Thiếu tá Trần Hồng Quang
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là dấu son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, các hiện vật trong cuộc chiến thắng lẫy lừng đó đang được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ, trưng bày và minh chứng thể hiện Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa to lớn, là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ khóa: Bảo tồn; phát huy giá trị hiện vật; Chiến thắng Điện Biên Phủ; Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
1. Mở đầu
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21/7/1954), kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Để lưu giữ và bảo tồn các giá trị hiện vật của chiến thắng vẻ vang này, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được thành lập ngày 17/7/1956 với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Quân đội, có chức năng sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, tư liệu phản ánh lịch sử quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương – An Dương Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh.
2. Một số hiện vật giá trị về Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong không gian rộng hơn 20.000 m2, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày gần 3.000 hiện vật theo tiến trình lịch sử, không gian trưng bày được bố cục thành các giai đoạn: lịch sử quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương – An Dương Vương cho đến trước năm 1930; kháng chiến chống thực dân Pháp; kháng chiến chống Mỹ; lịch sử quân sự Việt Nam từ năm 1975 đến nay. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn trưng bày nhiều chuyên đề, gồm: (1) Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến; (2) Vũ khí thô sơ tự tạo trong chiến tranh giải phóng 1945 – 1975; (3) Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 6 bảo tàng quốc gia, đồng thời cũng là địa chỉ tin cậy cho cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế đến tham quan, tìm hiểu lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi được thành lập, Bảo tàng không ngừng nghiên cứu, sưu tầm 484 tài liệu, hiện vật trong đó có 115 hiện vật là tang vật thu được của Pháp tại Điện Biên phủ1.
Một trong những điểm nhấn của phần trưng bày kháng chiến chống thực dân Pháp là phòng trưng bày với chủ đề về Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1954. Tại chủ đề này, hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu2 được chọn lọc, trưng bày logic, khoa học phản ánh chân thực và khái quát nhất về đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam; bối cảnh, diễn biến, kết quả và những thông tin lịch sử chính xác, đầy đủ về chiến thắng “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử” của quân và dân ta, sự trưởng thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tài liệu hiện vật đa dạng về chủng loại, chất liệu: giấy, vải, kim loại,… với đầy đủ kích thước, trọng lượng đã khắc họa sinh động về âm mưu của Pháp, chủ trương của Đảng, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của chiến thắng.
Trong số những hiện vật được trưng bày phải kể tới một số hiện vật tiêu biểu3, như:
(1) Bộ bàn ghế được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương sử dụng trong cuộc họp quyết định chủ trương chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 tại chiến khu Việt Bắc tháng 9/1953;
(2) Khẩu pháo 105mm do Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 thu được trong trận đánh cứ điểm Nghĩa Lộ (Chiến dịch Tây Bắc) ngày 18/10/1952. Sau đó, pháo được trang bị cho Đại đội 119, Đại đoàn Công pháo 351. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo được trang bị cho Khẩu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 806. Đây là khẩu pháo tiêu biểu được Đại đoàn 351 đề xuất lựa chọn là khẩu pháo bắn loạt đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam ngày 13/3/1954, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
(3) Sơn pháo 75mm, Khẩu đội 1 do đội trưởng Phùng Văn Khầu (từ 30/3 đến 7/5/1954) chỉ huy khẩu đội chiến đấu trên đồi E đã phá hủy 1 lô cốt, 5 khẩu pháo 105mm, 6 khẩu đại liên, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu thắng lợi;
(4) Dây chão kéo pháo của Đại đội 804, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 45, Đại đoàn Công pháo 351 dùng kéo pháo vào trận địa. Tuy nhiên, cuối tháng 01/1954, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh mặt trận Biện Biên Phủ quyết định chuyển phương châm chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, ra lệnh cho bộ đội trong toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Kéo pháo vào đã nhiều gian khổ, kéo pháo ra lại càng gay go ác liệt hơn. Quá trình kéo pháo vào và kéo pháo ra, Đại đoàn 351 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các khẩu pháo bảo đảm an toàn tuyệt đối, dây chão kéo pháo minh chứng chiến công lẫy lừng của cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 351 tại Điện Biên Phủ.
(5) Mũ nan của chiến sĩ Trần Can thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 sử dụng chiến đấu ở cứ điểm Him Lam, điểm cao 501, Đồi C1 từ ngày 13/3/1954;
(6) Xe đạp thồ của anh Ma Văn Thắng, dân công Phú Thọ đã chở 370kg/chuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, việc cung cấp và tiếp tế được coi là vấn đề khó khăn nhất vì khoảng cách giữa tiền tuyến và hậu phương xa nhau hàng trăm km, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở. Từ tháng 01 – 4/1954, Anh đã chở 3.700kg hàng hóa với tổng chiều dài 2.100 km đường rừng núi, chiếc xe anh sử dụng để phục vụ chiến dịch đã trở thành chiếc xe đạp thồ có năng suất cao nhất Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhiều tang vật, chiến lợi phẩm bộ đội ta đã thu được của sĩ quan, binh lính Pháp, gồm: ba tong, cặp da do chiến sĩ Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 thu được của tướng De Castries tại Điện Biên Phủ, năm 1954; cầu vai, phù hiệu, cuống huân huy chương được bộ đội Việt Nam thu được của sĩ quan, binh lính Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954; nắp xe tăng của loại xe tăng 18 tấn do Mỹ sản xuất, trang bị cho quân đội Pháp, bị bộ đội Việt Nam bắn cháy tại Đồi A1, ngày 06/5/1954; Súng phun lửa do Mỹ sản xuất, viện trợ cho quân đội Pháp, bị bộ đội Việt Nam thu được tại đồi C2 (phía Đông Mường Thanh, Điện Biên Phủ) ngày 06/5/1954.
Thông qua các hình ảnh, tài liệu, hiện vật được trưng bày giúp các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử, du khách trong nước và quốc tế hiểu thêm về “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Qua đó, giúp du khách hiểu hơn về tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954), một trong những chiến thắng mang ý nghĩa thời đại của dân tộc Việt Nam, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam.
3. Đề xuất một số biện pháp trong công tác bảo quản hiện vật hiện nay
Nhằm bảo vệ trạng thái nguyên gốc cho các hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày, tránh được những tác động từ môi trường nhiệt đới nóng ẩm, trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã có nhiều chủ trương, biện pháp trong công tác bảo quản hiện vật nhằm kéo dài tuổi thọ cho hiện vật, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các hiện vật này đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, cụ thể là:
Thứ nhất, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học vào bảo quản như: số hóa tài liệu, sử dụng hệ thống máy tính quản lý, khai thác thông tin.
Thứ hai, loại hình hiện vật quân sự có tính đặc thù riêng nên khi tiến hành bảo quản trị liệu bất kỳ hiện vật nào cần có sự tư vấn, tham mưu của các chuyên gia kỹ thuật về các chất liệu (bông vải sợi, giấy, kim loại sắt, cao su, tranh sơn dầu), là cơ sở khoa học để cán bộ bảo quản xác định quy trình bảo quản phù hợp cho mỗi loại hình hiện vật.
Thứ ba, tiến hành công tác bảo quản trị liệu hiện vật phải tuân thủ quy trình gồm sáu giai đoạn sau: (1) Khảo sát lựa chọn những hiện vật hư hại, xuống cấp cần tiến hành bảo quản, xây dựng kế hoạch bảo quản; (2) Phân tích, đánh giá hiện trạng và nguyên nhân gây hư hại trên hiện vật; (3) Xây dựng quy trình bảo quản hiện vật; (4) Thực hiện phép thử cần thiết trước khi bảo quản đại trà; (5) Bảo quản hiện vật theo quy trình đã được phê duyệt, tư liệu hóa quá trình bảo quản hiện vật; (6) Nghiệm thu đánh giá kết quả bảo quản.
Thứ tư, những hiện vật quý, độc bản, dễ bị tổn thương được bảo quản trong chế độ đặc biệt, đồng thời phục chế nguyên bản phục vụ công tác trưng bày.
Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị hiện vật đối với cán bộ, nhân viên trong bảo tàng và khách thăm quan nhằm hạn chế tác động làm tổn thương đến hiện vật.
Bên cạnh việc giữ gìn tính nguyên gốc của hiện vật, công tác bảo tồn còn nghiên cứu giá trị phi vật thể của hiện vật, tức là nghiên cứu nội dung lịch sử và những câu chuyện xung quanh của hiện vật để bổ sung thông tin, xây dựng thành các sưu tập hiện vật phục vụ công tác tuyên truyền.
4. Kết luận
Các hiện vật đang được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lưu giữ, trưng bày còn minh chứng thể hiện Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa to lớn, là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, son sắt giữa quân đội, nhân dân 3 nước Đông Dương và sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Trong thời gian tới, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu, hiện vật của “Chiến thắng Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm bổ sung thêm nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật để đưa vào trưng bày Bảo tàng tại vị trí mới; đồng thời, tổ chức nhiều cuộc triển lãm lưu động tại các cơ quan, đơn vị, trường học để tuyên truyền cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu thêm ý nghĩa to lớn của sự kiện lịch sử. Bên cạnh đó sẽ thiết lập lịch trình du lịch tham quan với các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ quan lữ hành; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đội ngũ hướng dẫn viên. Qua đó, góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng và lịch sử quân sự Việt Nam nói chung đến Nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế, thể hiện sự tri ân và tôn vinh những đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chú thích:
1, 2, 3. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh. Pháo binh nhân dân Việt Nam – Những chặng đường chiến đấu. Tập 1. H. NXB Quân đội Nhân dân, 1982.
2. Hữu Mai. Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử. H. NXB Thông tin và Truyền thông, 2018.
3. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 – Sư đoàn 312. Lịch sử Sư đoàn 312 (1950 – 2010). H. NXB Quân đội Nhân dân, 2010.
4. Nguyễn Văn Thiết – Lê Xuân Thành. Chiến dịch Điện Biên Phủ – Sự kiện và con số. H. NXB Quân đội Nhân dân, 2014.
5. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Kỷ vật Anh hùng Điện Biên. H. NXB Quân đội Nhân dân, 2014.