Yếu tố tác động đến bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương

TS. Nguyễn Xuân Thủy
Văn phòng Tỉnh
 ủy Bình Dương
TS. Đỗ Hoàng Vương
Học viện An ninh nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Bảo đảm an ninh kinh tế là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và làm thất bại mọi âm mưu, các tội phạm xâm phạm hoạt động ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế. Bài viết bàn về những yếu tố cơ bản tác động đến bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, từ đó, rút ra những vấn đề cần lưu ý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Từ khóa: Yếu tố tác động; bảo đảm an ninh kinh tế; tỉnh Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

Bảo đảm an ninh kinh tế là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và làm thất bại mọi âm mưu, các tội phạm xâm phạm hoạt động ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Hoạt động bảo đảm an ninh kinh tế chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau. Nhận thức đầy đủ các yếu tố tác động này giúp các chủ thể quản lý có phương pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh kinh tế, qua đó đạt được mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

2. Thực trạng công tác bảo đảm an ninh kinh tế tỉnh Bình Dương

Thời gian quan, dưới sự lãnh đạo tập trung, quyết liệt, khoa học của Tỉnh ủy, mà trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, sự điều hành của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Dương, đặc biệt với sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, phối hợp kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong đó lực lượng Công an tỉnh giữ vai trò chủ chủ trì, nòng cốt, công tác bảo đảm an ninh kinh tế đã đạt được những thành tích đáng kể… góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn cao hơn mức bình quân của các địa phương trong vùng. Tính riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh ước tăng 5,97%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 172 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng 66,26% – 23,71% – 2,64% – 7,39%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 5,95% so với năm 20221.

Tỉnh thường xuyên tổ chức tiếp xúc các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 303.853 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,8 tỷ đô la Mỹ, giảm 7,3% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 23,1 tỷ đô la Mỹ, giảm 7%; ước thu ngân sách 73.257 tỷ đồng, vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 10% so với thực hiện năm 2022. Tổng chi cân đối ngân sách thực hiện 33.235 tỷ đồng, đạt 100% dự toán. Tính đến ngày 01/12/2023, chi giải ngân vốn đầu tư cônglà 14.065 tỷ đồng, đạt 115,4% kế hoạch2

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn phải đối mặt với những tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, đặc biệt là những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: an ninh năng lượng; tài chính, tiền tệ; xuất nhập khẩu, tình trạng tội phạm tham nhũng, buôn lậu… Chính vì vậy, chủ động phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các nguy cơ đe dọa tới an ninh kinh tế là nhiệm vụ thường xuyên và trọng yếu của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, trong đó lực lượng Công an tỉnh giữ vai trò chủ trì, nòng cốt. 

3. Các yếu tố tác động đến hoạt động bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Hoạt động bảo đảm an ninh kinh tế chịu sự tác động từ rất nhiều các yếu tố khách quan và chủ quan. Các yếu tố này tác động theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, có tính thời điểm, tạo cơ sở quan trọng cho chủ thể quản lý đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh. Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn trong thời gian qua, hoạt động này chịu sự tác động của các yếu tố cơ bản sau:

Một là, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh kinh tế.

Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh kinh tế vừa là cơ sở chính trị, vừa là pháp lý cho hoạt động bảo đảm an ninh kinh tế trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng. Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền thể chế hóa thành pháp luật là cơ sở pháp lý, công cụ cơ bản của hoạt động bảo đảm an ninh kinh tế. Thực tiễn cho thấy mọi sự thay đổi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ an ninh kinh tế có tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này theo hai hướng:

(1) Tác động tích cực: các chủ thể sẽ có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý vững vàng để triển khai hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật liên quan đến kinh tế nói chung và bảo đảm an ninh kinh tế nói riêng. Đặc biệt, tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở tổng kết 35 năm đổi mới, vấn đề an ninh kinh tế và bảo đảm an ninh kinh tế đã được chính thức đề cập trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, tạo cơ sở cho việc thống nhất nhận thức và các nguồn lực của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng trong bảo đảm an ninh kinh tế trên đia bàn cả nước trong đó có tỉnh Bình Dương.

(2) Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh kinh tế chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tiễn thì sẽ hạn chế; kìm hãm hiệu lực, hiệu quả hoạt động bảo đảm an ninh kinh tế, điển hình, như: công tác triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình giao thông trọng điểm tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Vẫn còn tình trạng một số dự án đầu tư công chậm triển khai, kéo dài, chuyển tiếp, chậm phân loại, rà soát và đánh giá hiệu quả đầu tư gây lãng phí nguồn lực. Một số dự án bất động sản có tính chất phức tạp, kéo dài chưa được tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế chính sách; các bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy, công tác đăng kiểm vẫn chưa được giải quyết triệt để…

Mọi sự thay đổi về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về an ninh quốc gia đều tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới hiệu lực, hiệu quả của hoạt động bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng, Nhà nước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, phục vụ quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.

Hai là, thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Doanh nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là chủ thể trực tiếp thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, tỉnh Bình Dương thu hút 79.337 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước (giảm 6,5% so với cùng kỳ)và 1 tỷ 398 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 64.975 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 710 nghìn tỷ đồng và 4.196 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 40,3 tỷ đô la Mỹ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 164.300 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022 (năm 2022: tăng 13,3%). Đến nay, có 5.766 doanh nghiệp đăng ký mới, 1.417 doanh nghiệp bổ sung tăng vốn, 88 doanh nghiệp giảm vốn, 564 doanh nghiệp giải thể, 1.205 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và 306 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là lực lượng có vai trò tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bảo đảm an ninh kinh tế thì mọi doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp vừa là đối tượng bảo vệ vừa là chủ thể phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh đối với các nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế3.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một bộ phận các doanh nghiệp xây dựng chưa nhận thức được tầm quan trọng, vai trò, vị trí của hoạt động bảo đảm kinh tế; nhận thức về quyền hạn và trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong bảo đảm an ninh kinh tế còn lúc, có nơi còn chưa được chú trọng, nên một số doanh nghiệp không chấp hành các quy định của pháp luật dẫn tới vi phạm và bị xử lý. Ngoài ra, việc thực hiện Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2023 của Bộ Công an quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn An toàn về an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa được các các doanh nghiệp đầu tư xây dựng quan tâm đúng mức làm giảm hiệu quả công tác bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Ba là, quan điểm chỉ đạo của nhà quản lý các cấp.

Bảo đảm an ninh kinh tế là trung tâm của bảo vệ an ninh quốc gia, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, các ngành các cấp và toàn dân, trong đó chịu trách nhiệm chính là cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhận thức đầy đủ về công tác bảo đảm an ninh kinh tế, làm nền tảng thường xuyên, huy động hiệu quả các nguồn lực, nâng cao được chất lượng và hiệu quả, thúc đẩy tính tích cực của cả hệ thống chính trị trong phối hợp trong bảo đảm an ninh kinh tế. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh trật tự nói chung và an ninh kinh tế nói riêng, nâng cao ý thức cảnh giác trong đấu tranh phòng chống tội phạm; nâng cao trách nhiệm tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn, làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, chống tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bảo đảm an ninh kinh tế. Phát huy vai trò của người đứng đầu, nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của bảo đảm an ninh kinh tế, tích cực, chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý sai phạm, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, ngại xử lý, hình sự hóa vụ việc…, xử lý thiếu kiên quyết.

Bốn , ảnh hưởng của khoa học  công nghệ.

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương, hoạt động áp dụng khoa học công nghệ trong bảo đảm an ninh kinh tế đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, như: triển khai Đề án camera an ninh, giám sát giao thông, khuyến khích người dân và doanh nghiệp gắn camera an ninh; thành lập Trung tâm chỉ huy đặt tại trụ sở Công an tỉnh và tích hợp với hệ thống IOC của tỉnh để phục vụ hiệu quả công tác quản trị xã hội; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng an ninh ở cơ sở… 

Bên cạnh những tác động tích cực của khoa học – công nghệ mang lại thì hoạt động này cũng có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và công tác bảo đảm an ninh kinh tế nói riêng, điển hình, như: lợi dụng các tính năng, tiện ích của các ứng dụng trên không gian mạng (Zalo, Telegram, Facebook, Viber…) đăng tải thông tin, bình luận nhằm lôi kéo người dân tham gia các hoạt động phức tạp về an ninh, trật tự; xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng.

Năm là, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện khác.

Theo chiều hướng tích cực, cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện khác tạo nên môi trường thuận lợi cho bảo đảm an ninh kinh tế đạt hiệu quả cao nhất. Bởi chỉ khi cơ sở vật chất có đáp ứng yêu cầu công việc thì các cơ quan, cá nhân được trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh kinh tế mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã đặt ra và đạt được mục tiêu công việc. Theo chiều hướng tiêu cực, nếu cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện khác không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu công việc trong thực tiễn thì sẽ vô tình tạo thành môi trường khó khăn cho hoạt động nguồn nhân lực khi thực hiện các nhiệm vụ được giao dẫn tới hiệu quả công tác bảo đảm an ninh kinh tế sẽ giảm.

Bên cạnh đó các thế lực thù địch, phản động, tội phạm khác luôn triệt để lợi dụng hoạt động sai phạm tại các dự án kinh tế để phá hoại uy tín của Đảng và Nhà nước. Sự khác biệt trong luật pháp, thủ tục quốc tế và trong nước về đấu thầu, phê duyệt vốn vay cũng tác động đến tiến độ thực hiện các dự án, công trình (các dự án đường sắt đô thị, sử dụng nguồn vốn ODA…), ảnh hưởng đến an ninh kinh tế tại các dự án kinh tế trọng điểm. Tình hình chính trị, kinh tế khu vực, thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, khó dự đoán; tình hình kinh tế, xã hội trong nước còn nhiều khó khăn; những vấn đề nội tại của quá trình chuyển đổi số của tỉnh chưa thể khắc phục triệt để… có nhiều tác động, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế.

4. Một số vấn đề cần lưu ý

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức cho các chủ thể về các yếu tố tác động tới bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Chủ thể bảo đảm an ninh kinh tế có nhận thức đầy đủ, đúng đắn mới phát huy những mặt tích cực, hạn chế những tiêu cực và dự báo được chiều hướng tác động để chủ động trong tổ chức, phối hợp lực lượng, sử dụng các biện pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Lực lượng Công an tỉnh phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến bảo đảm an ninh kinh tế, đặc biệt là những âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm kinh tế trong tình hình mới, nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân và các doanh nghiệp. Ngoài ra, nâng cao nhận thức phải được tiến hành thường xuyên và liên tục với các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phong phú, nội dung cập nhật thực tiễn và quán triệt đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và an ninh kinh tế nói riêng.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định bảo đảm an ninh kinh tế. Pháp luật vừa là cơ sở, vừa là công cụ quan trọng để phòng ngừa, đấu tranh xử lý với các hành vi vi phạm pháp luật của các tội phạm kinh tế. Bảo đảm an ninh kinh tế có hiệu quả nhất khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện một cách đồng bộ và thống nhất. Vì vậy, các sở, ban, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương chủ động nghiên cứu, rà soát những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an ninh kinh tế, qua đó đề xuất với UBND tỉnh tham mưu Chính phủ, kiến nghị với Quốc hội kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới điều chỉnh các hành vị, quan hệ xã hội phát sinh trong bảo đảm an ninh kinh tế.

Thứ ba, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người, tình hình an ninh trật tự, an ninh công nhân, không để phát sinh thành điểm nóng. UBND các huyện, thị xã cần phối hợp lực lượng Công an tỉnh giữ vững an ninh trong cộng đồng, khu công nghiệp, an ninh đô thị và phòng, chống cháy, nổ; tăng cường tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng, không để xảy ra những tình huống bị động, bất ngờ, tạo môi trường thuận lợi để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ , chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đây là yếu tố hàng đầu quyết định đến hiệu quả bảo đảm an ninh kinh tế. nâng cao năng lực cho đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác ngày, bao gồm: trình độ nhận thức, khả năng sử dụng tổng hợp kiến thức, đặc biệt là những kiến thức an ninh phi truyền thống trên lĩnh vực kinh tế; kỹ năng (ngoại ngữ, tin học…), thái độ, trách nhiệm trong công việc để đạt hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chú thích:
1. Tỉnh ủy Bình Dương. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng đảng và xây dựng hệ thống chính trị năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
2. Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
3. Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 08/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới.
4. Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.
5. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2023 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
6. Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2023 của Bộ Công an quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn An toàn về an ninh, trật tự.