Nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại về đất đai và một số đề xuất giải pháp

ThS. Nguyễn Quốc Tỉnh
Thanh tra tỉnh Khánh Hòa

(Quanlynhanuoc.vn) – Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng và là tài sản có giá trị đối với người dân. Để việc quản lý, sử dụng, sở hữu đất đai được đúng pháp luật, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, do sự vận động, phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường đã làm cho quy định pháp luật, thiết chế, cơ chế điều chỉnh về đất đai và công tác quản lý nhà nước về đất đai nảy sinh nhiều bất cập. Theo đó, số lượng khiếu kiện, khiếu nại của người dân liên quan đến đất đai ngày càng nhiều và phức tạp (chiếm tới hơn 90% tổng số vụ khiếu kiện). Bài viết phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại về đất đai, đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại ở lĩnh vực này.

Từ khóa: Khiếu nại; khiếu kiện; đất đai; quản lý nhà nước; giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Khiếu nại đất đai là một bộ phận của khiếu nại hành chính, được hiểu là việc các chủ thể sử dụng đất đai đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính theo quy định của pháp luật, khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình quản lý, sử dụng đất. Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ: “Người sử dụng đất, có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai”.

2. Một số nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại về đất đai

Thứ nhất, do sự thay đổi về chủ sử dụng đất.

Chính sách đất đai theo yêu cầu của từng thời kỳ đã dẫn đến những biến động lớn về chủ sử dụng đất. Mặc dù pháp luật về đất đai (Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003) không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai nhưng nhiều người vẫn tranh chấp hoặc khiếu nại để đòi đất cũ của mình.

Thứ hai, do sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai.

Hệ thống pháp luật đất đai trong thời gian dài đã né tránh việc giải quyết một số quan hệ về đất đai, dẫn tới tồn đọng số vụ việc cần giải quyết và gây ra sự vận dụng khác nhau giữa các địa phương khi giải quyết cùng một vụ việc. Từ chỗ pháp luật công nhận nhiều hình thức sở hữu đất đai chuyển sang quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, sau đó lại quy định người sử dụng đất có đầy đủ các quyền. Do vậy, việc nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật của cán bộ và người dân hạn chế, hoặc không đầy đủ và quan niệm về chế độ sở hữu tư nhân về đất đai trong nhân dân vẫn còn tồn tại. Việc ban hành văn bản pháp luật về đất đai theo từng giai đoạn lịch sử, sự phát triển của đất nước nên thiếu đồng bộ và còn chồng chéo, thiếu công bằng. Người hưởng chính sách sau được lợi hơn người hưởng chính sách trước. Từ đó dẫn đến so bì, khiếu kiện.

Thứ ba, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đất đai đang bộc lộ nhiều bất cập trên nhiều phương diện.

(1) Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đất đai chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện sở hữu toàn dân về đất đai và quyền của người sử dụng đất đã được pháp luật công nhận. Điều đó dẫn tới việc Nhà nước thực hiện quyền thu hồi đất và tạo vốn từ quỹ đất mà chưa quan tâm đầy đủ lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, đặc biệt là trong việc định giá đất bồi thường, xử lý mối tương quan giữa giá đất thu hồi với giá đất tái định cư (thu hồi theo giá Nhà nước quy định quá thấp, giao đất tái định cư lại theo giá gần sát giá thị trường).

(2) Việc bảo đảm mối quan hệ giữa lợi ích của xã hội với lợi ích của những người có đất bị thu hồi, thường chỉ nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc giải phóng mặt bằng để có được dự án, chưa chú ý những vấn đề xã hội nảy sinh sau khi thu hồi đất, dẫn tới không bảo đảm điều kiện tái định cư, không có phương án tích cực về giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi, nhất là đối với nông dân không còn hoặc còn ít đất sản xuất hoặc những người không còn việc làm như nơi ở cũ.

(3) Việc giải quyết mối quan hệ về lợi ích giữa nhà đầu tư cần sử dụng đất với người có đất bị thu hồi. Thường nhấn mạnh đến môi trường đầu tư, nóng vội giải phóng mặt bằng để giao đất, cho thuê đất. Việc quy định giá đất quá thấp so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tuy có tác động tích cực tới việc khuyến khích nhà đầu tư nhưng lại gây ra những phản ứng gay gắt của những người có đất bị thu hồi.

(4) Tình trạng chưa kịp thời điều chỉnh giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thực hiện dự án có liên quan đến nhiều tỉnh hoặc việc cho người có nhu cầu sử dụng đất phát triển các dự án tự thoả thuận bồi thường với người dân đang sử dụng đất, người được giao đất muốn giải phóng mặt bằng nhanh đã chấp nhận giá bồi thường cao hơn quy định của Nhà nước làm cho mức bồi thường chênh lệch trên cùng một khu vực, từ đó phát sinh khiếu nại.

(5) Công tác quy hoạch, thu hồi đất nông nghiệp để giao cho các nông trường, lâm trường, các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng hạ tầng trong nhiều trường hợp chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, tính khả thi thấp dẫn tới tình trạng thu hồi đất nhưng không sử dụng, sử dụng không có hiệu quả, trong khi nông dân thiếu đất hoặc không còn đất sản xuất, đời sống khó khăn. Đối với một số dự án còn có tình trạng áp dụng pháp luật thiếu công bằng giữa những trường hợp có điều kiện tương tự.

(6) Một số cơ quan, địa phương và người có thẩm quyền không chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, như: ra thông báo giải phóng mặt bằng mà không có quyết định thu hồi đất; không thông báo trước về kế hoạch, phương án thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi; cưỡng chế giải phóng mặt bằng trong khi chưa bố trí nơi tái định cư; quyết định thu hồi đất không đúng thẩm quyền; thu hồi đất để sử dụng vào mục đích trái quy hoạch đã được xét duyệt.

(7) Việc thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ việc quy hoạch phát triển đô thị và các khu công nghiệp nhiều nơi chưa cân nhắc, tính toán đồng bộ, toàn diện, dẫn đến trường hợp người dân bị thu hồi gần hết hoặc hết đất sản xuất, được bồi thường bằng tiền (không có đất khác để giao), giá trị thấp, việc chuyển đổi nghề nghiệp là rất khó khăn do trình độ hạn chế dẫn đến thất nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn, phát sinh các tệ nạn xã hội và dẫn đến khiếu kiện.

Thứ tư, do công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai còn hạn chế.

Sau khi có Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhiều địa phương chưa kịp thời ban hành đủ các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hoá thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh để triển khai; nhiều địa phương vẫn chưa nắm chắc những đổi mới, những quy định mới của pháp luật về đất đai nên vẫn còn áp dụng những quy định cũ đã bị huỷ bỏ hoặc thay thế, nhiều trường hợp áp dụng sai quy định. Những bất cập này đã tạo nên những vụ việc khiếu kiện mới về đất đai.

Công tác quản lý đất đai cũng còn nhiều bất cập, hồ sơ địa chính chưa được quan tâm đúng mức, đầy đủ dẫn đến không đủ cơ sở cho việc quản lý đất đai. Công tác quy hoạch sử dụng đất chậm, việc chỉnh lý biến động đất đai không được theo dõi, cập nhật thường xuyên dẫn đến việc tham mưu không đầy đủ, thiếu chính xác trong quy hoạch, thu hồi đất và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai.

Nhiều địa phương chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, dẫn tới tuỳ tiện trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chưa đầu tư kinh phí thoả đáng để xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, bảo đảm quản lý chặt chẽ đối với từng thửa đất. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm và trong một số trường hợp không chính xác.

Công tác kiểm tra, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, trong đó công tác hậu kiểm đối với các dự án, công trình sau khi được giao đất, cho thuê đất ít được các địa phương chú ý. Tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, không đúng tiến độ, không đầu tư theo dự án mà chỉ chờ chuyển nhượng kiếm chênh lệch giá ít được phát hiện và xử lý kịp thời.

Việc giao đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng, giao sai diện tích, vị trí, sử dụng tiền thu từ đất sai quy định của pháp luật hoặc người sử dụng đất đã làm đủ các nghĩa vụ theo quy định nhưng không được hợp thức quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là những nguyên nhân tạo thành khiếu kiện đông người, thành các đoàn khiếu kiện đến các cơ quan Trung ương. Sự yếu kém, bất cập trong công tác quản lý đất đai cùng với một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có những hành vi vụ lợi trong quản lý, sử dụng đất đai, nhũng nhiễu, thiếu công tâm là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh những khiếu nại, tranh chấp về đất đai.

Thứ năm, do công tác giải quyết khiếu nại về đất đai còn bất cập.

Nhiều địa phương chưa làm tốt việc tiếp dân, nhận đơn, chưa hướng dẫn cụ thể theo pháp luật về việc nộp đơn để tình trạng người đi khiếu kiện nhiều nơi; chưa tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, thậm chí né tránh, đùn đẩy. Nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng nhưng việc tổ chức thi hành quyết định không nghiêm, cơ quan ra quyết định thiếu kiểm tra, đôn đốc kịp thời để giải quyết dứt điểm; một số vụ việc đã có kết luận hoặc quyết định giải quyết nhưng không có tính khả thi trong tổ chức thi hành dẫn tới phát sinh những khiếu kiện mới phức tạp hơn.

Các vụ việc đã được giải quyết nhưng việc tổ chức thực hiện chưa tốt, thiếu kiểm tra, đôn đốc kịp thời để khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc, làm phát sinh những quan hệ khiếu kiện mới phức tạp hơn. Một số địa phương sau khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng cho rằng đã hết trách nhiệm, nhiều trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có sai sót không được sửa đổi, bổ sung do đó gây tâm lý ngờ vực về chính quyền địa phương giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và người dân tiếp tục khiếu nại.

Đất đai là vấn đề phức tạp, đã và đang phát sinh nhiều khiếu kiện, nhưng tổ chức và cơ chế giải quyết khiếu kiện thiếu ổn định và nhìn chung bất cập so với yêu cầu thực tế. Giải quyết một vụ khiếu nại đòi hỏi phải có các bước điều tra, nghiên cứu, kết luận và thi hành kết luận (tương tự như một vụ án hành chính hoặc vụ án dân sự), do đó, cần một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên trách. Nhưng công tác giải quyết khiếu nại hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm. Khiếu nại về đất đai chủ yếu nảy sinh ở cấp huyện nhưng bộ máy thụ lý ở cấp này lại không tương ứng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp là người chủ trì, chịu trách nhiệm chính về quyết định giải quyết khiếu nại nhưng lại phải lo mọi việc của địa phương nên khó có điều kiện chuyên tâm về việc này. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giải quyết khiếu nại chậm chạp, thiếu dứt điểm, chất lượng thấp, tái khiếu kiện nhiều.

Mặt khác, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý đất đai; Bộ Tài chính quản lý chính sách tài chính về đất đai; Bộ Xây dựng quản lý về nhà ở. Tại các tỉnh, thành phố, việc phân công thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai không thống nhất, có nơi giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì, có nơi lại giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Ở cấp huyện, có nơi giao cho Thanh tra huyện, có nơi giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường. Thậm chí có địa phương vừa giao cho Thanh tra, lại vừa giao cho cơ quan Tài nguyên và Môi trường. Tình trạng này đã gây khó khăn cho công dân và lúng túng trong việc xác định thẩm quyền tham mưu giải quyết.

Hệ thống pháp luật quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu đồng bộ. Luật Khiếu nại, tố cáoLuật Đất đai có các quy định không thống nhất trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về mối quan hệ trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa cơ quan hành chính và tòa án nhân dân, giữa Bộ quản lý chuyên ngành và Thanh tra Chính phủ. Thẩm quyền giải quyết giữa cơ quan hành chính và cơ quan tòa án chưa cụ thể, rõ ràng nên nhiều trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần giữa Toà án nhân dân và Ủy ban nhân dân nhưng vẫn không được tiếp nhận để giải quyết. Việc phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa được chặt chẽ và thống nhất, còn đùn đẩy trách nhiệm, có nhiều vụ việc còn có ý kiến khác nhau làm cho công dân tiếp kiện kéo dài. Một số địa phương trước những vấn đề phức tạp đã không nghiên cứu kỹ chính sách, pháp luật và vận dụng cụ thể vào tình hình thực tế để giải quyết mà dựa dẫm vào việc xin ý kiến giải quyết của các cơ quan Trung ương.

Một nguyên nhân nữa là do văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nhưng còn nhiều vấn đề chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là xác định trường hợp được hoặc không được đền bù, xác định loại đất để đền bù.

3. Một số giải pháp

Một là, xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, đưa thông tin giá đất và thuế đất vào hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, thực hiện cập nhật hằng năm cho từng thửa đất. Đẩy mạnh sử dụng tin học hóa trong cập nhật, lưu trữ và số hóa các dữ liệu, thông tin đất đai. Tất cả các thửa đất (kể cả thửa đất đã đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thửa đất chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận) đều phải thực hiện đăng ký thông tin đất đai để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cập nhật và lưu trữ thông tin đất đai; quyền lợi của người dân chỉ được xem xét bảo hộ khi đã đăng ký thông tin đất đai.

Hai là, quy định rõ thủ tục và điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những người sử dụng đất không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất đai để khắc phục tình trạng bất hợp lý đang tồn tại hiện nay là những người sử dụng đất lấn chiếm thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không phải nộp tiền sử dụng đất trong khi người được cơ quan phân chia nhà đất lại phải qua nhiều thủ tục phức tạp để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất nhiều hơn người lấn chiếm đất lưu không.

Ba là, bổ sung quy định về điều chỉnh lại quyền sử dụng đất, tái phân lô nhằm quy hoạch lại đất đai trong một khu vực nhất định để thực hiện dự án đầu tư, trên cơ sở sự đồng thuận của người sử dụng đất về việc điều chỉnh lại toàn bộ hoặc một phần diện tích đất thuộc quyền sử dụng của mình trong khu vực đó. Việc điều chỉnh lại quyền sử dụng đất được áp dụng trong dồn điền, đổi thửa đối với đất sản xuất nông nghiệp; chỉnh trang, phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, đầu tư phát triển hạ tầng chung cho khu vực cộng đồng dân cư hoặc khu vực sản xuất; tạo diện tích đất dôi dư sau khi đã điều chỉnh quyền sử dụng đất dùng để đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn cải tạo, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trong khu vực dự án. Quy định xử lý phần diện tích đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp có nguồn từ ngân sách nhà nước, cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm trong phạm vi ranh giới dự án điều chỉnh quyền sử dụng đất.

Bốn là, sửa đổi, bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình để sản xuất – kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư ổn định, lâu dài vào sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời người dân yên tâm trao ruộng đất cho các doanh nghiệp sử dụng dưới các hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Năm là, bổ sung các quy định về tích tụ đất đai là việc tăng diện tích đất của người sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển quyền sử dụng đất để mở rộng sản xuất; quy định về tập trung đất đai là việc tăng quy mô về diện tích đất đai nhưng không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất để phân biệt với các hành vi tập trung đất đai để đầu cơ.

Sáu là, sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; cần có cơ chế mở rộng đối tượng và quy định cụ thể về việc đối với việc nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại đất (đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thuỷ sản và đất làm muối). Bổ sung quy định về thời hạn giao đất sản xuất nông nghiệp sẽ được tự động kéo dài thêm chu kỳ bằng thời hạn giao mới nhằm khuyến khích tập trung đất đai và yên tâm đầu tư các máy móc, thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, các cơ sở chế biến, bảo quản phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách ổn định lâu dài.

Bảy là, sửa đổi, bổ sung quy định để phân biệt đất tôn giáo và đất kinh doanh du lịch tâm linh để tránh tình trạng lợi dụng chính sách đất dành cho tôn giáo được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để đầu tư kinh doanh. Bổ sung làm rõ quy định về đất quy hoạch cho mục đích du lịch dịch vụ dùng để xây dựng cơ sở lưu trú du lịch, đất để xây dựng khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà nghỉ du lịch và đất để xây dựng cơ sở lưu trú du lịch khác đều phải quản lý là đất du lịch dịch vụ, tránh tình trạng lợi dụng chuyển đất du lịch dịch vụ thành đất ở dưới các hình thức căn hộ du lịch, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Khiếu nại.
2. Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
3. Nguyễn Hạnh. Hoàn thiện thủ tục pháp lý về giải quyết khiếu nại của công dân. Luận án tiến sĩ Luật, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2005.
4. Nguyễn Văn Hậu. Chỉ dẫn pháp luật khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai. H. NXB Tư pháp, 2010.
5. Nguyễn Tuấn Khanh. Bảo đảm pháp lý thực hiện quyền khiếu nại của công dân ở nước ta hiện nay. Luận án tiến sĩ Luật học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2013.
6. Hoàng Ngọc Dũng. Giải quyết khiếu nại hành chính trong công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ Hành chính công, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội, 2015.
7. Võ Phan Lê Nguyễn. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại về đất đai. Luật án tiến sĩ Luật học, Đại học Luật, TP. Hồ Chí Minh, 2018.
8. Lê Thị Thúy. Đối tượng của khiếu nại hành chính – Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Báo cáo tổng thuật, Đề tài khoa học cấp bộ, 2018.
9. Nguyễn Quốc Hoàng. Thực trạng tranh chấp, khiếu nại đất rừng, đất nông lâm trường ở khu vực Tây Nguyên và một số giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết. Báo cáo tổng thuật – Đề tài khoa học cấp cơ sở, 2019.
10. Cao Văn Thống. Nâng cao vai trò của cấp ủy đảng trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Báo cáo tổng thuật kết quả nghiên cứu – Đề tài khoa học cấp bộ, 2021.
11. Nguyễn Thị Phượng. Kiểm soát thị trường bất động sản dưới góc độ quản lý nhà nước. Tạp chí Quản lý nhà nước, số tháng 9/2022, tr 76-81.
12. Hoàng Văn Biên. Tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã – Thực trạng và giải pháp. Báo cáo tóm tắt và tập hợp nội dung nghiên cứu – Đề tài khoa học cấp cơ sở, 2022.