, cần sự sẵn có về lương thực, đó là, sự bảo đảm nguồn cung lương thực đầy đủ mọi lúc, mọi nơi. Hai là, cần bảo đảm khả năng tiếp cận với lương thực và sự ổn định của lương thực. Ba là, cần có sự an toàn, chất lượng của lương thực được sử dụng, thể hiện qua hàm lượng dinh dưỡng, chất lượng và vệ sinh trong quá trình sản xuất và tiêu dùng lương thực4. Một số quan điểm khác thì cho rằng, an ninh lương thực quốc gia, bao gồm sự bảo đảm đầy đủ cả ba khía cạnh: 

(1) Về sản xuất, phải có đủ lương thực cả về số lượng và chất lượng cung cấp cho toàn xã hội trong mọi thời điểm; 

(2) Về phân phối, phải có hệ thống cung ứng lương thực với mức giá cả người mua và người bán chấp nhận được; 

(3) Về thu nhập, phải tạo điều kiện để mọi người đều có việc làm, có thu nhập để có tiền mua lương thực đáp ứng nhu cầu bản thân và gia đình; đồng thời, bảo đảm sinh kế bền vững của người sản xuất lương thực5

Hiện nay, an ninh lương thực quốc gia chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, do vậy, để bảo đảm an ninh lương thực, cần tính đến các đặc điểm của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế trong từng giai đoạn, của từng quốc gia. Các yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, như: (1) Yếu tố ảnh hưởng đến cung, như môi trường tự nhiên (diện tích đất canh tác, nguồn nước, khí hậu), trình độ khoa học – công nghệ, tốc độ đô thị hóa… (2) Yếu tố ảnh hưởng đến cầu, như giá cả lương thực, tình hình thị trường lương thực thế giới, thu nhập của người tiêu dùng, sự gia tăng về dân số… (3) Yếu tố ảnh hưởng đến phân phối lương thực, như sự thay đổi mô hình phân phối, cơ sở hạ tầng về giao thông, kho dự trữ…

2. Thực trạng an ninh lương thực ở Việt Nam 

Những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất lương thực, thực phẩm góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội và ổn định chính trị của đất nước. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo đảm an ninh lương thực, như: Kết luận số 53-KL/TW ngày 05/8/2009 của Bộ Chính trị về “Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”; Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2009 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030… đã đạt được những thành tựu nhất định.

Theo thang điểm của Global Food Security Index (GFSI), năm 2015 Việt Nam đạt 53 điểm, xếp hạng 65/109 quốc gia, đến năm 2022, đạt 67,9 điểm, xếp hạng 46/113 quốc gia, còn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 9/23 quốc gia. Trong đó, chỉ số giá cả lương thực hợp lý được đánh giá cao nhất (84 điểm)6. Điều này cho thấy, Việt Nam có mức độ an ninh lương thực cao hơn cho người tiêu dùng, do cung cấp đủ nguồn cung với mức giá tương đối ổn định. 

Thứ nhất, an ninh lương thực trong sản xuất. Sản xuất lúa là ngành quan trọng nhất trong việc bảo đảm an ninh lương thực, thời gian qua, sản xuất lương thực, thực phẩm được giữ ổn định và tăng lên đáng kể. 

Theo số liệu ở Bảng 1, giai đoạn 2012 – 2020, diện tích đất trồng lúa giảm,  nhưng năng suất tăng từ 56.5 tạ/ha (năm 2012) lên 58,7 tạ/ha (năm 2020). Khả năng sản xuất lương thực của nước ta khoảng 40 triệu tấn/năm, dư thừa nhiều so với nhu cầu ăn khoảng 15 triệu tấn/năm. Dự báo đến năm 2050, dân số Việt Nam khoảng 109 triệu dân nhưng nhu cầu gạo để ăn giảm còn khoảng 13 triệu tấn. Như vậy, sản lượng lương thực hằng năm đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và làm thức ăn chăn nuôi, chế biến hay xuất khẩu đều có thể điều chỉnh được để bảo đảm an ninh lương thực. 

Thứ hai, về lưu thông, phân phối lương thực. Thị trường lưu thông ngày càng được mở rộng về quy mô, cơ cấu bảo đảm lưu thông thuận lợi giữa các vùng, miền, khu vực, kể cả vùng sâu, vùng xa góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Các kênh phân phối hiện đại, như: sàn thương mại điện tử, trung tâm thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phân phối nông sản đã giúp người dân tiếp cận với nguồn lương thực một cách dễ dàng hơn. Cùng với đó, còn có các hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích… lưu thông phân phối các sản phẩm lương thực.

Thứ ba, về khả năng tiếp cận lương thực thông qua thu nhập. Tăng trưởng kinh tế liên tục trong nhiều năm qua giúp cải thiện đáng kể thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân tăng lên là điều kiện quan trọng hàng đầu để người dân tiếp cận với nguồn lương thực, thực phẩm, trong đó chi tiêu nói chung và chi tiêu cho lương thực, thực phẩm nói riêng của người dân được cải thiện. Cụ thể, năm 2012 tiêu thụ gạo trong các bữa ăn hàng ngày và lương thực quy gạo là 9,6 kg/người/tháng, năm 2022 là 6,9 kg/người/tháng, (giảm 28%); năm 2012 tiêu thụ thịt, cá, trái cây và rau các loại, khoảng 3,9 kg/người/tháng, năm 2022 là 4,5 kg/người/tháng, (tăng 44,45%)7. Đồng thời, theo số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2022, chi tiêu cho gạo khoảng 120.000 đồng/người/tháng, chiếm 4,3% trong chi tiêu bình quân đầu người/tháng8. Như vậy, về cơ bản an ninh lương thực của nước ta vẫn đang được bảo đảm ngay cả khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai.

3. Một số thách thức đối với an ninh lương thực 

Một là, những yếu tố ảnh hưởng đến cung lương thực. Hiện nay, diện tích đất canh tác giảm, biến đổi khí hậu, như: bão, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác… hoặc sâu bệnh làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Theo số liệu thống kê ở Bảng 2 cho thấy, diện tích gieo trồng các cây lương thực đều có xu hướng giảm. Diện tích trồng lúa có xu hướng giảm xuống từ 7.761,2 nghìn ha năm 2012 còn 7.109 nghìn ha năm 2022. Dự báo đến năm 2030 chỉ còn 6.000 nghìn ha. Trong đó, khoảng 70% diện tích được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản và 30% được chuyển đổi thành phát triển đô thị, khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ9. Như vậy, từ số liệu ở Bảng 2 cho thấy, tỷ lệ đất trồng cây lương thực có xu hướng giảm, dự báo đến năm 2025 diện tích trồng lúa giảm, chỉ còn là 0,053 triệu tấn và đến năm 2050 là 0,002 triệu tấn. 

Vậy, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vào năm 2030, cần tới 36 triệu tấn thóc, trong đó nhu cầu để ăn là 14,82 triệu tấn, vì vậy, nước ta cần phải duy trì ít nhất là 3 triệu ha đất chuyên trồng lúa hai vụ để có 6 triệu ha đất gieo trồng10. Mặt khác, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn tới năng suất cây trồng do các hồ chứa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ chỉ đạt khoảng 40 – 50% dung tích thiết kế, Trung Bộ khoảng 50 – 70%11. Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, tổng diện tích có nguy cơ thiếu nước trong vụ hè thu khoảng 10.000 – 15.000 ha, trong đó Bắc Trung Bộ khoảng 7.500 – 10.000 ha, Nam Trung Bộ khoảng 3.000 – 3.500 ha12. Do đó, sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng lương thực; đồng thời, nhiệt độ tăng cũng làm cho sâu bệnh phát triển nhanh hơn nông dân phải tăng cường tưới tiêu, xử lý sâu bệnh và mầm bệnh ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu. 

Ở các tỉnh ven biển, sự thay đổi khí hậu dẫn đến xâm nhập mặn có xu hướng xảy ra sớm hơn với nồng độ và thời gian nhiễm mặn tăng, cũng như diện tích bị xâm lấn nhiều hơn. Năm 2020, xâm nhập mặn trong mùa khô đã khiến gần 340.000 ha lúa của 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng. Biến đổi khí hậu làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực, cụ thể, năng suất lúa vụ Xuân sẽ giảm 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn/ha vào năm 205013. Như vậy, biến đổi khí hậu sẽ trở thành nguyên nhân chính của biến động sản lượng hằng năm và có thể là xu hướng giảm dài hạn. 

Mặt khác, sản xuất lúa gạo vẫn còn nhiều khó khăn như quy mô nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm sản xuất, độ an toàn của sản phẩm chưa cao. Đồng thời, năng suất lao động của người trồng lương thực thấp, do diện tích đất canh tác nhỏ và thường không liền kề nên năng lực cơ giới hóa trong khâu làm đất và áp dụng các công nghệ hiện đại còn hạn chế.

Thu nhập của nông dân từ trồng lương thực cũng rất thấp, năm 2012, lợi nhuận trồng lúa thu được khoảng 66 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2022 chỉ còn khoảng 58 triệu đồng/ha/năm. Các hộ sản xuất lúa với quy mô nhỏ (dưới 2 ha) không thể sống dựa vào thu nhập từ trồng lúa mà phải dựa vào các thu nhập từ chăn nuôi thủy sản hoặc từ các hoạt động phi nông nghiệp khác14. Vì vậy, đời sống vật chất của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn, đây là một gánh nặng không nhỏ cho phát triển nông thôn và bảo đảm an ninh lương thực thời gian tới. 

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra nhanh chóng, khiến cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, tạo luồng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị, điều này gây ra thách thức lớn đến việc sản xuất lương thực. 

Hai là, về nhu cầu lương thực có sự thay đổi. Do thu nhập tăng lên, mức tiêu thụ lương thực giảm mức tiêu thụ gạo từ 8,8 kg/người/tháng (năm 2016) xuống còn 6,9 kg/người/tháng (năm 2022), giảm bình quân 4%/năm15. Báo cáo về hành vi và xu hướng tiêu dùng do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (công bố tháng 3/2022) cho thấy, nhóm ngành lương thực và thực phẩm được người tiêu dùng luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm và độ tươi ngon của thực phẩm. Có nghĩa là thực phẩm sạch khép kín được hình thành từ “trang trại đến bàn ăn” và đây là một thách thức cho các doanh nghiệp trong nước.

Ba làvề phân phối lương thực. Cơ chế giá cả lương thực vận động theo quan hệ cung, cầu của thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, vì vậy, những biến động của thị trường thế giới ảnh hưởng đến chi phí lưu thông lương thực của nước ta. Trong khi đó, hệ thống phân phối bán lẻ lương thực ở Việt Nam chủ yếu vẫn là chợ truyền thống nên hệ thống phân phối còn gặp nhiều hạn chế. 

Một mô hình thương mại bán lẻ hiện đại được bắt đầu bằng việc kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn (đóng hộp, khô và đóng gói), như: gạo, mỳ và các loại thực phẩm ăn được, điều này gây ra những rủi ro liên quan đến tính thời vụ trong cung ứng và hạn chế về tiêu chuẩn chất lượng. 

4. Một số giải pháp nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia 

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, bảo đảm an ninh lương thực vẫn chưa bền vững, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. Để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần cải cách thể chế, chính sách đặc biệt là liên quan đến đất đai (quyền sở hữu/quyền sử dụng) để nông dân yên tâm và gắn bó với sản xuất lương thực. Tập trung ruộng đất dưới nhiều hình thức khác nhau để nâng cao hệ thống sản xuất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giao dịch trong chuỗi giá trị và tạo điều kiện cho các hộ gia đình đạt được và duy trì mức sống trung bình. 

Tăng cường cơ giới hóa sản xuất, quá trình này sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi chi phí lao động tăng lên. Thắt chặt việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất xây dựng để bảo vệ đất sản xuất lương thực (đặc biệt đất trồng lúa – cây lương thực chính của Việt Nam); đồng thời, cần ưu tiên và gắn với những cam kết ưu đãi cụ thể, có lộ trình và có sự kiểm tra, giám sát đối với đất trồng lương thực. Xây dựng hệ thống chế tài quy định trách nhiệm và hình thức xử phạt đối với những người có trách nhiệm vi phạm quyết định của Nhà nước về ổn định quỹ đất cho sản xuất lương thực ở tầm quốc gia. 

Thứ hai, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặc dù người dân đã tự phát chuyển đổi sản xuất, như: trì hoãn trồng lúa đông xuân ở đồng bằng sông Hồng; chuyển sang trồng các cây trồng chịu hạn, như: sắn, ngô, lạc ở miền Trung để phù hợp với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cần có chiến lược phát triển nông nghiệp trong dài hạn, tăng cường khả năng quản lý kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu, áp dụng khoa học – kỹ thuật và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng cây giống, trị sâu bệnh cho cây trồng bảo đảm phát triển bền vững. Cần đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bằng việc nghiên cứu và phát triển các loại cây lương thực thích nghi với biến đổi khí hậu, chịu được hạn hán và có khả năng kháng sâu bệnh. Tích cực ứng dụng công nghệ sinh học và xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức hợp tác đầu tư bảo quản, chế biến lương thực để tránh thất thoát khi sản xuất. 

Thứ ba, tăng thu nhập cho người dân sản xuất lương thực. Ngành Nông nghiệp cần phải đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học – công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cho nông dân để họ có thể tự tổ chức sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần nâng cao năng lực áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất lương thực, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. 

Hỗ trợ lãi suất tín dụng cho nông dân khi vay vốn để đầu tư sản xuất lương thực, góp phần bình ổn giá các mặt hàng đầu vào của nông nghiệp giảm tác động từ bên ngoài; đồng thời, đẩy mạnh khâu chế biến lương thực tại chỗ để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng đầu vào và tiếp thị kết nối các nhà cung cấp đầu vào, nhà sản xuất, nhà chế biến, nhà phân phối để thúc đẩy lợi thế thương mại thị trường lương thực. Đẩy mạnh phát triển nông thôn làm giảm sự bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn; cải thiện kết nối giữa các thôn với trung tâm xã, huyện với trung tâm tỉnh, thành phố đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu lương thực. 

5. Kết luận

Trong bối cảnh hiện nay, bảo đảm an ninh lương thực được coi là nền tảng của hòa bình, ổn định và phát triển ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian tới, để khoa học – công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành Nông nghiệp, cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, cần phải thực hiện đòng bộ các giải pháp về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Chú thích:
1. Chìa khóa để đảm bảo an ninh lương thực. http://www.thanhnien.com.vn, ngày 17/10/2012.
2. FAO (2003). Trade reform and food security.
3. An ninh lương thực cấp hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long. https://ctujsvn.ctu.edu.vn, ngày 30/8/2017.
4. Food Security. https://www.fao.org, truy cập ngày 10/4/2024. 
5. Lê Anh Thực. An ninh lương thực trong bối cảnh toàn cầu hóa: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam. Luận án tiến sĩ trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018, Mã số: 9310106.
6. Economist Impact. “Global food security index 2022”, 2022.
7, 8, 15. Tổng cục Thống kê (2022). Thông cáo báo chí kết quả khảo sát mức sống dân cư 2022.
9. Đến năm 2030 diện tích cây trồng cần được tưới đất 70%. https://kinhtevadubao.vn, ngày 10/01/2020. 
10. Đáp ứng đủ nhu cầu gạo trong nước và xuất khẩu. http://baokiemtoan.vn, ngày 12/8/2023.
11. Việt Nam cần nhiều chính sách phát triển nông nghiệp bền vững trước biến đổi khí hậu. https://kinhtemoitruong.vn, ngày 17/3/2022.
12. El nino trở lại, sắp hạn hán khốc liệt, nông nghiệp cần đối phó gì từ bây giờ?. https://tuoitre.vn, ngày 16/5/2023.
13. Tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. https://moitruong.net.vn, ngày 25/10/2019.
14. Lúa gạo và vấn đề an ninh lương thực tại Việt Nam. https://thuvien.mard.gov.vn, ngày 15/9/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Kết luận số 53-KL/TW ngày 05/8/2009 của Bộ Chính trị về “Đề án an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.
2. Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2009 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
3. Nghị quyết số 34-NQ/CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
4. OECD (2015). Báo cáo rà soát nông nghiệp và lương thực của OECD – Chính sách nông nghiệp Việt Nam 2015.
5. Tạ Ngọc Tấn và cộng sự. An ninh phi truyền thống: Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn. H. NXB Lý luận Chính trị, 2015.
6. Trần Thị Ngọc Lan. Tác động của an ninh lương thực đến nền kinh tế Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị khoa học an toàn thực phẩm an ninh lương thực lần thứ III. Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, 2019.
7. Triển khai giải pháp giữ đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực theo quy hoạch quốc hội phê duyệt. https://quochoi.vn, ngày 24/8/2023.