Thượng tá Trương Thống Nhất
Công an tỉnh Long An
(Quanlynhanuoc.vn) – Tình hình tội phạm trộm cắp tài sản các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Long An trong thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, các đối tượng lợi dụng sơ hở của quần chúng nhân dân trong việc quản lý tài sản để thực hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở phân tích, đánh giá về thực trạng, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong công tác phòng ngừa đối với tội phạm trộm cắp tài sản các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh Long An. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Từ khóa: Công an Tỉnh Long An; PC08; Trộm cắp tài sản.
1. Đặt vấn đề
Long An là cửa ngõ phía Nam của TP. Hồ Chí Minh, giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia, có thể kết nối với các nước Thái Lan, Malaysia thông qua mạng đường bộ xuyên Á. Long An có các tuyến quốc lộ chạy qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 62, quốc lộ 50, tuyến N1, tuyến N2, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương và 19 tuyến tỉnh lộ.
Ngoài hệ thống giao thông đường bộ Long An cũng là tỉnh có thế mạnh về giao thông đường thủy với các tuyến giao thông, như: sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây, sông Rạch Cát (sông Cần Giuộc). Các tuyến đường thủy quan trọng, như: TP. Hồ Chí Minh – Kiên Lương, TP. Hồ Chí Minh – Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh – Tây Ninh đều đi qua địa phận tỉnh Long An. Nhiều loại phương tiện vận tải thủy trên 100 tấn có thể theo các kênh rạch đi từ miền Tây đến TP. Hồ Chí Minh.
Với lợi thế về tuyến đường thủy quan trọng như trên đã tạo điều kiện cho tỉnh Long An phát triển về kinh tế và từng bước nâng cao đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trong tỉnh nói riêng, trong toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung càng phát triển. Bên cạnh đó, đường thuỷ nội địa cũng là địa bàn gây án, địa bàn tiêu thụ và địa bàn ẩn náu của các loại tội phạm.
2. Tình hình tội phạm trộm cắp tài sản trên các tuyến đường thủy theo chức năng của lực lượng cảnh sát đường thủy công an tỉnh Long An
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm trộm cắp tài sản trên tuyến đường thủy tại địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để thực hiện hành vi phạm tội; các đối tượng phạm tội hoạt động lưu động liên tuyến, liên tỉnh, gây nhiều khó khăn cho hoạt động phòng ngừa và đấu tranh của lực lượng cảnh sát đường thủy trên địa bàn.
Theo thống kê của Công an tỉnh Long An, tính từ năm 2019 – 2023, toàn tỉnh xảy ra 3.356 vụ phạm tội xâm phạm về trật tự an toàn xã hội, trong đó có 1.511 vụ trộm cắp tài sản (chiếm 42,73%), đáng chú ý có 437 vụ trộm cắp xảy ra trên tuyến đường thuỷ (chiếm 28,93%). Tội phạm trộm cắp tài sản với phương thức, thủ đoạn hoạt động phổ biến là sử dụng xuồng máy hoạt động lưu động trên các kênh, rạch với vỏ bọc bên ngoài là người làm thuê hoặc hành nghề tự do, vào ban đêm lợi dụng sơ hở của Nhân dân trong việc quản lý tài sản để trộm cắp. Địa bàn tập trung chủ yếu ở các tuyến đường thủy trọng điểm, nơi có nhiều phương tiện tàu thủy, bến dếp dỡ hàng hóa… Tài sản chiếm đoạt thường là thiết bị, hàng hóa, vật liệu xây dựng, xuồng máy, vật nuôi của Nhân dân ven sông.
Trước tình hình hoạt động của loại tôi phạm này trên các tuyến đường thuỷ, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, trong đó trọng tâm là Phòng Cảnh sát giao thông tham mưu Ban Giám đốc ban hành các chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phòng ngừa đối với loại tội phạm này.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được nói trên, quá trình tiến hành hoạt động phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản trên các tuyến đường thuỷ của lực lượng Cảnh sát đường thuỷ vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền đã tiến hành nhưng hiệu quả chưa cao, thực tế là người dân còn rất chủ quan và thiếu thông tin về phòng ngừa tội phạm trên sông, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm hoạt động. Công tác cảm hoá, giáo dục đối tượng tại gia đình và cộng đồng còn nhiều hạn chế.
Công tác tuần tra, kiểm soát dù đã được tiến hành, song chủ yếu chỉ tập trung xử phạt vi phạm hành chính, chưa chú trọng phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản. Công tác nghiệp vụ cơ bản còn hạn chế về số lượng và chất lượng thông tin thu thập được. Sự phối hợp của các công tác khác trong quản lý trật tự an toàn giao thông đường thủy đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm chưa có hiệu quả cao, chưa chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến tạo kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản của lực lượng cảnh sát đường thuỷ Công an tỉnh Long An
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm trộm cắp tài sản trên đường thuỷ nói riêng, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ Công an tỉnh Long An cần chú trọng thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, sắp xếp, bố trí hợp lý cán bộ; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ trong phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản trên tuyến đường thủy. Chú trọng đào tạo đầy đủ kiến thức về phòng ngừa, điều tra trinh sát và điều tra theo tố tụng, phù hợp với thực tiễn yêu cầu phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản trên tuyến đường thủy nội địa. Đồng thời, cần bổ sung trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, công cụ, phương tiện, thiết bị hiện đại để có thể kiểm tra thông tin đối tượng phạm tội trộm cắp tài sản hoặc có thể sử dụng máy quay phim, ghi âm hiện đại để theo dõi, ngoại tuyến đối tượng phạm tội.
Hai là, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, phù hợp với đặc điểm tuyến, địa bàn đặc biệt là với đối tượng sinh sống và kinh doanh trên các tuyến đường thuỷ nội địa. Thường xuyên đổi mới phương pháp, nội dung công tác tuyên truyền, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác vận động quần chúng có hiệu quả, kịp thời khắc phục những yếu kém, tồn tại trong quá trình thực hiện.
Ba là, kiện toàn và phát huy vai trò của công tác công an trong phòng ngừa tội phạm trên tuyến đường thủy nội địa. Chú ý thu thập đầy đủ và cập nhật bổ sung thường xuyên các thông tin tình hình tội phạm trên tuyến đường thủy nội địa. Phân tích, đánh giá tình hình, chú ý các vấn đề có liên quan đến tội phạm trên tuyến đường thủy nội địa để từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng phương án phòng ngừa phù hợp với đặc điểm tình hình tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn.
Bốn là, tập trung tuần tra kiểm soát trên tuyến đường thuỷ trọng điểm có các cảng, bến thuỷ nội địa, bãi…có nhiều ghe, tàu, thuyền hoạt động thường xuyên, các công trình xây dựng trên tuyến đường thủy. Phải thường xuyên thay đổi chiến thuật, tuyến và địa bàn tuần tra để tránh sự theo dõi, nắm quy luật không để tội phạm đối phó. Cần tập trung lực lượng tuần tra kiểm soát vào thời gian từ 23 giờ đến 5 giờ sáng, là thời gian thường xảy ra nhiều vụ án trên tuyến đường thủy. Bên cạnh đó, cần chú trọng phối hợp với lực lượng để trao đổi, thông báo những thông tin về hoạt động của tội phạm trộm cắp tài sản trên tuyến đường thủy nội địa để chủ động tiến hành kiểm tra những phương tiện nghi vấn, từ đó có thể phát hiện tang vật của vụ án hoặc đối tượng có liên quan đến tội phạm trộm cắp tài sản trên tuyến đường thủy nội địa.
Năm là, xây dựng và thực hiện có hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong công tác phòng ngừa tội phạm trên tuyến đường thủy nội địa. Chủ động phối hợp lực lượng Công an cơ sở trong việc nắm tình hình các đối tượng có biểu hiện phạm tội, các vụ việc về phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội xảy ra trên tuyến, địa bàn trọng điểm. Phối hợp thực hiện các kế hoạch, chiến thuật để phòng ngừa, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội trộm cắp tài sản trên các tuyến đường thủy. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nâng cao ý thức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ tài sản của bản thân và xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 02/CT-BCA (C11) và các Thông tư số 18, 19, 29, 21, 22/2013/QĐ-BCA (C11) của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về các biện pháp nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân, ngày 01/4/2013.
2. Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Long An. Báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ của PC08 Công an tỉnh Long An từ năm 2019 đến năm 2023.