Một số vấn đề về phương thức lãnh đạo của tỉnh ủy các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng về giáo dục và đào tạo

NCS. Hứa Thanh Mai
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Quanlynhanuoc.vn) – Đồng bằng sông Hồng là trung tâm hàng đầu về giáo dục và đào tạo, khoa học – công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và đông đảo lực lượng lao động có chất lượng cao; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín. Có thể nói, thời gian qua, công tác giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả quan trọng về cả nội dung và phương thức lãnh đạo nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm của toàn xã hội.

Từ khóa: Giáo dục; đào tạo; đồng bằng sông Hồng; phương thức; lãnh đạo; tỉnh ủy.

1. Đặt vấn đề

Vùng đồng bằng sông Hồng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng vùng đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bài viết nêu một số kết quả về nội dung và phương thức lãnh đạo của tỉnh ủy các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đối với công tác giáo dục và đào tạo thời gian qua.

2. Những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo của tỉnh ủy các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng về giáo dục và đào tạo 

Từ sau đổi mới đến nay, các tỉnh ủy vùng đồng bằng sông Hồng đã lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt trong lãnh đạo đổi mới công tác giáo dục và đào tạo. Các tỉnh ủy đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm đưa giáo dục của vùng xứng tầm là vùng có chất lượng giáo dục và đào tạo cao nhất cả nước, thể hiện ở một số nội dung phương thức lãnh đạo sau:

Một là, tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo bằng các nghị quyết, quyết định.

Trên cơ sở quán triệt tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, các tỉnh ủy vùng đồng bằng sông Hồng đã xây dựng nghị quyết, các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện để lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 17/10/2016 về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 28/12/2016 của Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Công tác ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Ban Thường vụ tỉnh ủy xây dựng các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục và Đào tạo các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng triển khai các giải pháp, phối hợp với các cấp, các ngành, huy động xã hội tham gia thực hiện đạt kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, duy trì công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, nhất là việc nâng cao chất lượng hai mặt giáo dục, duy trì sĩ số học sinh, hạn chế tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học giữa chừng. Thành lập Ban Chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nhằm duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của từng đơn vị, địa phương. 

Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền tỉnh cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của trung ương, của tỉnh ủy về công tác giáo dục và đào tạo thành các nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch, đề án.

Tỉnh ủy vùng đồng bằng sông Hồng lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh kịp thời cụ thể hoá chủ trương của trung ương, của tỉnh uỷ, ban hành đồng bộ nghị quyết, kế hoạch thực hiện, như: Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 24/3/2014 của UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện Kế hoạch số 92-KH/TU, một số văn bản quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tổ chức, bộ máy, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, quản lý dạy thêm, học thêm… 

Điển hình, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Thành phố triển khai 654 dự án với kế hoạch vốn hơn 21 nghìn tỷ đồng, đến nay, đã bố trí hơn 10 nghìn tỷ đồng cho 436 dự án1. Trên cơ sở hướng dẫn của cấp trên, các cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo hiệu quả việc đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện trên toàn vùng được duy trì ổn định và được nâng lên qua các năm. Tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng đối với lớp 1, 2, 3, 4 duy trì trên 98%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình cấp học đối với lớp 5 duy trì 100%; tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng đối với lớp 6, 7, 8 trên 96%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trên 99%2. Trong những năm qua, vùng đồng bằng sông Hồng luôn dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, hội thi, hội diễn văn hóa – văn nghệ…

Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đã tích cực chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu với HĐND, UBND tỉnh, thành phố ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và cụ thể hoá Nghị quyết số 29-NQ/TW. Cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đề án, chương trình hành động, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Cụ thể, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành các văn bản, như: Quyết định số 1390/QĐ-UBND ngày 23/6/2014 về việc phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập đến năm 2020; Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Các cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa thực hiện nghị quyết và triển khai đồng bộ trong đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục, từ đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Ngành Giáo dục và Đào tạo các tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia, đề án phát triển giáo dục… Chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với công đoàn nhà trường, Đoàn Thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. 

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nội dung các nghị quyết, quyết định của tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy và của HĐND, UBND tỉnh về công tác giáo dục và đào tạo. 

Công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên, các tổ chức và Nhân dân tỉnh nhận thức sâu sắc về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được thực hiện thường xuyên, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 29-NQ/TW và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của từng năm học. Các cơ quan tuyên truyền thông qua trang thông tin điện tử tỉnh và các hệ thống truyền thanh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, cung cấp các thông tin phù hợp, kịp thời về các hoạt động, chỉ đạo điều hành, chủ trương, chính sách, pháp luật về giáo dục tới học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người dân và toàn xã hội. Phòng Giáo dục và Đào tạo các tỉnh chỉ đạo các trường học trên địa bàn đưa nội dung tuyên truyền vào chương trình giảng dạy, các buổi sinh hoạt trong nhà trường; đồng thời, truyền thông các kết quả nổi bật về giáo dục, các tấm gương người tốt, việc tốt trong ngành trên trang thông tin điện tử của ngành và các trường học trực thuộc. 

Với nhiều nội dung và hình thức phong phú, công tác tuyên truyền đem lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; vị trí của người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong hành động, gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình. Đồng thời, hiệu quả của công tác tuyên truyền đã tạo sự đồng thuận và đánh giá đúng về những đổi mới và thành quả của ngành Giáo dục và Đào tạo; những kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 88/2013/NQ-QH13 và Nghị quyết số 51/2014/NQ-QH13 của Quốc hội về thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới; góp phần tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo trên toàn vùng đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện có hiệu quả góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao nhận thức cho cán bộ nhà giáo và học sinh, xây dựng kỷ luật, kỷ cương trong các nhà trường, không để xảy ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và hiện tượng cán bộ nhà giáo vi phạm đạo đức nhà giáo, học sinh vi phạm pháp luật.

Bốn là, về công tác tổ chức, cán bộ.

Trên cơ sở các văn bản của cấp trên, tỉnh uỷ vùng đồng bằng sông Hồng đã kịp thời ban hành các văn bản về chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ tinh giản biên chế; công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên; điều động, bổ nhiệm… Qua thực hiện, việc thực hiện tinh giản biên chế đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập đạt chỉ tiêu; công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên thực hiện đúng quy trình, hợp lý; công tác điều động, bổ nhiệm trong các năm qua được thực hiện cơ bản chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định, quy trình; việc xây dựng dự nguồn cán bộ quản lý, tham mưu bổ sung đội ngũ giáo viên đúng tỷ lệ quy định. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. 

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chuẩn nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nâng chuẩn, đạt chuẩn theo hướng nâng chuẩn trình độ, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên các cấp học được chú trọng thực hiện. Công tác bồi dưỡng chính trị cho đội ngũ nhà giáo được thực hiện thường xuyên thông qua các đợt bồi dưỡng chính trị vào dịp hè. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo các yêu cầu của chuẩn chức danh nghề nghiệp được triển khai theo quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức hoặc tạo điều kiện, khuyến khích việc tự học, tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng; tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi ở cả 3 cấp học nhằm tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực, trao đổi, học tập kinh nghiệm; triển khai đánh giá chuẩn nghề nghiệp hiệu trưởng và giáo viên các cấp học. 

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm tạo mọi điều kiện để tham gia học tập nâng chuẩn về trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng của từng bậc học. Công tác xây dựng quy hoạch, rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ quản lý trường học theo quy trình chặt chẽ, thực sự phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong việc phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ. Công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hằng năm được sở Giáo dục và Đào tạo triển khai theo các chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm là, thông qua các tổ chức đảng trong các cơ quan quản lý công tác giáo dục và đào tạo.

Các đơn vị trong ngành Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bằng sông Hồng đều thành lập tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở. Trong các chi bộ, đảng bộ, đa số đảng viên đều có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức và đạo đức nghề nghiệp tốt; có tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý và giảng dạy. Các nhà trường đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên nâng cao ý thức trách nhiệm, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.

Công tác xây dựng Đảng trong trường học được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các chi bộ trường học đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo các đơn vị trường học thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đạt nhiều kết quả tích cực. Tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các trường học. Chú trọng công tác kết nạp đảng viên, nhờ đó, số lượng giáo viên được kết nạp Đảng tăng đáng kể trong những năm gần đây. Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các phong trào thi đua của ngành Giáo dục và Đào tạo, góp phần xây dựng nề nếp, kỷ cương của nhà trường ngày một tốt hơn. Nhiều đảng viên, nhất là các đồng chí giữ các chức vụ chủ chốt trong các trường học thể hiện được tính tiền phong, gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Sáu là, công tác kiểm tra, giám sát.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW được tăng cường thực hiện. Nội dung kiểm tra, giám sát về công tác đổi mới giáo dục và đào tạo được lồng ghép với nội dung kiểm tra, giám sát kết quả triển khai thực hiện các chỉ thị của tỉnh uỷ về tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết được chỉ đạo thực hiện định kỳ hằng năm, lồng ghép trong các hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại các địa phương, đơn vị. Hằng năm, sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức thanh tra ở các trường học, nhất là về các khoản thu về dạy thêm, học thêm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, hướng dẫn các đơn vị tháo gỡ vướng mắc, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế chuyên môn.

Việc giải quyết các hiện tượng tiêu cực kéo dài được chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, ban, ngành trong giải quyết các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nhằm kịp thời động viên và nhân rộng các điển hình tiên tiến trên lĩnh vực giáo dục. Chú trọng thực hiện quy chế dân chủ trong các trường học. Làm tốt công tác công khai, minh bạch dưới các hình thức thông báo và trên trang Thông tin điện tử của đơn vị. Nhờ đó, trong những năm qua, tình trạng dạy thêm – học thêm trái quy định, bệnh thành tích trong giáo dục, hiện tượng lạm thu tại các trường học cơ bản được ngăn chặn; tình trạng bạo lực học đường cơ bản được giải quyết.

Nhìn chung, qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy về công tác giáo dục và đào tạo, các tổ chức đảng, đảng viên trong đảng bộ tỉnh đã nâng cao nhận thức và hành động, tiếp tục đẩy mạnh tăng cường công tác đổi mới giáo dục và đào tạo; kịp thời phát hiện những khuyết điểm, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2011 – 2022 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hà Nội, ngày 14/6/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 40/2004/CT-TW ngày 15/6/2004 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
2. Quy định số 04 -QĐi/TW ngày 27/4/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy tham mưu chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy.
3. Quy định số 10-QĐi/TW ngày 12/12/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, Ban thường vụ cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
4. Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
5. Nguyễn Hữu Đổng. Đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tạp chí Lý luận chính trị, số 8/2013, tr.73 – 77.