Các yếu tố ảnh hưởng đến bảo đảm chất lượng đào tạo và quản trị chương trình liên kết bậc cử nhân tại Trường Đại học Văn Lang

Lê Thị Minh Tâm
Trường Đại học Văn Lang

(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo các chương trình liên kết cử nhân tại Trường Đại học Văn Lang; đồng thời, sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp nghiên cứu định lượng dựa trên lý thuyết và các nghiên cứu trước, thu thập số liệu, phỏng vấn chuyên gia khi thu thập các ý kiến đánh giá về chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết tại Trường Đại học Văn Lang.

Từ khóa: Hợp tác quốc tế; chương trình liên kết; đào tạo cử nhân; chất lượng đào tạo; Trường Đại học Văn Lang.

1. Tổng quan về các chương trình liên kết cử nhân tại Trường Đại học Văn Lang

Trường Đại học Văn Lang được thành lập theo Quyết định số 71/TTg ngày 27/01/1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trải qua gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Văn Lang đã không ngừng phát triển, hoàn thiện cả về chất và lượng, trở thành một trong những nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong các lĩnh vực cho khu vực phía Nam.

Trường Đại học Văn Lang đã phát triển các chương trình liên kết quốc tế từ năm 2019. Hiện nay, Trường có hơn 10 chương trình liên kết bậc cử nhân theo mô hình chuyển tiếp và học toàn bộ thời gian tại Việt Nam; chương trình giảng dạy toàn bộ bằng tiếng Anh và học theo chương trình của đối tác cung cấp; giảng viên tham gia giảng dạy phải đáp ứng được yêu cầu của các trường đối tác.

Thời gian qua, Trường Đại học Văn Lang (VLU) đã đẩy mạnh phát triển quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực liên kết đào tạo bậc cử với các đối tác đến từ Vương quốc Anh, Australia và Mỹ. Từ chương trình liên kết đầu tiên với Đại học Victoria (Australia) với chuyên ngành Quản trị kinh doanh, đến nay, Trường đã có tổng cộng gần 10 chương trình liên kết quốc tế.Các chương trình cử nhân liên kết đào tạo được triển khai tại Trường Đại học Văn Lang đều là những chương trình có uy tín, chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các chương trình cử nhân liên kết tại Trường Đại học Văn Lang

Hiện nay, Viện Đào tạo quốc tế là đơn vị duy nhất thuộc Trường Đại học Văn Lang triển khai các chương tính liên kết bậc cử nhân này. Đặc điểm chung là ngôn ngữ giảng dạy toàn bộ bằng tiếng Anh, chương trình có sự tham gia giảng dạy của các giảng viên đối tác nước ngoài. Sinh viên theo học phải tuân thủ bảo đảm mọi yêu cầu quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, như: trình độ ngoại ngữ tương đương trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu và phải tốt nghiệp Trung học phổ thông.

2.1. Thiết kế khảo sát

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp kết hợp giữa nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, dựa trên lý thuyết và các nghiên cứu trước, tiến hành thu thập số liệu, xây dựng mô hình theo sơ đồ nghiên cứu sau:

Nghiên cứu được tiến hành qua hai giai đoạn: (1) Nghiên cứu định tính (xây dựng bảng câu hỏi phỏng vấn) nhằm bổ sung thêm cho phần thảo luận kết quả; (2) Nghiên cứu định lượng (xây dựng bảng câu hỏi khảo sát) nhằm thu thập thông tin để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và xây dựng mô hình hồi quy.

2.2. Đối tượng khảo sát:

Theo hai chuyên gia Trọng & Ngọc (2005), cỡ mẫu hay số quan sát ít nhất phải bằng 4 hay 5 lần số biến trong phân tích nhân tố. Trong nghiên cứu này, tác giả chọn cỡ mẫu khảo sát dự kiến là 100 với tổng số 117 bài phỏng vấn được phát ra. Sau khi thu về loại bỏ những phiếu không đạt yêu cầu thì còn 104 bài phỏng vấn được dùng trong nghiên cứu định lượng. Đối tượng tham gia nghiên cứu khảo sát là 90 sinh viên chương trình liên kết bậc cử nhân tại Trường Đại học Văn Lang. Ngoài ra, còn phỏng vấn 14 cán bộ và giảng viên tham gia công tác quản lý và giảng dạy cho cả chương trình liên kết cử nhân.

a. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo

Dựa trên nền tảng lý thuyết về thang đo CEQ (Course Experience Questionnaire) do Ramsden đề xuất trong nghiên cứu đánh giá chất lượng giáo dục Australia, tác giả chia thành 5 thang đo với tổng cộng là 32 biến quan sát. Nền tảng lý thuyết về thang đo CEQ đã được chỉnh sửa thông qua nghiên cứu định tính cho phù hợp với tình hình thực tế tại Trường Đại học Văn Lang – 5 thang đo gồm:

(1) Tổ chức giảng dạy và học tập;

(2) Nguồn lực học tập;

(3) Mục tiêu và tiêu chuẩn rõ ràng;

(4) Phát triển kỹ năng chung;

(5) Chất lượng tốt nghiệp.

b. Chất lượng đào tạo các chương trình liên kết

Qua khảo sát, sinh viên cảm thấy hài lòng về chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết đang triển khai tại Trường Đại học Văn Lang. Hoạt động đào tạo có chất lượng đã đáp ứng được những kỳ vọng của sinh viên và nhu cầu của xã hội.

3. Đánh giá chung về những yếu tố tác động đến chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết tại Trường Đại học Văn Lang

3.1. Tổ chức giảng dạy và học tập

Việc đánh giá công tác tổ chức giảng dạy và học tập được thống kê mô tả theo nhóm biến thứ nhất (Statistic).

Bảng 2.  Thống kê mô tả cho nhóm biến thứ nhất – Statistic

 C21C24C25C26C27
NValid104104104104104
Missing00000
Mean2.862.862.892.842.82
Mode33333
Std. Deviation1.1121.1021.1031.0981.101

Qua phân tích thống kê mô tả cho thấy, sinh viên luôn nhận được những thông tin, được tư vấn kỹ lưỡng để chọn được chuyên ngành học phù hợp. Các môn học trong các chương trình đều được thiết kế rõ ràng, có gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn. Chương trình học hoàn toàn do các trường đối tác thiết kế. Mỗi một môn học đều có giáo trình đầy đủ. Sinh viên được cung cấp giáo trình, tài liệu học tập rõ ràng ngay từ lúc làm thủ tục nhập học. Ngoài ra, với mỗi môn học, sinh viên đều nhận được tài liệu bài giảng do giảng viên biên soạn và gửi trước khi môn học bắt đầu. Số lượng các môn học trong chương trình hợp lý, không quá nhiều môn và thời gian học thuận tiện cho sinh viên. Giảng viên tham gia giảng dạy đều có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ trở lên với đúng chuyên môn, chuyên ngành. Tất cả giảng viên đều được đối tác nước ngoài tuyển chọn để tham gia giảng dạy cho chương trình.

3.2. Nguồn lực học tập

Các yếu tố được gọi là nguồn lực học tập, bao gồm: cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho việc học và dạy; đội ngũ giảng viên và tài liệu học tập. Về cơ sở vật chất, đa số học viên hài lòng với cơ sở vật chất cho các chương trình liên kết. Thực tế cho thấy, Trường Đại học Văn Lang đã trang bị một số phòng học hiện đại cho các chương trình liên kết. Những phòng học này được trang bị hệ thống wifi với tốc độ truy cập nhanh, bàn ghế hiện đại giúp sinh viên dễ dàng di chuyển khi tham gia các hoạt động cặp hay nhóm do giảng viên yêu cầu trên lớp. Hệ thống công cụ trợ giảng, như: loa, đài, máy chiếu, máy tính…tại các phòng học cũng được sinh viên đánh giá cao và hài lòng. Trường cũng cung cấp cho sinh viên mã thẻ thư viện để sinh viên có thể truy cập hay mượn tài liệu học tập phù hợp với môn học của mình. Tuy nhiên, một số sinh viên cũng có ý kiến nên bố trí cán bộ thư viện làm việc thêm ngày Chủ nhật để thuận lợi cho sinh viên mượn tài liệu học tập, sách… Nguồn tài liệu trong thư viện đáp ứng được nhu cầu của học viên và được đánh giá chủ yếu là trên mức 3.25.

Bảng 3.  Thống kê mô tả cho nhóm biến thứ hai

 C32C33C34C35C36C15
NValid104104104104104104
Missing000000
Mean2.732.732.732.732.732.73
Mode43.333.254.014
Std. Deviation1.3681.3681.3681.3681.3681.368

3.3. Mục tiêu và tiêu chuẩn rõ ràng

Trong đánh giá về yếu tố mục tiêu và tiêu chuẩn rõ ràng sẽ tác động đến chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết của Trường.

Bảng 4. Thống kê mô tả cho nhóm biến thứ ba

 C51C52C53C31C35
NValid104104104104104
Missing00000
Mean6.406.446.446.416.42
Mode7.57.5777
Std. Deviation.826.825.826.824.834

Ở bảng 4, các biến liên quan đến mục tiêu và tiêu chuẩn được đánh giá cực kỳ tốt, phổ biến nhất là 7 và trung bình đều trên 6, trong đó thể hiện rõ ở các biến: sinh viên nắm rõ mục tiêu đào tạo của chương trình (cụ thể trước khi nộp hồ sơ dự tuyển, sinh viên đã tìm hiểu và nắm rõ nội dung chương trình học, ngôn ngữ giảng dạy và các vấn đề khác liên quan đến mục tiêu đào tạo của từng chương trình); xác định rõ được động cơ học tập (phục vụ cho công việc và nâng cao kiến thức).

3.4. Phát triển kỹ năng chung

Đối với yếu tố phát triển kỹ năng cũng được đánh giá theo bảng 5 dưới đây:

Bảng 5. Thống kê mô tả cho nhóm biến thứ tư

  C81C82C83C84C85C86C88
NValid104104104104104104104
Missing0000000
Mean3.853.873.893.843.843.853.84
Mode4444444
Std. Deviation.987.9931.0131.1021.008.9821.010

Từ kết quả phân tích ở bảng 5, việc phát triển kỹ năng của sinh viên là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết. Hầu hết, sinh viên tham gia khảo sát đều cho rằng, trong chương trình cử nhân mà họ theo học đều được truyền đạt kiến thức chuyên môn lẫn thực tiễn trong các bài giảng. Hơn nữa, ở một số chương trình, sinh viên còn được tham dự các chuyến đi thực tế tại các công ty, doanh nghiệp; được chia sẻ quan điểm của mình với các chuyên gia và báo cáo viên trong chương trình học tại Trường.

3.5. Chất lượng tốt nghiệp

Chất lượng tốt nghiệp được giải thích bởi các biến quan sát: những gì sinh viên được học có giá trị cho tương lai của sinh viên. Các sinh viên đều hài lòng với nội dung chương trình họ theo học; quá trình học khuyến khích học viên đánh giá được năng lực thế mạnh; sinh viên áp dụng những kiến thức được học vào công việc; chương trình học giúp sinh viên tự tin để khám phá và khai thác những vấn đề mới. Các biến này được sinh viên đánh giá ở mức độ khá. Kết quả sinh viên thu được từ các chương trình liên kết có tính khả thi và ứng dụng tốt. Một số sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình liên kết đã được bổ nhiệm hay giữ các vị trí chủ chốt trong công ty, doanh nghiệp họ làm.

Bảng 6. Thống kê mô tả cho nhóm biến thứ năm

 C91C92C93C94C95C96
NValid104104104104104104
Missing000000
Mean3.863.863.863.863.863.86
Mode55555 
Std. Deviation1.0751.0891.0771.0831.0811.089

4. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các chương trình liên kết cử nhân tại Trường Đại học Văn Lang

4.1. Tri thức và cộng đồng học tập

– Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Quy định về tổ chức quản lý và triển khai các chương trình liên kết cử nhân của Nhà trường.

– Thường xuyên thăm dò ý kiến sinh viên về chương trình đào tạo và lấy ý kiến phản hổi của sinh viên về công tác giảng dạy của giảng viên, cơ sở vật chất… Việc này nên được triển khai hằng tháng để từ đó không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy phục vụ sinh viên.

– Cung cấp đầy đủ cho sinh viên các văn bản, thông tin liên quan đến quá trình học tập tại Trường qua website.

4.2. Nguồn lực học tập và cơ sở vật chất

– Thực hiện tốt quy chế mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản. Đầu tư mua sắm và sử dụng hiệu quả trang thiết bị nghe nhìn hiện đại: hệ thống âm thanh, máy chiếu đa năng trang bị cho các phòng học tiêu chuẩn tốt để bảo đảm môi trường học tập chuyên nghiệp, hiện đại.

– Tiếp tục đầu tư mua sắm tài liệu, giáo trình, phương tiện tra cứu để phục vụ tốt học tâp, nghiên cứu của cán bộ, học viên, sinh viên nhà trường.

– Tăng cường công tác quản trị mạng và hỗ trợ kỹ thuật máy tính: nâng cấp đường truyền Internet, máy chủ phục vụ hệ thống website giúp sinh viên có thể truy cập Internet tra cứu dữ liệu.

– Nâng cấp hệ thống thư viện dành cho các chương trình liên kết: cập nhật thường xuyên nhiều đầu sách chuyên ngành có giá trị và các tài liệu tham khảo, bao gồm: sách, báo, tạp chí trong nước và nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học viên, sinh viên và nghiên cứu của giảng viên.

– Hoàn thiện hệ thống thư viện điện tử để học viên, sinh viên có thể dễ dàng tra cứu cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc học.

– Nhà trường cần kiểm tra, rà soát lại những dụng cụ, thiết bị những thiết bị chưa đạt yêu cầu cần đầu tư thay thế, mua sắm mới trang thiết bị phải đồng bộ và gắn kết chặt chẽ giữa  lý  thuyết  với  thực  hành, sát với các lĩnh vực chuyên môn ngành học của sinh viên.

4.3. Tổ chức và giảng dạy

Trường Đại học Văn Lang không ngừng yêu cầu giảng viên phải luôn nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng tốt yêu cầu của từng chương trình liên kết khác nhau, đồng thời, tạo điều kiện để giảng viên có cơ hội tham gia các khóa học đào tạo cả ngắn và dài hạn tại các nước có nền giáo dục hiện đại và văn minh.

Tạo mối quan hệ thân thiết giữa thầy và trò: giúp giảng viên nâng cao kỹ năng sư phạm và hiểu thêm mức độ tiếp thu bài giảng của sinh viên, xác định, lựa chọn các phương tiện và phương pháp  giảng dạy phù hợp với các chương trình học khác nhau trên cơ sở nắm vững các ưu, nhược điểm của từng loại phương tiện và phương pháp giảng dạy để vận dụng cho phù hợp nhằm phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo của sinh viên.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy chế đào tạo nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý đào tạo và quản lý sinh viên nhằm xóa bỏ các hiện tượng gian lận, tiêu cực trong giảng dạy, học tập, thi cử.

5. Kết luận

Chất lượng đào tạo là một trong những tiêu chí tiên quyết đánh giá hiệu quả cũng như vị thế của các chương trình liên kết bậc cử nhân tại các cơ sở giáo dục đại học. Việc triển khai tốt và hiệu quả các chương trình liên kết giúp cho Trường Đại học Văn Lang thu hút được nhiều sinh viên và có thể cạnh tranh mạnh mẽ với các trường đại học khác trên cả nước. Qua đó thương hiệu và hình ảnh Trường Đại học Văn Lang đã trở nên gần gũi và quen thuộc đối với đông đảo sinh viên.

Để có thể nâng cao hiệu quả đào tạo các chương trình liên kết bậc cử nhân trong bối cảnh hội nhập quốc tế về giáo dục như hiện nay, việc xác định những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết bậc cử nhân tại Trường Đại học Văn Lang là một việc làm cần thiết, nhất là đối với đội ngũ làm công tác quản lý, lấy đó làm cơ sở để hoạch định những chiến lược, phát triển hội nhập về giáo dục, đi kịp xu hướng của thời đại.

Với đề tài “Những yếu tố ảnh hưởng đến bảo đảm chất lượng đào tạo và quản trị các chương trình liên kết bậc cử nhân tại Trường Đại học Văn Lang”, tác giả đã xác định được chất lượng đào tạo các chương trình liên kết chịu sự tác động của năm yếu tố khác nhau, như: việc tổ chức giảng dạy và học tập; nguồn lực học tập; mục tiêu và tiêu chuẩn rõ ràng; phát triển kỹ năng chung và chất lượng tốt nghiệp. Trên cơ sở đánh giá vai trò của từng nhân tố, nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện và phát triển hơn nữa các chương trình liên kết quốc tế ở bậc cử nhân, góp phần nâng cao vị thế và phạm vi ảnh hưởng của thương hiệu Trường Đại học Văn Lang.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Kim Dung. Khảo sát mức độ hài lòng của sinh viên về chất lượng giảng dạy và quản lý của một số trường đại học Viêt Nam. Viện nghiên cứu Giáo dục – Trường Đại học Sư phạm TP. HCM, ngày 07/4/2010.
2. Trần Văn Hoàng, Võ Khắc Thường, Lý Ngọc Yến Nhi, Trần Liên Hiếu. Những nhân tố tác động đến chất lượng đào tạo tại Trường Đại học Ngoại thương. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2012.
3. Luật Giáo dục năm 2005.
4. Luật Giáo dục đại học năm 2012.
5. Nguyễn Thị Trang. Xây dựng mô hình đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên với chất lượng đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Báo cáo tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học tại Đại học Đà Nẵng năm 2010.
6. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008. Thống kê ứng dụng. H.NXB Thống kê (tái bản lần 1), 2010.
7. Trường Đại học Văn Lang. http://vlu.edu.vn.